Bài viết của Xuân Liên, đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trường Xuân, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-10-2015] Năm nay tôi 79 tuổi, là một bà lão dân tộc Triều, ít dùng Hán ngữ. Sư phụ đã không bỏ rơi một người từng mê lạc như tôi. Năm 1993, tôi có duyên phận bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, được theo Sư phụ đi khắp nơi, mỗi một lần nghe Pháp, đều cảm thấy mình quả thật là quá may mắn. Tất cả trải nghiệm ấy là những ký ức mà tôi suốt đời không thể nào quên.
Năm ấy tôi gần 60 tuổi, chồng tôi mắc bệnh và đã qua đời. Tôi nghĩ, tuổi tác mình cũng cao rồi, nếu bản thân có vấn đề gì thì con trai phải chăm sóc. Vì tôi không muốn tạo thêm gánh nặng trách nhiệm cho các con mình, nên tôi tự nhủ cần rèn luyện thân thể khỏe mạnh. Khi ấy đúng lúc khí công đang thịnh hành. Tôi nhớ rất rõ, đó là 5 giờ sáng ngày 22 tháng 7 năm 1993, tôi đến Công viên Nhi Đồng xem thử, có một nhóm luyện khí công với các động tác nhảy tới nhảy lui, có nhóm thì khóc lóc ồn ào, tôi nghĩ mình không thể luyện những thứ này được. Tôi đi tiếp về phía trước thì thấy có một nhóm người đang đứng với hai mắt nhắm khẽ, hai tay giơ trước đầu và giữ yên như thế, bất động. Ở giữa nhóm có một cái cây, trên nhành cây có treo một lá cờ, giữa lá cờ có một hình tròn. Tôi cảm thấy nơi này được, nên cũng nhắm khẽ mắt và giơ hai cánh tay lên. Lúc này, trước mắt tôi xuất hiện hình ảnh đồ hình trên mặt lá cờ đang xoay chuyển, khiến tôi bất giác cũng chuyển động theo.
Bỗng nhiên, có ai đó vỗ nhẹ vào vai phải của tôi và nói: “Sao chị lại xoay chuyển? Không đúng rồi!” Tôi nói: “Không phải tôi xoay, mà là bánh xe đang xoay, nên tôi xoay chuyển theo.” Sau đó tôi mới biết, đây là Pháp Luân Công, bức tranh đó là Pháp Luân, Pháp Luân là xoay tròn. Tôi đã mua một quyển sách “Pháp Luân Công” và bắt đầu học.
Tôi đọc sách, luyện công mới biết rằng Pháp Luân Công thật tuyệt vời! Ôi! Sư phụ đang truyền công giảng Pháp ở Trường Xuân, đã mở được sáu lớp rồi, tôi ngạc nhiên là mình không hay biết gì cả. Tôi cảm thấy duyên phận chưa đến!
Hôm ấy, tôi nghe nói Sư phụ Lý Hồng Chí giảng Pháp cho phụ đạo viên ở hội trường Ủy ban Tùng Liêu, thế là tôi liền đến. Kết quả là, ở đó đã đóng cổng, và Sư phụ đang giảng Pháp bên trong. Cổng đóng nên có một vài người cũng ở bên ngoài trước cổng, họ đứng trên băng ghế vịn vào cửa để nhìn vào bên trong. Tôi cũng chen về phía trước, đứng trên một chiếc ghế, cách những người khác một cái đầu và nhìn vào bên trong. Chẳng biết từ khi nào mà mọi người ở cổng đã rời đi hết, chỉ còn lại mỗi một mình tôi, và tôi đứng nghiêng người về phía trước. Khi ấy tôi nghe một tiếng “bang” và cánh cổng mở ra, người gác cổng cũng là học viên nói: “Chị vào nhé.” Tôi bước vào bên trong, cũng vừa lúc Sư phụ đã giảng xong, mọi người đang vây quanh Sư phụ đợi xin chữ ký của Sư phụ. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Sư phụ, Sư phụ rất cao, dáng vẻ khôi ngô tuấn tú và luôn mỉm cười. Những người khác đưa Sư phụ quyển sách chính quy để ký, tôi không có, tôi chỉ có một quyển rất rất nhỏ, nhỏ hơn cả lòng bàn tay, tôi thường để cuốn sách ở trong túi áo, và các trang giấy khá lỏng lẻo, vậy mà bây giờ lại dùng quyển sách này để ký tên lưu kỷ niệm. Tôi cũng dâng quyển sách lên Sư phụ, Sư phụ cũng không từ chối, Ngài cầm lấy quyển sách và ký tên ba chữ “Lý Hồng Chí”.
