Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Úc
[MINH HUỆ 19-02-2020] Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tây Úc đã nhiều lần liên hệ với chính quyền thành phố Perth với ý đồ nỗ lực thuyết phục các quan chức của thành phố này dừng việc cấp phép cho các hoạt động kháng nghị của các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 11 tháng 2 năm 2020, kênh truyền thông số WAtoday đã đưa tin của phóng viên Nathan Hondros, tin cho biết Lãnh sự quán Trung Quốc thường xuyên liên hệ với nhóm quản lý điều hành của thành phố để phản ánh về các hoạt động kháng nghị của các học viên Pháp Luân Công, nhưng các quan chức của thành phố này luôn từ chối những yêu cầu như vậy.
Bà Anne Banks-McAllister, Tổng Giám đốc phát triển cộng đồng của thành phố Perth đã thông tin cho ông Hondros rằng chính quyền thành phố Perth đã lưu ý đến những quan ngại của Lãnh sự quán Trung Quốc, nhưng vẫn sẽ tiếp tục cấp phép cho các hoạt động của các học viên Pháp Luân Công bởi vì họ luôn tuân thủ luật pháp.
Các học viên Pháp Luân Công ở Tây Úc tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đang diễn ra tại Trung Quốc ở Khu Thương mại Trung tâm của thủ phủ vào ngày 19 và 20 tháng 7 năm 2019
Các học viên Pháp Luân Công ở Tây Úc đều đặn tổ chức các hoạt động trên khắp Khu Thương mại Trung tâm của thành phố và khu vực gần văn phòng của Lãnh sự quán Trung Quốc để nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tra tấn và giam giữ phi pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ.
Năm 2018, nỗ lực của Lãnh sự quán Trung Quốc nhằm ngăn cản Pháp Luân Công tham gia lễ Diễu hành mừng Giáng sinh ở Perth đã bị truyền thông Úc phơi bày. Kể từ năm 2008, hàng năm các học viên Pháp Luân Công đều tham dự lễ diễu hành này.
Ông Albert Lâm, đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Tây Úc cho biết không biết bao nhiêu lần ĐCSTQ đã cố gắng ngăn cản các cuộc kháng nghị ôn hòa của họ. Ông nhận định: “Chính quyền thành phố Perth đã làm đúng”.
Ông Lâm cho biết các học viên thường xuyên bị sách nhiễu hay bị đe dọa ở thành phố Perth.
Ông Lâm kể: “Có những người rất khả nghi đến gây rối tại các quầy thông tin của chúng tôi trong thành phố. Họ la hét vào bạn và bạn không thể nói lý với họ. Ví dụ như, tại một sự kiện được tổ chức ở thành phố vào năm ngoái, một người đàn ông đã chửi mắng chúng tôi. Ba vị khách qua đường đã yêu cầu ông ta dừng lại nhưng ông ta không chịu. Họ đã gọi cảnh sát và người đàn ông đó mới nhanh chóng rời đi.”
Sự xâm nhập của ĐCSTQ khiến người Úc phải chú ý
Trong những năm gần đây, vô số báo cáo về sự xâm nhập của ĐCSTQ đã được truyền thông Úc đăng tải, và các báo cáo này đã khiến các quan chức đắc cử cũng như người dân Úc phải chú ý.
Ông Lâm đã thông tin tới Minh Huệ rằng một Ủy viên Liên bang ở Tây Úc đã có lần kể cho ông một câu chuyện mà qua đó đưa đến cái nhìn sâu sắc về những nỗ lực của chính quyền cộng sản Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến nền chính trị Úc.
Ông Lâm cho biết: “Cách đây một vài năm, một Ủy viên Liên bang đã đắc cử. Khi còn đương nhiệm, ông luôn khước từ những đề nghị gặp mặt của các học viên. Khi tôi gặp chính trị gia này cách đây ít năm, ông đã kể với tôi rằng sau khi đắc cử, ông đã nhận được một lá thư từ vị Đại sứ Trung Quốc tại Úc, cảnh báo rằng ông không được gặp mặt các học viên Pháp Luân Công. Ông cảm thấy kinh ngạc và tức giận trước sự ngông cuồng của vị Đại sứ này. Nhưng vì lợi ích của bản thân mà trong nhiều năm qua ông đã lựa chọn làm theo lời cảnh báo đó”.
ĐCSTQ cố gắng gây ảnh hưởng lên xã hội Úc thông qua những thủ đoạn như mua chuộc các chính trị gia, góp sức để tác động đến việc hoạch định chính sách, chi phối các tổ chức sinh viên và truyền thông Trung Quốc tại Úc, lập ra nhiều tổ chức như Viện Khổng Tử, v.v.
Trong một bài báo viết cho tờ China in Perspective vào tháng 8 năm 2016, ông Trần Dụng Lâm, cựu nhân viên lãnh sự quán bỏ trốn sang Úc vào năm 2005 đã cảnh báo rằng chính phủ Úc đang dần dần biến nước này trở thành sân sau của Trung Quốc. Ông Trần đã viết: “ĐCSTQ đã bắt đầu thực hiện một nỗ lực rất có chiến lược nhằm thâm nhập vào nước Úc một cách có hệ thống”.
Ông Duncan Lewis, cựu lãnh đạo của Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), trong một bài phỏng vấn với tờ Nhật báo Sydney Morning Herald được công bố vào tháng 11 năm 2019, đã nói rằng bất kỳ ai cũng là một mục tiêu chính trị. Không chỉ nhắm đến các chính trị gia mà chính quyền Trung Quốc còn đang nỗ lực để giành được ảnh hưởng đối với xã hội, giới kinh doanh và truyền thông để tạo được vị thế có lợi cho mình.
Ông Lewis là Tổng Giám đốc An ninh của ASIO trong năm năm. ASIO là một cơ quan tình báo, và vai trò chủ yếu của tổ chức này là chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
Ông đã thẳng thắn trả lời trong cuộc phỏng vấn: “Sự thâm nhập ngầm của Trung Quốc vào trọng tâm của nền chính trị nước Úc đang lấn lướt” và “chúng ta cần phải rất, rất cẩn trọng đối với vấn đề này”.
Ông cũng đã chia sẻ với tờ Nhật báo Sydney Morning Herald rằng: “Cộng đồng người Úc gốc Hoa có thể và nên giữ vai trò trọng yếu trong việc chống lại ảnh hưởng ngầm của nước ngoài”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/19/401412.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/27/183417.html
Đăng ngày 13-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.