Bài của Kiết Y
[MINH HUỆ 11-12-2009] Mặc Tử tên là Địch, là người nước Tống thời kỳ Chiến quốc, làm quan đại phu nước Tống. Ông biên soạn các tác phẩm nghiên cứu sách kinh học thời cổ, từng chuyên cần tu luyện phương thuật Đạo gia, đề xướng cần kiệm liêm chính. Ông từng viết 5 quyển văn chương, được danh xưng là Mặc Tử.
Mặc Tử nghe tin nước Sở muốn tấn công nước Tống, lo lắng đến tiều tụy, biết rõ nước Tống thực lực kém xa nước Sở, một khi chiến tranh xảy ra, nước Tống sẽ phải bị nước Sở chinh phục. Ông vì an nguy của quốc gia, quyết tâm đến nước Sở thuyết phục vua Sở bỏ ý định tấn công nước Tống. Lặn lội đường xa suốt 7 ngày 7 đêm cuối cùng ông đã tới nước Sở, liền gặp Công Thâu Bàn là người thợ khéo chuyên chế tạo thang mây dùng trong các cuộc công thành. Mặc Tử khuyên Công Thâu Bàn: “Ông vì nước Sở mà chế tạo thang mây tấn công nước Tống, nước Tống có tội lỗi gì chứ? Nước Sở đất đai rộng lớn phì nhiêu, trăm họ nước Tống lại không có đủ đất để sống, đòi lấy thứ mà nước Tống thiếu thốn để làm giàu cho nước Sở, đó là một phương sách không thông minh. Nước Tống không có tội lỗi gì nhưng ông lại muốn đi đánh, đó là việc làm không có nhân nghĩa. Ông rõ ràng biết cách làm này không đúng mà không khuyên bảo vua Sở, đó là ông không trung thành với vua Sở. Khuyên bảo mà không có kết quả, cho thấy rõ thái độ của ông còn chưa kiên định, không có sức thuyết phục mạnh mẽ“.
Công Thâu Bàn bày tỏ rằng quyết định của vua Sở không dễ thay đổi được, lời đề nghị tấn công nước Tống chính miệng mình đã nói ra rồi, muốn thu hồi lại cũng thật khó. Mặc Tử nghe Công Thâu Bàn nói, biết rằng nếu muốn dừng cuộc chiến này lại, cần phải trực tiếp gặp mặt vua Sở mới có thể hóa giải được. Lúc gặp vua Sở, ông không trực tiếp nói ra ý đồ của mình mà đưa ra một ví dụ so sánh: “Bây giờ có một người, tự vứt bỏ xe ngựa hoa lệ của mình nhưng lại muốn đi trộm cướp một chiếc xe hỏng; bỏ không mặc chiếc áo bào rực rỡ của mình, lại muốn đi trộm một cái áo thường của hàng xóm; vứt bỏ thịt cá trong nhà mình không ăn, lại muốn đến cướp cơm thô rau dại của hàng xóm, Đại Vương Ngài nói đây là người gì đây?“.
Vua Sở nói: “Nếu quả thật có người như thế, ta nghĩ chắc chắn kẻ đó là người điên“.
Mặc Tử nói tiếp: “Nước Sở có Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Mộng nhiều hươu nai, có Trường Giang, Hán Thủy nhiều rùa, cá, là quốc gia giàu có nhất thiên hạ. Mà nước Tống ngay cả gà núi, cá diếc, thỏ hoang cũng chẳng có, điều này giống như so sánh thịt cá với cám rau. Nước Sở có nhiều gỗ Khởi, gỗ Dâu và gỗ Dự Chương, còn nước Tống ngay cả cây cao vài trượng cũng đều không có, điều này giống như so sánh áo bào với cái áo cụt. Thần nghe nói Đại vương định tấn công nước Tống, đây chẳng giống như người điên mà Ngài nói kia sao?”.
Vua Sở nói: “Ngươi nói hay lắm. Nhưng Công Thâu Bàn đã chế tạo cho ta nhiều thang mây rất tốt, ông ta nói nhất định có thể đánh bại nước Tống“.