Cách mấy hôm, tôi nghe nói Sư phụ giảng Pháp ở Bắc Kinh, tôi liền đi Bắc Kinh, vì cầu Pháp nên tôi đi khắp nơi. Nhân viên công tác ở tổng trạm Bắc Kinh nói với chúng tôi rằng, trong một vài ngày tới sẽ mở lớp ở An Huy.
Chúng tôi gồm 11 người, trong đó có một người Phúc Kiến lớn tuổi nhất là 80 tuổi và một người nhỏ nhất là 11 tuổi. Xếp theo tuổi tác thì tôi lớn thứ ba nên mọi người gọi tôi là chị Ba. Nhóm 11 người chúng tôi ngồi xe lửa đến thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Chúng tôi đến nơi sớm bảy ngày trước khi Sư phụ mở lớp. Thời điểm đó rất khó khăn, có thể ăn mì ăn liền thì được xem là tốt lắm rồi. Mỗi chúng tôi đều có một cốc đun nước bằng điện, mua ít mì, cho mì và nước vào cốc điện đun sôi, thêm chút muối là coi như có một bữa ăn. Vì cầu Pháp! Khổ ư, chúng tôi cảm thấy không thành vấn đề.
Nghe nói Sư phụ đi xe lửa đến nên chúng tôi đến nhà ga đón Sư phụ. Trùng hợp là hôm ấy mưa rất to, chúng tôi lại không có áo mưa, làm sao đây? Chúng tôi lấy một tấm ni-lon khoác lên người rồi tìm một cọng dây để thắt ở eo; lại tìm một túi ni-lon trùm lên đầu. Vậy đó, trông bộ dạng cả nhóm thật đáng thương. Chúng tôi đứng ở trạm, có nhiều toa tàu như vậy, không biết rằng Sư phụ sẽ xuống tàu từ toa nào. Nhưng chúng tôi thảo luận với nhau, rằng mỗi trạm có một cửa xe, ai đón được Sư phụ thì gọi to lên một tiếng cho những người khác biết.
Tàu đến và dừng lại, các cửa toa mở ra, và Sư phụ xuống ở cửa mà tôi đứng đợi. Tôi chỉ gặp qua Sư phụ một lần, nên cũng lo là nhìn không chính xác, có phải Sư phụ đó không? Dáng người cao, luôn mỉm cười, đúng là Sư phụ rồi. Tôi liền đến chào Sư phụ: “Lý Sư phụ!” Sư phụ bắt tay tôi. “Con là đệ tử Trường Xuân”. Sư phụ nói: “Tôi biết.” Tôi ngạc nhiên, ồ, Sư phụ biết ư? Tôi lại nói với Sư phụ: “Con là một bà lão đến từ Trường Xuân.” Sư phụ lại nói: “Tôi biết.” Tôi vẫn lo rằng Sư phụ nghe không rõ, bởi vì tôi phát âm tiếng Hán không chuẩn lắm, tôi lại nói: “Con từ Trường Xuân đến đây nghe Sư phụ giảng Pháp.” Sư phụ lại nói: “Tôi biết.” Tôi cảm thấy quá vinh dự được đón tiếp Sư phụ nên quên cả việc báo cho mọi người biết, đến lúc này mới chợt nhớ ra, tôi kéo cái túi ni-lon che trên đầu xuống, và dùng hết sức gọi to mọi người: “Sư phụ đến rồi! Sư phụ ở đây này!” Thế là mọi người liền chạy đến, Sư phụ bắt tay từng người một, chỉ có học viên người Phúc Kiến lớn tuổi nhất là nắm chặt tay Sư phụ mà không buông.
