Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục
[MINH HUỆ 23-02-2018] Hai năm gần đây, vì lý do công việc, tôi tiếp xúc với rất nhiều người từ các nước khác nhau. Có nhiều người nước ngoài đến Trung Quốc để liên hệ công tác, và tôi lại trở thành đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc. Trong quá trình tiếp xúc với họ, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là, hóa ra văn hóa đảng của tự thân lại nghiêm trọng đến như vậy.
Sư phụ có giảng:
“Có người nghĩ: ‘Không được đâu, tôi phải đón tiếp tiễn đưa [khách]’, hoặc ‘Tôi chuyên trách liên hệ công tác [giao dịch] bên ngoài, không uống rượu thì không làm tốt công việc được’. Tôi nói rằng không như vậy; khi bàn công việc kinh doanh, nhất là bàn việc kinh doanh với người nước ngoài; chư vị gọi đồ uống, người này gọi nước khoáng, người kia gọi bia. Không ai ép chư vị uống [rượu]; chư vị tự chọn tự uống, uống bao nhiêu thì uống” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thực sự thấu hiểu đoạn Pháp này, chỉ có thể giải thích trên bề mặt chữ nghĩa, cho rằng điều Sư phụ giảng là về vấn đề không được uống rượu. Nhưng khi ở cùng với người nước ngoài, tôi mới thực sự đạt được sự thăng hoa về nhận thức đối với đoạn Pháp này. Có một lần, tôi cùng một vài đồng nghiệp người Anh trò chuyện với nhau. Trong lúc trò chuyện, tôi cảm thấy mình đã nói một câu mạo phạm đến một vị đồng nghiệp, tôi liền lập tức xin lỗi anh ấy. Không ngờ rằng, anh ấy cũng nhanh chóng giải thích với tôi: “Không cần phải thấy có lỗi đâu, vì tôi căn bản cũng không quan tâm (bạn vừa nói cái gì).” Biểu cảm khuôn mặt và ngữ khí nói chuyện của anh ấy dường như đều rất mong muốn làm tôi không cảm thấy bối rối, xấu hổ hay tội lỗi về chuyện này.
Lúc này, tôi hiểu ra rằng hóa ra đây là cách mà người không có văn hóa đảng giao tiếp với nhau. Đột nhiên, tâm thái tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, dễ chịu mà trước giờ chưa từng trải qua, giống như Sư phụ giảng về loại tâm thái này của người nước ngoài:
“Không ai ép chư vị uống [rượu]; chư vị tự chọn tự uống, uống bao nhiêu thì uống” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhận thức được rằng, ở đây không có ai vì biểu hiện của bạn không giống người khác mà có ý kiến gì với bạn. Quả đúng là vậy, quan sát một lượt, mọi người ngồi tại đây đều không giống nhau, tuổi tác khác nhau, tính khí tính cách khác nhau, quan điểm về những chủ đề mà chúng ta bàn luận cũng khác nhau. Tuy nhiên mỗi người đều có thể hòa hợp, không hề xảy ra tranh cãi.
Tôi nhớ đã đọc được một bài viết của một du học sinh Trung Quốc tại nước ngoài. Đại ý của bài viết rằng, khi mới ra nước ngoài cảm thấy ở đó chẳng có điểm gì tốt, đời sống giải trí còn không đa dạng như ở Trung Quốc Đại lục. Tuy nhiên thời gian dần trôi qua lại phát hiện, ở nước ngoài cho dù bạn làm bất kỳ việc gì đều không có ai chỉ trỏ bạn, cho dù bạn làm gì đi chăng nữa, cũng không có ai cảm thấy kỳ quái.
Chương trình phát thanh Minh Huệ có kể một câu chuyện về “Quân tử hòa nhi bất đồng” (Bậc quân tử hòa hợp với nhau nhưng kiến giải không nhất định phải tương đồng với nhau), trong đó có một ví dụ rất mang tính hình tượng, nói rằng một nồi canh cho vào các loại gia vị khác nhau như hành, muối, rau thơm, dầu ăn… mới có thể tạo nên một nồi canh thơm ngon, nhưng nếu như chỉ cho một chút muối hoặc chút đường, vậy thì không còn ra nồi canh nữa!
Tư tưởng của những con người trưởng thành trong văn hóa đảng đều bị hạn cuộc trong một cái khung nào đó, sau đó ở trong cái khung đó phát huy những sở trường của bản thân. Kỳ thực, lúc này họ đã không còn tồn tại cá tính riêng biệt và tư tưởng độc lập nữa. Tuy nhiên, những người Trung Quốc đang khoác trên mình một bộ văn hóa đảng ấy lại không hề cảm nhận được điều này.
Khi giao tiếp với người Tây phương, tôi có còn một cảm nhận mạnh mẽ nữa, chính là họ gần như không có tâm tật đố.
Ví dụ, một người Anh khen ngợi một đồng nghiệp lúc cô ấy không có mặt tại đó trước mặt mọi người. Khi đó, trong tâm tôi thấy không thoải mái lắm, tôi nghĩ: “Người ta không có mặt ở đây lại làm cùng chức vụ với mọi người, công việc phụ trách cũng không khác nhau nhiều. Anh khen cô ấy, vậy thì người khác sẽ nghĩ sao?”
