Bài viết của Niên Trọng và Trịnh Nham

[MINH HUỆ 18-03-2020] Khi hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải đương đầu với đại dịch virus corona, nhiều quan chức chính phủ và công chúng đang tìm phương pháp điều trị. Có người bắt đầu suy ngẫm về một số vấn đề căn bản của xã hội và của bản thân chúng ta.

“Bệnh dịch không phải là sự việc ngẫu nhiên đến để gây đau khổ cho xã hội một cách bất thường mà không có cảnh báo trước“, ông Frank Snowden, giáo sư danh dự ngành lịch sử và lịch sử y học tại Đại học Yale viết trong cuốn “Dịch bệnh và xã hội: Từ Cái chết Đen đến hiện tại” (Epidemics and Society: From the Black Death to the Present), xuất bản vào tháng 10 năm 2019, vài tuần trước khi dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New Yorker vào ngày 3 tháng 3 năm 2020: “Dịch bệnh là thứ bệnh như là tấm gương phản chiếu nhân loại, cho thấy chúng ta thực ra là thế nào. Nó cũng phản ánh mối quan hệ của chúng ta với môi trường—môi trường nhân tạo mà chúng ta tạo ra và môi trường tự nhiên phản ứng lại. Nó cho thấy các mối quan hệ đạo đức giữa con người chúng ta với nhau, và hôm nay, nó đang diễn ra trước mắt chúng ta. “

Với ý nghĩ đó, chúng ta có thể muốn tìm hiểu những gì đã và đang xảy ra trong đại dịch virus corona, những gì có thể học được từ lịch sử, và những gì chúng ta cần làm để tìm ra giải pháp.

Virus Trung Cộng

Kể từ tháng 12 năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm mọi cách để bưng bít đợt bùng phát ban đầu, hạ thấp mức độ nghiêm trọng của nó, không báo cáo đủ các con số và vu oan giá họa cho người khác để lẩn tránh trách nhiệm của mình. Tờ The Atlantic đưa tin ngày 19 tháng 3 năm 2020: “Những bằng chứng về việc Trung Quốc cố tình bưng bít dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán là được công nhận rộng rãi.”

Để thêm dầu vào lửa, chính phủ Trung Quốc còn kiểm duyệt và bắt giam các bác sỹ và những người thổi còi, những người đã dũng cảm tìm cách gióng lên hồi chuông cảnh báo cho đồng bào của mình khi họ hiểu được nguy cơ rình rập.

Vì ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm chính về đại dịch này, tờ Thời báo The Epoch Times có trụ sở tại New York đã gọi bệnh dịch này là “virus Trung Cộng” trong bài xã luận ngày 18 tháng 3 có tiêu đề “Đặt đúng tên cho chủng virus gây ra đại dịch toàn cầu”.

Ông Josh Rogin của tờ Washington Post tán đồng quan điểm này. Trong bài báo của mình ngày 19 tháng 3, ông cũng gọi nó là virus Trung Cộng, còn nói thêm rằng cái tên này “chính xác hơn và chỉ làm mếch lòng những người đáng bị như thế”. Ông giải thích: “Tất cả chúng ta phải cụ thể khi quy trách nhiệm về Đảng Cộng sản Trung Quốc về những hành động của nó. Chính ĐCSTQ đã che giấu sự bùng phát virus trong nhiều tuần, bịt miệng các bác sỹ, bỏ tù các nhà báo và ngáng trở khoa học – đáng chú ý nhất là việc đóng cửa phòng thí nghiệm Thượng Hải, nơi đã công khai trình tự bộ gen đầu tiên của virus corona.”

Con đường lây nhiễm

Các quan chức chính phủ, các nhà khoa học và các chuyên gia y tế đã nghiên cứu con đường lây nhiễm của chủng virus này, với hy vọng có thể hiểu thêm về căn bệnh này. Ông Snow Snowden viết trong cuốn sách của mình: “Mỗi xã hội đều có những điểm yếu riêng của nó.”

Trung Quốc là nơi không có dữ liệu thực do bị ĐCSTQ bưng bít; còn ở nước ngoài, cho đến ngày 2 tháng 4, Ý đứng đầu thế giới với số ca tử vong nhiều nhất (tổng cộng 14.681 ca với tỷ lệ trung bình là 243 ca trên 1 triệu dân), theo sau là Tây Ban Nha báo cáo 10.935 ca tử vong (trung bình 234 ca trên 1 triệu dân), Hoa Kỳ báo cáo số ca nhiễm bệnh cao nhất (266.558 ca) và 6.804 ca tử vong (tỷ lệ trung bình 21 ca trên 1 triệu dân).