Lúc này nhân viên công tác trạm phụ đạo ở Bắc Kinh cũng đến, chúng tôi đưa Sư phụ đến hội trường của đại viện. Sư phụ giảng Pháp và truyền công ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy từ ngày 21 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 1993.
Trong khi giảng Pháp, Sư tôn cũng đồng thời thanh lý thân thể cho các học viên. Có một nam học viên, lúc lên bục giảng, anh ấy bị gù lưng 90 độ nhưng khi đi xuống thì lưng đã thẳng lại rồi. Trên bục giảng, Sư phụ đã làm thẳng lại cái lưng bị gù của anh ấy, tất cả học viên ở hội trường đều nhìn thấy. Cả hội đứng lên, vỗ tay và khóc. Tôi nghĩ, chỉ trong tích tắc thôi, làm thế nào có thể chỉnh thẳng lại nhỉ? Lúc ấy Sư phụ ở trên bục giảng nên chúng tôi nhìn không rõ, nhưng quả thật là không thể tưởng tượng nổi.
Lần nọ, Sư phụ bảo các học viên chìa hai bàn ra, ngửa lòng bàn tay lên, Sư phụ cấp Pháp Luân cho mọi người trải nghiệm. Khi ấy, có người nhìn thấy Pháp Luân trong tay, có người cảm nhận lòng bàn tay phát nóng, có người cảm thấy lòng bàn tay phát lạnh, nếu phát lạnh chính là cơ thể có bệnh. Có một vị học viên, anh ấy bị mắc phụ thể trước khi tham gia lớp truyền thụ, anh ấy “nhảy nhảy nhảy” lên bục giảng và nói rằng bản thân có phụ thể, thỉnh cầu Sư phụ giúp anh ấy loại bỏ đi. Tay của Sư phụ chộp một cái, lập tức đã trừ bỏ phụ thể của anh ấy đi rồi. Sư phụ còn bảo các học viên nghĩ về những chỗ có bệnh trên thân thể của bản thân, sau đó giậm chân xuống đất một cái, bệnh liền khỏi. Sư phụ dùng đủ mọi phương pháp để điều chỉnh thân thể cho chúng tôi. Tôi đã tận mắt nhìn thấy tất cả những điều này. Sư phụ của chúng ta thật là từ bi vô lượng và đối với Ngài thì không điều gì là không thể.
Có thể do trước đây tôi chưa bao giờ tiếp xúc với khí công nên phản ứng chậm, chỉ biết rằng Sư phụ thuyết giảng hay và Đại Pháp hảo.
Vào tháng 4 năm 1994, tôi theo lớp học đến thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Đó là một thành phố gần biển nên tôm bọ ngựa hay còn gọi là tôm tít được bán ở khắp các chợ. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy, cảm thấy sợ và không dám chạm vào. Người bán nói rằng tôm này ăn rất ngon, và chỉ tôi cách làm thế nào thế nào v.v. Tôi nghe xong thì không còn sợ nữa, nên đã mua 2,5kg, và người bán đã giúp tôi luộc những con tôm tít ấy. Tôi mang tôm về ký túc xá và cùng ăn với mọi người, quả thực là rất ngon.
