Bài viết của Đồng Căn và Vô Huyền

[MINH HUỆ 15-04-2020] Virus corona bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Trong vòng vài tháng, từ một dịch bệnh ở một địa khu, nó đã phát triển thành một đại dịch toàn cầu.

Khi người dân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải chống chọi với dịch bệnh và tìm cách chữa trị, chúng tôi muốn trình bày một cái nhìn toàn diện về những bài học có thể rút ra từ đại dịch này: về xã hội, văn hóa và khoa học hiện đại, cũng như lịch sử của chúng ta.

Chúng tôi hy vọng loạt bốn bài viết này sẽ giúp độc giả hiểu rằng đại dịch toàn cầu đã không xảy ra nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không liên tục đưa tin sai lệch (Phần 1). Chúng tôi cũng xem xét các giả thuyết về nguồn gốc của virus corona (Phần 2) và đại dịch bắt đầu như thế nào (Phần 3).

Mặt khác, phần tìm hiểu về đại dịch trong bối cảnh văn hóa và lịch sử (Phần 4) sẽ đưa ra các manh mối về cách đánh giá lại các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức của chúng ta trong khi chuẩn bị bước sang chương tiếp theo của lịch sử.

Sau đây là những nét chính của loạt bài viết này:

Phần 1: Các mốc thời gian và phân tích
Chương 1: Che giấu dịch bệnh ở Trung Quốc
Chương 2: Liệu thảm kịch như thế này có tái diễn?

Phần 2: Một chủng virus bí ẩn — Nó bắt đầu từ đâu?
Chương 3: Thuyết nguồn gốc từ Hoa Kỳ
Chương 4: Thuyết nguồn gốc từ Trung Quốc

Phần 3: Một chủng virus bí ẩn — Nó bắt đầu như thế nào?
Chương 5: Thuyết nguồn gốc nhân tạo
Chương 6: Thuyết nguồn gốc tự nhiên

Phần 4: Nhìn lại khoa học hiện đại và tìm về các giá trị truyền thống
Chương 7: ĐCSTQ đã đặt ra một thách thức chưa từng có đối với nhân loại
Chương 8: Suy ngẫm về trí huệ của cổ nhân

* * *

(Tiếp theo Phần 2)

Phần 3: Một chủng virus bí ẩn — Nó bắt đầu như thế nào?

Như đã chỉ ra trong Phần 2, hiện nay có một số thuyết đang được lưu truyền. Một loại thuyết tập trung vào nguồn gốc của virus, loại thuyết khác lại xem xét quá trình sinh ra chủng virus này. Trong sơ đồ dưới đây, chúng tôi trình bày khái quát nguồn gốc của virus trong Phần 2 và tóm tắt các lập luận ủng hộ các thuyết về nguồn gốc từ Hoa Kỳ (Chương 3) cũng như nguồn gốc từ Trung Quốc (Chương 4). Phần 3 sẽ xem xét quá trình xuất hiện chủng virus này, đồng thời trình bày các lập luận ủng hộ thuyết nguồn gốc nhân tạo (Chương 5) và thuyết nguồn gốc tự nhiên (Chương 6).

giathuyet.jpg

Chương 5: Thuyết nguồn gốc nhân tạo

Cho đến nay, các lập luận chính về thuyết nguồn gốc nhân tạo của virus đều xoay quanh chuỗi protein gai của nó (protein gai), cũng như một chuỗi DNA được gắn vào có vẻ như sinh ra từ một véc-tơ nhân tạo được dùng để can thiệp DNA.

1. Protein gai của virus mới mang một vị trí cắt đặc biệt không có trong họ hàng gần của nó

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng protein gai của virus corona mới có một đoạn gen đặc biệt có thể bị chẻ ra bởi một loại protein đặc biệt trong tế bào vật chủ. Sau khi chuỗi gen này được cắt bởi một loại protein gọi là furin, virus sẽ có khả năng xâm nhập vào tế bào của vật chủ và lây nhiễm ra nhiều cơ quan nội tạng.

