Bài của Kiết Y
[MINH HUỆ 13-1-2010]
Chuyên cần và cẩn thận lo việc triều chính
Hoàng đế Khang Hy mang trong mình 3 dòng máu, 3 loại văn hóa, 3 loại phong cách. Cha ông là người Mãn Châu, bà nội là người Mông Cổ, còn mẹ là người Hán. Thầy giáo người Mãn dạy ông tiếng Mãn Châu, văn hóa Mãn Châu, dạy ông cách cưỡi ngựa bắn cung. Thầy giáo người Hán giảng giải Tứ Thư, Ngũ Kinh giúp ông có được sự giáo dục văn hóa của nhà Nho. Khang Hy đối với triều chính rất chuyên cần và cẩn thận. Từ lúc bắt đầu chấp chính năm 14 tuổi ông đã đích thân chủ trì hội nghị triều đình, bàn luận và quyết định việc quốc gia đại sự. Buổi sáng hàng ngày vào giờ Thìn, cho dù thời tiết lạnh giá hay nóng bức ông đều luôn luôn cùng các quan đại thần thảo luận các bản tấu trình, bàn luận việc nước. Ông xử lý việc quốc gia đại sự vô cùng cẩn thận. Từ thời niên thiếu ông đã khắc ghi trên mấy cột trụ trong cung điện của mình 3 việc lớn cần phải giải quyết: Tam phiên (sự ổn định của Vân Nam, Quảng Đông và Phúc Kiến), việc trị thủy, và vấn đề vận tải đường sông. Khang Hy đích thân phái thị vệ ngược sông Hoàng Hà tới thượng nguồn ở cao nguyên Tinh Túc Hải, đi đi lại lại trên một con đường dài mấy vạn dặm, để rồi lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc vẽ được tấm bản đồ toàn bộ sông Hoàng Hà. Ông cũng bổ nhiệm những viên quan hiền tài đến lo việc trị thủy. Ông bổ nhiệm Cận Phụ là Tổng đốc đường sông. Hàng ngày Cận Phụ phải dâng 8 bản trình tấu lên Khang Hy, trình bày cụ thể những ý kiến của mình về việc trị thủy các con sông.
Biên soạn điển tịch, khởi công xây dựng lâm viên
Khang Hy coi trọng vấn đề văn hóa giáo dục, sáng lập ra chế độ Nam thư phòng, còn đích thân tới viếng miếu Khổng Tử ở Khúc Phụ. Hoàng đế Khang Hy còn tổ chức biên tập và xuất bản các bộ sách và bộ bản đồ: “Khang Hy tự điển”, “Kim cổ đồ thư tập thành”, “Lịch tượng khảo thành”, “Sổ lý tinh uẩn”, “Bội văn vận phủ”, “Thanh văn giám”, “Khang Hy vĩnh niên lịch pháp”, “Khang Hy hoàng dư toàn lãm đồ”. Khang Hy chủ trì biên soạn 60 loại điển tịch, gồm khoảng 20.000 cuốn sách là tài nguyên tinh thần trọng yếu trong văn hóa dân tộc Trung Hoa.
Khang Hy thi công vườn Sướng Xuân, sơn trang nghỉ mát Thừa Đức, bãi săn Nhiệt Hà Mộc Lan, cháu nội của ông là vua Càn Long tiếp tục khởi công xây dựng 3 ngọn núi và 5 khu vườn (Tam sơn: Hương, Ngọc Tuyền, Vạn Thọ; Ngũ viên: Sướng Xuân, Viên Minh, Tĩnh Minh, Tĩnh Nghi, Thanh Y tức là Di Hòa viên). Những nỗ lực ấy đã đưa nghệ thuật xây dựng kiến trúc lâm viên theo phong cách cổ điển Trung Quốc đạt đến tầm cao nhất. Các công trình lâm viên xây dựng dưới thời nhà Thanh là một phần di sản quý báu của dân tộc Trung Hoa. Sơn trang nghỉ mát Thừa Đức là lâm viên hoàng gia lớn gấp đôi so với Di Hòa viên, không chỉ có ý nghĩa như là một nơi nghỉ mát thông thường. Các lâm viên này dựa theo phong cách kiến trúc của các dân tộc Mông Cổ và Tây Tạng, có ý nghĩa quan trọng là để cho các hoàng gia và quý tộc Mông, Tạng đến sơn trang có được một cảm giác hài lòng và thân thuộc. Đi qua một vùng sơn thủy thanh nhã tĩnh mịch này mọi người tựa như được trở lại quá khứ 200 năm về trước.