Thời điểm đó tôi không mấy coi trọng vấn đề sát sinh, cảm thấy cả đời mình là người tốt, không có hại ai, cũng không nghĩ sát sinh sẽ tạo nghiệp. Sư phụ thấy tôi không ngộ, nên đã điểm ngộ cho tôi trong mộng. Trong giấc mộng, tôi ở trên thiên thượng, những con tôm tít xếp thành từng hàng, từng hàng, thậm chí thành từng bầy, nhiều chi chít, chúng không cho tôi đi qua. Ở giữa còn có ba con gà trống lớn, chúng nghiêng đầu, nghểnh cổ trừng mắt nhìn tôi một cách giận dữ. Tôi hiểu rồi, đám tôm tít xếp hàng ấy là 2,5kg tôm mà tôi đã mua và luộc chín, chúng tôi đã ăn chúng. Tôi đã làm thịt con gà trống lớn đó khi con trai út kết hôn, chồng đã qua đời, mặc dù tôi đã tu luyện nhưng vì lễ nghi trong hôn lễ nên vẫn phải giết con gà trống ấy. Tất cả chúng đều chặn đường và không cho tôi đi qua. Sau khi tỉnh giấc, tôi hiểu rằng, nghiệp lực do sát sinh tạo thành đã ngăn cản con đường tu luyện của tôi, lúc ấy mới minh bạch rằng vấn đề sát sinh nghiêm trọng biết bao nhiêu! Nghiệp cuộn lấy nghiệp! Chưa kể là trên thân thể, chỗ này đau, chỗ kia đau.
Sau đó, vào ngày 29 tháng 4, Sư phụ mở lớp truyền thụ Pháp Luân Công lần thứ bảy ở Trường Xuân. Khi quay về quê nhà, tôi tham gia “Tổ chức tiếp đón học viên từ vùng khác đến”, tôi luân phiên ca trực trong nhóm cầm cờ ở trạm tàu lửa tại Trường Xuân. Thời điểm đó gió xuân lạnh lẽo, toàn thân tôi tái mét, gương mặt cũng sạm lại, chỉ có thể chớp chớp mắt nhìn mọi người, nhưng mọi người không ai rời vị trí, mà ở lại tiếp đón từng đoàn từng đoàn học viên. Lúc này Sư phụ của chúng ta đến, Sư phụ ân cần nói: “Các vị thật vất vả!” “Các vị ăn cơm chưa?” “Liệu có khó khăn gì không?” “Thời tiết không tốt, chú ý sức khỏe nhé!” Sư phụ quan tâm hỏi thăm khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp trong lòng, tuy trời lạnh và gió bấc nhưng mọi người đều không cảm thấy gì cả.
Trong khóa học thứ bảy này, rất đông học viên từ khắp các nơi trên toàn quốc đến tham gia, từ Tân Cương cho đến vùng cực bắc của Hắc Long Giang, đến địa khu duyên hải, có người đi máy bay đến, cũng có người mang theo trọng trách đến. Mục đích là cầu Pháp, không quản đường xa vạn dặm! Nhóm nhỏ chúng tôi đón ở trạm, sau đó lại có nhóm nhỏ khác chuyên phụ trách xe đưa đón, sắp xếp chỗ ở. Hội trường Minh Phóng Cung của Đại học Cát Lâm không đủ chỗ nên phân thành hai lớp, lớp buổi sáng và lớp buổi tối, tổng cộng hơn 3.000 người. Có quá nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra, nhiều đồng tu tham gia lớp học đã nhớ và kể lại hồi ức của mình.
Cuối tháng 6, Sư phụ mở lớp ở Tế Nam lần thứ hai, trong thời gian đó có một số sự kiện mà tôi vẫn nhớ như in, giống như mới xảy ra ngày hôm qua mà thôi.
