Bài viết của Trí Dũng

[MINH HUỆ 18-03-2020] Ông Triệu Lập Kiến, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đăng bài tweet vào ngày 12 tháng 3 rằng có thể quân đội Hoa Kỳ đã mang chủng virus đến Vũ Hán. Trong khi nhiều nước phương Tây đã bác bỏ tuyên bố của Triệu là tin đồn vô căn cứ, nhưng cũng có nhiều người ở Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của những lời dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do tuyên truyền rợp trời dậy đất của nó.

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng

Ông Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Hitler ở Đức Quốc xã, từng nói: “Nếu bạn lặp đi lặp lại một lời nói dối thì người ta sẽ tin nó, thậm chí chính bạn cũng sẽ tin nó.”

Hiện tượng này, được các nhà tâm lý học gọi là hiệu ứng chân lý ảo tưởng, đã tồn tại từ lâu. Kính Hoa Duyên (Hoa trong gương), một cuốn tiểu thuyết từ thời nhà Thanh những năm 1800, kể về một đất nước có tên là Bá Lự. Mọi người ở đó sợ đi ngủ, vì họ thấy người ta bảo ngủ cũng giống như chết. Ai nhìn thấy người khác ngủ sẽ đánh thức họ dậy. Cuối cùng, những người bị suy sụp rồi chết do bị thiếu ngủ lại được dùng để chứng minh quan điểm “đi ngủ cũng giống như chết.” Người ta sẽ nói: “Thấy chưa, tôi bảo anh là ngủ sẽ chết mà.”

Tuyên truyền nhằm biến dối trá thành sự thật

Trung Quốc hiện đại dưới sự cầm quyền của ĐCSTQ không khác gì đất nước Bá Lự được đề cập bên trên. ĐCSTQ đã liên tục tuyên truyền dối trá kể từ khi nó thành lập để duy trì quyền lực.

Trong chiến dịch Đại Nhảy vọt vào năm 1958, các quan chức ĐCSTQ tuyên bố sản lượng ngũ cốc đã đạt tới hàng ngàn ki-lô-gam trên mỗi héc-ta, nên đã giải tán các văn phòng cứu trợ thiên tai, bởi với lượng ngũ cốc phục vụ việc tiêu thụ dồi dào như vậy thì không cần văn phòng cứu trợ nữa. Sự thật là, nhiều người, kể cả các quan chức của ĐCSTQ, xuất thân từ các nông trang, họ biết chính xác một mẫu đất có thể cho sản lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, dưới sự cai trị chuyên chế của ĐCSTQ, họ thuận theo lừa dối mà phản bội lương tri, nhắm mắt bất quản những gì đang xảy ra. Hậu quả đã làm cho hàng chục triệu người chết đói trong Nạn đói Lớn xảy ra không lâu sau trong năm đó.

Để tiêu diệt Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, ĐCSTQ đã biên tạo vô số dối trá nhằm công kích Pháp Luân Công, trong đó có vụ tự thiêu dàn dựng năm 2001 trên Quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 23 tháng 1 năm 2001, một năm rưỡi sau khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, năm người được cho là đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Toàn cảnh được camera ghi lại từ nhiều góc độ. Chỉ vài giờ sau sự kiện, các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã bắt đầu phát sóng ồ ạt hàng loạt bản tin nói rằng những người tự thiêu là các học viên Pháp Luân Công. Các bản tin này có những cảnh quay ghê rợn về các nạn nhân, và gán cho những điều được giảng trong Pháp Luân Công là nguyên nhân trực tiếp của thảm kịch này.

