Bài viết của Minh Giám

[MINH HUỆ 05-03-2020] Trải qua hàng nghìn năm văn minh, người dân Trung Hoa luôn tin vào Thần, tin rằng con người và thiên nhiên là tương thông với nhau. Cổ nhân cũng tin rằng hoàng đế là Thiên tử, ngai vàng là do Thượng Thiên ban cho, nên hoàng đế phải tuân theo Thiên mệnh và tôn trọng người dân. Chỉ khi thực hiện như vậy, mới có thể đạt được quốc thái dân an.

Nếu lũ lụt, hạn hán, dịch châu chấu, động đất, thiên thạch, sao chổi, nhật thực hay sụt lở đất xảy ra, hoàng đế phải tự kiểm điểm mình đã làm gì sai trong việc trị quốc nên Thiên thượng mới cảnh báo ông như vậy. Hoàng đế sẽ nhanh chóng tìm ra lỗi sai và ban bố “Tội Kỷ Chiếu” (chiếu thư tự trách tội) để chuộc lỗi, cầu xin Thiên thượng tha thứ cho ông và chấm dứt tai họa.

Trong lịch sử Trung Quốc, từ thời Đại Vũ, hầu hết các vị vua và hoàng đế đều ban bố “chiếu thư tự trách tội”, ngoại trừ Tần Thủy Hoàng và Tùy Dạng Đế.

Theo sử sách, Trung Quốc có 89 hoàng đế đã viết chiếu thư tự trách tội, có vị còn viết nhiều lần. Ví dụ, Chu Thành Vương viết 260 chiếu, Đường Thái Tông viết 28 chiếu. Ngay cả Sùng Trinh, hoàng đế cuối cùng của nhà Minh, cũng viết 6 chiếu, mặc dù lần cuối cùng, ông lại quy tội cho các quần thần về sự sụp đổ của triều đại.

Từ Hy Thái Hậu vì hậu thuẫn cho khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn mà dẫn đến Liên minh 8 Quốc gia (liên quân tám quốc gia) xâm lược Trung Quốc, khiến bách tính lầm than, cũng đã ban bố chiếu thư tự trách tội nhân danh Quang Tự Đế, nhưng trong đó lại đẩy trách nhiệm cho quần thần trong triều và dân chúng.

Qua tấm gương của vua Sùng Trinh và Từ Hy Thái Hậu, có thể thấy những người viết chiếu để đổ lỗi cho người khác đã làm mà vô ích, vì họ không thật lòng sám hối.

Vua Thang triều Thương

Vào thời đầu vua Thành Thang mới lập nên nhà Thương, đã có một trận hạn hán nghiêm trọng kéo dài tới mấy năm, bách tính rơi vào cảnh lầm than. Vua Thành Thang cắt tóc và móng tay, nhận hết tội về mình mà cầu khẩn: “Mình trẫm là kẻ có tội, xin Thượng Thiên chớ trách trăm họ. Bách tính có phạm lỗi cũng đều do mình Trẫm vì tội bất kính, xin Thượng Thiên, quỷ thần xót thương dân chúng.” Mọi người vô cùng biết ơn hoàng đế vì những gì ông đã làm, chẳng mấy chốc, những cơn mưa cứu mạng đã trút xuống.

Vua Đường Thái Tông

Năm Trinh Quán thứ hai (năm 630) triều Vua Đường Thái Tông xuất hiện hạn hán lớn, châu chấu hoành hành, nông sản chịu thiệt hại thảm trọng. Đường Thái Tông đã viết chiếu thư tự trách tội, trong đó viết: “Nếu như chúng sinh thiên hạ có làm sai điều gì thì tội lỗi đó một mình trẫm nhận lấy.“

Đường Thái Tông tâm tình vô cùng nặng nề, lúc nhìn thấy châu chấu bay ở khắp nơi, ông đã vơ tay bắt lấy vài con châu chấu thật to và nói với chúng: “Nếu như châu chấu các ngươi thật sự có linh tính thì các ngươi đừng ngại đến ăn tim của ta, không cần các ngươi phải làm hại đến bách tính!”

Thái Tông nhân từ đối đãi với bách tính, tự mình thành tâm gánh nhận tội lỗi đã làm cảm động Thượng Thiên. Không lâu sau đó, đoàn quân châu chấu rợp trời dậy đất đã biến mất và nạn côn trùng cũng không còn nữa.

