Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-12-2019] Sư phụ giảng:

“Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Những lời giảng của Sư phụ đã khiến tôi phải suy nghĩ về tu luyện của mình. Liệu tôi đã thực sự đang tu và loại bỏ những tư tưởng người thường, hay tôi vẫn còn ôm giữ những chấp trước căn bản?

Ngẫm lại những giao tiếp của mình những năm gần đây, tôi nhận ra mình đang dùng tâm người thường để duy trì mối quan hệ bình hòa trên bề mặt. Bề ngoài tôi luôn tỏ ra khiêm tốn và tiếp nhận ý kiến khác biệt của học viên khác, nhưng trong thâm tâm tôi lại phẫn nộ. Bao dung của tôi đã lẫn lộn với tâm tức giận và bất bình.

Tôi hiếm khi tự hỏi tại sao mình lại phản ứng theo cách này hay xem xét những thứ mà tôi đã che giấu. Tôi cảm thấy mình có mối quan hệ hòa hảo với người khác vì tôi đã tu rất tốt. Sau khi đọc bài giảng của Sư phụ, tôi nhận ra mình đã không thực tu. Thay vào đó, tôi che giấu những chấp trước ngoan cố của mình. Khi nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân, tôi đã phát hiện ra rất nhiều chấp trước, chẳng hạn như ích kỷ, tránh chỉ trích, tâm hiển thị, chấp trước vào tự ngã v.v.. Tôi biết nếu nhìn sâu hơn nữa, tôi sẽ còn phát hiện thêm những chấp trước ẩn sâu hơn. Tôi cảm thấy mình còn kém xa so với những tiêu chuẩn tu luyện của một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi cảm thấy có chút đắc chí khi bài chia sẻ nào đó mà tôi đã viết được đăng trên Minh Huệ. Sau khi nghĩ về nó, tôi nhận ra mình không nên tự mãn. Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì tôi sẽ không có trí huệ để viết được một câu hoàn chỉnh. Tôi có thể viết bài đó là nhờ vào thể ngộ có được từ Pháp và Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Trên thực tế, chính Sư phụ đang thành tựu đệ tử, tôi chỉ là tu bản thân, làm tròn bổn phận của một đệ tử.

Sau khi đọc đoạn giảng Pháp bên dưới, tôi tự hỏi liệu mình có đang thực tu hay không. Sư phụ giảng:

“Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác. Tại Thần mà nhìn một người tu luyện ở thế gian, [thì] đúng và sai của chư vị hoàn toàn không trọng yếu; mà tống khứ tâm chấp trước nhân tâm mới là trọng yếu. Trong tu luyện chư vị buông bỏ tâm chấp trước nhân tâm như thế nào mới là quan trọng.” (Giảng Pháp tại Manhattan [2006])

Vì luôn nhấn mạnh rằng mình đúng, nên có thể tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để đề cao.

Ví dụ, khi giảng rõ chân tướng tại các địa điểm du lịch hay tham gia các hạng mục Đại Pháp, đôi khi tôi tranh cãi với các học viên khác. Khi cảm thấy mình đúng và phù hợp với Pháp, tôi cứ khăng khăng rằng mình đúng. Khi mắc phải tư tưởng này, rất khó để hướng nội tìm thiếu sót của mình. Tôi quên rằng mình cần từ bi với học viên đang không đồng tình với mình. Nếu vị học viên đó cảm thấy rằng ý kiến của họ phù hợp với Pháp và cũng kiên quyết ôm giữ quan điểm của họ, thì khi ấy chúng ta có thể đang hình thành gián cách. Theo thời gian, các mâu thuẫn của chúng ta có thể sâu sắc hơn và tạo thành gián cách gần như không thể vượt qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hạng mục.

Gần đây, tôi đến một địa điểm du lịch để giảng rõ chân tướng, nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp, và luyện công. Tôi gặp mâu thuẫn với một học viên khác. Nó bắt nguồn từ một chuyện nhỏ nhặt, và tôi chỉ nói lên ý kiến của mình. Nhưng học viên kia không tiếp nhận. Tôi cố gắng hợp lý hóa luận điểm của mình bằng cách nhắc đến đoạn Pháp Sư phụ giảng về việc đúng hay sai không phải là điều quan trọng nhất. Thay vào đó, loại bỏ tâm chấp trước của chúng ta mới là điều mà Sư phụ nhìn vào. Tôi chợt nhận ra rằng mâu thuẫn của chúng tôi không phải là ngẫu nhiên. Thay vì nhắm vào học viên đó, không phải tôi nên lấy Pháp để tra xét lại mình sao? Chẳng phải đây là cơ hội để tôi đề cao hay sao? Khi bình tĩnh và xem xét lại bản thân, tôi nhận thấy ngữ khí của mình rất lỗ mãng và có mang theo văn hóa Đảng. Nó khiến mọi người cảm thấy tôi đang nhấn mạnh rằng mình đúng và có vẻ như tôi đang áp đặt ý kiến của mình lên họ. Nó chứa đầy bản ngã.

