Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 4-8-2007] Thánh Tổ của triều Thanh là Khang Hy hoàng đế Ái Tân Giác La – Huyền Diệp, tám tuổi lên ngôi, làm vua 61 năm. Khang Hy luôn lo lắng làm sao để cho dân chúng luôn được an khang, thiên hạ luôn được thịnh vượng. Tấm lòng bao la nhân ái đối với dân chúng, hết lòng vì việc nước của ông đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất, dân cư đông đúc nhất, kinh tế giàu có nhất, văn hóa phồn thịnh nhất, thực lực quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Ông đã kiến lập được một lãnh thổ rất thịnh suy gọi là  “Khang Càn thịnh thế”, và là một vị minh quân từ xưa tới nay hiếm có.

Tấm lòng bao dung, thống nhất thiên hạ

Khi Khang Hy lên ngôi, thù trong giặc ngoài, dân chúng lầm than, sự nghiệp thống nhất đất nước chưa hoàn thành, dân chúng đối với triều đình có mâu thuẫn rất lớn. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hỏi ông nghĩ gì, Khang Hy đáp: “Chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù“. Ông nói với các đại thần: “Phương cách để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản“. Năm ông 16 tuổi, với trí tuệ siêu phàm và dũng khí hơn người, ông đã sắp xếp kế hoạch diệt trừ được quyền thần Ngao Bái chuyên quyền bạo ngược. Sau đó ông bình định loạn Tam phiên, bình định Đài Loan, 2 lần thân chinh Chuẩn Cát Nhĩ, phía Bắc chống nước Nga Sa hoàng, nắm được thiên hạ, hoàn thành xong sự nghiệp thống nhất toàn dân tộc Trung Hoa.

Đối với loạn Tam Phiên, Khang Hy từng nhiều lần nói rõ quyết tâm bảo vệ biên giới quốc gia, cũng hy vọng bọn họ lấy lợi ích quốc gia làm trọng, nếu như bọn họ không làm loạn nữa thì triều đình sẽ không nhắc lại chuyện cũ. Sau khi thành công cũng yêu cầu: “Xử lý phải khoan dung, không can thiệp ảnh hưởng quá nhiều người”.

Quan đề đốc Thiểm Tây tên là Vương Phụ Thần, bị Bình Tây Vương Ngô Tam Quế lung lạc mua chuộc, khởi binh nổi loạn. Lúc ấy cả nhà của con trai Vương Phụ Thần là Vương Kế Trinh đều đang ở tại kinh thành, các quan đại thần đều đề nghị lập tức bắt giữ họ vì tội mưu phản. Khang Hy tuy rất sốt ruột, nhưng ông vẫn bình tĩnh để cho Vương Kế Trinh đưa tin cho cha, kể rõ rằng triều đình châm chước vì ông ta mưu phản không phải là bản ý, chỉ vì lầm lạc nhất thời, sẽ không truy cứu trách nhiệm. Vương Phụ Thần rất cảm động, chỉ huy binh sỹ hướng về triều đình bái lạy, bởi vì trong lòng vẫn còn có điều trăn trở, nên vẫn chưa đầu hàng. Khang Hy bổ nhiệm Đồ Hải làm Phủ viễn Đại tướng quân, Đồ Hải nói với tướng sỹ: “Noi theo tấm gương nhân nghĩa, thể theo Đức lớn của Hoàng thượng, trước tiên chiêu hàng họ, nếu không được mới thảo phạt. Không được lạm sát người vô tội!“. Đạo quân lớn của Đồ Hải đánh đâu thắng đấy, Vương Phụ Thần bị ép phải đầu hàng. Khang Hy lại phong cho ông ta làm Tĩnh Khấu tướng quân, ra lệnh cho ông ta và Đồ Hải cùng nhau trấn thủ Hán Trung. Vương Phụ Thần vô cùng xấu hổ, Khang Hy nhiều lần sai Đồ Hải an ủi ông ta.