Vậy những nước này có điểm gì chung? Họ đều có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ.

Ý

Nhiều nhà phân tích đã cảnh giác trước tham vọng trở thành cường quốc thế giới của Trung Quốc và nghi ngờ sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR), còn gọi là Sáng kiến ​​Vành đai Con đường (BRI), có thể là “con ngựa thành Troy” cho sự phát triển khu vực và bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tháng 3 năm 2019, Ý đã phớt lờ các cảnh báo của EU và Hoa Kỳ, trở thành quốc gia G7 đầu tiên và duy nhất tham gia sáng kiến này của Trung Quốc, mở ra “một loạt lĩnh vực cho Trung Quốc đầu tư, từ cơ sở hạ tầng đến giao thông, còn cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nắm giữ cổ phần tại bốn cảng lớn của Ý. Thỏa thuận này đã mang lại cho Trung Cộng một chỗ đứng ngay tại trung tâm châu Âu”, theo tờ The Federalist đưa tin trong một bài báo ngày 17 tháng 3.

Sau khi hai nước ký kết tổng cộng 29 thỏa thuận, Phó Thủ tướng Ý phát biểu với CNBC: “Không có gì phải lo lắng”. Trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở Ý đã được báo cáo ở Lombardy ngày 21 tháng 2, hai ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa ở Trung Quốc. Khu vực này từng là nơi thu hút lượng lớn đầu tư từ Trung Quốc, nhưng hiện lại là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Ý.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á và đã tham gia các hội nghị thượng đỉnh BRI, lại khuyến khích Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa. “Năm 2009, thủ tướng Trung Quốc bấy giờ là Ôn Gia Bảo đã gọi Tây Ban Nha là ‘người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở châu Âu’. Tây Ban Nha là quốc gia EU đầu tiên có bộ trưởng ngoại giao đến thăm Bắc Kinh sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989, sau đó còn tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt lên Trung Quốc”, theo bài báo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào tháng 10 năm 2019 có tiêu đề “Tây Ban Nha và Trung Quốc: Cách tiếp cận của châu Âu đối với mối quan hệ bất cân xứng” (Spain and China: A European Approach to an Asymmetric Relationship).

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Telefónica, một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và mạng di động lớn nhất thế giới, đã đầu tư rất nhiều vào mạng 5G của Huawei. Không chỉ có vậy, nhờ Tây Ban Nha làm cầu nối, Trung Quốc đã mở rộng thành công BRI sang Mỹ La-tinh (đặc biệt là Venezuela) và “đã kiểm soát Liên minh châu Âu với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) trong khu vực.”

Bài báo còn cho biết: “Về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, Tây Ban Nha đã cẩn trọng không lên án mà cũng không bảo vệ.”

Hoa Kỳ

Cho đến nay, Hoa Kỳ có số ca nhiễm cao nhất song tỷ lệ tử vong là tương đối thấp (trung bình 21 ca trên 1 triệu dân). Mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn đang trên đà phát triển. Theo đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, “việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 là một sai lầm lịch sử làm mất đi hàng triệu việc làm và thâm hụt thương mại lũy kế hàng nghìn tỷ đô la Mỹ.”

Tháng 7 năm 2018, tờ Wall Street Journal đăng bài báo với tiêu đề “Khi thế giới mở cửa cho Trung Quốc” (When the World Opened the Gates of China) có nêu: Hoa Kỳ đang bỏ qua các quy định của WTO và đe dọa Bắc Kinh bằng mức thuế quan lên tới “500 tỷ đô la đánh vào hàng hóa nhập khẩu.”

Trái ngược với những gì mà những người ủng hộ WTO đã kỳ vọng, “Bắc Kinh đã thuần hóa internet bằng cách giới hạn việc sử dụng internet trong thương mại, công nghệ và mạng xã hội. Nó chặn hoạt động tổ chức chính trị bằng cách đe dọa, đôi khi là bỏ tù những người đăng bình luận chỉ trích. Gần đây hơn, nó đã biến internet thành một công cụ của nhà nước khi dùng internet để xác định và theo dõi những người bất đồng chính kiến. Jerome Cohen, giáo sư luật tại Đại học New York và là chuyên gia về Trung Quốc nói: ‘Nó là Orwellian’” (ám chỉ một chính quyền toàn trị, cố gắng kiểm soát người dân về mọi mặt như được miêu tả trong cuốn 1984 (Nineteen Eighty Four) của George Orwell).

Mark Wu, một giáo sư tại Trường Luật Harvard chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và WTO, bổ sung: “Tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dẫn đến kiểm soát chính trị lớn hơn.”