Đó là giữa mùa hè, hàng nghìn học viên ngồi kín ở tầng trên và tầng dưới tại sân vận động Hoàng Đình. Rất nóng, mọi người vừa nghe Sư phụ giảng Pháp vừa không ngừng quạt. Sư phụ nói: Mọi người có thể hạ quạt xuống, chư vị sẽ cảm thấy một làn gió mát nhè nhẹ thổi đến. Cả hội trường lập tức hạ quạt xuống. Sư phụ hỏi: “Chư vị cảm nhận được chưa?” Các học viên đồng thanh nói: “Cảm nhận được rồi ạ!” Tất cả mọi người vui mừng vỗ tay vang dội như sấm!
Ngày hôm ấy sau khi kết thúc buổi giảng Pháp, cuối cùng Sư phụ căn dặn mọi người nhiều lần rằng: “Các học viên ngày mai đi Đại Liên nghe giảng nhất định chú ý, đừng đi máy bay, nhớ kỹ nhé! Chuyển sang đi tàu hỏa hoặc tàu thủy đều được. Sau khi mua vé tàu hỏa và xe buýt tối nay, hãy nhờ tài xế giúp tiễn họ nhé.” Sau đó, Sư phụ cứ đứng ở cổng, bàn giao và dặn dò người tài xế rằng tối nay đưa các học viên đi Đại Liên đến nhà ga. Hôm ấy trời mưa rất to, bảy học viên chúng tôi lập tức hoàn trả vé máy bay 30 ngày, chuyển sang đi xe buýt, tàu hoặc tàu cao tốc, an toàn đến Đại Liên. Sau này mới biết, chuyến bay gặp trận mưa to như trút nước, Sư phụ muốn chúng tôi tránh được trường ma nạn của tà ác an bài, và bảo hộ chúng tôi được an toàn. Bất cứ khi nào nhớ lại những ngày tươi đẹp ấy, trong tâm tôi luôn xúc động, khó mà bình tĩnh lại được, nước mắt lại tuôn rơi.
Ngày 1 tháng 7 bắt đầu lớp học lần thứ hai tại Đại Liên. Lần ấy, trạm trưởng ở Đại Liên đưa cho tôi xem một bức ảnh mà Sư phụ và họ cùng chụp với nhau. Trong bức ảnh, tôi thấy ở trên trời, phía sau lưng mọi người có hai con rồng, những đường viền của đầu, mũi và mắt rất rõ ràng. Ngoài ra còn có hai thanh bảo kiếm.
Sư phụ là toàn năng, nhưng đối với người tu luyện thì Sư phụ luôn nhắc nhở rằng:
“Công năng bản tiểu thuật
Đại Pháp thị căn bản” (Cầu Chính Pháp Môn, Hồng Ngâm)
Dịch nghĩa:
“công năng vốn dĩ là những thuật nhỏ bé
Đại Pháp mới là gốc, là căn bản” (Cầu Pháp môn chân chính)
Sư phụ đã viết bài này lúc ở bãi biển Đại Liên, và sau đó được xuất bản trong “Hồng Ngâm”. Vào ngày 7 tháng 7, trước khi kết thúc lớp học ở Đại Liên, Sư phụ có viết một bài:
“Chân tu Đại Pháp
Duy thử vi đại
Đồng hoá Đại Pháp
Tha niên tất thành” (Đắc Pháp, Hồng Ngâm)
Dịch nghĩa:
“Chân tu Đại Pháp
Chỉ có cái đó là lớn
Đồng hoá Đại Pháp
Đến năm ấy ắt thành công” (Đắc Pháp)
Sau đó bài thơ này cũng được xuất bản trong “Hồng Ngâm”.