Quan hệ tốt đẹp với Mông Cổ, coi trọng nông nghiệp và việc trị thủy các con sông
Mông Cổ từng chia làm 3 phần lớn: Mạc Nam, Mạc Tây và Mạc Bắc Mông Cổ. Mạc Nam Mông Cổ đã được Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực hoàn toàn chinh phục, và vùng này được gọi là Nội Mông Cổ. Mạc Tây Mông Cổ chính là Chuẩn Cát Nhĩ Mông Cổ. Cát Nhĩ Đan Chuẩn Cát Nhĩ dẫn quân tiến về phía Nam uy hiếp vương triều nhà Thanh. Khang Hy quyết định thân chinh, đánh bại được Cát Nhĩ Đan. Đối với Mạc Bắc Mông Cổ, Khang Hy thông qua một loạt biện pháp đã hoàn toàn giải quyết được vấn đề Khách Nhĩ Khách, còn gọi là Ngoại Mông Cổ. Vì thế Khang Hy nói: “Nhà Tần ngày xưa đã có công xây nên Vạn Lý Trường Thành. Triều đại của Trẫm ban ơn cho Khách Nhĩ Khách, sử dụng để phòng bị phía Bắc, so với Trường Thành còn chắc chắn hơn”. Trung Quốc suốt mấy ngàn năm từ thời Tần Hán cho đến thời nhà Minh, vấn đề Mông Cổ là một việc nan giải không sao giải quyết được, nhưng Khang Hy đã làm được. Đó là một cống hiến rất to lớn trong lịch sử.
Từ cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, trải qua chiến tranh loạn lạc trong một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng. Khang Hy đã chọn dùng hàng loạt biện pháp để khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông 6 lần tới Giang Nam để thanh tra giám sát việc thủy lợi, quản lý sông Hoàng Hà, sông Hoài, sông Vĩnh Định. Tất cả những nỗ lực ấy của Khang Hy đều đã mang lại những thành tựu to lớn.
Lời Kết
Khang Hy văn võ song toàn, đã tinh thông truyền thống văn hóa, lại từng tìm hiểu qua khoa học phương Tây. Ông có tài cưỡi ngựa bắn cung, từng ngự giá thân chinh đánh lui Cát Nhĩ Đan, còn có tài trị vì đất nước. Ông đa mưu túc trí, trấn giữ Bắc Kinh mà bình định được Tam phiên, chiến thắng trong cuộc chiến với nước Nga Sa hoàng, thu phục được Đài Loan, cho thấy rõ tài năng chỉ huy quân sự tuyệt vời của mình. Khang Hy có trí tuệ hơn người, ông đã sáng lập ra chiến lược “Đa luân liên kết đồng minh” nhờ đó có thể tránh được chiến tranh. Ông liên hệ với các bộ tộc Mông Cổ khác nhau, xây dựng được hiệp ước bảo đảm chắc chắn cho vùng Hắc Long Giang không bị xâm phạm. Hoàng đế Khang Hy đặc biệt coi trọng giáo dục và đã đặt định cơ sở cho hơn 100 năm “Khang Càn thịnh thế”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/1/13/216186.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/1/23/114089.html
Đăng ngày 14-2-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.