Đối với việc quản lý Mông Cổ, Khang Hy chọn dùng chính sách chiêu an, vỗ về. Khách Nhĩ Khách là thủ lĩnh Mông Cổ bị một thuộc hạ là Tạ Đồ Hãn kích động tranh chấp bên trong, khiến Cát Nhĩ Đan ở bên ngoài thừa cơ xâm lấn biên giới phía Đông, bức bách Khách Nhĩ Khách phải chạy về phía Nam. Khang Hy thân chinh đến phía Bắc Trường Thành, chủ trì liên kết đồng minh. Lúc họp mặt đồng minh, Khang Hy khiển trách lỗi lầm của Tạ Đồ Hãn, sau đó nói, nếu như xử phạt nặng Tạ Đồ Hãn trong một hội nghị đồng minh như thế này thì thật sự không đành lòng, thế là trước mặt mọi người tha tội cho Tạ Đồ Hãn. Khang Hy thông qua những lời khuyên bảo và giáo huấn đã hóa giải được mẫu thuẫn giữa các bộ lạc khác nhau, đem lại sự thống nhất cho nội bộ của Khách Nhĩ Khách. Họ hoàn toàn bái phục, cùng vái lạy Khang Hy. Khang Hy chính thức tiếp nhận sự thần phục của toàn bộ Mông Cổ Khách Nhĩ Khách.

Khi chinh phục Cát Nhĩ Đan, Khang Hy nói với các đại thần: “Cần phải dùng lòng nhân từ để cảm hóa Thiên hạ, không thể dùng quyền uy để khuất phục. Cát Nhĩ Đan hung bạo, Trẫm khoan dung với dân chúng, Cát Nhĩ Đan gian xảo, Trẫm lấy thành tín để đối đãi với dân chúng“. Quần thần xin Hoàng đế đặt tôn hào, Khang Hy kiên quyết cự tuyệt, nói: “Trải qua ngọn lửa chiến tranh, dân chúng đã khốn khổ lầm than, cần phải thiết thực, tránh chạy theo hư danh“.

Nhân dân là gốc rễ của quốc gia, chỉ chọn người hiền tài

Khang Hy lấy dân làm gốc, trong những năm tháng ông trị vì đất nước, ông luôn thương dân, vì dân, quan sát lòng dân, làm phúc cho dân ở khắp nơi nơi. Khang Hy chú trọng khôi phục và phát triển sản xuất, cùng dân nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhiều lần ông hạ lệnh đình chỉ việc khoanh vùng lãnh thổ, còn bãi bỏ thuế ruộng 545 lượt, kế ngân 1.500.000 lạng bạc. Ông tuyên bố “Sinh thêm nhân khẩu, vĩnh viễn không tăng thuế“, khiến thuế nhân khẩu cả nước giảm xuống, đỡ gánh nặng cho nông dân. Ông coi trọng quản lý sông Hoàng Hà, tự mình giám sát việc trị thủy suốt hơn 10 năm để nhân dân đỡ khổ vì nạn lũ lụt.

Đương thời khu vực cửa Bắc Trường Thành bị nghiêng lún rất nhiều, công bộ và nha môn xin xây dựng tu bổ lại. Khang Hy nói với các đại học sỹ: “Việc Đế vương trị vì thiên hạ là tự có căn nguyên của nó, không phụ thuộc vào việc thành quách hiểm trở hay không. Khi nhà Tần xây dựng Trường Thành tới nay, các triều Hán, Đường, Tống cũng đã thường sửa chữa, rồi lúc ấy thật sự không gặp tai họa biên cương nào nữa ư? Cuối đời nhà Minh, đại quân của Thái Tổ tiến quân thần tốc, tỏa đi mọi hướng, đều không có ai dám đương đầu. Có thể thấy rằng Đạo lý giữ nước, chỉ có tu Đức an dân, hợp lòng dân mới chắc chắn sẽ giữ được đất nước, vùng biên cương tự nhiên vững chắc, đây cũng là điều mà người ta gọi là “Chúng chí thành thành” (ý chí của muôn dân tạo nên bức tường thành vững chắc)“.