Mặc Tử thấy lóe lên tia hy vọng, bèn yêu cầu gặp lại Công Thâu Bàn. Công Thâu Bàn đến, Mặc Tử trải chiếc áo choàng của mình trên bàn tượng trưng cho đô thành nước Tống, lấy chiếc khăn quấn trên đầu tượng trưng cho binh lính và vũ khí. Công Thâu Bàn thấy thế cũng không chút do dự cùng Mặc Tử ganh đua cao thấp, dùng chiến thuật của mình ở trên bàn để so tài với Mặc Tử. Tổng cộng biến hóa chiến thuật đến 9 lần, Công Thâu Bàn đều bị Mặc Tử ngăn chặn, đến lúc vô kế khả thi rồi, thế mà sách lược phòng thủ của Mặc Tử vẫn còn nhiều chưa dùng tới.
Công Thâu Bàn nói: “Giờ tôi đã biết làm thế nào để công phá được ông rồi, nhưng tôi không nói“. Mặc Tử nói: “Tôi cũng biết ông định dùng phương pháp nào để tấn công rồi, nhưng tôi cũng không nói“. Vua nước Sở hỏi đầu đuôi câu chuyện ra sao, Mặc Tử nói: “Công Thâu Bàn ý tứ là chỉ muốn giết thần, nước Tống liền phòng thủ không ngừng. Song ông ấy không biết, đệ tử của thần là Cầm Hoạt Ly và 300 binh sỹ đã sớm áp dụng vũ khí và chiến thuật thủ thành theo sự bố trí sắp đặt của thần lên đô thành nước Tống, để chờ đợi cuộc tiến công của nước Sở rồi. Giờ có giết thần, thì vũ khí và chiến thuật phòng ngự của nước Tống vẫn cứ còn đó, nước Sở cũng không thể thắng nổi!“. Vua nước Sở đành phải thay đổi thái độ và lề lối chính sách, không tấn công nước Tống nữa.
Mặc Tử dùng đạo lý thuyết phục vua Sở, mô phỏng diễn biến cuộc chiến khiến cho Công Thâu Bàn phải kinh sợ. Ông đối với quốc gia thì trung nghĩa và can đảm, trí dũng song toàn. Người anh tài kiệt xuất ấy đến năm 82 tuổi, cảm thán nói: “Sự việc thế gian ta đã trải qua cả rồi, đã hiểu rõ rồi. Phúc lộc vinh dự và địa vị không phải là vĩnh viễn không thay đổi. Ta đã nhìn thấu suốt toàn bộ thế gian, mong muốn ly khai trần thế hỗn loạn này, đi theo vị Thần tiên Xích Tùng Tử đầy quyền phép ngao du bốn biển!“. Sau này Mặc Tử vào núi Chu Địch, toàn tâm toàn ý tu luyện Đạo thuật.
Thần linh nhìn thấy tâm tu Đạo thành kính phi thường của Mặc Tử, đã truyền thụ cho ông một quyển sách lụa ghi những yếu quyết tu Đạo và bài thuốc bí truyền cách dùng hoa cỏ để pha chế dược hoàn, cùng với kinh thư về phép tắc giới luật và âm dương ngũ hành của Đạo gia, tổng cộng 25 bài, còn nói với Mặc Tử: “Ông vốn có Tiên phong Đạo cốt, lại thông tuệ thông linh, được ta cho những thứ này, thì ngày sau có thể thành Tiên, không cần phải bái sư học Đạo nữa“.
Thời kỳ Chiến quốc, phân tranh hỗn loạn, với trí tuệ của Mặc Tử nếu như trợ giúp Quân Vương thì nhất định sẽ được hưởng vinh hoa phú quý tột bậc, nhưng ông đối với những thứ đó thì không hề luyến tiếc, một lòng hướng Đạo, bằng nghị lực của mình cuối cùng đã tu thành Thần Tiên.
Dùng nhãn quang của lịch sử mà xét, vạn vật trong thế gian đều là hư huyễn, chỉ có siêu thoát ra ngoài mới có thể lĩnh hội được chân tướng của vũ trụ.
(Tư liệu nguồn: “Thái bình quảng ký“)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/12/11/214058.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/1/16/113937.html
Đăng ngày 01-02-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.