Về sau, Đường Thái Tông đã nói với các quan Đại thần: “Tấm lòng nhân nghĩa và thiện lương nhất định cần phải có tâm ý chân thật, mọi lúc khắc ghi trong tâm, không được phóng túng yêu cầu đối với bản thân. Cũng giống như việc ăn cơm vậy, chỉ có không ngừng cung cấp đồ ăn dinh dưỡng mỗi ngày thì mới có thể duy trì cuộc sống bình thường.”

Hoàng đế Đường Đức Tông

Không lâu sau khi Đường Đức Tông lên ngôi, một số tướng lĩnh đã nổi dậy. Vào năm 783, quân nổi loạn đã đột nhập vào Thủ phủ Trường An. Đường Đức Tông chạy trốn đến thành phố Phụng Thiên. Mùa xuân năm sau đó, ông đã viết một chiếu thư dài tự trách tội. Ông kể ra hết những việc làm sai trái của bản thân và nói: “Trẫm đã không tỉnh ngộ khi Trời trách phạt Trẫm, không biết khi bách tính quở trách Trẫm. Trẫm đã mang lại nỗi sỉ nhục cho tổ tiên của Trẫm, và làm mất lòng dân. Trẫm vô cùng hổ thẹn, quả đáng bị trừng phạt.”

Chiếu thư chân thành của hoàng đế đã khiến binh lính cảm động rơi lệ, khiến tinh thần binh lính và bách tính lên cao, cuộc nổi loạn liền bị dập tắt không lâu sau đó.

Hoàng đế Khang Hy triều Thanh

Vào triều Thanh, lúc Khang Hy Đại Đế tại vị có một năm Bắc Kinh xảy ra trận động đất. Khang Hy nói với các Đại thần: “Trẫm tự mình khiếm khuyết đức hạnh, có thiếu sót về mặt chính sự nên ông Trời giáng xuống động đất để cảnh báo. Trong lòng trẫm vô cùng bất an, nôn nóng tìm ra nguyên nhân dẫn đến tai họa này. Phải chăng là quan viên bòn rút tiền tài của bách tính để khoe khoang bản thân? Hay là các quan Đại thần kết bè kết phái vì tư lợi cho riêng mình? Hay là quan viên thống lĩnh binh mã mặc sức cướp bóc tàn bạo không kiêng nể gì? Hay là việc miễn trừ tô thuế và lao dịch chưa được thực hiện? Trẫm tự hỏi quan chấp pháp xử lý tố tụng có oan khuất gì cho bách tính không? Hay là Vương công Đại thần không thể quản lý thuộc hạ để cho họ ăn hiếp bách tính? Chỉ cần một trong các việc này phát sinh thì đã đủ để dẫn đến tai họa rồi. Coi trọng luật pháp căn bản của triều đình thì phải liêm khiết từ những chuyện nhỏ, chính trị thái bình thì mới không có oan khuất, như vậy mới có hy vọng cảm động đến Thượng Thiên mà tiêu trừ được tai họa. Cho nên, Trẫm đã viết chiếu thư thổ lộ những trăn trở trong lòng mình, mong rằng các khanh dốc sức cùng với Trẫm.”

Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, Trung Quốc mất đi sự tương thông với Thần, thay vào đó là bạo lực và đấu tranh

Chỉ có thừa nhận sai lầm và trách nhiệm của mình, quay đầu trước khi quá muộn, và ban hành chính sách mới để sửa chữa sai lầm của mình mới có thể được Thiên Thượng tha thứ, và chỉ khi đó mới có thể đạt được quốc thái dân an.

Mối liên hệ tâm linh sâu sắc giữa dân tộc Trung Hoa với Thần, vốn được truyền thừa qua các thế hệ suốt 5.000 năm văn minh đã bị cắt đứt sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền vào năm 1949.

Thay vì thuận theo truyền thống tâm linh và cai trị đất nước bằng nhân nghĩa, thiện lương, ĐCSTQ lại cai trị Trung Quốc bằng chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật. Khi rũ bỏ mọi tín ngưỡng vào Thần và trấn áp mọi tôn giáo, nó đã tự coi nó là đấng tối cao, là Thần, và vượt khỏi mọi ràng buộc về pháp lý và đạo đức.

