[MINH HUỆ 18-01-2020] Yến Thù khi còn nhỏ đã thành thật, chính trực và thông minh hơn người, 7 tuổi biết làm văn. Lúc 14 tuổi, được Giang Nam An phủ sứ Trương Trí Bạch đánh giá là “thần đồng”, tiến cử với Tống Chân Tông Triệu Hằng. Năm 1005, Yến Thù đến kinh thành, cùng với hơn 3.100 cử nhân ở các nơi trên toàn quốc đồng thời vào cung tham gia khảo thí. Yến Thù vốn có thể trực tiếp gặp mặt ứng thí trước Hoàng thượng, nhưng ông cố ý muốn tham gia thi hội khoa cử. Ông cho rằng chỉ có thành tích trong cuộc thi hội, mới tính là tài học của mình.
Quan chủ khảo đã đồng ý với yêu cầu của Yến Thù, quyết định để ông cùng với những cử nhân khác thi hội. Ở trường thi, Yến Thù vô cùng bình tĩnh, bài thi trả lời vừa nhanh vừa tốt, được Tống Chân Tông khen ngợi, và thưởng cho ông danh hiệu là “Đồng tiến sĩ xuất thân”.
Ngày thứ hai lại thi tiếp, đề mục là “thi phú luận”. Yến Thù nhìn thấy đề mục, phát hiện đề bài này bản thân đã từng luyện tập viết qua rồi. Thế là ông nói với quan chủ khảo: “Thưa khảo quan đại nhân, đề mục này tôi đã từng luyện tập viết qua rồi, xin hãy đưa ra một đề mục khác để tôi làm!”
Quan chủ khảo không cho là phải, cho rằng Yến Thù nhiều chuyện, bèn nói: “Đề mục đã từng làm cũng không sao, ông cứ viết ra, nếu làm được tốt, thì vẫn được đỗ. Hơn nữa, nếu đổi một đề mục khác, nhỡ làm không tốt, thì lại bị rớt, ông hãy suy nghĩ cho thật kỹ.” Yến Thù dường như đã nghĩ thấu đáo rồi, ông nói: “Không đổi đề mục, cho dù có thi đỗ, cũng không phải là chân tài thực học của tôi; nếu đổi rồi mà làm không tốt, thuyết minh rằng học vấn của tôi vẫn chưa đủ, tôi sẽ không một lời oán thán.” Khảo quan nghe xong, đồng ý đổi cho Yến Thù một đề mục khác.
Yến Thù cầm đề mục mới xong, xem qua xem lại nhiều lần, nghĩ một lát, rồi cầm bút lên viết một lèo là xong. Khảo quan kinh ngạc, cảm thấy người này văn tư mẫn tiệp, đúng là kỳ tài. Yến Thù thành tín yêu cầu đổi đề bài, hơn nữa đã “khảo” được một cách chân thực trình độ của mình, được mọi người kính trọng, không chỉ được truyền tụng trong những người đi thi, mà còn truyền đến Tống Chân Tông.
Tống Chân Tông lập tức triệu kiến Yến Thù, khen rằng: “Khanh không chỉ có chân tài thực học, mà điều quan trọng hơn là, có phẩm chất tốt là thành thật không dối trá!”
Yến Thù gặp phải đề bài mà mình đã quen thuộc, vốn có thể nhẹ nhàng trả bài, trong số 3.000 cử nhân chỉ cần nhất cử thành danh, mà lại xin đổi lấy đề mục khác, có phải là Yến Thù ngu ngốc không? Không, bởi vì ông thành thật, càng bởi vì ông tin tưởng vào chân tài thực học của mình. Tống Chân Tông cũng chính bởi vậy cho nên mới đặc biệt yêu thích ông, và phá cách bổ nhiệm làm Hàn lâm.
Khi Yến Thù mới bắt đầu còn thiếu kinh nghiệm, đúng lúc thiên hạ thái bình, quan viên lớn nhỏ trong kinh thành thường hay ra ngoài thành du ngoạn, hoặc ở tửu lâu trà quán trong thành tổ chức các loại yến hội. Nhà Yến Thù nghèo, không có tiền để ra ngoài ăn uống du ngoạn, đành phải ở nhà đọc viết văn chương cùng các anh em.
Có một ngày, Tống Chân Tông tuyển chọn thầy giáo cho thái tử, nhưng không bảo các đại thần tiến cử, mà bản thân trực tiếp điểm danh Yến Thù đảm nhận. Các đại thần đều rất kinh ngạc. Tống Chân Tông nói: “Ta nghe nói Yến Thù thường đóng cửa đọc sách không tham gia các loại yến hội, đây là người trung hậu cẩn thận, để ở bên cạnh thái tử là thích hợp nhất.”
Khi Yến Thù bái kiến hoàng đế tạ ơn đã giải thích rằng: “Thần không phải là không muốn du ngoạn, không muốn tham gia yến hội, mà bởi nhà thần nghèo nên không làm được. Nếu thần có tiền thì thần cũng đi thôi.” Tống Chân Tông thấy Yến Thù dám nói lời thật như vậy, đối với ông đặc biệt tán thưởng, càng thêm tín nhiệm ông, ngày càng quan tâm chiếu cố hơn.
