Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 17-8-2009] Thời nhà Tống ở Đinh Lương, Tào Châu có một tú tài tên là Chu Vinh Tổ. Tổ tiên nhà họ Chu giàu có thịnh vượng, ông nội kính trọng Thần Phật, xây dựng nên một Phật viện, hàng ngày đọc kinh niệm Phật và giúp người tích Đức. Đến khi cha của Chu Vinh Tổ kế thừa gia nghiệp, thì chỉ coi trọng việc kinh doanh và tài sản chứ, không tin Thần Phật. Lấy cớ sửa chữa nhà cửa người cha đã dỡ bỏ Phật viện để lấy gỗ đá gạch ngói xây nhà. Đến khi nhà xây xong thì ông ta bị bệnh không dậy nổi, chữa trị kiểu gì cũng không hiệu nghiệm, người ta đều bảo đó là do ông ta đã làm những điều bất kính với Thần Phật. Sau khi cha chết, Chu Vinh Tổ thừa hưởng và phụ trách gia nghiệp. Bởi là một Nho sinh, ông muốn về triều đình dự thi, bèn dẫn vợ là Trương Thị và đứa con trai sơ sinh của mình cùng đi. Ông đem vàng bạc châu báu bí mật chôn giấu trong một cái hố dưới chân tường vườn sau nhà, rồi nhờ một người đáng tin cậy trông giữ nhà cửa cho mình, lên đường đi thi.

Ở Tào Châu có một người đàn ông rất nghèo khổ tên là Cổ Nhân. Ông ta ngày thường mưu sinh bằng nghề gánh đất xây nhà, bần cùng chán nản, sống trong một cái lò gạch cũ bỏ hoang. Ông ta thường nghĩ: “Vì sao người khác thì giàu có, riêng ta lại khốn khổ như thế này!”. Trong lòng rất oán giận bất bình, hàng ngày lúc nhàn rỗi liền đến miếu Thần trong núi Đông kể khổ với Thần linh: “Tiểu nhân tên là Cổ Nhân, cũng là một con người ở trên đời này, vì sao lại khốn cùng như thế? Tiểu nhân nếu chỉ có được một chút phú quý, thì cũng sẽ làm ơn làm phước cho cô nhi quả phụ, kính trọng người già, giúp đỡ người nghèo, cầu xin Thượng Thánh rủ lòng thương!”. Một ngày sau khi cầu khấn xong, nằm ngủ dưới mái hiên thì đột nhiên mộng thấy một vị Thần lớn gọi một vị tiểu Thần kiểm tra xem phúc lộc của ông ta. Vị tiểu Thần tra xét xong trả lời: “Cổ Nhân kiếp trước bất kính với Trời Đất, bất hiếu với cha mẹ, phỉ báng người tu luyện và Thần Phật, sát sinh giết người, khinh rẻ ngũ cốc và nước sạch, kiếp này phải bị đói rét mà chết”. Cổ Nhân nghe xong cầu khẩn nói: “Thượng Thánh, xin cho con một chút phúc lộc, con cũng muốn làm người tốt. Khi cha mẹ còn sống con cũng phụng dưỡng hết lòng, cũng là một người con có hiếu”. Vị Thần lớn nói: “Chúng ta kiểm tra qua những việc làm thường ngày của hắn, tuy là không thấy việc thiện nào, nhưng cũng có phụng dưỡng phụ mẫu, cũng có hiếu. Hôm nay hắn đang lúc đói rét, chúng ta thể theo Đức hiếu sinh của Thượng Đế, tạm xem thử có phúc lộc của gia đình nào có thể để hắn vay mượn một chút, thưởng cho lòng hiếu đạo của hắn vậy”. Vị tiểu Thần nói: “Tiểu Thần kiểm tra thấy có gia đình Chu gia trang ở Tào Châu, Tào Nam. Nhà này tích được nhiều phúc đức, âm đức 3 đời, chỉ vì bất kính với Thần Phật, dỡ bỏ Phật viện, một niệm sai lầm ấy cần phải bị tạm thời trách phạt. Bây giờ đem phúc đức của gia đình ấy tạm cho hắn vay mượn trong 20 năm, đợi đến khi đủ thời hạn thì để hắn giao trả lại cho chủ cũ, như thế chẳng phải nhất cử lưỡng tiện ư?”. Vị Thần lớn nói: “Được đó”. Cổ Nhân lạy tạ ơn của Thượng Thánh, tỉnh lại mới hay là vừa mới nằm mộng, nghĩ thầm: “Vừa rồi nghe Thượng Thánh nói, lấy phúc đức của một gia đình cho mình mượn 20 năm, chuyện trong mộng chẳng biết có đáng tin không. Hôm qua có một nhà giàu muốn xây tường, gọi mình tìm gạch xây, giờ có lẽ ta nên đi tìm gạch vậy”.