Một số người lập luận rằng vị trí cắt của furin trong virus này là duy nhất, chưa từng thấy ở các loại virus corona cùng họ, nhưng một số nhà khoa học cũng chỉ ra chuỗi gen này tồn tại tự nhiên trong các virus khác, kể cả một số virus corona không liên quan trực tiếp với chủng virus mới này.

Mặc dù có thể lập luận rằng vị trí cắt furin được đưa vào chủng virus này là bằng can thiệp di truyền, vì nó là một quá trình công nghệ sinh học hoàn chỉnh, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng virus tự tiếp nhận chuỗi gen này từ môi trường, bởi thực tế là virus corona là một loại virus RNA không ổn định, liên tục biến thể, và tiếp nhận các chuỗi gen từ môi trường (gọi là quá trình tái tổ hợp di truyền).

Như vậy, chỉ riêng vị trí cắt furin thì chưa đủ để kết luận virus này là một sản phẩm của phòng thí nghiệm.

2. Các nhà nghiên cứu Ấn Độ tuyên bố virus này chứa chuỗi gen của HIV

Ngoài ra, còn có một số lập luận khác về chuỗi protein gai của virus này có chứa chuỗi gen của virus HIV. Một bản thảo của một bài viết của Bishwajit Kundu và cộng sự tại Đại học New Delhi đã được đăng trên tạp chí khoa học bioRxiv vào cuối tháng 1. Nhóm nghiên cứu Ấn Độ nhận thấy bốn đoạn chèn vào protein gai của virus này rất lạ. Chúng không có trong các chủng virus corona khác, còn các axít amin lại giống hệt hoặc gần giống các protein trong virus HIV. Các tác giả cho biết virus Vũ Hán “không thể là xuất hiện ngẫu nhiên trong tự nhiên”. Tuy nhiên, hai ngày sau, nhóm nghiên cứu đã rút lại báo cáo này.

3. Virus mới chứa chuỗi gen tương tự như của véc-tơ nhân tạo p-Shuttle SN

Theo một bài báo của James Lyons-Weiler, cựu chuyên gia tin sinh học (bioinformatician) tại Đại học Pittsburgh, xuất bản ngày 30 tháng 1 năm 2020, virus Vũ Hán được tạo ra bằng công nghệ trong phòng thí nghiệm.

Trong bài viết của mình, Lyons-Weiler cho biết ông đã quan sát thấy một chuỗi gen của virus Vũ Hán giống véc-tơ p-Shuttle SN đến 67%, là thứ được sử dụng ở nhiều phòng thí nghiệm để sản xuất vắc-xin chống SARS. Từ đó, ông suy đoán rằng virus corona mới là một chủng virus nhân tạo được dùng cho nghiên cứu vắc-xin SARS.

Một nhà nghiên cứu khác, Steven Salzburg là nhà sinh học máy tính và là giáo sư tại Trường Y khoa Johns Hopkins, đã tìm kiếm chuỗi gen của virus này từ cơ sở dữ liệu của NCBI (Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia), nhưng kết quả tìm thấy nhiều nhất là các chuỗi gen của virus corona khác của dơi, chứ không phải từ véc-tơ này.

Salzburg lập luận rằng nếu chuỗi virus đó sinh ra từ véc-tơ này thì chúng phải “gần như giống hệt”, chứ không phải là “tương tự” (67%).

Chương 6: Thuyết nguồn gốc tự nhiên

Thuyết nguồn gốc nhân tạo bị bác bỏ vì không có bằng chứng xác đáng nào để chứng minh lập luận rằng virus này thực sự được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Nhiều nhà khoa học đồng ý rằng virus corona mới có lẽ là một chủng virus tự nhiên có nguồn gốc từ dơi.

