Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-5-2019] Vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, anh Hà Lập Phương đã bị giam nhiều lần và từng bị 17 tù nhân đánh đến suýt chết. Cư dân ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông này cũng bị huỷ thẻ căn cước và buộc phải sống xa nhà hơn 10 năm.

Anh Hà, 45 tuổi, lại bị bắt giữ vào ngày 5 tháng 5 năm 2019 khi đến Đồn Công an Bắc An để xin cấp thẻ căn cước mới. Luật sư đã đến thăm anh tại Trại tạm giam Phổ Đông vào ngày 22 tháng 5 và thấy anh được khiêng ra trên một cái cán. Anh đeo khẩu trang và không trả lời câu hỏi của luật sư.

Qua cha mẹ anh Hà, đều ngoại bát tuần, luật sư biết anh đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ và đã bị bức thực. Cha mẹ anh Hà đã yêu cầu thả anh nhưng bị từ chối.

Anh Hà không phải là người duy nhất trong gia đình bị chính quyền nhắm đến vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999. Người chị cả của ông, bà Hà Thục Vinh, đã qua đời ở tuổi 50 vào tháng 4 năm 2014 sau khi bị kết án lao động cưỡng bức hai lần, bị treo lên và đánh đập tám ngày liên tục. Người chị thứ hai của anh, bà Hà Tú Hương, đã bị kết án ba năm tù vào tháng 6 năm 2015.

9630333b1f90be9d69b5a486330d43ca.jpg

Bà Hà Thục Vinh

Anh Hà, hiện vẫn đang độc thân, cũng đau xót bởi sự đối đãi của vị hôn thê cũ khi ở trong tay của ĐCSTQ. Cô bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào năm 2001 vì tu luyện Pháp Luân Công. Từng là người tốt bụng và cao thượng, cô đã từ bỏ đức tin dưới áp lực nặng nề và quay sang trợ giúp lính canh của trại lao động ép học viên bị giam từ bỏ Pháp Luân Công.

Anh Hà đã yêu cầu Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, phải chịu trách nhiệm cho khổ nạn của gia đình anh. Anh đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vì đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Sau đây là trích dẫn trong đơn kiện mà anh Hà gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 20 tháng 6 năm 2015.

Tất cả cơ quan chính quyền địa phương đều tham gia bức hại

Khi Giang Trạch Dân và đồng bọn phỉ báng Pháp Luân Công và bắt giữ các học viên vào tháng 7 năm 1999, tôi quyết định đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện, nhưng đã bị bắt tại một ga xe lửa trước khi đến nơi.

Đầu tiên tôi bị đưa đến Đồn Công an Trường Trực ở thành phố Tức Mặc và sau đó bị chuyển đến tòa nhà văn phòng của chính quyền thị trấn Trường Trị. Hơn 10 công an đã ra sức dụ dỗ và uy hiếp hòng khiến tôi phải từ bỏ đức tin của mình, và tôi đã miễn cưỡng làm theo.

Sau khi tôi trở về nhà, đại diện từ nhiều cơ quan khác nhau của chính quyền thị trấn, gồm đồn công an, công thương, thuế vụ, nông nghiệp, xây dựng, và tư pháp, thường xuyên kéo đến nhà tôi sách nhiễu. Họ đậu xe trong nhà tôi cả ngày và có khi còn đến bằng xe cảnh sát lúc nửa đêm để xem tôi có ở nhà hay không. Có một lần, công an Vương Kỳ Mẫn thậm chí còn đi xe cứu hoả đến.

Hàng xóm trông chừng tôi và báo cáo tôi ba lần một ngày

Tháng 11 năm 1999, tôi quyết định đến Bắc Kinh lần nữa để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ngay khi đến Bắc Kinh, tôi đã bị bắt và bị đưa trở lại Đồn Công an Trường Trực nơi quê nhà. Công an Vương đã ra lệnh cho tôi ngồi xổm trên sàn bê tông lạnh, không có áo khoác, để thẩm vấn tôi. Sau đó tôi bị giam một mình trong phòng với cửa sổ mở. Ngày hôm sau, mẹ tôi, đã ngoài 60 tuổi, cũng bị đưa đến căn phòng này sau khi bà bị bắt vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Chúng tôi chia sẻ chiếc áo khoác duy nhất để giữ ấm vào ban đêm. Cả hai chúng tôi đều tuyệt thực, và mẹ tôi được thả ra bốn ngày sau đó khi bà trở nên quá yếu. Tôi được thả vào ngày thứ bảy khi tính mạng gặp nguy hiểm.

Sau khi trở về nhà, tôi không được tự do thực sự vì một người hàng xóm được trả tiền để canh chừng tôi hàng ngày. Cô ta gọi điện báo cáo tôi ba lần một ngày. Khi có người đến thăm tôi, cô ta sẽ đến hỏi họ là ai và cũng báo cáo. Vì bị áp lực, thỉnh thoảng tôi không thể ngủ vào ban đêm. Tôi có thể nghe thấy cô ta đi đến cửa nhà tôi để kiểm tra tôi. Khi tôi lại bị bắt sau đó, tôi thấy một cuốn sổ ghi chép những lần cô ta báo cáo tôi với công an về việc tôi có ở nhà hay không và có gì bất thường không.