Một tháng sau, từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 8, tôi lại tham gia lớp giảng Pháp của Sư phụ tại Cáp Nhĩ Tân. Trong lớp học ấy, can nhiễu từ đủ mọi phương diện rất lớn. Sư phụ đã ho trong khi giảng Pháp. Lúc đó tôi nghĩ, Sư phụ truyền Pháp thật vất vả! Ngày ngày Ngài giảng nói nhiều như vậy nên cổ họng chịu không nổi. Trong tâm tôi rất đau lòng xót dạ, nước mắt lại tuôn rơi. Nhưng tôi chợt nghĩ, không đúng rồi, Sư phụ của chúng ta là Thần, mà Thần thì có bệnh gì chứ?! Ngay lúc ấy tôi đã chính lại niệm người thường ấy, đó là do Sư phụ gánh chịu nghiệp lực của chúng ta, ngộ tính của tôi quá kém, cảm thấy bản thân xấu hổ đỏ cả mặt. Trong tâm tôi âm thầm hạ quyết tâm, học Pháp tốt để có thể chuyển hóa vật chất màu đen thành vật chất màu trắng, giảm thiểu những khổ nhọc mà Sư phụ đang chịu đựng thay chúng ta.
Đại Pháp truyền thật nhanh, có rất nhiều người đắc Pháp ở địa khu Diên Biên, nên các học viên muốn tổ chức thỉnh mời Sư phụ đến giảng Pháp. Tôi cũng cố gắng chuẩn bị, nguyên trong đơn vị tìm được rất nhiều người (muốn tham gia lớp học), Đại Pháp tốt như thế, cơ hội tốt như thế, thật khó có được.
Từ ngày 20 đến 27 tháng 8 năm 1994, Sư phụ mở lớp truyền thụ Pháp Luân Công ở thành phố Diên Cát. Diên Biên là một khu vực dân tộc thiểu số, tộc Triều Tiên chiếm hơn một nửa. Các học viên dân tộc Triều đều xem những ngày Sư phụ giảng Pháp như ngày lễ hội của dân tộc mình, nên họ mặc trang phục dân tộc, màu sắc rực rỡ như hoa nở vậy, trông thật đẹp mắt! Mọi người dùng lễ tiết long trọng nhất để chào đón Sư tôn đến giảng Pháp. Sư phụ rất vui, các học viên cũng hết sức phấn khởi, họ mặc trang phục dân tộc chụp ảnh cùng Sư phụ. Trong thời gian Sư phụ ở Trung Quốc Đại Lục, thì đây là lần duy nhất mà Sư phụ đến giảng Pháp ở khu vực dân tộc thiểu số. Về sau, cũng chỉ có duy nhất một phiên bản “Chuyển Pháp Luân” tiếng dân tộc Triều Tiên, các học viên tộc Triều Tiên thật quá hạnh phúc!
Tôi cũng là người tộc Triều, Diên Cát là nơi tôi từng sinh sống và làm việc trong nhiều năm, sau đó tôi rời đi nơi khác cũng khá lâu, nay trở lại nghe Sư phụ giảng Pháp, cảm giác có gì đó không giống trước đây! Cảm thấy như là người thân của Sư phụ! Giống như Sư phụ về thăm nhà vậy đó.
Trước khi Sư phụ kết thúc giảng Pháp, thường có một buổi lễ kỷ niệm ngắn, Sư phụ tặng tất cả 7.000 nhân dân tệ tiền vé mở lớp ở Diên Cát cho Hội chữ thập đỏ. Khi rời thành phố Diên Cát, có mấy vị trạm trưởng đã gọi xe taxi đưa Sư phụ đến nhà ga xe lửa. Trong tâm tôi thật sự có chút oán trách họ, vì sao không thể sắp xếp xe hơi riêng để tiễn Sư phụ chứ? Mà lại gọi xe taxi đưa Sư phụ đi? Nhưng Sư phụ nói: “Tôi sẽ trả chi phí xe taxi. Tôi không muốn học viên tốn kém dẫu chỉ một đồng.” Vậy là tự Sư phụ đã trả phí xe taxi.
Sau khi thông tin này truyền ra, các học viên Diên Cát rất cảm động, đều nói: “Sư tôn làm thế nào, đệ tử sẽ làm theo thế nấy.”
Còn có một sự kiện khác cũng xúc động tâm can! Điều ấy trở thành hồi ức vĩnh hằng của các học viên Diên Cát.