Tình hình hiện tại ở Trung Quốc

Cô Phương Phương, một nhà văn và blogger ở Vũ Hán, đã ghi lại những trải nghiệm của mình trong nhật ký rồi đăng lên mạng.

Ngày 9 tháng 2 cô viết: “Có vẻ như cái chết đến gần hơn với chúng ta từng ngày. Anh họ của hàng xóm tôi chết, anh trai của bạn tôi chết, sau bố mẹ và vợ của một người bạn khác cũng chết và rồi anh ấy cũng ra đi. Mọi người đã khóc nhiều đến nỗi nước mắt đã cạn khô….”

Cô viết tiếp: “Đối với những người bị nhiễm bệnh trước đó, điều khiến họ bận tâm nhất không phải là cái chết, mà là sự tuyệt vọng. Họ đã kêu cứu, nhưng chẳng ai đáp lại; họ đã liên lạc với các bác sỹ và tìm thuốc chữa, nhưng chẳng có sự giúp đỡ nào. Nỗi đau và tuyệt vọng trước khi chết còn sâu hơn bất kỳ vực thẳm nào.”

Ngày 15 tháng 2, cô Phương viết sau khi một người bạn cùng lớp cấp ba của cô đã chết vì bệnh này: “Nhóm bạn học trung học hôm nay đều khóc vì cô ấy, những người bạn học luôn hát vang bài ca hoàng kim, lần này lại nói rằng: ‘Không bắn chết một đám yêu tinh hại người, không thể nguôi được cơn phẫn nộ của người dân!’”

Ngày 26 tháng 2, cô viết: “Vũ Hán gặp tai họa rồi. Tai họa là gì? Không phải là bắt bạn đeo khẩu trang, bắt bạn không được ra ngoài hoặc bắt bạn ra ngoài phải có giấy thông hành. Tai họa là quyển giấy chứng tử ở bệnh viện, trước đây vài tháng hết một quyển còn bây giờ vài hôm đã hết một quyển. Tai họa là cái xe chở thi thể tới nơi hỏa táng, trước đây một xe chỉ chở một thi thể, và có quan tài. Còn bây giờ là thi thể đựng vào túi, một xe chất mấy thi thể. Tai họa là không phải cả nhà chỉ một người chết, mà là chết sạch chỉ trong dăm hôm, nửa tháng.”

“Các bài đăng của cô Phương trên các mạng xã hội như WeChat hay Weibo đã nhanh chóng bị xóa”, một bài báo trên tờ Quartz có tiêu đề “Một người viết nhật ký Vũ Hán về những ngày phong thành đã ghi lại lời kết” (A diarist who chronicled life in Wuhan during the coronavirus lockdown has penned her final entry) cho hay.

Bản chất cố hữu của chủ nghĩa cộng sản

Sau khi anh Lý Văn Lượng, một trong tám bác sỹ Vũ Hán bị trừng phạt vào ngày 1 tháng 1 vì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về dịch bệnh, qua đời vào ngày 7 tháng 2, các quan chức hứa sẽ điều tra để làm dịu cơn phẫn nộ của công chúng.

Một tháng sau, hai cảnh sát địa phương đã bị kỷ luật, một người bị khiển trách, một người khác bị cảnh cáo. Một bài đăng trên mạng xã hội Weibo viết: “Sao các vị có thể để những cảnh sát ở cấp thấp nhất gánh chịu như thế? Họ chẳng qua chỉ là người thi hành mệnh lệnh mà thôi.”

ĐCSTQ thường dùng thủ đoạn con dê thế tội như thế. Sau mỗi chiến dịch lớn hoặc thảm họa nhân tạo, Đảng chọn ra một số cá nhân nào đó và trừng phạt họ. Vì Đảng “vô tội” và “có khả năng giải quyết vấn đề”, nên người dân đã quên đi nỗi đau và lại sát cánh cùng ĐCSTQ, để rồi lại phải đối mặt với thảm kịch tiếp theo.

“Cũng như bất kỳ sự phát triển vĩ đại nào trong lịch sử, những thất bại của chủ nghĩa cộng sản không thể chỉ do một nguyên nhân đơn nhất nào. Mà nó thực ra vốn dĩ đã phải vậy rồi. Nếu chúng ta thêm vào danh sách này những cái chết gây ra bởi những chính quyền cộng sản mà Liên Xô dựng lên và hậu thuẫn – gồm cả ở Đông Âu, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Campuchia – thì tổng số nạn nhân lên tới gần 100 triệu. Điều này khiến chủ nghĩa cộng sản trở thành tai họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại”, ông David Satter, nhà báo và tác giả người Mỹ viết trong bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal năm 2017 với tiêu đề “100 năm cộng sản và 100 triệu người chết (100 Years of Communism–and 100 Million Dead)”.

