[MINH HUỆ 15-03-2020] Diễn đàn chính sách: “Mua bán Nội tạng và Giết người Phi pháp ở Trung Quốc” được tổ chức tại Trung tâm Đón khách Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, do Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Washington DC trình bày.

Ông Matthew P. Robertson, Chuyên viên Nghiên cứu về Trung Quốc với Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, đã trình bày báo cáo nghiên cứu mới nhất của ông có tiêu đề “Mua bán Nội tạng và Giết người phi pháp ở Trung Quốc: Rà soát lại các bằng chứng” trong diễn đàn.

Báo cáo này tổng hợp các dữ liệu liên quan từ hơn 300 bệnh viện ở Trung Quốc, các bài phát biểu và thông báo nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các bài báo y khoa lâm sàng. Báo cáo xem xét các xét nghiệm máu và y tế của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ.

Báo cáo kết luận việc khai thác nội tạng phi pháp từ các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm khác là lời giải thích hợp lý và đáng sợ nhất cho số ca ghép tạng lớn ở Trung Quốc.

d4b829a6ca0458cdb3127a522834a33d.jpg

Nghị sỹ Chris Smith đã lên án ĐCSTQ vì nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm tại diễn đàn diễn ra tại Washington DC vào ngày 10 tháng 3 năm 2020.

Nghị sỹ Chris Smith, giáo sư luật Donald Clark của Đại học George Washington, cùng những người khác cũng tham gia diễn đàn. Họ kêu gọi chính phủ, các tổ chức y tế và các tổ chức nhân quyền khác của Hoa Kỳ và các nước khác tiến hành điều tra toàn diện và hành động để chấm dứt tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Nghị sỹ Smith cho rằng báo cáo của ông Robertson dựa trên kết quả điều tra kỹ lưỡng, cung cấp nhiều thông tin và tạo ra một điểm tựa cho vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Ông cho biết hành vi kinh hoàng kiểu Đức quốc xã này là rất phổ biến ở Trung Quốc. Những người bất đồng chính kiến ​​và những người mà Đảng không ưa, như các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, là nạn nhân.

Bà Nadine Maenza, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ, cho biết kể từ năm 2007, ủy ban này năm nào cũng đề cập đến nạn thu hoạch nội tạng của Trung Quốc trong báo cáo thường niên của họ. Bà chỉ ra rằng báo cáo của ông Robertson đã cung cấp bằng chứng mới về tình trạng vi phạm tự do tín ngưỡng của ĐCSTQ.

Bà Maenza cho hay, mấy thập kỷ qua, họ đã biết chính quyền ĐCSTQ lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm. Bà kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ điều tra tất cả các cáo buộc một cách đầy đủ và kỹ lưỡng. Nạn thu hoạch nội tạng đáng lẽ không được tồn tại trong thế kỷ 21.

Ngay từ đầu tháng 6 năm 2019, Tòa án Trung Quốc, do Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Nạn Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) thành lập, đã đưa ra phán quyết: “Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã xảy ra nhiều năm ở khắp Trung Quốc trên quy mô lớn và các học viên Pháp Luân Công đã trở thành một, và có lẽ là nguồn tạng chính.”

7300ad3e8b43fdf13a627beb79ea5a5b.jpg

Các học viên Pháp Luân Công tái hiện hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở thành phố Oslo, Na Uy.

Số ca hiến tạng tăng chóng mặt sau khi bãi bỏ hoạt động thu hoạch tạng từ tử tù?

Ước tính số nội tạng thu hoạch vì mục đích thương mại hàng năm ở Trung Quốc dao động từ 60.000 đến 100.000, trong khi cả thế giới chỉ có khoảng 100.000 ca ghép tạng thông qua các phương tiện y tế hợp pháp.

Ông Robertson phát hiện rằng sau năm 2000, hoạt động cấy ghép tạng ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng với tốc độ không tin nổi. Theo lời của một bác sỹ phẫu thuật tại một trường đại học quân y ở Tây Nam Trung Quốc, nó đang “phát triển như nấm.”

Chỉ trong bốn năm từ năm 2000 đến 2004, số ca ghép thận ở Trung Quốc đã tăng gần 5 lần; số ca ghép gan tăng gần 20 lần; số ca ghép tim tăng hơn 10 lần; và số ca ghép phổi tăng gần 25 lần.