Toàn thể gia đình bị bắt giữ liên tục

Mùa thu năm 2000, Điêu Thuật Phong, trưởng Phòng 610 Trấn Trường Trực, và các công an khác đã đưa tôi và các sách Pháp Luân Công của tôi đến toà nhà chính quyền thị trấn. Họ không thả tôi cho đến khi tôi tuyệt thực trong bảy ngày.

Hà Thế Cương, nguyên bí thư thôn, cũng cùng các công an khác đến sách nhiễu tôi nhiều lần. Họ bắt giữ vị hôn thê của tôi và phỉ báng, làm nhục tôi.

Từ ngày 20 tháng 7 năm 1999 đến cuối năm 2000, tôi và gia đình đã bị sách nhiễu nhiều lần. Đặc biệt là trong những ngày lễ, họ luôn giam giữ cả gia đình tôi và không thả cho đến khi chúng tôi tuyệt thực. Cha mẹ tôi cũng thường xuyên bị bắt một cách vô cớ.

Vì bị sách nhiễu triền miên, tôi phải từ bỏ việc kinh doanh trong sáu năm và phải sống xa nhà. Tôi rời nhà trước Tết Nguyên đán 2001, và sau đó, cha mẹ tôi, lúc đó đã ngoài 60 tuổi, đã bị công an sách nhiễu thường xuyên. Đầu năm 2002, họ bị giam bảy ngày, và hai tháng sau nhà của bố mẹ tôi lại bị lục soát. Tài sản của bố mẹ tôi, gồm các sách Pháp Luân Công, một chiếc đài, hàng trăm nhân dân tệ, một túi quần áo và hai con gà mái đã bị công an lấy đi.

Bị bắt trong khi sống xa nhà

Ngày 18 tháng 7 năm 2001, công an đã bắt giữ tôi, vị hôn phu của tôi và nhiều học viên khác tại phòng trọ. Họ trói tôi lại, đánh đập và đưa tôi đến Đồn Công an Triêu Hải trước khi chuyển tôi đến Đồn Công an Khu Phát triển Tức Mặc, ở đó tôi bị một công an họ Triệu thẩm vấn. Ông ta ra lệnh cho hai công an trẻ trói tôi vào một cái ghế sắt, đội vào đầu tôi một cái mũ bảo hiểm bất chấp trời nóng nực, và đập vào chiếc mũ đó. Họ ra lệnh cho tôi phải lăng mạ Nhà sáng lập Pháp Luân Công, nhưng tôi từ chối. Sau đó, Đổng, trưởng đồn công an, bước tới và tát vào mặt tôi.

Lúc đó đêm đã khuya. Tôi đã bốn bữa chưa ăn cơm và không ngủ. Khi một người đàn ông bị giam vì bảo kê cho một cô gái làng chơi hỏi xin thức ăn, một công an đã đưa cho anh ta gì đó để ăn nhưng lại mắng tôi, nói rằng tôi sẽ bị phạt không có đồ ăn vì tu luyện Pháp Luân Công. Triệu và Đổng tiếp tục thẩm vấn tôi và nói tôi sẽ bị phạt vì không hợp tác với họ. Tôi lắc đầu và không nhượng bộ.

Bị 17 tù nhân đánh đập

Sau đó tôi bị đưa đến trại tạm giam Tức Mặc với hai mắt bị bịt lại. Công an Triệu chỉ vào tôi và nói với các tù nhân trước khi rời đi: “Đây là một học viên Pháp Luân Công. Hãy chăm sóc anh ta cho tốt!” Thực ra đây là một ám hiệu, ngụ ý rằng các phạm nhân trong đây hãy bức hại tôi.

Khi tôi từ chối học thuộc các nội quy của trại, trưởng xà lim đã lệnh cho bốn tù nhân lột trần tôi và đè tôi xuống giường. Các tù nhân liên tục đánh đập tôi và tôi hét lên trong đau đớn. Họ không dừng thì tôi cũng không ngừng la hét.

Sau đó trưởng xà lim ra lệnh cho tất cả 17 tù nhân cùng đánh đập tôi; nếu không, họ cũng sẽ bị phạt. Lần này họ dồn tôi vào tường, một số đấm tôi trong khi những người khác đá tôi hoặc húc đầu gối vào tôi. Lúc đầu tôi hét lên trong đau đớn, nhưng sau đó tôi không còn sức lực nữa và cảm thấy mình sắp chết. Họ liên tục đánh đập tôi, và tôi cảm thấy như lưng và bụng cùng toàn bộ nội tạng của tôi bị đánh dập nát.

Một số tù nhân không muốn tiếp tục khi thấy tình trạng của tôi, nhưng trưởng xà lim vẫn ra lệnh cho họ tiếp tục. Khi tôi ngất đi, họ đưa tôi vào nhà tắm và đổ nước lạnh lên đầu và thân tôi. Ngay khi tôi tỉnh lại, họ lại tiếp tục đánh. Họ liên tục lặp đi lặp lại việc này.