Từ cuối năm 1993, nghe Sư phụ giảng Pháp ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, chúng tôi không quản phải qua vạn sông nghìn núi để theo Sư phụ, tìm Đại Pháp. Mỗi lần nghe Pháp, tôi đều có lĩnh ngộ mới, mỗi lần được đi cùng Sư phụ, đều là những lần hạnh phúc và tốt đẹp vô biên không thể diễn tả bằng lời.
Sau khi quyển “Chuyển Pháp Luân” được xuất bản năm 1995, Sư phụ đã đi nước ngoài giảng Pháp.
Vào mùa đông năm 1995, Sư phụ trở về nước. Tôi và hai đồng tu ở vùng khác đã đến nhà thăm Sư phụ. Đó là một khu nhà cũ ở gần quảng trường xây dựng. Nhà của Sư phụ không lớn, bên trong có gian phòng nhỏ, cực kỳ đơn giản và vô cùng sạch sẽ. Trên tường có treo một bức tranh Phật do chính tay Sư phụ vẽ, tôi nhớ trong bức tranh có Đạo, có Phật nữ, có Tôn Ngộ Không, tất cả đều rất tinh tế, sinh động và đầy biểu cảm. Sư phụ đưa cho ba chúng tôi ba quả quýt vàng, mỗi người một quả. Hai đồng tu bất tri bất giác đã ăn quả quýt ấy. Còn tôi thì bỏ quả quýt vào túi áo to, sau khi về nhà thì chụp hình quả quýt ấy lại, rồi dâng lên bàn thờ Phật, lưu làm kỷ niệm mãi mãi. Sư phụ từ bi, đã ban cho đệ tử sự khích lệ ẩn chứa trong ánh sáng vàng cam mềm mại ấy.
Tôi còn nhớ hôm ấy thật vui, từ nhà Sư phụ về, trời đã tối rồi. Ngay sau khi tuyết rơi, trên mặt đất rất sạch sẽ. Ba người chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, thật là vui, cũng không hiểu sao lại vui đến thế. Dưới tầng lầu nhà Sư phụ có cái sân, chúng tôi chơi ném các quả cầu tuyết ở đó, rồi lăn các quả cầu tuyết, lăn tới lăn lui, cười đùa vui vẻ, đẩy nhau qua lại, thật vui biết mấy. Vào thời điểm đó, chúng tôi đều là những người ở độ tuổi 50 và 60, niềm vui ấy không thể diễn tả bằng lời, giống như trẻ con vậy đó, không ngờ là Sư phụ và Sư mẫu cũng đang nhìn chúng tôi qua cửa sổ!
Sau đó, qua nhiều năm không gặp Sư phụ, chúng tôi thật sự nhớ Ngài!
Vào ngày 26 tháng 7 năm 1998, Sư phụ trở về Trường Xuân, và giảng Pháp cho các phụ đạo viên ở Khách sạn Shangri-La. Khi nghe được thông tin này, tôi tìm gặp trạm trưởng và nói rằng muốn tham gia Pháp hội. Sau khi trạm trưởng đồng ý, tôi theo các phụ đạo viên vào đại sảnh, và ngồi ở vị trí cạnh lối đi. Khi Sư phụ đến, mọi người vỗ tay vang dội! Không ngờ rằng, Sư phụ bước vào và đi ngang qua chỗ tôi ngồi. Hai tay tôi hợp thập: “Kính chào Sư tôn!” Sư phụ mỉm cười rạng rỡ và bắt tay tôi, tay trái vỗ nhẹ lên vai tôi, Sư phụ vui vẻ nói với tôi rằng: “Con lại đến.” Tôi vô cùng vui sướng, thật cảm động, thật hạnh phúc! Lúc ấy trong đầu tôi trống không, liệu đây có phải là giấc mộng không? Nếu là giấc mộng thì tôi thật lòng không muốn tỉnh dậy. Lần đó Sư phụ giảng trong 5 giờ, cũng là lần giảng Pháp cuối cùng cho các học viên ở Đại Lục trước khi xảy ra cuộc bức hại.