Trong thời gian Chu Vinh Tổ về kinh thành dự thi, người trông nhà một buổi tối đi ngủ bị kẻ trộm lấy hết sạch đồ đạc. Trong nhà không còn thứ gì đáng tiền, chỉ có trong sân sau một bức tường sập. Nghĩ: “Để nó đó cũng vô dụng, hay là đem bán gạch cũ lấy tiền sống qua ngày vậy”. Đang đi trên đường thì gặp Cổ Nhân. Cổ Nhân nói: “Tôi chính là đang muốn mua gạch cũ đây”. Mua bán xong xuôi, khi Cổ Nhân tróc lấy gạch cũ, lại cạy ra một phiến đá. Phiến đá hạ xuống thì thấy một cái hốc đá, bên trong chứa đầy vàng bạc châu báu từng khối từng khối vuông vức như viên gạch, rất nhiều. Cổ Nhân giật mình: “Thần linh thật là màu nhiệm! Đúng là ứng với giấc mộng hôm qua”. Ông ta đem gạch cũ đến cho nhà người ta, còn mình thì giữ lấy số bạc. Cổ Nhân có nhiều vàng bạc như vậy, mua nhà cửa, làm ăn buôn bán càng lúc càng phát đạt, đến mức trên đường bộ thì có nhiều ruộng đất, dưới đường thủy thì có lắm thuyền bè, mọi người cũng đổi cách xưng hô gọi ông là viên ngoại. Ông ta tuy có gia nghiệp lớn như thế, nhưng lại hết sức hà tiện, một đồng cũng không tiêu xài, cho nên tài sản càng ngày càng nhiều, mọi người bèn gọi ông là : “Chàng Cổ hà tiện”. Ông lấy vợ, nhưng không có con cái, mời một người tên là Trần Đức Phủ làm quản lý. Ông thường ngày nói với Trần Đức Phủ rằng: “Tôi có gia nghiệp như thế này nhưng không có người thừa kế. Nếu như có người chịu làm con nối dõi thì dù là nam hay nữ cũng được, tìm giúp cho tôi một người nhé”.