1. Virus ở dơi có quan hệ gần nhất với virus corona mới, nhưng cần có vật chủ trung gian mới có thể đột biến

Ngày 3 tháng 2 năm 2020, bà Thạch Chính Lệ đã có một bài báo trên tạp chí uy tín Nature với tiêu đề “Sự bùng phát bệnh viêm phổi liên quan đến một loại virus corona mới, có thể có nguồn gốc từ dơi”.

Trong bài báo này, bà Thạch đã cho biết, thông qua giải trình tự toàn bộ chuỗi gen, nhóm của bà đã xác định được một loại virus corona ở dơi tên là RaTG13, giống virus corona mới đến 96,2%. Cho đến nay, đây là chuỗi gen gần với virus corona nhất được báo cáo.

Giống nhau 96,2% không có nghĩa là virus ở dơi có thể trực tiếp lây sang người và là nguyên nhân chính của đại dịch hiện nay. Theo ông Trevor Bedford, một chuyên gia tin sinh học tại Đại học Washington, thông thường phải mất từ 25 đến 65 năm để virus ở dơi đột biến đến độ giống hệt virus corona hiện tại.

Tuy nhiên, virus corona mới mới bùng phát vài tháng trước, nên chưa đủ thời gian để virus dơi loại bỏ sự khác biệt (3,8%) và trở thành virus corona này khi nó đã lây nhiễm trực tiếp vào người.

Khả năng duy nhất để virus dơi nhanh chóng đột biến thành virus corona hiện nay là thông qua các vật chủ trung gian. Nói cách khác, nếu virus dơi đã lây sang một vật chủ trung gian, từ đó lại lây sang người thì sẽ tăng nhanh tốc độ đột biến lên rất nhiều. Ông Richard Ebright thuộc Đại học Rutgers lập luận rằng “tốc độ đột biến có thể khác nhau khi nó lây truyền qua các vật chủ khác nhau trước con người”.

Điều cần truy tìm ở đây là xác định các vật chủ trung gian. Trong các đợt bùng phát dịch bệnh có nguồn gốc động vật trước đây (bệnh lây từ động vật sang người), cả dịch SARS 2003 ở Trung Quốc và dịch MERS 2012 ở Ả Rập Saudi đều được phát hiện là do virus dơi lây qua vật chủ trung gian là cầy hương và lạc đà, trước khi lây sang người và gây bệnh.

Thời điểm virus bùng phát ở Vũ Hán là vào mùa đông năm 2019, khi dơi đã ngủ đông và không có con dơi nào được bán ở chợ. Vì vậy, có khả năng là virus đã tồn tại trong môi trường trong nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn, và đã trải qua một quá trình đột biến toàn diện trước khi trở thành chủng virus chết người này.

Nghiên cứu phát hiện một số loài có thể là vật chủ trung gian như chồn vizon, chồn sương, thậm chí cả rùa. Mặc dù khi danh sách được thu hẹp lại, tê tê có vẻ một vật chủ khả thi cao, nhưng đã nhanh chóng được chứng minh là không thể.

Loài tê tê sống trong môi trường ấm áp, và phải ở vùng cận nhiệt đới, không giống như Vũ Hán. Nó chỉ ăn kiến và mối. Nó cũng có hệ tiêu hóa và hô hấp yếu. Tê tê dễ mắc bệnh, một khi mắc bệnh thì thường gây tử vong. Vì những lý do này, tê tê không thích hợp để nuôi nhốt. Thực tế, Trung Quốc cấm mua bán tê tê, vì vậy nguồn cung tê tê là từ buôn lậu và rất ít con còn sống.

Nếu tê tê là vật chủ trung gian thì những bệnh nhân đầu tiên phải là những kẻ buôn lậu. Dịch bệnh cũng phải lan rộng ở nhiều địa điểm khác nhau, vì Vũ Hán không phải là trung tâm phân phối hàng buôn lậu.

d98a3908ef1d6bec09a5af06e80fd56d.jpg

Mạng lưới buôn lậu tê tê trên thế giới

Cũng bởi vì có hệ hô hấp yếu, nên tê tê dễ bị bệnh khi bị nhiễm virus corona. Nếu bị bệnh, chúng có thể chết trước khi kịp truyền bệnh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc đã tuyên bố kết quả giải trình tự gen của virus lấy từ tê tê giống với virus mới đến 99%, nhưng hóa ra là do thông tin sai lệch trong nhóm, nên sự tương đồng chuỗi gen thực sự chỉ đạt 90%.