Một lần, Khang Hy đang đi thị sát tại khu vực phía Bắc Trường Thành, phát hiện thấy một người nằm bất động bên đường. Ông tự mình hỏi thăm, biết người này tên là Vương Tứ Hải, là một người làm thuê, trên đường về nhà bị đói quỵ xuống không dậy nổi nữa. Khang Hy lập tức sai người cho ông ta ăn chút cháo nóng. Khi Vương Tứ Hải tỉnh táo lại rồi, nhà vua mang ông ta về hành cung, rồi cho tiền lộ phí và phái người đưa ông ta về nhà.

Khang Hy thi hành chính sách giảm bớt hình phạt. Năm thứ 22 thời Khang Hy, toàn bộ số phạm nhân bị phán quyết án tử hình trong cả nước chỉ có “chưa tới 40 người”.

Khang Hy chẳng những quan tâm chăm sóc trăm họ, mà còn yêu cầu quan lại cũng yêu dân như con. Ông mặc dù không hạn chế chỉ một cách tuyển chọn nhân tài, nhưng đối với tiêu chuẩn lựa chọn thì yêu cầu hết sức nghiêm khắc. Ông dùng người trước sau nhất quán một tiêu chuẩn là: “Quốc gia dùng người, lấy Đức làm căn bản, tài nghệ là thứ yếu“. “Tài Đức đều cao thì tốt, nếu có tài mà không có Đức, thì cũng không bằng người có Đức mà không có tài“. Ông còn nói: “Xét tài năng thì phải lấy Đức làm căn bản, Đức hơn tài là người quân tử, tài hơn Đức là kẻ tiểu nhân“.

Để trấn an quan lại dân tộc Hán, Khang Hy nhiều lần lặp đi lặp lại “Mãn hay Hán đều là bề tôi của Trẫm“, “Mãn Hán là một thể thống nhất“, “Quan lại lớn nhỏ trong triều đều là những người mà Trẫm tín nhiệm, các quan đều cần phải khuyên can, dâng sớ, không được thoái thác trách nhiệm“. Một số sỹ phu ở ẩn trong rừng núi liên tục ra làm quan, bức tường ngăn cách giữa dân tộc Mãn với dân tộc Hán cùng các dân tộc khác dần dần tan biến, rồi dung hợp lẫn nhau.

Để hình thành nên nếp sống tốt đẹp và thanh liêm cho quan lại, Khang Hy nhiều lần hạ chiếu để cho các quan lại triều đình tiến cử thanh quan. Ông cũng đích thân tuyên dương nhiều quan lại thanh liêm. Quan thanh liêm dưới triều đại Khang Hy xuất hiện rất nhiều, như Thang Bân, Lý Quang Địa, Trương Bá Hành đều là những vị quan thanh liêm nổi tiếng một thời. Họ nhậm chức ở huyện nào, thì dân ở huyện ấy được hưởng ân huệ, nhậm chức ở tỉnh nào, thì dân chúng tỉnh ấy đều được lợi ích.

Vu Thành Long ở Sơn Tây phụng sự việc công, tuy làm quan Tướng soái địa vị tôn quý, nhưng không hề mưu cầu tư lợi chút nào. Ông mỗi ngày 2 bữa chỉ ăn cơm thô và rau xanh, biệt hiệu là “Vu rau xanh”. Ông lấy mình làm gương, ra mệnh lệnh cấm quan lại đút lót và nhận hối lộ, được dân chúng rất ủng hộ và yêu mến. Khi ông qua đời, các vị tướng quân và quan lại dưới quyền ông đến thăm hỏi chia buồn, họ mới thấy trong cái rương bằng trúc trong nhà ông chỉ có một bộ áo bào bằng vải sồi, đầu giường của ông chỉ có một ít muối ăn và hũ đựng chao đậu phụ, ai cũng cảm động rơi nước mắt. Dân chúng nhà nhà đều treo chân dung của ông và tưởng nhớ về ông, Khang Hy cũng ca ngợi ông là “Đệ nhất thanh quan đương thời”.

