Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Khu tự trị Tân Cương

[MINH HUỆ 09-07-2020] Ngày 9 tháng 7 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố chế tài xử phạt đối với Sở Công an và bốn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Khu Tự trị Tân Cương, trong đó có Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc.

Các chế tài xử phạt này dựa trên Sắc lệnh 13818 “Phong tỏa tài sản của những người lạm dụng nhân quyền hoặc tham nhũng nghiêm trọng”, được xây dựng và thực thi theo đạo luật trách nhiệm nhân quyền toàn cầu Magnitsky và được Tổng thống Trump ban hành vào ngày 20 tháng 12 năm 2017.

Điều này báo hiệu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới trong việc truy tìm những cá nhân, kể cả những người sinh sống ở Trung Quốc, từng trợ giúp ĐCSTQ lạm dụng nhân quyền.

Tội ác của Trần Toàn Quốc đối với Pháp Luân Công

Hoa Kỳ tuyên bố Trần phải chịu trách nhiệm về “việc giam giữ bất công hoặc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, những người dân tộc Kazakhstan và người thuộc các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương”. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đóng băng toàn bộ tài sản ở Hoa Kỳ của Trần và ba quan chức khác. Bộ Ngoại giao cũng cấm ông ta và hai quan chức bị trừng phạt khác cùng thân nhân nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng liệt kê ra các tội ác của những người này như thành lập và điều hành nhiều trại giam, tra tấn, sử dụng giám sát kỹ thuật số và “cải tạo chính trị”.

Trước khi Trần đến Tân Cương để bức hại những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, ông ta đã trực tiếp tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công trong nhiều năm. Những tội ác đối với Pháp Luân Công là cuộc bức hại nhân quyền lớn nhất, nghiêm trọng nhất và cũng kéo dài nhất trong lịch sử của ĐCSTQ.

The Wall Street Journal (Tạp chí phố Wall) đưa tin, từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Trần khi đó là một quan chức cao cấp ở tỉnh Hà Nam, đã tham gia vào việc đàn áp và phụ trách việc tiêu hủy các kinh sách và đĩa VCD của Pháp Luân Công trên địa bàn.

Trần tiếp tục giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công khi chuyển sang tỉnh Hà Bắc với tư cách là chủ tịch tỉnh từ tháng 1 năm 2010 tới tháng 8 năm 2011. Dưới sự cai trị của ông ta, một số học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, trong đó có bà Ngô Chí Kim, một giáo viên mầm non ở thành phố Tam Hà, và bà Hồ Liên Hoa, giáo viên tiểu học ở huyện Diêm San.

Trần trở thành bàn tay sắt của ĐCSTQ ở Tân Cương sau khi nhậm chức bí thư của khu tự trị này vào tháng 8 năm 2016. Ông ta đã chi 9,1 tỷ Đô la để “duy trì ổn định” (một thuật ngữ của ĐCSTQ khi đàn áp những bất đồng trong xã hội) vào năm 2017, tăng 92% so với năm trước đó.

Qua nhiều năm, Trần đã thiết lập được một mạng lưới giám sát, bao gồm một lượng lớn camera và máy nhận diện khuôn mặt, biến Tân Cương thành một nhà tù khổng lồ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác.

Các học viên Pháp Luân Công ở Tân Cương cũng phải đối mặt với sự bức hại chưa từng có sau khi Trần tới tiếp quản. Với hệ thống giám sát đồ sộ, hầu như học viên Pháp Luân Công nào ở đây cũng đều bị cầm tù, bị hạn chế quyền tự do cá nhân hoặc buộc phải đi trốn. Một số học viên, kể cả các học viên cao tuổi, đều bị tra tấn tàn khốc.

Ví dụ, chính quyền đã giam giữ cụ bà Nghiêm Nghi Học, 90 tuổi, tại một trung tâm tẩy não ở thành phố Thạch Hà Tử trong một năm. Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp lý Thạch Hà Tử đã ngang nhiên tát vào mặt cụ, cảnh sát đã đánh đập và còng tay cụ vào ghế sắt hai tuần liền. Chính quyền địa phương bắt cụ lần nữa vào tháng 5, trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, vốn bị trì hoãn từ tháng 3 đến ngày 22 tháng 5 năm 2020 vì đại dịch virus corona. Từ đó đến nay, gia đình cụ vẫn không biết hiện cụ đang ở đâu.

Cụ bà Lý Ngọc Lan, 76 tuổi, một cựu bác sỹ sản khoa ở thành phố Ngũ Gia Cừ, bị bắt ba năm trước, sau đó bị kết án 18 tháng tù giam.

Ông Mã Siêu, một kỹ sư cao cấp tại Trung tâm Giám sát Môi trường, đã bị giam giữ tại “cơ sở giáo dục và chuyển hóa” (trung tâm tẩy não) ở thành phố Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), sau đó được chuyển tới Trại Tập trung An Trữ Cừ.

Ngoài những học viên được đã đề cập trên đây, còn có một số học viên bị đưa vào các trại tập trung từ năm 2017, vẫn đang bị giam giữ. Vì dịch bệnh virus corona mà gia đình một số học viên đã không được vào thăm họ hơn sáu tháng qua.

Bà Trương Tiểu Bình ở thành phố Urumqi, bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não hơn hai năm, và được cho là đã được thả ra vào đầu năm 2020, nhưng tại thời điểm viết bài này, bà vẫn đang bị giam giữ vì quan chức địa phương của bà từ chối nhận bà về, với lý do điều đó sẽ ảnh hưởng tới tiền thưởng hàng năm của họ.

Kẻ tòng phạm với những tội ác của ĐCSTQ sẽ bị truy nã

Trang Minh Huệ (Minghui.org) đưa tin đầu tay về cuộc bức hại Pháp Luân Công hàng ngày trong suốt 21 năm qua. Cho đến nay, Minh Huệ cũng đã thu thập được thông tin về hơn 100.000 thủ phạm tham gia vào cuộc bức hại này.

Năm ngoái, Bruno Dey, một cựu lính gác thuộc lực lượng quân áo đen (Schutzstaffel) của Đức Quốc xã, nay đã 93 tuổi, đã bị đưa ra xét xử vì đã sát hại 5.230 tù nhân tại một trại giam. Ông ta chỉ là một lính gác và không chủ động tham gia vào việc tàn sát. Nhưng cho dù góp phần nhỏ đến đâu, đã là một bánh răng trong cỗ máy giết người của Đức Quốc xã thì ông ta vẫn không tránh khỏi bị công lý truy xét, kể cả rất nhiều năm đã trôi qua.

Luật nhân quả là quy luật tự nhiên chi phối nhân gian. Những kẻ tòng phạm với ĐCSTQ đừng nên hy vọng có thể thoát tội.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/14/408972.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/21/185964.html

Đăng ngày 24-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share