Trong dịch SARS năm 2003, sau khi bà Thạch Chính Lệ phát hiện một chủng virus trên cầy hương giống virus SARS đến 99,8%, cầy hương đã được xác định là vật chủ trung gian để virus dơi lây sang người. Vì vậy, 90% tương đồng trong tê tê không đủ để xác định tê tê là vật chủ trung gian cuối cùng cho virus corona mới mà các nhà khoa học đang tìm kiếm.

Mặc dù không có câu trả lời chính xác loài nào là vật chủ trung gian của virus corona, khi truy lại hành trình tìm kiếm nguồn gốc virus SARS năm 2003 của bà Thạch Chính Lệ đã cho manh mối virus dơi mà bà phát hiện ra từ nhiều năm trước có thể tạo ra virus corona như thế nào.

Bà Thạch phải mất bảy năm để tìm ra nguồn gốc đầu tiên của virus SARS, rất có thể là chủng virus RaTG13, trong một hang dơi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Nhưng điều đó đặt ra câu hỏi làm sao chủng virus dơi mà bà phát hiện ra lại di chuyển 1.000 dặm từ Côn Minh đến Vũ Hán, trước khi truyền vào vật chủ trung gian chưa biết?

Chúng tôi trình bày hai hướng có thể xảy ra (hình ảnh bên dưới): đầu tiên, virus được nhóm của bà Thạch mang về và rò rỉ ra môi trường thông qua các động vật thí nghiệm bị xử lý sai; thứ hai, các thành viên trong nhóm bà Thạch bị nhiễm virus dơi và vô tình trở thành vật chủ trung gian đầu tiên trước khi lây nhiễm virus sang vật chủ tiếp theo (động vật) và quay trở lại con người thành đại dịch.

44c0c352195b7f14d9c4ad7dc7991691.jpg

2. Virus dơi mà bà Thạch phát hiện bị rò rỉ ra môi trường thông qua động vật thí nghiệm bị xử lý sai

Mặc dù nhiều người nghi ngờ virus đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm virus học Vũ Hán, và các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trung Quốc cũng được biết là công tác quản lý an toàn rất lỏng lẻo, nhưng rốt cuộc, virus không dễ bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trước hết, các phòng thí nghiệm BSL-4 là rất hiếm, và được thiết kế để nghiên cứu các vi sinh vật cực kỳ nguy hiểm. Những phòng thí nghiệm này được dùng để xử lý các vi sinh vật gây tử vong mà không có biện pháp chữa trị hoặc vắc-xin, như virus Ebola chẳng hạn.

Mọi người được yêu cầu thay quần áo trước khi vào và tắm khi ra khỏi phòng thí nghiệm. Mọi nguyên liệu, vật tư cũng được khử trùng trước khi đưa ra ngoài. Ngoài ra, mọi người đều có trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp, cũng như một bộ bảo hộ che kín người có áp suất dương, nguồn cấp khí thở.

Phòng thí nghiệm BSL-4 cực kỳ biệt lập—thường nằm trong một tòa nhà riêng biệt hoặc trong khu vực cách ly, cấm ra vào của tòa nhà. Phòng thí nghiệm cũng có nguồn cấp và thải khí đặc biệt, cũng như hệ thống khử nhiễm và tạo chân không.

5a4eac25809e288b80e164d3e7837133.jpg

Phòng thí nghiệm BSL-4 tại Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID): Cả hai nhân viên vận hành phòng thí nghiệm đều mặc đồ bảo hộ từ đầu tới chân với áp suất dương.

