Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 1-8-2007] Tô Đĩnh là người huyện Vũ Công, Kinh Triệu dưới thời Đường. Thuở nhỏ ông tài hoa xuất chúng, 17 tuổi thi đỗ Tiến sỹ, sau thăng đến chức Trung thư xá nhân, cùng cha là Tô Hoàn cùng quản lý việc cơ mật, phụ trách tiếp nhận các bản tấu trình của triều thần bốn phương và truyền đạt lệnh vua. Tô Đĩnh bản tính thanh liêm tiết kiệm, làm quan thường hay ngay thẳng khuyên can, tài hoa bộc lộ, được Đường Huyền Tông (712 – 756) hết lòng trọng đãi.

Năm Khai Nguyên thứ 4 (tức là năm 716 Tây lịch), Tô Đĩnh được thăng chức Tử Vi hoàng môn, thụ phong làm Hứa quốc công, cùng với Tống Cảnh chủ trì chính sự. Tống Cảnh là người cương trực, quả đoán, gặp chuyện thường hay tự mình cân nhắc quyết định mà không bàn bạc với Tô Đĩnh. Tô Đĩnh đều không để tâm, rất tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp của Tống Cảnh.

Tống Cảnh ở trước mặt Hoàng đế tấu trình sự việc, nếu có chỗ nào thiếu sót, Tô Đĩnh luôn ở bên cạnh trợ giúp và bổ sung. Hai người phối hợp với nhau hết sức ăn ý, Hoàng đế thường vui lòng chấp thuận những kiến nghị của họ.

Tống Cảnh từng nói với người khác: “Ta và cha con nhà họ Tô cùng nhau làm Tể tướng. Phó xạ Tô Hoàn thì trung hậu và có tài năng thiên phú trong việc trị nước. Còn nếu nói về việc khuyên can khuyến cáo nhà vua, làm tròn bổn phận của bề tôi, gặp chuyện thì quyết đoán, chí công vô tư, ngày hôm nay Thừa tướng Tô Đĩnh đã vượt hơn cha mình“.

Có thể buông bỏ tư tâm của “Tự ngã”, chí công vô tư, lấy đại cuộc làm trọng, tôn trọng những chỗ hay chỗ tốt của người khác, đối với những chỗ chưa hoàn thiện của người ta thì lặng lẽ bổ sung để cùng viên dung. Đây là một phẩm hạnh và tấm lòng hiếm có mà những người đức hạnh muốn làm nên nghiệp lớn không thể thiếu được.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/8/1/159466.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/8/10/88471.html
Đăng ngày 01-02-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share