Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 18-05-2020] Ngày 12 tháng 5 năm 2020, Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International tại Canada đã công bố báo cáo nêu rõ tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tăng của các quan chức Trung Quốc ở nước ngoài. Báo cáo cũng ghi lại nhiều vụ quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công, những người bất đồng chính kiến hay các nhà hoạt động dân chủ ở Canada.
Với tiêu đề “Quấy nhiễu và đe dọa người ở Canada xử lý những quan ngại nhân quyền có liên quan đến Trung Quốc” (Harassment & Intimidation of Individuals in Canada Working on China-Related Human Rights Concerns), báo cáo này là nỗ lực chung giữa Liên minh về Vấn đề Nhân quyền tại Trung Quốc (Coalition on Human Rights in China) và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International in Canada).
Báo cáo nêu rõ: “Các nhà bảo vệ nhân quyền ngày càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, dọa dẫm khi hoạt động về các vấn nạn nhân quyền tại Trung Quốc.”
Một báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada và Liên minh về Vấn đề Nhân quyền Canada tại Trung Quốc mới được công bố.
Đây là bản cập nhật của một báo cáo trước đó của hai tổ chức này được công bố vào năm 2017, trong đó gọi các cuộc tấn công có tổ chức nhắm vào các nhà hoạt động về các vấn đề nhân quyền có liên quan đến Trung Quốc.
“Xu hướng đáng lo ngại sâu sắc này hiển nhiên nằm trong một chiến dịch lâu dài và có hệ thống nhằm dập tắt những tranh luận công khai về các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc đang vượt ngày càng xa khỏi biên giới Trung Quốc”, ông Alex Neve, Tổng Thư ký Chi nhánh tiếng Anh của Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada, cho biết.
“Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi chiến lược mở rộng ảnh hưởng chính trị và văn hóa ở nước ngoài, với mục tiêu đàn áp những người bất đồng chính kiến và vận động các cộng đồng Hoa kiều làm tay sai phục vụ cho lợi ích chính trị của Trung Quốc”, báo cáo nêu.
Những hoạt động như thế ở Canada bao gồm gây áp lực với các quan chức đắc cử, các cơ quan truyền thông gốc Trung Quốc tại Canada, truyền thông xã hội và các tổ chức học thuật.
Báo cáo kêu gọi các quan chức Canada lập tức hành động để giải quyết vấn đề này. Những cuộc tấn công có tổ chức như vậy đã diễn ra ở các trường đại học và trường trung học trên khắp Canada. Nạn nhân là những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông, các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số.
Các học viên Pháp Luân Công là mục tiêu đàn áp
Báo cáo cho biết: “Từ năm 2017, các học viên Pháp Luân Công liên tục trở thành mục tiêu ở Canada trong những vụ quấy nhiễu có dấu hiệu liên quan đến bộ máy nhà nước Trung Quốc. Có một số sự vụ ở Ottawa, Calgary và Winnipeg có sự đe dọa, bắt nạt và quấy rối các học viên Pháp Luân Công, cũng như thư giả – một chiêu điển hình của chính quyền Trung Quốc – được gửi đi dưới danh nghĩa Pháp Luân Công hòng làm mất uy tín của họ. Nhóm Pháp Luân Công tại Ottawa đã quan sát thấy đây không phải là vài trường hợp cá biệt, mà là kiểu đàn áp vốn có của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Trung Quốc.”
Lễ hội Thuyền Rồng
Một vụ như thế đã xảy ra vào ngày 22 tháng 6 năm 2019, trong Lễ hội Thuyền Rồng thường niên. Khi học viên Pháp Luân Công Gerry Smith tham dự sự kiện tại một công viên công cộng ở Ottawa, giám đốc điều hành của lễ hội đã yêu cầu anh cởi bỏ chiếc áo có dòng chữ ‘Pháp Luân Đại Pháp‘ (một tên gọi khác của Pháp Luân Công) và nguyên tắc hành xử của môn tu luyện này: ‘Chân-Thiện-Nhẫn’. Giám đốc điều hành của sự kiện này cho biết Đại Sứ quán Trung Quốc là nhà tài trợ cho sự kiện của họ, nên chiếc áo của anh Gerry là một “tuyên bố chính trị không phù hợp”. Vị giám đốc điều hành còn nói bảy, tám học viên Pháp Luân Công khác đang thiền định trong công viên này cần phải rời đi.
Báo cáo có nêu: “Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tìm cách biện minh cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công bằng cách vu khống môn tu luyện phi chính trị này là một ‘phong trào chính trị’. Nhiều bức ảnh của ngày hôm đó cho thấy rõ các học viên Pháp Luân Công có mặt tại công viên không tham gia vào bất kỳ cuộc kháng nghị hay biểu tình chính trị nào (tức là không có biểu ngữ hay diễn giả), mà họ chỉ đơn giản đang luyện tập các bài thiền định.