Hơn nữa, mỗi nhân viên vận hành phòng thí nghiệm BSL-4 thường làm việc theo nhóm với các đồng nghiệp khác dưới sự giám sát bằng video. Điều này khiến một nhân viên phòng thí nghiệm gần như không thể tự ý rò rỉ mầm bệnh.

Điều đó có nghĩa là, vẫn còn một số cách khác để virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.

2.1 Xử lý sai động vật thí nghiệm

Tháng 2 năm 2020, Vũ Tiểu Hoa, một cư dân mạng, đã nêu ra các vấn đề an toàn của động vật thí nghiệm: “Một số phòng thí nghiệm quản lý việc này rất kém, và bán động vật thí nghiệm để kiếm lời. Ví dụ như chó nuôi làm thú cưng (Trường Đại học Y Công đoàn đã từng làm việc này)…. Xác chết của các động vật thí nghiệm cũng không được xử lý thích đáng. Thay vì trả chi phí lớn cho việc hỏa thiêu, Đại học Y Miền Nam và các nơi khác đã bán chúng như bán động vật hoang dã, kể cả khỉ.”

“Tôi đã chứng kiến các sinh viên trong phòng thí nghiệm nấu một loại trứng đặc biệt không có mầm bệnh [để sản xuất vắc-xin] để ăn; lợn thí nghiệm được giết mổ và chia thịt cho các nhân viên của phòng thí nghiệm….. Có người lấy chuột thí nghiệm, bỏ vào túi và nuôi như thú cưng…”

“Sự đột biến và tái tổ hợp của virus có thể xảy ra ngẫu nhiên. Nhưng việc quản lý phòng thí nghiệm có rất nhiều vấn đề.”

Vì những gì ông Vũ nói là sự thật, và hiện tượng này đã tồn tại ở nhiều phòng thí nghiệm của Trung Quốc nên không có nhà khoa học nào bác bỏ thông tin của ông.

Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng không có phản hồi trước ý kiến của ông Vũ; thay vào đó, họ khẳng định phòng thí nghiệm BSL-4 có độ bảo mật cao và áp lực âm sẽ ngăn việc rò rỉ.

Nhưng nếu Viện Virus học Vũ Hán không thể kiểm soát được mầm bệnh vì xử lý sai động vật thí nghiệm thì riêng điều đó thôi đã gây nguy hiểm cho các biện pháp an toàn của nó rồi.

Theo chính sách, trước hết, động vật thí nghiệm cần được khử trùng trên bề mặt, niêm phong vào túi và giữ trong tủ đông. Giống như các chất thải y tế gây nhiễm bệnh khác, sau đó gửi chúng đến lò thiêu để thiêu hai giai đoạn, mỗi giai đoạn tối thiểu là 4 giờ ở nhiệt độ 1.800 ºF (khoảng 1.000 ºC).

Viện Virus học Vũ Hán không có lò đốt riêng nên gửi động vật thí nghiệm như chuột, lợn, cừu, v.v tới các nhà thầu để thiêu. Đây cũng là cách xử lý động vật thí nghiệm ở các nước phương Tây theo đạo đức y khoa.

Song ở Trung Quốc dưới chế độ cai trị của ĐCSTQ, việc này có thể tạo ra một lỗ hổng nghiêm trọng.

Người ta có thể nghĩ, sau khi xử lý bằng dung dịch formalin và đông lạnh, động vật đã qua thí nghiệm đều sẽ bị thiêu. Tuy nhiên ở Trung Quốc, điều gì cũng có thể xảy ra.

Có thể tìm thấy dễ dàng trên Baidu, một trang web tìm kiếm phổ biến của Trung Quốc, các từ khóa như “formalin” và “thịt”, sẽ dẫn đến rất nhiều trang web có thông tin về cách sử dụng formalin độc hại để bảo quản thịt. Cụ thể hơn, việc xử lý formalin có thể biến thịt thối, hoặc thịt từ động vật chết, trông tươi ngon.