Riêng 10 bệnh viện ông Robertson khảo sát đã có thể thực hiện hơn 14.000 ca ghép tạng mỗi năm. Mà Trung Quốc có tới 173 cơ sở tương tự như vậy.

60bd0ca389f91005eb779846ba1ef084.jpg

Ông Matthew Robertson, chuyên viên nghiên cứu viên về Trung Quốc cùng Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, phát biểu tại diễn đàn diễn ra tại Washington DC hôm mùng 10 tháng 3 năm 2020.

Chính quyền Trung Quốc giải thích về vấn đề này không nhất quán. Trước năm 2006, ĐCSTQ khẳng định chỉ có nguồn hiến tạng từ người tình nguyện. Sau đó, họ lại đổi thành là nguồn tạng là từ tử tù bị hành quyết hợp pháp.

Khi công cuộc cải cách tư pháp liên tục khiến số tù nhân tử hình ở Trung Quốc giảm đi, năm 2015, chính quyền ĐCSTQ đã chính thức tuyên bố bãi bỏ việc sử dụng nội tạng từ tử tù và sử dụng nội tạng từ công dân hiến tặng tự nguyện làm nguồn tạng chính để phục vụ hoạt động cấy ghép tạng.

Số liệu chính thức của ĐCSTQ cho thấy vào năm 2015, năm đầu tiên cấm lấy nội tạng từ tử tù, số trường hợp hiến tạng từ công dân Trung Quốc đã tăng từ 1.500 vào năm 2014 lên 2.766, rồi tăng lên 4.080 trường hợp năm 2016, 5.146 trường hợp năm 2017, và 6.302 trường hợp năm 2018.

Ông Robertson đã tiến hành phân tích thống kê dữ liệu liên quan và kết luận rằng dữ liệu mà ĐCSTQ công bố là những con số nhân tạo khiên cưỡng theo một mô hình toán học, và nhất định còn có một nguồn nội tạng bí mật thứ hai.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể cấy ghép gan khẩn cấp trong vòng 24 đến 72 giờ, hoặc chỉ vài ngày hoặc trong một số trường hợp là vài tuần. Điều này ngụ ý rằng Trung Quốc có một ngân hàng gan sống được phân loại theo nhóm máu, có thể lấy ra theo nhu cầu của bệnh nhân.

Nghị sỹ Smith cho rằng cấy ghép tạng trên quy mô lớn thì không thể không có sự hỗ trợ về chính sách của các quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Ông nói cơ sở hạ tầng đồ sộ và nhân viên y tế dồi dào cho hoạt động cấy ghép nội tạng đã được chuẩn bị khá lâu trước khi Trung Quốc có kế hoạch sử dụng hệ thống hiến tạng tự nguyện. Có vẻ như hệ thống này rất tàn ác và được trù tính từ trước. Hệ thống chết người này xem ra được sự hỗ trợ cao nhất của Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công là các ngân hàng tạng sống

Ông Robertson cho rằng dù đối tượng bị thu hoạch nội tạng rất rộng, thậm chí bao gồm cả những người ăn xin, nhưng nhóm lớn nhất và dễ bị xâm hại nhất là các tù nhân lương tâm, trong đó có các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.

Trịnh Thụ Sâm và Vương Lập Quân, hai quan chức cao cấp của ĐCSTQ bức hại các học viên Pháp Luân Công, đều khoe khoang về thành tích của họ trong hoạt động nghiên cứu ghép tạng.

Nghị sỹ Smith cho hay lời kể của các nhân chứng, số ca cấy ghép lớn và thời gian chờ đợi ngắn cho thấy rõ rằng nội tạng ở Trung Quốc bị lấy đi từ những người còn sống. Họ bị đối xử như vật nuôi, cứ phải nín thở cho đến khi người ta tìm được nội tạng tương thích.

Ông chỉ ra rằng những tù nhân có đức tin là những người hiến tạng lý tưởng vì họ có lối sống lành mạnh. Một nhân chứng là lính canh tù được đề cập đến trong báo cáo của Tòa án Trung Quốc cho biết lý do duy nhất mà một học viên Pháp Luân Công thoát được việc bị chọn làm “người hiến tạng” là bị ốm đau. Còn 25 học viên khỏe mạnh hơn đều đã bị giết để lấy nội tạng rồi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/15/402489.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/19/183693.html

Đăng ngày 23-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share