Thân thể tôi hỗn độn như một đống thịt be bét máu. Như thể thời gian dừng lại, và thở thoi thóp khó nhọc.

Sau đó, Tôn, giám đốc trại giam, đi đến và mắng các tù nhân vì đã đánh đập tôi thậm tệ như vậy. Nhưng ông ta không cho tôi được chữa trị.

Phạt tù

Sau đó tôi biết rằng tôi không được đưa đến bệnh viện cho đến khi hôn mê trong một tuần. Khi đó, các bác sỹ không thể tìm được tĩnh mạch để tiêm cho tôi, và mọi thứ mà tôi bị bức thực trào ra. Một bác sỹ nói rằng tôi đã bị suy tạng. Bác sỹ hỏi: “Sao không đưa anh ấy đến sớm hơn?”

Khi lần đầu tiên được chuyển đến Bệnh viện Bắc Tức Mặc, người của Phòng 610 đã cho người giám sát tôi cả ngày lẫn đêm. Sau đó, các bác sỹ liên hệ với gia đình để đón tôi, nói rằng tôi là vô phương cứu chữa. Khi đó, người của Phòng 610 Tức Mặc, Phòng 610 Trường Trị và và Phòng quản lý Tổng hợp thôn đều kiếm cớ rời đi để trốn tránh trách nhiệm. Cha tôi vô cùng oán giận nói: “Tôi muốn một người con trai còn sống, không phải người đã chết! Vì sao con tôi bị thương thế này?” Nhưng không ai trả lời ông.

Gia đình đã tìm cách chữa trị cho tôi, nhưng một bác sỹ nói rằng ông không thể hứa hẹn điều gì, vì não của tôi bị thiếu cả máu lẫn oxy, thêm nữa là tạng bị suy kiệt. Nhưng bất cứ khi nào tôi tỉnh lại, tôi đều đọc các sách của Pháp Luân Công và đã hồi phục nhanh chóng.

Điêu, trưởng Phòng 610 Trường Trị, thỉnh thoảng lại bất thình lình xuất hiện tại nhà tôi, thường là không báo trước. Khi thấy tôi đang hồi phục, ông ta đã cử người ở lại nhà tôi để trông chừng tôi 24/24.

Một trong những người thân của tôi nghe thấy rằng Phòng 610 Tức Mặc đã phê chuẩn việc giam tôi trong một trạo lao động cưỡng bức khi tình trạng của tôi cải thiện. Khi biết điều này, tôi đã trốn thoát.

Trở thành công dân hạng hai

Bên cạnh việc tra tấn thể chất, nỗi đau tinh thần của tôi cũng không kém. Sau khi sống sót sau lần bị 17 tù nhân đánh đập và trốn thoát, Phòng 610 Tức Mặc đã biết về những nơi chốn tôi có thể đến và đã phát lệnh truy nã ở những khu vực đó nhằm bắt giữ tôi. Thẻ căn cước của tôi bị tịch thu, một cách khác để tước đoạt quyền tự do và nhân quyền của tôi.

Công an cũng sách nhiễu, thẩm vấn và bắt giữ cha mẹ tôi nhiều lần, buộc họ cung cấp thông tin về tôi. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, công an lại cử người đến gần nơi ở của họ hàng tôi hòng cố bắt tôi.

Việc kinh doanh của tôi rất thành công khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Nhưng vì những tuyên truyền phỉ báng đối trá mà nhiều khách hàng của tôi đã bị lừa và coi tôi như kẻ thù. Một người hàng xóm, từng là bạn tốt của tôi, đã mắng chửi tôi và gia đình tôi. Thậm chí đôi khi trẻ nhỏ cũng lăng mạ tôi vì chúng cũng bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền vu khống.

Sự tàn phá đã lan đến nhiều phương diện trong cuộc sống của chúng tôi. Vì gia đình tôi tu luyện Pháp Luân Công, cháu trai tôi đã không được qua kỳ kiểm tra chính trị để gia nhập quân đội. Khi cha cháu – anh trai tôi – không thể buộc cha mẹ tôi từ bỏ đức tin, anh đã đập vỡ những cửa sổ nhà họ và đã lên kế hoạch làm việc với phòng quản lý tổng hợp của thôn để kéo sập nhà họ, đồng thời đe doạ sẽ giết họ. Kết quả là, mỗi khi nghe giọng của anh ấy, cha mẹ tôi liền trốn trong rừng và không dám về nhà.

Đây là chính sách của Giang khi tiến hành bức hại các học viên Pháp Luân Công: Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và huỷ hoại thân thể. Ông ta và đồng bọn sẽ phải chịu trách nhiệm cho tội ác của mình.

Những cơ quan tham gia bức hại anh Hà và gia đình:

Đồn Công an Bắc An: +86-532-66583682, +86-532-66583683
Uỷ ban Chính trị và Pháp luật Tức Mặc: +86-532-88552373, +86-532-88551529
Cục Công an Tức Mặc: +86-532-88512061, +86-532-88512251
Viện Kiểm sát Tức Mặc: +86-532-83012672, +86-532-83012685


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/14/387273.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/1/177880.html

Đăng ngày 12-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share