Sau khi được bổ sung chất làm mềm thịt (bản thân nó cũng có thể gây độc trong quá trình pha trộn với nitrit) và các phụ gia khác, người tiêu dùng có thể thưởng thức thịt mà không biết trong đó có những gì.

Rõ ràng là ngay cả khi nhân viên phòng thí nghiệm tuân thủ chặt chẽ mọi thủ tục thì họ cũng không thể kiểm soát được những gì xảy ra ở bên ngoài phòng thí nghiệm, và vẫn có khả năng khiến mầm bệnh lây nhiễm cho mọi người mà không bị giới hạn.

Như đề cập trên đây, ông Vũ Tiểu Hoa đã chất vấn bà Thạch Chính Lệ về vấn đề an toàn trong phòng thí nghiệm. Bà Thạch đã không trả lời, có thể là vì việc xử lý động vật trong phòng thí nghiệm nằm ngoài trách nhiệm của bà.

Ngày 17 tháng 2, trang xã hội Weibo xuất hiện một bài đăng tuyên bố Vương Duyên Dật (王延轶), giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, đã để rò rỉ mầm bệnh.

Bài báo viết: “Tôi là Trần Toàn Giao (陈全姣), một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, số ID của tôi là 422428197404080626”, và nói rằng Vương được thăng chức là nhờ vào chồng bà, ông Thư Hồng Binh (舒红兵), thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc kiêm Trưởng khoa Khoa học Đời sống của Đại học Vũ Hán.

“Bà ấy [Vương] thường mang một số động vật từ phòng thí nghiệm đi bán cho các nhà cung cấp ở Chợ Hải sản Hoa Nam”, bài đăng có nêu.

8c47aed6f377803b535310f00e4625e8.jpg

Bà Trần Toàn Giao của Viện Virus học Vũ Hán tiết lộ rằng bà Vương Duyên Dật, giám đốc của Viện, bán động vật thí nghiệm cho các nhà cung cấp

Tuy nhiên, sau bài đăng này, bà Trần đã bị cảnh sát bịt miệng và giam giữ. Có tin cho hay các quan chức đã tìm cách ép bà công khai rút lại những tuyên bố này trên TV. Không rõ bà có tuân thủ yêu cầu đó hay không.

Sau đó, bà Trần đã được thả, nhưng cả bà và gia đình đều không muốn nói nhiều hơn về nó. Một người trong gia đình bà cho biết: “Chúng tôi không muốn gặp rắc rối.”

2.2 Lỗi hệ thống

Có nhiều bằng chứng chứng minh những gì mà Vũ Tiểu Hoa và Trần Toàn Giao công bố. Ngày 2 tháng 1 năm 2020, Lý Ninh, một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, đã bị kết án 12 năm tù. Theo bản án (Vụ án hình sự số 15 của huyện Tông Hình năm 2015), Lý đã biển thủ 37,6 triệu Nhân dân tệ từ các quỹ khoa học, trong đó 10,2 triệu Nhân dân tệ là từ việc bán động vật thí nghiệm và sữa bỏ đi. Nghĩa là, Lý đã bán những con bò và sữa biến đổi gen trong phòng thí nghiệm cho người tiêu dùng để kiếm tiền.

Cả Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và Viện Virus học Vũ Hán đều không có hệ thống giám sát an toàn hiệu quả. Cũng như chính ĐCSTQ, khâu tự giám sát thường bị bỏ qua. Chỉ sau khi xuất hiện các vấn đề lớn, người ta mới biết đến sự tồn tại của chúng.

Theo lời kể của bà Trần, lợi nhuận từ việc bán động vật không nhiều. Trong số các động vật của Viện Virus học Vũ Hán, chuột bán không chạy, và số lợn, chó, cừu, thỏ hoặc rắn không nhiều (khác với phòng thí nghiệm nông nghiệp). Số tiền lớn hơn có thể là khoản tài trợ khoa học cho việc xử lý chất thải y tế (bao gồm cả việc thiêu động vật thí nghiệm).