Yến Thù với phẩm cách thành thật thẳng thắn đáng quý của mình, ông đã gây dựng được uy tín đối với hoàng đế và quần thần. Tống Nhân Tông Triệu Trinh sau khi lên ngôi, Yến Thù rất được trọng dụng, làm quan đến tể tướng. Yến Thù làm tể tướng rồi cũng không tự tung tự tác, rất được bách tính ủng hộ.
Mặc dù Yến Thù nhiều năm giữ chức vị quan trọng, nhưng ông bình dị cận nhân. Chỉ cần là người hiền tài là ông tiến cử, Phạm Trọng Yêm, Khổng Đạo Phụ, Vương An Thạch đều xuất thân là môn hạ của ông; Hàn Kỳ, Phú Bật, Âu Dương Tu đều từng được ông bồi dưỡng, tiến cử, đều được trọng dụng. Yến Thù thành khẩn đối đãi với mỗi người học trò.
Có một lần, Yến Thù đi qua Dương Châu, ở trong thành đi đã mỏi rồi, bèn cùng tuỳ tùng vào chùa Đại Minh Tự nghỉ ngơi. Yến Thù đi vào trong chùa, nhìn thấy trên tường có viết mấy câu thơ hay. Ông rất có hứng thú, bèn tìm ghế ngồi xuống, sau đó, bảo tuỳ tùng đọc thơ ở trên tường cho nghe, nhưng không được đọc tên và thân phận của người đề thơ.
Yến Thù nghe một lúc, cảm thấy có một bài thơ viết rất hay, bèn hỏi: “Là vị nào viết vậy?” Tuỳ tùng nói là Vương Kỳ. Yến Thù cho người đi tìm vị Vương Kỳ này. Vương Kỳ được gọi tới, bái kiến Yến Thù. Yến Thù nói chuyện với ông một chút, rất tâm đầu ý hợp, bèn cao hứng mời ông ta ăn cơm. Hai người ăn cơm xong, cùng nhau đến hậu hoa viên tản bộ. Lúc này đúng vào lúc cuối xuân, khắp mặt đất đều là hoa rụng. Một cơn gió nhẹ thổi qua, cánh hoa theo gió tung bay từng cụm từng cụm rất đẹp.
Yến Thù thấy vậy, xúc động mãnh liệt đến tâm sự của mình, không ngăn được nói với Vương Kỳ: “Vương tiên sinh, mỗi lần ta nghĩ ra một câu thơ hay, bèn viết lên tường rồi nghĩ câu tiếp theo. Nhưng có một câu mà ta nghĩ đã mấy ngày rồi vẫn chưa nghĩ ra được câu tiếp theo nào cho hay.”
Vương Kỳ vội hỏi: “Xin đại nhân nói ra là câu thơ nào vậy?”
Yến Thù bèn đọc một câu: “Vô khả nại hà hoa lạc khứ” (Dịch nghĩa: Biết làm sao được khi hoa cứ rụng).
Vương Kỳ nghe xong, lập tức nói: “Sao ngài không đối lại bằng câu ‘Tự tằng tương thức yến quy lai’”. Ý của câu này là, thời tiết ấm lên, chim yến từ phương Nam bay trở về, những con yến này dường như năm trước đã từng gặp. Yến Thù nghe xong, vỗ tay khen hay, luôn miệng nói: “Diệu, diệu, quá diệu!”
Yến Thù vô cùng thích hai câu này, ông đã viết một bài từ là “Hoán khê sa”, trong đó có dùng hai câu thơ đối nhau này:
“Nhất khúc tân từ tửu nhất bôi,
Khứ niên thiên khí cựu đình đài.
Tịch dương tây há kỷ thì hồi.
Vô khả nại hà hoa lạc khứ,
Tự tằng tương thức yến quy lai.
Tiểu viên hương kính độc bồi hồi.”
Dịch nghĩa:
“Một khúc từ mới làm ra, bên một li rượu
Cảnh vật như năm ngoái, vẫn là đình đài cũ
Chiều tà, mặt trời lặn về tây khi nào trở lại
Biết làm sao được khi hoa cứ rụng
Đàn yến quay về như đã từng quen biết
Lối thơm vườn nhỏ một mình bồi hồi.”
Yến Thù rất tán thưởng Vương Kỳ, trở về kinh thành liền tiến cử với Tống Nhân Tông, được Tống Nhân Tông chấp nhận, bèn điều Vương Kỳ vào kinh thành. Vương Kỳ đầu tiên đảm nhiệm chức Quán các hiệu khám, sau rồi lại đảm nhiệm rất nhiều chức vụ quan trọng khác. Yến Thù rất nổi tiếng trong văn đàn Bắc Tống, điều này là có quan hệ mật thiết với sự thành thực, khí chất của ông.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/1/18/晏殊的誠實-399119.html
Đăng ngày 08-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.