Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trùng Khánh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-09-2019] “Vào ngày đầu tiên bị đưa đến nhà tù ấy, lính canh bắt tôi phải học điều lệ nhà tù đến tận 1 giờ sáng. Tôi chỉ được ngủ 5 tiếng rưỡi rồi bị họ đánh thức dậy cho một ngày dài tra tấn và tẩy não nhằm ép tôi từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.”
“Trong suốt 30 ngày tiếp theo, tôi không được phép ngủ chút nào. Ngay khi tôi nằm xuống giường, lính canh liền lôi tôi dậy và tiếp tục tra tấn tôi.”
Bà Hoắc Vận Bích, một cư dân thành phố Trùng Khánh, kể lại khoảng thời gian 3 năm rưỡi bị giam tại Nhà tù Nữ Trùng Khánh vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Người phụ nữ 68 tuổi này là một cựu nhân viên của Tổng Công ty Vận tải Huyện Phù Lăng. Bà đã bị bắt vào ngày 19 tháng 7 năm 2015 vì nói với người dân về Pháp Luân Công.
Bà bị Tòa án Phù Lăng kết án 3,5 năm tù giam vào ngày 3 tháng 11 năm 2015 và bị đưa đến nhà tù vào ngày 6 tháng 4 năm 2016, sau khi tòa án cấp cao hơn bác đơn kháng cáo của bà.
Dưới đây là câu chuyện của bà.
Lột quần áo, cấm cử động và lao động cưỡng bức
Không lâu sau khi tôi bị đưa đến Khu số 1 của Nhà tù Nữ Trùng Khánh, lính canh đã lột quần áo của tôi ngay ở hành lang bên ngoài và bắt tôi ngồi xổm.
Sau khi xác nhận tôi không mang theo thứ gì liên quan đến Pháp Luân Công bên mình, họ bắt tôi đứng úp mặt vào tường và không được cử động. Khi tôi chạm vào tóc mình, hai tù nhân bước tới và đánh tôi.
Tôi phản đối sự bức hại này bằng cách kêu lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Sau đó, năm tù nhân ghì tôi trên giường và đánh đập tôi. Tôi đã bị thương ở đầu và mặt. Để ngăn tôi kêu lên, họ đã bịt miệng tôi bằng giẻ lau nhà tắm.
Tôi đã cố gắng hết sức và chạy thoát khỏi những tù nhân đấy. Tôi trình bày với các lính canh về họ. Các lính canh gọi hai tù nhân đầu tiên đánh tôi ra nói chuyện. Sau vài phút, khi họ quay trở lại, cả hai đều tươi cười. Tôi chợt nhận ra chính các lính canh đã ra lệnh cho họ đánh tôi.
Cũng trong hôm đó, những tù nhân này còn đánh đập một học viên khác, người đã bị đưa đến đây cùng với tôi. Họ đánh cô cả đêm và cũng bịt miệng cô lại để ngăn cô kêu lớn.
Tháng 4 là mùa mưa ở Trùng Khánh. Mấy tù nhân này đã lôi người học viên kia ra ngoài và ném cô trên nền đất ướt. Quần áo cô ướt sũng nước.
Một tù nhân trong số đó nói với tôi: “Bà làm gì có tự do ở đây chứ. Bất kể bà đứng, ngồi, uống nước, ăn, hay thậm chí lau miệng bằng giấy thì đều phải được chúng tôi cho phép. Nếu bà không nghe lời chúng tôi, điều chờ đợi bà chính là tra tấn. Có lẽ sự tự do duy nhất bà có là nuốt nước bọt.”
Bởi vì tôi từ chối tuân theo yêu cầu đó, họ cấm tôi sử dụng nhà vệ sinh và bắt tôi phải đi vệ sinh ra quần. Họ còn yêu cầu tôi lau sàn nhà bằng khăn hoặc quần áo sạch của tôi rồi sau đó vứt chúng đi.
Vì họ không cho phép tôi ngủ, tôi bị sụt cân nhiều trong khoảng 2 tuần. Cùng lúc đó, tôi cảm thấy chóng mặt và mờ mắt, và mọi thứ dường như đều chuyển động trước mắt tôi.
Những tù nhân này đưa tôi một ít thuốc nhỏ mắt. Nhưng càng dùng thì thị lực của tôi càng kém đi.
Sau một tháng bị tra tấn với cường độ cao tại Khu số 1, tôi bị chuyển đến Khu số 3 vào ngày 4 tháng 5 năm 2016.
Năm ngày sau, chồng tôi đến và nói rằng ông sẽ ly dị tôi, vì ông không thể chịu đựng được áp lực của cuộc bức hại thêm nữa.
Tại Khu số 3, tôi vẫn còn rất yếu và không thể đứng được. Sau đó, tôi được đưa đến bệnh viện và được phát hiện bị tiểu đường. Để kiểm soát lượng đường trong máu của tôi, các lính canh chỉ đưa tôi ít thức ăn và không cho phép tôi tự mua thêm đồ ăn. Tôi chỉ có thể uống nước mỗi khi thấy đói.
Trong một cuộc kiểm tra sức khỏe vào tháng 5 năm 2017, tôi được phát hiện có một khối u trong ổ bụng. Tôi đã phẫu thuật vào ngày 20 tháng 6 và phải tự trả mọi chi phí cho ca phẫu thuật này.
Mặc dù tôi vẫn còn rất yếu sau khi phẫu thuật, những lính canh vẫn ép tôi làm việc 10 tiếng hoặc nhiều hơn một ngày mà không được trả thù lao.
Bị sách nhiễu sau khi được thả
Sau khi được thả vào ngày 18 tháng 1 năm 2019, tôi không còn nhà để ở do cuộc ly hôn. Con trai tôi đã bảo tôi đến ở cùng gia đình cháu. Nhưng người quản lý ở chỗ làm dọa sẽ sa thải cháu nếu cháu để tôi đến sống cùng.
Không còn lựa chọn nào khác, tôi đã phải chuyển đến nhà em trai tôi. Tuy vậy, cảnh sát địa phương, nhân viên Phòng 610, và ủy ban dân cư vẫn thường xuyên sách nhiễu tôi.
Vào tháng 6 năm 2019, con trai tôi nhờ tôi tới ở cùng để chăm sóc cháu nội. Sau khi cảnh sát phát hiện ra tôi đã rời đi, họ lập tức đến sách nhiễu em trai tôi và hỏi cậu ấy nơi tôi ở.
Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/1/392146.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/6/179205.html
Đăng ngày 20-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.