Sau việc này tôi hiểu ra, khi đó không có ai nghĩ như tôi cả, tôi có suy nghĩ như vậy là vì tôi có tâm tật đố mạnh mẽ! Đối với người Tây phương mà nói, khen ngợi người khác là một điều hoàn toàn bình thường, khen trực diện hay sau lưng đều như vậy cả. Hơn nữa khen ngợi một người không có nghĩa là hạ thấp một người khác. Nếu như người nghe cảm thấy bản thân bị hạ thấp, vậy thì là do tâm tật đố của họ tạo thành.
Sư phụ đã giảng rõ:
“Người Tây phương gọi đó là ‘tật đố Đông phương’, cũng gọi là ‘tật đố châu Á’. Toàn bộ vùng châu Á đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo tương đối sâu sắc, ít nhiều là như thế; còn riêng Trung Quốc chúng ta thì biểu hiện rất mạnh mẽ.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Tôi cũng đã tiếp xúc với những người thuộc các quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Singapore, Ấn độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài loan và Hồng Kông. Tuy rằng con người của mỗi quốc gia đều không giống nhau, nhưng so sánh với người Tây phương liền phát hiện rằng toàn bộ con người vùng châu Á đều rất hướng nội. Người châu Á khác người Tây rất ít khi sử dụng những từ ngữ khen ngợi, nguyên nhân sâu xa vẫn là do vấn đề “tật đố châu Á”.
Tôi phát hiện rằng người không có văn hóa đảng, thường biết cách lắng nghe, họ không bao giờ chen ngang vào lời nói của người khác, cho dù không đồng ý với quan điểm của bạn, họ vẫn sẽ yên lặng lắng nghe hết rồi mới nói ra ý kiến của mình. Còn tôi thường xuyên cắt ngang lời nói của người khác, nhưng bản thân lại không nhận ra. Khi người khác cắt ngang lời nói của tôi, tôi sẽ cảm thấy vô cùng bất mãn khó chịu.
Khi phát biểu ý kiến cá nhân, người không có văn hóa đảng thường chỉ bày tỏ quan điểm của mình, không thể hiện sự nóng vội nào đó. Còn người có văn hóa đảng khi bày tỏ quan điểm của bản thân, không những vội vàng mà còn không nói chuyện một cách bình thường, thậm chí có chút giống như nhồi nhét điều gì đó cho đối phương, càng như vậy, người nghe càng bài xích phản cảm, bởi vì họ không muốn bị nhồi nhét quan niệm nào. Nếu mang văn hóa đảng đi giảng chân tướng, kết quả như nào hoàn toàn có thể tưởng tượng được.
Có một lần, một vị tiền bối có tiếng trong công ty kể cho chúng tôi nghe về trải nghiệm của ông sau Thế chiến II. Ông ấy tám mươi tuổi và là người Do Thái. Kỳ thực lúc đó tôi không nghe hiểu hết toàn bộ câu chuyện của ông, vì khả năng nghe tiếng Anh của tôi có hạn, thêm vào đó không quen với khẩu âm của ông, hiện tại tôi gần như không thể nhớ lại được rằng ông đã nói gì. Khi đó lắng nghe ông kể về trải nghiệm cuộc sống của mình, tôi đã không kìm nén được nước mắt, nhưng không nói rõ được là vì sao. Sau này, tôi hiểu ra: Thì ra một người thường không có văn hóa đảng, tính tình thiện lương, ít chấp trước (vì hiện tại ông đã 80 tuổi), và chưa tu luyện, lời ông nói ra có thể mang theo năng lượng của thiện.
Tiếp xúc càng nhiều với những người không có văn hóa đảng, tôi càng cảm thấy bản thân mình rất dơ bẩn, rất gian xảo lươn lẹo! Tôi cảm thấy từ “gian xảo lươn lẹo” này rất phù hợp để miêu tả những suy nghĩ của tôi. Ví dụ như, khi tôi và một đồng nghiệp người Đài Loan ở cùng nhau, tuy anh ấy không phải người tu luyện, nhưng chúng tôi đều là người Trung Quốc cùng chung một cội nguồn, một tổ tiên. Anh ấy làm việc rất thẳng thắn, cần làm thế nào đều làm thế đó, cho dù đó không phải chuyện tốt, nhưng anh không hề che giấu, không vòng vo, nói chuyện, làm việc đều như vậy cả. Còn tôi thì sao? Cho dù tôi làm một việc tốt, tôi cũng phải vòng vo, hoặc là dùng những hành động và lời nói để che giấu những động cơ của mình.
Mang theo văn hóa đảng, tôi làm việc thật sự rất “gian”. Dùng từ “gian” trong công việc đời sống tại hoàn cảnh Trung Quốc Đại lục này, tôi không hề cảm thấy có gì không thỏa đáng, vì toàn bộ hoàn cảnh tại đây đều như vậy cả. Chỉ khi bạn gặp được môi trường và con người không có văn hóa đảng, bạn mới phát hiện ra bản thân mình kỳ lạ đến thế nào. Vì vậy, từ mức độ và góc độ nhất định, tâm tính của người tu luyện như tôi vẫn có vài điểm không bằng người thường.
Tôi ngộ được rằng: Trừ bỏ văn hóa đảng là cách duy nhất để đề cao tâm tính! Tu luyện là không có con đường tắt. Bởi vì văn hóa đảng càng độc hại, nó muốn ở trên thân người mà thể hiện thì cũng là từ tâm chấp trước của con người biểu hiện ra, nếu một người không có tâm chấp trước, thì văn hóa đảng cũng không còn chỗ dung thân.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/23/提高心性-修去党文化-378802.html
Đăng ngày 27-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.