Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 4-9-2007] Lỗ Cung, tự là Trọng Khang, là người ở Phù Phong Bình Lăng dưới thời Đông Hán. Khi còn thơ ấu ông đã đọc sách “Ngũ kinh”, “Lỗ thi”, tinh thông lễ nghi và nổi tiếng xa gần. Quan Huyện lệnh thương ông nhà nghèo, hàng năm đều sai người mang cho ông lương thực nhưng ông đều từ chối. Quan Huyện lệnh khâm phục phẩm hạnh của ông nên cho ông được đặc cách nhậm một chức quan khi còn chưa đủ tuổi, ông cũng từ chối không nhận.

Khi Lỗ Cung trưởng thành, ban đầu ông nhậm chức Huyện lệnh huyện Trung Mưu, liền thể hiện rõ tiết tháo cao thượng và trình độ tu dưỡng của mình. Ông dùng Đức để giáo hóa nhân dân, rất ít khi dùng hình phạt. Dưới sự cai trị của ông thì huyện Trung Mưu người dân sống rất thật thà lương thiện, trăm họ đều được an cư lạc nghiệp.

Có một lần, một người gửi đơn kiện cho Lỗ Cung, tố cáo người tên là Đình Trường mượn trâu của ông ta dùng đã lâu rồi nhưng không chịu trả lại. Lỗ Cung bèn phái người đi tìm Đình Trường bảo ông ta giao trả trâu và nói: “Ông mượn trâu nhà người ta, dùng xong rồi thì cần phải trả lại cho gia đình người ta chứ. Bây giờ người ta đã tố cáo ông lên công đường, ông cần phải trả trâu lại cho họ ngay và xin lỗi họ”.

Đình Trường nói: “Tôi là trong sạch, có mượn trâu lúc nào đâu, đó là trâu của nhà tôi nhé!”.

Nói bậy”, người chủ trâu nói, “Rõ ràng là ông mượn nhà tôi con trâu, tại sao không chịu trả?”.

“Hắn là đồ nói láo”, Đình Trường nói, “Tôi làm sao lại mượn trâu của ông ta kia chứ?”.

Lỗ Cung nghe xong thở dài nói: “Không cần tranh cãi ồn ào nữa. Bất kể là các người ai đúng ai sai, tóm lại, tôi cũng có trách nhiệm. Tôi giáo hóa không có hiệu quả, cảm thấy thật hổ thẹn”. Nói xong ông cởi bỏ quan phục, chuẩn bị đi từ quan.

“Đại nhân không nên đi”. Các thuộc hạ khóc giữ ông lại.

“Đại nhân không nên đi”. Dân chúng khóc giữ ông lại.

“Đại nhân, trâu của tôi, tôi không cần nữa. Xin đại nhân ngàn vạn lần đừng vì việc này mà từ quan”, người chủ trâu nói.

Thấy cảnh này, Đình Trường xấu hổ vô cùng, nói: “Đại nhân, tôi đã sai rồi. Tôi nhất thời bị ma xui quỷ khiến thèm muốn con trâu của ông ấy. Tôi xin giao trả trâu lại cho người ta. Đại nhân xin hãy trách phạt tôi đi”. Đình Trường rốt cuộc đã nhận lỗi.

Lỗ Cung để cho Đình Trường trả trâu lại cho người ta, không trách phạt ông ta. Dân chúng vô cùng kính phục ông.

Một lần, các huyện xung quanh bị nạn châu chấu, chỉ riêng huyện Trung Mưu là không bị châu chấu xâm phạm. Vị quan lớn ở Hà Nam tên là Viên An nghe kể lại thì không tin, bèn phái một viên quan tên là Phì Thân đến đó thẩm tra xem xét. Lỗ Cung cùng Phì Thân ra ngoài đồng để thị sát. Ngồi phía dưới cây Dâu, Phì Thân trông thấy một con gà lôi rơi xuống đất và nằm ngay bên cạnh một đứa trẻ.

Phì Thân hỏi: “Tại sao cháu không bắt nó?”
Đứa trẻ nói: “Nó sắp sửa ấp gà con, đáng thương quá”.

Phì Thân cảm thấy nể phục, đứng dậy trở về báo cáo Viên An: “Trung Mưu có 3 điều kỳ lạ: châu chấu không xâm phạm vào địa giới, đây là điều lạ thứ nhất. Chim thú cũng chìm ngập trong sự từ bi là điều kỳ lạ thứ 2. Trẻ con đều có tâm nhân từ, đây là điều lạ thứ 3. Tôi ở nơi này lâu chỉ làm phiền người quân tử hiền đức ấy mà thôi”. Viên An thế là báo chuyện Lỗ Cung hiền lương lên triều đình.

Mãn hạn làm Huyện lệnh ở huyện Trung Mưu, ông được triều đình thăng làm quan Tư Đồ. Một lần, Hán Hòa Đế mới lên ngôi chưa được bao lâu đã muốn phái binh đi đánh Hung Nô. Nhiều quan lại cùng nhau dâng sớ can ngăn không nên Bắc phạt, nhưng Hòa Đế không nghe. Lỗ Cung dốc hết sức để khuyên can, dâng sớ tha thiết nói: “Mấy năm qua trăm họ khốn khổ, quốc khố trống rỗng. Nay vừa mới vào xuân, lại gây ra quân dịch làm náo động thiên hạ, thực sự không đem lại điều gì tốt đẹp cho đất nước cả. Muôn dân đều do trời sinh ra, mà trời thì thương dân như cha mẹ yêu con cái, cho nên ai biết thương người chắc chắn sẽ được Trời ban phúc báo. Người dùng Đức thu phục người ta thì được thịnh vượng, kẻ dùng vũ lực khuất phục người ta thì đều phải diệt vong! Giờ đây đang là lúc thiên tai hạn hán nghiêm trọng, lúa khô héo tàn, trâu chết ngày càng nhiều, đó cũng là hậu quả của việc Hoàng thượng làm nhiều điều không hợp Ý Trời! Quan lại và trăm họ đều nói rằng không thể chiến tranh, bệ hạ thực sự muốn độc đoán ý riêng, xem thường tính mạng của hàng vạn người, bất chấp lời khuyên can của họ hay sao? Mong bệ hạ hãy lắng nghe ý Trời và quan tâm đến dân tình, xin hãy thuận theo Thiên Ý!”

Lỗ Cung là một vị quan tốt, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức và phẩm hạnh. Nhân dân yêu quý ông bởi lòng nhân từ và khoan dung độ lượng của ông. Câu chuyện ông lấy Đức thu phục người được nhân dân truyền tụng qua nhiều thế hệ. Ngày nay khi chúng ta đang cố gắng phục hưng lại nền văn hóa Thần truyền, chúng ta cần phải trân trọng cuộc sống, quan tâm tới tương lai, và thắp lên ánh sáng từ bi trong trái tim của mỗi con người. Hành động như thế cho thấy một tấm lòng rộng mở, một cảnh giới tinh thần cao quý, sự tôn trọng và có trách nhiệm đối với các sinh linh, và cũng thể hiện lòng biết ơn đối với phúc lành mà Thiên Đàng đã ban tặng cho chúng ta.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/9/4/161988.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/9/11/89450.html
Đăng ngày 11-2-2010, bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share