Một số nhà thầu hám lợi có thể nhận tiền thanh toán từ các cơ sở nghiên cứu (như Viện Virus học Vũ Hán) để thiêu hủy, và cũng kiếm tiền bằng cách bán động vật thí nghiệm thay vì thiêu chúng như quy định trong hợp đồng.

Sau khi dịch virus corona bùng phát, đến tháng 2, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm cần phải được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Ngày hôm sau, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra các quy định mới thông qua một thông tư có tiêu đề: “Ý kiến chỉ đạo về tăng cường quản lý an toàn sinh học trong các phòng thí nghiệm vi sinh xử lý các chủng virus phát triển cùng cấp độ với virus corona mới”.

Hiện vẫn chưa rõ những quy định này có hiệu quả đến đâu. Như đã bàn trong Phần 1 của loạt bài viết này, ĐCSTQ có đầy đủ nguồn lực để xác định, báo cáo và công bố các dịch bệnh như dịch virus corona. Nhưng khi các bác sỹ, các nhà khoa học và các cơ sở thí nghiệm xác định được virus corona và báo cáo lên cấp trên, thì họ lại bị bịt miệng và trừng phạt.

Đối với việc xử lý động vật thí nghiệm, nó liên quan đến trách nhiệm xã hội và đạo đức. Nó cũng nằm ngoài các quy định, và chúng tôi sẽ bàn đến trong Phần 4.

Tiếc thay, vì các chuyên gia y tế đã bị khiển trách khi cảnh báo về dịch bệnh, các quan chức đã ra lệnh dọn sạch Chợ Hải sản Hoa Nam vào ngày 31 tháng 12, và nó đã bị đóng cửa ngày 1 tháng 1.

Một loạt những hành động này đã gây khó khăn cho việc điều tra chợ hải sản, nơi chính quyền Trung Quốc tuyên bố là điểm khởi phát dịch bệnh và là nơi bán một số động vật thí nghiệm chết do phòng thí nghiệm virus học thải ra.

3. Virus mà bà Thạch phát hiện đã lây nhiễm cho nhóm của bà và tạo điều kiện cho việc lây truyền sau đó

Một con đường khác để virus lây từ dơi sang vật chủ trung gian không xác định là thông qua các thành viên trong nhóm bà Thạch.

Để có cái nhìn tổng thể về khả năng này, chúng ta phải xem xét những gì bà Thạch đã làm sau dịch SARS năm 2003.

3.1 Nhìn lại phát hiện về virus SARS

Sau đại dịch SARS năm 2003, bà Thạch và nhóm của bà tại Viện Virus học Vũ Hán đã bắt đầu đi tìm nguồn gốc của virus, nhằm ngăn chặn một dịch bệnh lớn khác.

Họ đã dành bảy năm và đến nhiều nơi để tìm virus. Họ không biết có thành công hay không cho đến một ngày họ đến một hang dơi ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.

Thông qua giải trình tự gen, bà Thạch rất mừng khi phát hiện ra một loại virus tự nhiên ở dơi móng ngựa, giống virus SARS đến 97%.

Sau năm năm lấy mẫu và phân tích, nhóm của bà Thạch đã chứng minh loài dơi móng ngựa là nguồn gốc của virus SARS trong một bài báo năm 2013 trên tạp chí Nature.

Bà Thạch đưa ra con đường lây nhiễm của SARS 2003 như sau:

Virus SARS dơi ở Vân Nam đã lây nhiễm sang cầy hương ở Vân Nâm (nuôi nhốt), rồi được vận chuyển sang tỉnh Quảng Đông, nơi bán cầy hương, cuối cùng virus đã tiến hóa thành virus SARS và bùng phát thành dịch ở người.

Phát hiện của bà Thạch được các đồng nghiệp công nhận, nên đã đặt cho bà danh hiệu “Người phụ nữ dơi”.