ĐCSTQ đi ngược lại Thiên lý và đạo đức căn bản của con người, dán nhãn cho các yếu tố căn bản của văn hóa truyền thống Trung Hoa là quan niệm triết học về mối liên hệ giữa nhân loại và tự nhiên là “mê tín”, cần phải lên án và cấm đoán. Nó coi hết thảy cảnh báo từ Thiên Thượng là “thảm họa tự nhiên”, chứ không liên quan gì đến việc cai trị của nó.

Mao Trạch Đông đã phát động hết chiến dịch chính trị này đến chiến dịch khác như “Cải cách Ruộng đất”, “Trấn áp phần tử phản cách mạng”, “Tam phản”, “Ngũ phản”, “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa”.

Các chiến dịch và phong trào này đã dẫn đến các cuộc thanh trừng, giết chóc và bắt bớ hàng loạt, phỉ báng Thần Phật, phá hủy tượng Phật và hàng chục nghìn đền chùa. ĐCSTQ còn huênh hoang về sự “vô pháp vô thiên” của nó, xúi giục nhân dân Trung Quốc “đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người”. Mao và thuộc hạ của y đã giết khoảng 80 triệu người thuộc mọi giai tầng xã hội trong thời kỳ ông ta nắm quyền.

Phản ứng của chính quyền trước phong trào sinh viên trong lịch sử hiện đại

ĐCSTQ đã đàn áp tàn bạo phong trào dân chủ sinh viên bằng xe tăng và súng đạn trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Còn các vị hoàng đế và tướng lĩnh ở Trung Quốc thời trước ĐCSTQ đã hành xử theo văn hóa truyền thống, coi trọng sự “nhân từ, chính nghĩa, trang nhã, trí huệ cổ nhân và tín ngưỡng”.

Cho dù là Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Từ Thế Xương, “lãnh chúa” Đoàn Kỳ Thụy, hay Tưởng Giới Thạch, tất cả họ đều nhân từ với các sinh viên biểu tình và đối xử có chừng mực với họ mà không động đến súng đạn, ngay cả khi các sinh viên phát sinh bạo lực, đập phá, phá hủy các cơ quan chính quyền.

Tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, các cường quốc đã đồng ý với yêu cầu của Nhật Bản và nhượng lại cho Nhật bán đảo Sơn Đông bị Đức chiếm đóng. Tin tức này lập tức dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ của người dân Trung Quốc, và vào ngày 4 tháng 5, 25.000 sinh viên, công nhân và doanh nhân đã xuống đường phản đối phản ứng yếu nhược của chính phủ Trung Quốc đối với Hiệp ước Versailles, yêu cầu chính phủ không ký hiệp ước và trừng phạt kẻ phản bội Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư và Chương Tông Tường.

Sinh viên đã đốt nhà của Tào Nhữ Lâm và tấn công Chương Tông Tường khi ông đang tình cờ ở nhà của Tào. Từ Thế Xương đã bắt giữ 32 sinh viên.

Cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc, sau đó, Từ Thế Xương đã bắt giữ 170 người, và triển khai đội kỵ binh để giải tán đám đông biểu tình. Tuy nhiên, ông không bao giờ ra lệnh cho quân lính bắn người biểu tình.

Cuối cùng, Từ Thế Xương đã thỏa hiệp. Ông đã hạ bệ Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư và Chương Tông Tường, đồng thời ra lệnh cho các đại biểu tham dự Hội nghị không ký. Phong trào sinh viên kết thúc thành công.

Năm 1926, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh và các nước khác trong Liên minh Tám Quốc gia đã đưa ra tối hậu thư cho chính phủ Bắc Dương, yêu cầu họ dỡ bỏ pháo đài và phòng thủ quân sự của họ tại Đại Cổ Khẩu, Thiên Tân. Đáp lại, hơn 5.000 người thuộc mọi giai tầng ở Bắc Kinh, bao gồm cả giáo viên và học sinh, đã tập trung trước tòa nhà điều hành chính phủ Đoàn Kỳ Thụy vào ngày 18 tháng 3, yêu cầu chính phủ từ chối “Tối hậu thư của tám quốc gia”.

Đoàn Kỳ Thụy không ở trong tòa nhà chính phủ ngày hôm đó, còn đám đông phẫn nộ đã đụng độ với lính gác. Lo ngại tình hình có thể trở nên mất kiểm soát, đội trưởng ra lệnh cho lính gác nổ súng để giải tán đám đông. 47 người đã bị bắn chết, hơn 150 người bị thương. Vụ việc này được gọi là “Thảm kịch ngày 18 tháng 3”.