Tôi nhớ lại những giao tiếp của mình với học viên đó. Lúc đầu, tôi cảm thấy mọi thứ nên được làm theo cách của tôi. Ngay cả khi không chắc rằng mình đúng, tôi cố gắng chia sẻ suy nghĩ của mình để biện minh cho quan điểm của mình. Tuy nhiên, càng nói nhiều thì tôi lại càng nhấn mạnh rằng mình đúng. Cuối cùng, tôi chắc chắn rằng chỉ có cách của tôi là chính xác.

Khi học viên đó không đồng tình với tôi, dường như có gì đó ngăn trở giữa chúng tôi. Khi suy xét một lúc, tôi nhận ra rằng khi người khác không chấp nhận quan điểm của tôi, tôi không vui. Tôi không vui vì tôi đang vô tình chứng thực bản thân. Cuối cùng tôi minh bạch được rằng chấp trước ngoan cố nhất mà tôi đang che đậy chính là chứng thực bản thân.

Nếu một người tu luyện chứng thực bản thân thay vì chứng thực Đại Pháp, thì chẳng phải họ đang giả tu sao? Việc này rất nguy hiểm. Cái này chẳng phải tu như không sao? Chắc chắn đây không phải là vấn đề nhỏ. Khi không cố gắng chứng thực bản thân, chúng ta có thể nói chuyện một cách bình tĩnh. Chúng ta sẽ không cố gắng bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình. Nếu làm vậy thì đó là dấu hiệu cho thấy có thể chúng ta đang chứng thực bản thân.

Tôi liên tục nghĩ cách để loại bỏ được gián cách giữa học viên đó và tôi. Một ngày nọ, tôi đọc được một bài chia sẻ trên trang Minh Huệ. Có một học viên nhìn thấy thân thể của các học viên ở không gian khác lóng lánh ánh vàng kim ngồi trên tòa sen. Bên dưới thân thể vàng kim của họ là những thân thể được tạo thành từ nghiệp lực và quan niệm hậu thiên. Nhưng những thân thể này đã rất, rất nhỏ. Nếu chúng ta cứ liên tục xét nét thiếu sót của các học viên khác, thì khi ấy chúng ta đang gom nghiệp lực của họ vào các thân thể của mình. Điều này có thể khiến thân thể nghiệp lực của chúng ta gia tăng kích thước. Khi cái tự ngã quỷ quái đó trở nên lớn, nó sẽ tạo thành gián cách giữa các học viên và ngăn chúng ta cứu người. Mặt khác, nếu chúng ta tập trung vào ưu điểm của các học viên khác, thân thể tạo thành từ nghiệp lực và quan niệm hậu thiên sẽ co lại. Thiện tâm và lòng từ bi sẽ thắng thế, khi ấy gián cách giữa các học viên khác và chúng ta sẽ biến mất. Nhờ vậy, sẽ càng có nhiều chúng sinh được cứu hơn.

Sau khi nhận thức được điểm này, tôi bắt đầu tập trung vào ưu điểm của các học viên khác. Tất cả chúng ta đều có khả năng, một số học viên trong chúng ta đã cứu được rất nhiều người. Tôi ngạc nhiên khi thấy những quan niệm tiêu cực và nút thắt trong tâm tôi đã tan biến nhanh chóng đến vậy! Tôi lập tức cảm thấy nhẹ nhõm!

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại, cảm tạ Ngài đã giúp con loại bỏ những chấp trước của mình! Bây giờ tôi mới thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc tu bản thân.

Tôi sẽ tiếp tục cố gắng ngừng chứng thực bản thân, phối hợp với các học viên khác để cứu được nhiều chúng sinh hơn.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/25/397488.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/11/182134.html

Đăng ngày 22-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share