Trong những mất mát đó có Đại Nhảy Vọt vào cuối những năm 1950 với 45 triệu người chết vì đói. Thay vì chọn ra một số cá nhân để giá họa như trong các chiến dịch trước đó, ĐCSTQ chỉ xổ sạch đi bằng cách tuyên bố đó là do thiên tai.

Khi gia nhập ĐCSTQ, mọi người phải thề sẽ cống hiến hết mình cho Đảng. Trong lời thề, người ấy đưa ra cam kết “… nghiêm khắc tuân thủ kỷ luật Đảng, bảo vệ bí mật của Đảng, trung thành với Đảng… suốt đời đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản… và không bao giờ phản bội Đảng”. Hệ tư tưởng đó thấm đẫm trong giáo dục, truyền thông và hầu như mọi ngóc ngách của xã hội Trung Quốc.

Nhờ không ngừng tẩy não, bộ máy cộng sản chẳng gặp trở ngại gì trong việc tuôn ra vô số lời dối trá mà chúng ta nghe thấy trong vài tháng qua.

Bảo vệ nhân loại

Trong đại dịch này, nhiều người, gồm cả các quan chức chính phủ, đã tra xét các đại dịch trong quá khứ, với hy vọng tìm ra manh mối để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Thí dụ, đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ qua là gì?

Nhiều người tin rằng đó là cúm Tây Ban Nha năm 1918 với khoảng 50 triệu người chết. Nhưng các chiến dịch và phong trào chính trị của ĐCSTQ trong vài thập kỷ qua đã dẫn đến cái chết của gần 100 triệu người Trung Quốc.

Chính phủ Hoa Kỳ đã từng cảnh giác về nguy hiểm tiềm ẩn của ĐCSTQ cho đến khi Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Leonid Brezhnev, lãnh đạo Liên Xô giai đoạn 1964-1982, từng cảnh báo Nixon về Trung Quốc. Theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Quốc gia của Đại học Luật Harvard vào tháng 9 năm 2015, Brezhnev tin rằng “Các chính sách của Trung Quốc sẽ không thay đổi, kể cả sau cái chết của Mao; ông đoán chắc rằng toàn bộ lãnh đạo Trung Quốc đều có bản tính hung hãn.”

Người kế vị của Mao, Đặng Tiểu Bình, nhiệt tình làm theo lời khuyên của Nixon để mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, ông “không bao giờ quên lời dạy của Mao rằng ‘sức mạnh chính trị đi lên từ báng súng’” – cả trong nước lẫn trường quốc tế. Ông đã “dạy một bài học” cho Việt Nam năm 1978 và sinh viên Trung Quốc năm 1989.

Sau khi Giang Trạch Dân lên vị trí chóp bu trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông ta đã tăng cường kiểm soát hệ tư tưởng. Một ví dụ là cuộc bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ tháng 7 năm 1999, hàng chục triệu học viên của pháp môn này đã bị phân biệt đối xử vì đức tin của họ. Một lượng lớn người đã bị bắt giữ, bỏ tù và bị tra tấn, thường là đi kèm với lao động cưỡng bức và ngược đãi tinh thần.

Như trong việc bưng bít đại dịch virus corona đang diễn ra, đến nay vẫn chưa có đầy đủ thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc do sự kiểm duyệt và bóp méo thông tin của ĐCSTQ. Nhưng kể từ năm 2006, ngày càng có nhiều bằng chứng xác nhận sự tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn từ các học viên còn sống ở Trung Quốc. Sự tàn nhẫn này đã gây sốc đến mức các nhà điều tra gọi nó là “một loại tội ác mới chưa từng có trên hành tinh này”.

Một tòa án nhân dân độc lập tại London, được thành lập để điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, đã công bố các ghi nhận của tòa hôm 17 tháng 6 năm 2019. Ban bồi thẩm kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong nhiều năm qua, và tội ác này đến nay vẫn tiếp diễn.

Thời gian để suy ngẫm

Trong sự cố virus corona, thế giới đã chứng kiến ​​ĐCSTQ dối trá như thế nào về đợt bùng phát ban đầu và vẫn tiếp tục lừa gạt ra sao sau khi dịch bệnh biến thành đại dịch. Nhưng liệu chúng ta có thể ngăn điều này xảy ra lần nữa không?