Khi biết đến thảm kịch này, Đoàn Kỳ Thụy cảm thấy “ân hận” và “tội lỗi” khôn nguôi. Mặc dù không ra lệnh cho lính gác bắn, Đoàn Kỳ Thụy vẫn chịu trách nhiệm về thảm kịch này. Ông nghẹn ngào nói: “Tôi đã vẫn luôn sống trung thực và chính trực, nhưng tất cả đã bị sụp đổ chỉ trong một ngày.”

Đoàn nhanh chóng lập một đội xác định danh tính và bồi thường cho các nạn nhân. Trong lễ tang cho các nạn nhân, Đoàn quỳ xuống trước công chúng và thề sẽ ăn chay suốt đời để chuộc lại tội lỗi của mình. Ông đã giữ lời thề.

Dưới đây là một ví dụ khác về cách Tưởng Giới Thạch, người bị ĐCSTQ bôi nhọ, phản ứng với một phong trào sinh viên.

Sau khi quân đội Nhật Bản chiếm đóng vùng Đông Bắc năm 1931, nhân dân Trung Quốc phẫn nộ. Sinh viên Bắc Kinh, Thượng Hải, Sơn Đông và những nơi khác đã đến Nam Kinh để phản đối sự im lặng của chính phủ.

Ngày 8 tháng 12, đích thân Tưởng Giới Thạch đã gặp gỡ các sinh viên, lắng nghe quan điểm của họ và ghi nhận sự công phẫn của họ.

Ngày 17 tháng 12, sinh viên phát sinh bạo loạn tại trụ sở của Nhật báo Trung ương; tấn công Thái Nguyên Bồi, ủy viên Ủy ban Điều hành Trung ương, và Trần Minh Xu, Quyền Chủ tịch của Viện Hành chính; và đụng độ với cảnh sát vũ trang.

Ngày 18 tháng 12, Lộc Chính Luận, chỉ huy đồn trú quân đội thủ đô, được lệnh tập hợp hàng nghìn cảnh sát vũ trang để bao vây sinh viên, buộc 600-700 sinh viên từ Bắc Bình (Bắc Kinh), 2.500 sinh viên từ Tế Nam và hơn 1.000 sinh viên từ Thượng Hải phải quay trở về. Họ không bắn một viên đạn nào trong toàn bộ sự việc này.

Trong các cuộc biểu tình của sinh viên do ĐCSTQ xúi giục về sau này, Tưởng Giới Thạch liên tục gặp gỡ trực tiếp với sinh viên và giải thích các chính sách của chính phủ cho họ. Đối mặt với cơn giận dữ của sinh viên, Tưởng Giới Thạch vẫn lý trí và không ra lệnh cho cảnh sát vũ trang bắn sinh viên.

Sự phát triển của hệ tư tưởng Mác-Lênin trong thế kỷ 21

Bước vào thế kỷ 21, và cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, thế giới hy vọng ĐCSTQ sẽ thay đổi sau khi tiếp xúc với nền văn minh và dân chủ phương Tây.

Hai thập kỷ đã trôi qua. ĐCSTQ đã mang một diện mạo mới là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng tham vọng quyền lực và kiểm soát của nó chưa bao giờ thay đổi, chẳng qua chỉ trở nên bí mật và gian xảo hơn.

Từ “Cộng đồng Chung Vận mệnh” cho đến “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ĐCSTQ còn muốn truyền bá hệ tư tưởng Mác-Lênin ra thế giới và thiết lập một mô hình mới về quan hệ quyền lực và trật tự kinh tế toàn cầu.

Tháng 10 năm 2017, ngay sau khi Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ kết thúc, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ đã dẫn đầu bảy ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tuyên thệ tại nơi ĐCSTQ tổ chức Đại hội Toàn quốc đầu tiên ở Thượng Hải sẽ “đấu tranh suốt đời vì chủ nghĩa cộng sản”.

Ngày 23 tháng 4 năm 2018, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức nghiên cứu “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, khuyến khích mọi người “Hãy nhớ đến ý tưởng ban đầu và không bao giờ quên nhiệm vụ”.

Tháng 5 năm 2019, một cuộc họp cấp cao đã được tổ chức nhằm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Marx, kêu gọi đẩy mạnh các học thuyết của Mác.