Khang Hy vô cùng chú ý nghiêm trị tham quan ô lại. Ông nói, quan tham cần phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn nữa, tội lỗi của quan tham không thể so với tội khác, tuyệt đối không thể tha thứ được, nếu không sẽ không có tác dụng răn đe. Trong một lần thẩm tra, ông tự mình răn đe cảnh cáo một loạt các tội phạm tham ô lớn. Đối với các quan lại vùng biên giới, ông yêu cầu càng nghiêm khắc. Ví dụ quan Tuần phủ Thiểm Tây tên là Mục Nhĩ Tái ăn hối lộ làm trái pháp luật, Khang Hy nói: đối với tội phạm quan trọng có thành tích nhơ nhuốc rõ ràng như thế, nếu không dùng hình phạt nặng thì không thể được, cho nên lập tức xử tử. Từ năm 1681 kéo dài trong suốt 25 năm, cuối cùng chính sách ấy đã có tác dụng rất tốt trong việc ngăn chặn những hành vi tham ô hối lộ.

Đạo đức cao thượng, tự kiểm điểm và tu thân

Khang Hy tuân theo chính sách “Sùng Nho trọng Đạo”. Năm ông 14 tuổi đã tự mình chấp chính, chấp thuận kiến nghị của quan lại người Hán, dẫn đầu trăm quan tại trường Thái học cử hành lễ tế Khổng Tử một cách long trọng. Ông lần đầu đi thanh tra miền Nam thì đến miếu Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông để tế lễ. Ông làm đại lễ 3 quỳ 9 lạy, đích thân viết 4 chữ “Vạn thế sư biểu” (“Gương sáng ngàn đời”) treo ở chính điện, cho thấy quyết tâm lấy học thuyết nhà Nho làm căn bản để quản lý quốc gia. Sau này ông còn khen ngợi Chu Hy đã có công phát huy đạo lý Khổng Mạnh. Các sỹ đại phu người Hán và các nho sinh trong thiên hạ vô cùng cảm động, họ khóc ròng nói: “Hoàng thượng tôn thờ Khổng thánh nhân làm thầy, cho thấy rõ Hoàng thượng anh minh sáng suốt, lòng dạ bao la, so với Hoàng đế người Hán không có gì khác biệt, chẳng phải cái gì là phương Bắc dị tộc, hoàng đế man di nào cả, mà chính thật sự là chân mệnh thiên tử rồi! Chúng ta những kẻ khổ công đọc sách Thánh hiền, giờ đây phải nỗ lực đền đáp ân huệ quốc gia“.

Khang Hy rất nghiêm khắc với bản thân. Lúc ông mới 5 tuổi vào thư phòng đọc sách, công phu cả ngày lẫn đêm, bất luận là thời tiết giá lạnh hay nóng bức, đến mức quên ăn quên ngủ. Ông còn rất thích thư pháp “Mỗi ngày viết hơn ngàn chữ, chưa bao giờ gián đoạn”. Ông đọc bộ sách “Tứ thư” – “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh tử”, “Nhất định bắt bản thân phải thuộc lòng từng chữ, không bao giờ tự lừa dối mình”. Ông trên đường thanh tra, đêm khuya đi thuyền, hoặc ở hành cung, đều thường xuyên đọc sách, phú, thơ, văn. Cho đến khi đã ở độ tuổi 60, ông thường vẫn tay không rời sách. Ông tinh thông rất nhiều ngành học như văn học, lịch sử, địa lý, toán học, y học, vv… học thức phong phú đến mức rất nhiều vị học giả cũng khó lòng sánh kịp. Ông tổ chức biên soạn các bộ “Minh sử”, “Toàn Đường thi”, “Khang Hy tự điển”, lưu lại cho hậu thế nhiều tài nguyên văn hóa quý giá. Từ khi tự mình chấp chính cho đến trước lúc băng hà, mỗi ngày ông đều kiên trì ngự điện nghe chính sự, một năm 4 mùa, không kể là giá lạnh hay nóng bức, chưa bao giờ gián đoạn. Chỉ trừ những lúc bị bệnh, gặp chuyện quốc gia đại sự, hoặc biến cố trọng đại, ngoài ra hầu như không có ngày nào là không lên điện để lắng nghe chính sự.