3.2 Khả năng lây nhiễm cho các thành viên trong nhóm

c31868530f9a19077e8e8ff670c053f0.jpg

Bảo hộ cá nhân tối thiểu của nhóm bà Thạch Chính Lệ khi thu thập các mẫu virus dơi: Bên trái: thu thập mẫu; phía trên bên phải: tìm kiếm dơi trong hang; phía dưới bên phải: tay bị dơi cắn.

Qua những tấm ảnh trên, có thể thấy khi nhóm của bà Thạch dành sáu năm làm việc ở Vân Nam để thu thập các mẫu virus dơi, họ đã làm việc rất gần với dơi, bao gồm cả việc lấy mẫu. Một số người không đeo mặt nạ hoặc găng tay. Ngay cả những người đeo găng tay cũng bị dơi cắn và chảy máu.

Bà Thạch giải thích chỉ khi có quá nhiều dơi trong hang và bụi gây khó thở thì họ mới trang bị bảo hộ cá nhân. Bà cho biết trong một bài thuyết trình tháng 6 năm 2018: “Mặc dù dơi mang nhiều virus nhưng xác suất lây nhiễm sang người là rất thấp.”

Nhưng điều đó có thể rất rủi ro. Bài viết của nhóm bà Thạch trên tạp chí Virologica Sinica vào tháng 3 năm 2018 cho biết đã tìm thấy 3% dân làng ở khu vực gần hang dơi, nơi họ làm việc, có kháng thể chống virus corona, một dấu hiệu rõ ràng về hiện tượng lây nhiễm trước đó. Bởi vì theo thời gian, mật độ kháng thể sẽ giảm xuống dưới mức phát hiện được, nên tỷ lệ nhiễm bệnh thực tế của dân làng có thể cao hơn.

Họ bị nhiễm bệnh như thế nào? Một số người đã nhìn thấy dơi bay vào làng, và một người dân đã xử lý một con dơi chết; cũng có lần một số người đến gần hang động. Nếu vậy, nhóm bà Thạch đã đi vào hang nghiên cứu dơi, do đó cơ hội nhiễm bệnh của họ có thể cao hơn nhiều. Chỉ là virus này không độc hại, và việc lây nhiễm không gây bệnh.

Cần lưu ý, dơi trong hang, đặc biệt là dơi móng ngựa, là vật chủ tự nhiên của SARS và các loại virus khác. Chúng mang đủ loại gen liên quan đến SARS. Khi virus liên tục trải qua việc trao đổi gen di truyền (tái tổ hợp), thật khó để dự đoán những gì sẽ ra. Ở một mức độ nào đó, có thể gọi nó là chiếc hộp Pandora (chỉ những vấn đề lớn và bất ngờ).

Nếu các thành viên trong nhóm của bà Thạch bị nhiễm virus và mang nó trở lại Vũ Hán, thì cũng có thể giải thích tại sao virus dơi RaTG13 mà nhóm bà Thạch mang về trong ống nghiệm có đến 96,2% giống chuỗi gen của virus Vũ Hán, là chủng gần nhất được báo cáo cho đến nay.

Ở một mức độ nào đó, điều này cũng có thể giải thích tại sao Viện Virus học Vũ Hán báo cáo không có trường hợp nhiễm bệnh nào. Các nhân viên có thể đã có kháng thể từ các lần lây nhiễm với virus không gây bệnh trước đó. Cũng như khi công nhân bò sữa tiếp xúc với đậu mùa ở bò thì cũng miễn nhiễm với bệnh đậu mùa.

Nhưng việc phát hiện kháng thể của các thành viên trong nhóm của bà Thạch có giúp xác định con đường lây truyền của bệnh không? Có thể không giúp được gì nhiều vì khi virus không hoạt động, mức kháng thể cũng giảm xuống; nó chỉ tăng lên khi gặp loại virus tương tự.

(Còn nữa)

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

新冠瘟疫-回溯误区-惊见根源-根本治愈(5)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/15/403644.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/28/185258.html

Đăng ngày 10-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share