Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Argentina
[MINH HUỆ 1-12-2018] Hôm trước ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2018 tại Buenos Aires, khi đang kháng nghị ôn hòa phản đối việc lạm dụng nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công bị cảnh sát Argentina và một nhóm do Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức bao vây. Biểu ngữ của các học viên đã bị xé bỏ, một số học viên bị cảnh sát bạo hành và một số học viên bị bắt giữ phi pháp.
Ngày 29 tháng 11, bên ngoài Khách sạn Sheraton Buenos Aires, nơi lưu trú của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, những học viên Pháp Luân Công tham gia kháng nghị lúc đầu đã bị những người mặc áo đỏ mang cờ đỏ của Trung Quốc bao vây. Nhóm này do Đại sứ quán Trung Quốc và các nhóm thân Cộng tổ chức. Sau đó, một số cảnh sát Argentina đã tiến nhanh về phía trước và giật các biểu ngữ của các học viên mà không giải thích điều gì.
Các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ với dòng chữ “Chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công” và “Đưa Giang Trạch Dân ra công lý” bên ngoài Khách sạn Sheraton, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình lưu trú
Một nhân chứng cho biết sau khi một sỹ quan quân đội ở Đại sứ quán Trung Quốc nói chuyện với một cảnh sát mặc thường phục, viên cảnh sát này bắt đầu cưỡng chế thu giữ biểu ngữ của các học viên.
Để cố gắng bảo vệ các tấm biểu ngữ, các học viên cố giữ chúng thật chặt. Lúc này, một vài cảnh sát nữa ập đến và bắt đầu túm lấy các biểu ngữ này. Một số cảnh sát thậm chí còn sử dụng bạo lực khi giật các tấm biểu ngữ. Một cảnh sát dùng gậy để đánh các học viên và giẫm đạp lên chân họ. Một cảnh sát khác còn dùng dùi cui để cưỡng chế một học viên.
Cùng lúc đó, một nhóm người Trung Quốc mang cờ đỏ đã dùng cờ của họ để chặn các học viên từ phía sau và xé bất kỳ tờ rơi Pháp Luân Công nào rơi ra từ ba lô của các học viên.
Một vài cảnh sát tỏ ra cảm thông với các học viên. Một nữ cảnh sát nói với các học viên: “Chúng tôi không thể giúp gì các bạn được. Mệnh lệnh này là từ các quan chức cấp trên. Ở đây có nhiều quan chức tham nhũng lắm. Tôi biết một số học viên Pháp Luân Công. Tôi biết các bạn ở đây để làm việc tốt. Tôi thường thấy các bạn ở Khu phố Tàu.”
Một cảnh sát khác nói với những học viên này rằng họ được ra lệnh đàn áp những người mặc áo vàng hay cầm biểu ngữ (các học viên Pháp Luân Công) chứ không phải những người mặc áo đỏ hay mang cờ đỏ (những người do Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức để đón đoàn đại biểu Trung Quốc).
Ông cho biết thêm rằng ông không hiểu tại sao lại như vậy. Khi một học viên đưa cho ông một tờ rơi màu vàng, vị cảnh sát này đã nói một cách lo lắng: “Hãy cất nó đi. Nó cũng màu vàng đấy.”
Vừa giật biểu ngữ của các học viên, một cảnh sát trong trang phục com lê vừa chỉ về một học viên đeo ba lô và nói dối rằng: “Có bom ở bên trong.” Một cảnh sát khác đã kéo học viên này đi.
Luật sư của các học viên Pháp Luân Công đến ngay nơi xảy ra sự việc và hỏi han cảnh sát. Họ cho hay họ chỉ tạm giam một số học viên và sẽ thả ra nếu không phát hiện thấy điều gì bất thường.
Tuy nhiên, ngay sau khi luật sư rời đi, cảnh sát lại còng tay các học viên và giam giữ họ cả đêm và không được phép liên hệ với ai trong thời gian này. Mãi đến 5 giờ chiều ngày hôm sau, sau khi được đưa đến gặp một công tố viên, họ mới được thả.
Bà Phó Lệ Duy của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Argentina cho biết chín học viên đã bị giam giữ bất hợp pháp. Bà cho hay ban đầu họ không biết các học viên bị giam giữ ở đâu. Những học viên khác đã phải đến từng đồn cảnh sát để hỏi thông tin. Sau ba giờ đồng hồ tìm kiếm, họ đã tìm được nơi giam giữ.
Bà Phó cho biết sự việc này là do Đại sứ quán Trung Quốc xúi giục. Bà kêu gọi các quan chức của đại sứ quán chấm dứt bức hại và không tiếp tục tiếp tay cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các học viên Pháp Luân Công tiếp tục giương biểu ngữ để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc trong thời gian diễn ra Hội nghị, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12. Lúc đầu, họ tổ chức kháng nghị ôn hòa ven con đường tới Khách sạn Sheraton, nơi Chủ tịch Tập lưu trú, và sau đó là ở trước khách sạn này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/1/377922.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/3/173486.html
Đăng ngày 08-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.