Khang Hy chủ trương tiết kiệm. Ông nói về quần áo của bản thân: “Ta từ khi lên ngôi tới nay, làm việc gì cũng đều đề xướng tiết kiệm. Ta đang mặc trên người là quần áo bình thường, trên chân đang mang tất vải thông thường“. Sự thực đúng là như thế. Một người Pháp đến Trung Quốc, sau đó viết thư về báo cáo với Hoàng đế nước Pháp như thế này: “Ông ta thuộc loại người điềm đạm giản dị đến mức chưa từng thấy. Mỗi ngày ông ta ăn chỉ có 2 bữa với thức ăn rất bình thường, chưa bao giờ quá độ. Quần áo ông ta mặc là loại trang phục bình thường nhất tại Trung Quốc. Vào ngày mưa, người ta có khi thấy ông ta mặc một cái áo nỉ khoác ngoài, là một loại quần áo thô ở Trung Quốc. Mùa hè chúng tôi thấy ông ta mặc áo khoác ngắn bằng vải gai, đó cũng là quần áo bình dân mà người dân thường mặc. Chỉ ngoại trừ vào những ngày tết, ngày lễ lớn, còn bình thường chúng tôi thấy trên người ông ta chỉ có một thứ đẹp đẽ, đó là một viên trân châu lớn. Viên Trân châu này được đính trên vương miện của ông ta theo truyền thống phong tục của dân tộc Mãn Châu. Ông ta không cầu kỳ xa hoa chút nào cả, mà đạm bạc vượt quá khả năng tưởng tượng của bất kỳ người nào. Điều đó có thể thấy được ngay trên quần áo và đồ dùng thường ngày của ông ta“.

Khang Hy cả đời là người rất có đạo hiếu. Ông đối với bà nội và mẹ đều rất tôn kính, không những hàng ngày trước tiên là đến cung Từ Ninh để thăm hỏi, mà những lúc Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang bị ốm, ông có mấy lần tự mình đi bộ tới đàn tế Trời cầu nguyện cho bà, nói rằng sẵn sàng lấy bớt tuổi thọ của mình để cho bà nội được sống lâu. Sau khi Thái hoàng thái hậu qua đời, Khang Hy vô cùng đau buồn, ở mãi trong một căn phòng nhỏ ngoài cung Từ Ninh. Ngay cả lúc giao thừa, ngày hội ngày lễ, quần thần xin ông trở về cung, ông cũng không về. Sau khi trở về cung rồi ông vẫn mỗi ngày đến cung Từ Ninh, nhìn vật nhớ người. Khang Hy đã ban hành “16 điều Thánh dụ” nổi tiếng để làm chuẩn mực hành vi cho quan lại và dân chúng. Trong 16 điều đó thì Hiếu đạo là quan trọng.

Từ xưa đến nay những người nắm giữ đất nước hầu hết đều trương bảng hiệu là lấy nhân nghĩa và hiếu đạo để trị vì thiên hạ, nhưng có mấy ai thực sự là “Nhân” và “Hiếu”? Nếu như miệng đầy lễ nghĩa liêm sỷ, mà trong lòng toàn rơm rác như kiểu vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương thì cái gọi là “Đức trị” đó chỉ là nói dối động Trời thôi. Khang Hy một lòng vì dân, nỗ lực làm việc nước, trong tất cả các việc trị nước, quản lý quan lại và dân chúng, quản lý việc trị thủy thì lời nói và việc làm đều đi đôi với nhau. Ông nhân đức như Trời, công lao như biển, danh thơm muôn thuở, rực rỡ ngàn thu! Ông thực sự đúng như lời người đời sau ca ngợi: “Đức cao Đạo trọng, dân chúng không thể nào quên!”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/8/4/159820.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/8/17/88669.html
Đăng ngày 03-02-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share