Ngày 16 tháng 12 năm 2019, các ủy viên của Bộ Chính trị Trung ương 19 của ĐCSTQ lại nghiên cứu “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tại cuộc họp thứ năm.

Tháng 2 năm 2019, bất chấp thỏa thuận “Một quốc gia, hai chế độ”, ĐCSTQ đã ngấm ngầm ra lệnh cho Đặc khu trưởng Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga đẩy mạnh thỏa thuận luật dẫn độ với Trung Quốc Đại lục.

Tuy nhiên, dự luật dẫn độ đã bị khối kinh doanh và pháp lý của Hồng Kông phản đối mạnh mẽ. Các cuộc biểu tình bắt đầu leo thang vào ngày 9 tháng 6 năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông không chỉ từ chối rút lại dự luật dẫn độ mà còn gia tăng bạo lực, nổ súng và xịt hơi cay vào người biểu tình, làm dấy lên sự phẫn nộ còn lớn hơn nữa trong dân chúng Hồng Kông.

Người biểu tình hô lớn: “Trời diệt Trung Cộng” và “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”.

Ngày 4 tháng 9 năm 2019, sau nhiều tháng biểu tình không dứt, mặc dù Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã miễn cưỡng rút lại dự luật dẫn độ, nhưng đã quá muộn để chính quyền Hồng Kông hoặc ĐCSTQ lấy lại được niềm tin của người Hồng Kông.

Mặt khác, cách chính quyền Hồng Kông đối xử với người dân của họ trong cuộc biểu tình cũng giúp người Đài Loan hiểu rõ hơn về ĐCSTQ. Chiến thắng vang dội của Tổng thống Thái Văn Anh đã khẳng định quyết tâm của người dân Đài Loan trong việc duy trì nền dân chủ và chống lại nguy cơ bị ĐCSTQ xâm lược.

Đối với sự bùng phát dịch virus corona, mặc dù các ca nhiễm bệnh đã được báo cáo từ đầu tháng 12 năm 2019, nhưng ĐCSTQ đã che giấu thông tin và đàn áp bất cứ ai tiết lộ thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội.

Trong khi đó, Vương Quảng Phát, một chuyên gia hô hấp tại Đại học Bắc Kinh, tuyên bố rằng sự lây nhiễm là “có thể phòng ngừa và sẽ sớm được kiểm soát”, và không có trường hợp nào lây truyền từ người sang người, trong khi sự thật cho thấy điều ngược lại.

Bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong tám bác sỹ gửi tin nhắn trên WeChat để cảnh báo bạn bè và đồng nghiệp của mình về khả năng bùng phát dịch virus corona, đã bị cảnh sát kỷ luật nặng vì “tung tin đồn phá hoại ổn định xã hội”. Bác sỹ Lý bị bắt, đưa đi khỏi nhà vào ban đêm và buộc phải giữ im lặng về vấn đề này.

Mãi đến ngày 20 tháng 1 năm 2020, chính quyền ĐCSTQ mới đưa ra thông báo công khai đầu tiên về dịch bệnh; ngày 26 tháng 1 mới thành lập nhóm ứng phó với dịch bệnh của ĐCSTQ do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu.

Tiếp đó là việc quan chức các cấp tiếp tục che đậy sự thật về dịch bệnh, và trốn tránh trách nhiệm khi mọi việc đã vượt quá tầm kiểm soát.

Thay vì chịu trách nhiệm về dịch bệnh, ngày 23 tháng 2, ĐCSTQ lại tự ca ngợi mình trong một cuộc họp qua video với hơn 170.000 người trên khắp Trung Quốc, tâng bốc rằng họ đã có những hành động đầu tiên vào ngày 17 tháng 1, đã tổ chức nhiều cuộc họp và thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát virus.

Cho dù ĐCSTQ tìm cách ngụy trang và tôn vinh bản thân như thế nào, hành động luôn có giá trị hơn lời nói, và thực tế luôn là minh chứng tốt nhất. Hiện nay, ngày càng có nhiều người trên khắp thế giới nhận ra bản chất thật của ĐCSTQ. Đây đúng là một thảm họa đối với dân tộc Trung Hoa và một đất nước từng được coi là “Thần Châu” (vùng đất của Thần).

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/23/402824.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/5/402014.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/28/183814.html

Đăng ngày 04-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share