Cô Grace Wollensak, một học viên Pháp Luân Công tại Ottawa, cho biết đây không phải là một vụ cá biệt, mà chỉ là một sự vụ trong 20 năm đàn áp Pháp Luân Công của bộ máy nhà nước Trung Quốc, kể cả thông qua các lãnh sự quán và đại sứ quán ở nước ngoài. Một bài báo tiếng Trung về vụ việc này đã được đăng trên các trang web ở Trung Quốc, trong đó dán nhãn các hoạt động của Pháp Luân Công là chính trị và không được chào đón tại một sự kiện ở Canada. Các báo cáo trích lời giám đốc điều hành Lễ hội và lặp đi lặp lại tuyên truyền chống Pháp Luân Công.
Vụ việc ở Calgary
Trong ba năm qua, các học viên Pháp Luân Công liên tục bị quấy nhiễu tại các thành phố lớn ở Canada. Tháng 8 năm 2017, hai người đàn ông đã phá rối buổi mít-tinh của các học viên Pháp Luân Công trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Calgary, xé biểu ngữ của sự kiện của họ và chửi rủa họ. Các nhân chứng cho biết, sau khi cuộc đối đầu lắng xuống, lại có hai người từ lãnh sự quán Trung Quốc đi ra nói chuyện với một trong hai kẻ gây rối kia, vì thế mà có sự nghi ngờ rằng họ đã chỉ đạo hai kẻ kia quấy rối cuộc mít-tinh”, báo cáo nêu.
Ông Jeff Yang, điều phối viên nhóm Pháp Luân Công tại Calgary, cũng kể về một người đàn ông gốc Trung Quốc đã nhiều lần gây rối và lăng mạ các học viên Pháp Luân Công mấy năm qua (lần gần đây là tháng 6 năm 2019).
Thư & email giả
“Việc sử dụng thư và email giả từ lâu đã trở thành một chiêu điển hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến dịch đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài để miệt thị họ và làm mất uy tín của họ”, báo cáo cho hay.
Những vụ gây rối với các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn ba năm nay. “Những bức thư và email kỳ quái, đầy tính công kích, đôi khi là đe dọa được gửi bằng danh nghĩa học viên Pháp Luân Công tới các chính trị gia, trong đó có bà Judy Sgro (nghị sỹ Đảng Tự do vào tháng 12 năm 2017) và ông Peter Julian (nghị sỹ Đảng Dân chủ Mới NDP vào tháng 3 năm 2019) hòng làm mất uy tín của Pháp Luân Công và phá vỡ mối quan hệ giữa họ với người nhận”, báo cáo cho biết.
Truyền thông tin tức
Dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), báo chí tiếng Trung ở Canada cũng vu khống các học viên Pháp Luân Công. “Tháng 7 năm 2015, tờ Tin tức Thương mại Hôm nay, một tờ báo tiếng Trung hoạt động ở Canada, buộc phải rút bài và xin lỗi sau khi cho đăng lại một bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công trước đó được đăng trên Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Ban Trung ương ĐCSTQ”, báo cáo cho hay.
Tuy nhiên, tháng 1 năm 2020, tờ Tin tức Thương mại Hôm nay lại đăng bài báo thứ hai cũng mang tính chất phỉ báng Pháp Luân Công.
Kêu gọi chính phủ Canada hành động
Theo báo cáo này, trường hợp của cô Lin chỉ là một ví dụ trong chiêu bài thường thấy mà chính quyền Trung Quốc sử dụng đối với các nhà hoạt động nhân quyền không ngại lên tiếng, nhằm gây sức ép cho họ bằng cách quấy nhiễu người nhà của họ sống ở Trung Quốc. Cô Lin còn cho biết, cô bị một bộ phận trong cộng đồng Hoa kiều tại Canada tẩy chay do chịu áp lực của đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc.
Báo cáo hối thúc chính phủ Canada cần có nhiều hành động hơn nữa đối với những vấn đề này, chẳng hạn:
1) Bổ nhiệm một đầu mối trong chính phủ làm đầu mối liên lạc chính ở tuyến đầu cho các cá nhân và tổ chức bị quấy nhiễu và đe dọa vì hoạt động về các vấn nạn nhân quyền ở Trung Quốc;
2) Duy trì quan hệ ngoại giao ở cấp cao với Trung Quốc về vấn đề quấy nhiễu và đe dọa;
3) Tiếp tục đánh giá lại mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, đồng thời ưu tiên các vấn đề đáng quan ngại về nhân quyền;
4) Hợp tác với chính phủ các nước để nêu lên các quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc;
5) Khẳng định lập trường phản đối những vi phạm thông lệ ngoại giao bình thường này;
6) Tiến hành điều tra công khai và độc lập về phương thức và các vụ can thiệp nhắm vào ngành giáo dục; và
7) Nghiên cứu luật về các quyền tài phán khác đối với sự can thiệp ẩn giấu của nước ngoài và xem xét ban hành luật tương tự ở Canada.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/18/406490.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/20/185105.html
Đăng ngày 21-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.