Cả nhà Chu Vinh Tổ đi thi, nhưng tiếc rằng vận mệnh chưa thông, công danh không đạt thành. Trở về nhà, thì gia sản đã hết sạch, chỉ còn mỗi cái nhà, đến chỗ bức tường tìm vật đã chôn giấu nhưng chỉ còn một cái hốc đá rỗng không. Từ đó về sau cơm áo khó khăn, phải đem nhà ấy bán đi, cả gia đình 3 người đến Lạc Dương thăm người thân. Nhưng không ngờ thân quyến đã rời đi nơi khác, lộ phí mang theo mình dần dần tiêu hết, đành phải ăn xin dọc đường, chịu đủ mọi đắng cay khổ cực. Cuối cùng tới Tào Nam, đúng vào lúc cuối đông, suốt mấy ngày liền tuyết rơi nhiều, 3 người vừa đói vừa rét, mà 10 lần xin vào nhà người ta tá túc thì hết 9 lần không được, thế là bèn tới một quán rượu nhỏ để tránh tuyết. Trần Đức Phủ đang ở trong quán, hiểu được tình hình bèn nói: “Nhìn ông khốn khổ như thế, nếu đem đứa con nhỏ của ông cho gia đình nhà người ta nhận làm con thừa tự thì ông thấy sao? Ở đây có một nhà đại phú hộ không có con cái, nếu nhận con trai ông làm con nối dõi tông đường thì tương lai gia nghiệp nhà đó đều là con của ông thừa kế. Chính ông ấy nhờ tôi tìm giúp đó”. Chu Vinh Tổ bàn bạc với vợ: để cho con trai khỏi phải chịu đói rét, chỉ cần người ấy nuôi dưỡng đường hoàng thì cũng đành chấp nhận. Trần Đức Phủ thế là nói rõ sự thể tình hình với Cổ viên ngoại. Cổ viên ngoại vô cùng vui mừng, hai bên lập văn thư giấy tờ. Lúc đó Chu Trường Thọ 6 tuổi. Chu Vinh Tổ dặn dò con trai: “Cha mẹ thật sự không biết làm sao được, con ở đây sẽ khỏi phải chịu cảnh khốn khổ cơ hàn. Con chỉ cần hiểu được một chút lẽ phải trái đúng sai, chúng ta khi thuận tiện sẽ đến thăm con”. 3 người khóc lóc thảm thiết từ biệt nhau.

Cổ viên ngoại nhận con xong, gọi nó là Cổ Trường Thọ. Trường Thọ lớn lên dần lãng quên sự tình năm xưa, chỉ nhận Cổ viên ngoại làm cha mà thôi. Cha anh ta một đồng cũng không tiêu, còn anh thì tâm tính phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, xem tiền bạc cũng chẳng hơn gì đất đá. Người ta thấy anh có tiền, nhiều người thuận miệng gọi anh là “Người hào phóng”. Hơn 10 năm sau, vợ chồng Cổ viên ngoại lần lượt qua đời, Trường Thọ trở thành tiểu viên ngoại, tự mình quản lý toàn gia nghiệp.

Còn nói về vợ chồng Chu Vinh Tổ đến khắp nơi tìm họ hàng để cùng sinh sống nhưng không tìm thấy. Họ lưu lạc nơi đất khách quê người hơn 10 năm trời, giờ đây muốn quay trở lại nhà họ Cổ hỏi thăm tình hình của con trai. Cuối cùng họ đã tới thôn Tào Nam. Họ gặp một cửa hiệu thuốc Bắc, trên biển hiệu viết “Bốc thuốc miễn phí”. 2 người vào nghe ngóng, mới biết chủ nhân của cửa hiệu chính là Trần Đức Phủ. Trần Đức Phủ nói: “Cổ viên ngoại đã qua đời rồi, con trai ông giờ là Cổ Trường Thọ đã trở thành tiểu viên ngoại. Không như cha nuôi của nó ngày trước hà tiện, nó trọng nghĩa khinh tài, tiệm thuốc miễn phí này của tôi đây chính là tiền do cậu ấy cấp cho”.

Trần Đức Phủ tìm Cổ Trường Thọ, liền đem câu chuyện năm xưa tỉ mỉ tường tận kể rõ cho anh nghe. Cổ Trường Thọ tuy nhiều năm không thấy ai đề cập đến chuyện đó, nhưng nghe nói xong dần dần nhớ lại những ký ức khi còn bé, vội vã lấy một tráp vàng bạc chạy đến cửa hiệu nhận cha mẹ. Trần Đức Phủ dẫn anh tới bái kiến cha mẹ, 2 vợ chồng Chu Vinh Tổ trông thấy con trai thì vô cùng vui mừng. Cổ Trường Thọ dâng tráp vàng bạc, Chu Vinh Tổ đang muốn từ chối, bỗng nhìn thấy trên nén bạc khắc tạc mấy chữ “Chu Phụng ký”.

Chu Vinh Tổ nói: “Đây chẳng phải nguyên là bạc của gia đình tôi đó sao?”.

Trần Đức Phủ hỏi: “Làm sao lại là của nhà ông được?”.

Chu Vinh Tổ trả lời: “Ông nội của tôi tên là Chu Phụng, chính là ông ấy tạc chữ lên trên đó”.