Cần phải có một cách tiếp cận toàn diện vì ĐCSTQ đã thâm nhập vào gần như mọi ngóc ngách trong xã hội chúng ta và giờ đây là mối đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của chính chúng ta. “Ảnh hưởng [của ĐCSTQ] chẳng có gì là mới mẻ. Áp lực trực tiếp của ĐCSTQ, sự tự kiểm duyệt và sợ đồng lõa với tội phản chủ nghĩa tự do của Trung Quốc đã đánh lừa các công ty công nghệ Mỹ, Hollywood, các trường đại học, chuỗi khách sạn, các hãng thời trang cao cấp và cả các công ty game”, theo bài báo đăng trên tờ The Diplomat tháng 2 năm 2020, trong đó có đưa cả Google và Apple vào danh sách các công ty góp sóng vào sức mạnh độc tài đó.

Các quan chức chính phủ, kể cả chính quyền Mỹ đương nhiệm, cũng đã nhận ra điều này. “Di sản Mỹ và lời hứa Mỹ vừa đáng quý vừa mong manh. Nếu chúng ta không quyết liệt bảo vệ những điều đó thì sẽ không có ai làm cả”, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Ben Sasse viết trong một bài viết đăng trên tờ The Atlantic ngày 26 tháng 1 năm 2020 với tiêu đề “Trách nhiệm chống lại tham vọng của Trung Quốc đặt trên vai chúng ta“ (The Responsibility to Counter China’s Ambitions Falls to Us).

Kể từ khi Thời báo The Epoch Times xuất bản Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản vào năm 2004 đến nay, đã có hơn 353 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ, gồm các tổ chức thanh thiếu niên là Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong.

Mặt khác, đại dịch này đã thay đổi thái độ của rất nhiều nhà báo và công dân Trung Quốc bình thường như anh Đồ Long, một thanh niên thế hệ Y ở Bắc Kinh. Anh phát biểu với Đài tiếng nói Hoa Kỳ: “Đa số người Trung Quốc, trong đó có tôi, không phải là vô tội. Chúng ta đã dung túng cho [lãnh đạo ĐCSTQ] hành ác, có người thậm chí còn tiếp tay cho họ hành ác.”

Một nhận xét thẳng thắn như vậy lẽ ra cũng không có gì lạ ở Trung Quốc trong vài nghìn năm qua, ít nhất là cho đến khi cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949. Hồi đó, con người nói chung tin vào sự hòa hợp giữa thiên, địa, nhân. Khi những tai họa lớn xảy ra, ai ai cũng vậy, từ hoàng đế cho đến thường dân, đều hướng nội để xem họ có làm điều gì sai trái gây mất cân bằng hay không. Ở một góc độ nào đó, nó giống như việc người La Mã cổ đại sám hối trong ôn dịch sau cuộc bức hại các tín đồ Cơ-đốc giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Wall Street Journal, ông Snowden đã suy ngẫm về mối quan hệ của chúng ta với đại dịch. Trong bài báo đăng ngày 27 tháng 3, ông nói: “Đối với tất cả năng lực y sinh hiện đại của phương Tây, có những công cụ kém cỏi của nó khi đứng trước một căn bệnh chưa hiểu được bao nhiêu cũng chẳng khác gì lúc loay hoay thuở khai phá ở thế kỷ 14.” Ông còn nói rằng, sau Thế Chiến II, “người ta quả thực đã tự tin rằng mọi loại bệnh truyền nhiễm đều sẽ là dĩ vãng.”

Với thảm trạng hiện nay, đại dịch này đã cho chúng ta cơ hội suy ngẫm về xã hội và chính bản thân mình. Tiến bộ của khoa học và công nghệ đã thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhưng là con người, dù là từng cá nhân hay toàn nhân loại, chúng ta vẫn cần sống theo bổn phận đạo đức thay vì chỉ đắm mình trong sở hữu vật chất, phải đương đầu với sự chuyên chế thay vì im lặng chấp nhận, phải bảo vệ những nguyên tắc thay vì bị cuốn theo chiều gió.

Mặc dù đại dịch đến bất ngờ, nhưng nó không hề ngẫu nhiên; đúng hơn, nó là một sản phẩm của cả hệ thống ĐCSTQ đồ sộ, phức tạp. Những sự kiện trong vài tháng qua đã cho chúng ta thấy hệ thống đó độc hại đến mức nào. Dù vậy, câu hỏi là, bộ máy đó đang trù tính điều gì cho chúng ta ở bước tiếp theo, trước khi nó sụp đổ?

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:

香港教堂直播弥撒防病毒传播

Bài viết liên quan:

Năm 2020 bắt đầu với hiểm họa ghê gớm khiến chúng ta mỗi ngày đều sống trong biến đổi nhanh chóng


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/18/402314.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/4/183897.html

Đăng ngày 11-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share