Ngày hôm sau, khi giảng Pháp xong, Sư phụ cùng chúng tôi dùng bữa tại một nhà hàng, lúc ấy có hơn 10 học viên, và tôi ngồi bên phải của Sư phụ.
Sư phụ mỉm cười nói: “Con không ăn thịt à?” Sư phụ vừa nói vừa gắp cho tôi một miếng thịt. Tôi đã ăn và Sư phụ mỉm cười. Sư phụ muốn chúng ta trong tu luyện có thể phù hợp tối đa với xã hội người thường, ngay cả cái tâm không ăn thịt cũng phải bỏ đi.
Sư phụ truyền Đại Pháp cho chúng ta, cũng lưu lại cho chúng ta phong cách của Ngài. Khi có dịp được ở bên cạnh Sư phụ nhiều hơn, tôi cũng tình cờ biết được một số chi tiết trong cuộc sống của Sư phụ. Khi Sư phụ dùng bữa, sau khi dùng xong thì trên đĩa cũng trống không, Sư phụ không bao giờ chừa lại thức ăn thừa. Tôi thật sự rất cảm động, và học theo Sư phụ, bản thân khi ăn cũng không chừa lại. Tôi cũng dạy bảo lại cho con cháu phong cách này của Sư phụ, tuyệt đối không được lãng phí, nếu ăn không hết thì gói mang về nhà.
Trên bàn ăn, nghe nói Sư phụ sẽ đến Singapore giảng Pháp. Tôi nghĩ, mình là một bà lão dân tộc Triều, mình không thông thạo tiếng Hán cho lắm, người khác nghe Sư phụ giảng Pháp có thể lĩnh hội tốt, còn mình chỉ có thể hiểu được một chút trong mỗi lần nghe. Mặc dù mình đã tham dự nhiều lớp học như thế, nhưng ngộ tính vẫn kém. Vậy là tôi đi Singapore, đó là ngày 22 và 23 tháng 8 năm 1998, tôi đã nghe Sư phụ giảng Pháp trong hai ngày ấy.
Kể từ đó tôi không còn được gặp Sư phụ nữa, chớp mắt mà đã 16, 17 năm. Nay tôi đã 80 tuổi rồi, có nhiều chuyện đã quên, nhưng những ngày tháng trải qua cùng lớp học thì tôi không bao giờ quên, tôi cẩn thận và trân trọng cất giữ tất cả kỷ niệm ấy tận sâu trong trái tim mình, giống như Sư phụ giảng:
“Tôi thấy rằng những người trực tiếp nghe tôi truyền công giảng Pháp, tôi nói thật rằng… sau này chư vị sẽ hiểu ra; chư vị sẽ thấy rằng khoảng thời gian này thật đáng mừng phi thường. Tất nhiên chúng tôi nói về duyên phận; mọi người ngồi tại đây đều là duyên phận.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Trong những năm bức hại, mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều hồi tưởng lại những ngày tháng được ở bên cạnh Sư phụ, để khích lệ bản thân nhanh chóng đồng hóa với “Chân-Thiện-Nhẫn”, điều này có thể bớt đi chút khó nhọc cho Sư tôn, cũng khiến cho các sinh mệnh trong vũ trụ của chúng ta mỉm cười nhiều hơn. Tôi thường nói trước Pháp tượng của Sư phụ, Sư phụ ơi, con khắc ghi rằng, dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng luôn “hướng nội tìm”, thật sự như Sư phụ giảng:
“Trên con đường tu luyện này, trong sự vĩnh viễn của sinh mệnh chư vị, sẽ không có gì có thể cản được chư vị, thực sự là như vậy.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/10/31/318185.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/17/153704.html
Đăng ngày 12-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.