Trong những tuần sau sự việc này, rất nhiều bằng chứng đã được phát hiện (trong đó có một bài báo của Washington Post cho biết hai trong những người tự thiêu chưa từng tu luyện Pháp Luân Công), điều đó cho thấy toàn bộ sự việc đã được dàn dựng. Tuy nhiên, trong khi người dân trong nước Trung Quốc không thể tiếp cận với thông tin này, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc lại tiếp tục một chiến dịch chớp nhoáng để chụp mũ “những người tự thiêu” là học viên Pháp Luân Công. Mọi người trên khắp Trung Quốc đã thay đổi thái độ từ tôn trọng và đồng cảm với Pháp Luân Công thành tức giận và công kích môn tu luyện. Tội ác kích động lòng căm thù nhắm vào các học viên Pháp Luân Công liên tục gia tăng và ĐCSTQ đã leo thang cuộc bức hại bằng các vụ bắt giữ, tra tấn, sát hại và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

ĐCSTQ đã sử dụng thủ đoạn truyền bá lừa dối tương tự nhằm tẩy não người dân khi xử lý sự bùng phát dịch virus corona. Từ khi bệnh nhân đầu tiên nhập viện vào ngày 1 tháng 12 năm 2019 đến khi phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, các quan chức thành phố liên tục thông báo với công chúng rằng dịch bệnh này không lây nhiễm, “có thể phòng tránh và kiểm soát được”, ngay cả sau khi bệnh nhân đầu tiên đã lây nhiễm cho mười mấy nhân viên y tế và một số bệnh nhân đã lây truyền virus này cho cả gia đình họ. Thậm chí các quan chức còn xử phạt tám bác sỹ và những người dân khác vì nâng cao nhận thức về đại dịch này.

Đừng trở thành con mồi của ĐCSTQ

Sau khi ĐCSTQ bưng bít, số ca lây nhiễm đã bùng nổ ở Vũ Hán cũng như những khu vực khác ở Trung Quốc, và đến giờ là gần như tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi các quốc gia khác chiến đấu để kiềm chế đại dịch, Trung Quốc lại tung ra một chiến dịch mới hòng đổ tội cho các quốc gia khác và đóng vai lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống virus.

Bằng cách kết hợp các kênh truyền thông nhà nước ở trong nước và tuyên truyền ồ ạt ở nước ngoài, “Bắc Kinh đang làm việc cật lực để tạo ra một biển thông tin mới”, tờ báo Quartz đưa tin trong một bài báo vào ngày 21 tháng 8 năm 2019.

Mặc dù một số người Trung Quốc nghi ngờ những dối trá của ĐCSTQ, nhưng vẫn còn nhiều người tin vào tuyên truyền đó. Tôi muốn đề nghị những người còn tin vào những lừa dối này hãy tham khảo bài Những quốc gia có mối quan hệ thân cận với Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch corona. Hơn nữa, những nỗi khổ của cư dân Bách Bộ Đình cũng đã gióng lên một hồi cảnh báo nữa cho thấy tin vào dối trá của ĐCSTQ sẽ chỉ mang lại tổn hại mà thôi.

Ngày 18 tháng 1 năm 2020, cư dân Bách Bộ Đình ở Vũ Hán đã tham dự buổi tiệc mừng năm mới, trong đó hơn 40.000 hộ gia đình cùng chia sẻ 14.000 món ăn. Mấy ngày sau, nhiều người trong cộng đồng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus corona. Ngày 23 tháng 1, thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa.

Để giảm số ca nhiễm được báo cáo, các quan chức hiện giờ đã bỏ mặc Bách Bộ Đình. Một cư dân mạng đã viết trên một trang blog: “Tôi là cư dân của Hoa viên Bách Bộ Đình ở Vũ Hán. Tôi viết bài này trong nỗi tuyệt vọng. Hiện tại, Hoa viên Bách Bộ Đình đang trong tình trạng mất kiểm soát, mà không có ai đứng ra lo liệu. Nhiều người đã bị nhiễm chủng virus này. Nhưng lãnh đạo ở Vũ Hán chỉ cấp cho mỗi lô một bộ xét nghiệm, mà mỗi lô có khoảng 4.000 hộ gia đình.” Ngay sau đó, bài đăng đã bị xóa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/18/402608.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/29/183827.html

Đăng ngày 31-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share