Trần Đức Phủ xem xong nói: “Sao nó lại ở trong nhà họ Cổ được nhỉ?”.

Chu Vinh Tổ nói: “Tôi 20 năm trước từng là học trò, dẫn theo vợ con về kinh thành dự thi, đem những thứ tài vật châu báu trong nhà mà tổ tiên truyền lại chôn ở dưới đất, đến lúc trở về nhà thì không còn thấy nữa”.

Trần Đức Phủ nói: “Cổ lão viên ngoại nguyên là một người vô cùng nghèo khổ, hay đi tróc gạch cũ cho người ta. Ông ấy bất ngờ giàu có, tôi nghĩ chắc là do những tài vật của nhà ông bị ông ấy đào mất, quả thật đúng là như thế. Ông ấy không có con cái, lại nhận con trai ông làm người nối dõi, thừa kế gia sản nhà này. Vật đã trở về tay chủ cũ, chẳng phải Ý Trời là gì! Thảo nào ông ấy ngày thường một đồng cũng không tiêu, không hề lãng phí một chút nào. Nguyên là vì chúng không phải là những thứ của ông ấy. Ông ấy chỉ là tạm thời thay gia đình ông trông coi, bảo dưỡng mà thôi”.

Vợ chồng Chu Vinh Tổ xúc động lắm. Chu Vinh Tổ nói: “Đây thực sự là nhân quả báo ứng”. Thế là bèn nói về chuyện năm xưa tổ tiên tin Phật, nhưng kẻ hậu sinh lại không kính trọng Thần Phật. Cổ Trường Thọ lắng nghe, cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Anh bèn đưa cha mẹ về nhà, còn Chu Vinh Tổ đưa tráp bạc cho con trai, bảo anh ngày mai đem phân phát cho những người nghèo khổ không nơi nương tựa. Ông lại bảo con trai chiểu theo tổ tiên năm xưa, xây dựng Phật đường, cả 2 vợ chồng đều tu luyện. Cổ Trường Thọ lấy lại họ Chu, cả gia đình đều kính Phật và hướng thiện, gia nghiệp cũng càng phát đạt thịnh vượng thêm lên.

Gia đình Chu Vinh Tổ “tích nhiều phúc đức, âm đức 3 đời”. Ông nội sùng kính Phật mà gia đình giàu có, còn cha hủy Phật đường lấy gạch đá xây nhà mà chết, gia nghiệp sa sút. “Một niệm sai lầm, phải chịu trách phạt”. Còn Cổ Nhân thì kiếp trước bất kính với Trời Đất, “kiếp này đáng ra phải bị đói rét mà chết”, nhưng bởi cầu nguyện thành khẩn, Thần thể theo Đức hiếu sinh của Thượng Đế, vì thế đem phúc lộc nhà họ Chu cho ông ta mượn tạm trong 20 năm, còn Chu Vinh Tổ bị phạt 20 năm đói khổ bần cùng. 20 năm sau, quả nhiên là tài vật lại trở về với chủ nhân thực sự. Có thể thấy tài vật đã được an bài chỉ định chủ nhân như thế nào, hoàn toàn không phải là con người thế gian tự mình định đoạt được. Kỳ thực bất kỳ chuyện gì xuất hiện, đều là có quan hệ nhân quả của nó, Thiên lý tuần hoàn, báo ứng chẳng sai, cho nên con người ta làm việc sao có thể không cẩn thận cho được? Tin tưởng chân lý “Thiện ác đều có báo ứng”, tự giác tích Đức và làm việc thiện, chẳng những là gia tăng phúc phận và giảm trừ tai họa cho bản thân, mà còn tạo cơ sở Phúc Đức vững chắc cho con cái của mình về sau. Kính trọng Trời Đất, kính trọng Thần Phật, làm mọi việc xuất phát từ tâm Thiện, ấy là quyết định tối quan trọng sẽ quyết định vận mệnh tốt đẹp của mỗi người trong tương lai.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/8/17/206672.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/1/24/114100.html
Đăng ngày 14-2-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share