Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-01-2019] Hôm nay tôi đến thăm một đồng tu. Nghe cô ấy giao lưu thể ngộ về Pháp lý, tôi thực sự ấn tượng về thể ngộ của cô ấy.
Sau đó cô ấy nói, “Vài ngày trước tôi có đọc một bài báo trên Minh Huệ Net. Tôi cảm thấy rằng thể ngộ về Pháp lý của tác giả đã gần đạt đến viên mãn. Tôi thực sự ao ước tôi có cơ hội giao lưu với những học viên như thế. Nó sẽ có giúp tôi đề cao nhanh hơn.”
Tôi hiểu rằng cô ấy nói thế nghĩa là cô ý tin hiện tại tôi tu luyện không tốt. Có thể nói rằng cô ấy đang thấy phiền muộn vì không thể nói chuyện với những học viên tu luyện tinh tấn đó. Tôi đang lắng nghe cô ấy kể lại về bài mà cô ấy đọc trên Minh Huệ Net thì đột nhiên tôi nhận ra rằng bài mà cô ấy đang nói đó là của tôi.
Tôi muốn nói với cô ấy, “Tôi đã viết bài đó!” Nhưng tôi có cảm giác rằng Sư phụ không muốn tôi nói điều đó. Vì thế mà tôi đã ngậm miệng không nói.
Về nhà rồi, tôi nghĩ lại việc vừa xảy ra và lẩm bẩm, “Chị nghĩ rằng những học viên chung quanh chị tu luyện không tốt, nhưng chị không thể tin rằng bài báo đó là do tôi viết sao? Tôi đã tu luyện trên 20 năm rồi…. Làm sao mà tu luyện của tôi có thể tệ như chị nghĩ được? Khi tôi cố gắng nói với chị về thể ngộ của tôi, chị không bao giờ lắng nghe. Chị luôn luôn ngắt lời tôi và chỉ nói về thể ngộ của chị, như thể chị có thể ngộ tốt hơn tôi….”
Sau một lúc, tôi nhận ra những ý nghĩ trên đều không đúng. Tôi tự hỏi chính mình, “Sư phụ muốn tôi học được điều gì từ sự việc này? Tôi cần coi cô ấy như tấm gương mà nhìn lại bản thân mình.”
Khi thay đổi giác độ, tôi đột nhiên hiểu ra vấn đề.
Chỉ một ngày trước, tôi đang nói chuyện với ba học viên khác. Chúng tôi đều có lo lắng rằng những học viên trong khu vực chúng tôi nhìn chung không biết hướng nội. Mỗi khi một ai đó cố gắng đề cập với họ về điều đó, họ đều không muốn lắng nghe. Cả bốn chúng tôi đều lo lắng rằng trạng thái tu luyện của họ không đạt tiêu chuẩn. Sự việc này chẳng phải cũng tương tự với việc học viên ấy đang làm với tôi hay sao?
Những học viên mà chúng tôi lo lắng thực ra cũng đã tu luyện trên 20 năm rồi. Làm sao mà họ có thể không ra sao chứ? Trên bề mặt, tôi lo lắng thực sự về họ và trạng thái tu luyện của họ, tuy nhiên những gì tôi không nhận ra chính là những ý niệm tiêu cực và tự mãn của tôi ẩn giấu phía sau.
Nói đến gián cách và tâm coi thường nhau giữa các học viên, phần lớn học viên đều không cố ý công kích hay bài xích người khác. Đa phần mọi người đều giống như tôi. Họ chỉ nhìn vào những thiếu sót của những người khác. Dưới danh nghĩa lo lắng cho tình trạng tu luyện của họ, chúng tôi đã thường xuyên coi thường họ, cuối cùng đã dẫn đến gián cách.
“Đệ tử: Gián cách giữa các đồng tu là hình thành như thế nào? Làm sao để tiêu trừ? Sư phụ: Va chạm nhân tâm với nhau, không hướng nội tìm, đều dùng nhân tâm nghĩ vấn đề, chư vị không coi trọng họ, người này coi thường người kia, dần dần hình thành gián cách, không hàn gắn được nữa, giống như người thường vậy. Hãy dùng chính niệm xét vấn đề, đều nghĩ xem mình ở chỗ nào làm không tốt, thật sự tự mình làm cho tốt, thế thì đối phương sẽ thấy biến hoá, họ cũng nghĩ xem bản thân họ chỗ nào chưa tốt, có thể làm được thế thì sẽ không xuất hiện gián cách. Tiêu trừ gián cách cũng như thế, cùng tu một Pháp, đều là duyên phận giống nhau, có gì chưa buông bỏ được thì trao đổi chân thành với đối phương, tiếp thu người khác chỉ ra chỗ thiếu sót, thì vấn đề đó chẳng phải giải quyết rồi sao? ” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2010 trong Giảng Pháp các nơi XI)
Khi đọc lại đoạn Pháp này lần nữa, tôi nhận ra rằng trước đây khi tôi cảm thấy người khác không tu luyện tốt như tôi hoặc khi tôi muốn giúp đỡ người khác, tôi đã không dùng chính niệm mà xét vấn đề. Tôi đã không nhìn vào thiếu sót của bản thân. Kỳ thực, nếu tôi hướng nội và làm tốt, phía đối phương sẽ có thể nhìn ra những tồn tại của họ và sẽ tự động thực thi tốt hơn. Và tôi sẽ không cần phải lo lắng cho họ nữa.
Khi tôi nghe thấy một số học viên đang nói về việc vài học viên địa phương đã vượt qua ma nạn dưới sự trợ giúp của Sư phụ như thế nào, tôi tự nhủ, “Thật là quá nguy hiểm! Những học viên này thực sự cần tu luyện cá nhân nếu không tà ác sẽ lợi dụng tình huống này. Tu luyện là việc nghiêm túc!”
Hiện giờ tôi đã nhận ra rằng tôi có lẽ đã trong vô minh mà giúp cựu thế lực bức hại đồng tu. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những ý niệm đó đã làm gia tăng hoặc trực tiếp tạo ra ma nạn cho đồng tu. Chính niệm ngay lập tức có thể giải thể tà ác, nhưng niệm không chính cũng có thể mang đến tổn thất cự đại.
Tôi đã từng nói với cha tôi rằng, “Học viên kia tu luyện thực sự tốt!” Không lâu sau đó, tôi nói với cha tôi, “Học viên ấy đã rơi rớt trong tu luyện rồi.” Hoặc đôi khi tôi nói với ông rằng, “Học viên kia thật là tuyệt!” Nhưng học viên ấy sau đó chẳng bao lâu đã qua đời hoặc đi lệch đường.
Chuyện này xảy ra vài lần, và khi tôi lại nói với cha tôi về một học viên nào đó đang tu luyện tinh tấn, ông đã nói với tôi, “Cha đang cố gắng xem con đang nói thật hay giả. Làm sao mà mọi học viên tu luyện tốt, theo con nghĩ, cuối cùng lại đều rớt xuống hoặc có việc gì xấu xảy ra? Hãy nhìn xem! Con lại đang nói với cha về một người nào đó đang làm tốt.”
Tôi bị sốc. Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng trước đó tôi ngưỡng mộ đồng tu quá nhiều, mà thậm chí tôi chưa hề nghĩ rằng việc họ rơi rớt có liên quan đến tôi.
Trong quá khứ Sư phụ đã nhiều lần giảng về vấn đề này:
“Tất nhiên, còn có một số sự việc phát sinh. Vì học viên các nơi hiện nay về cơ bản đều rất trầm tĩnh rồi, đều có thể từ Pháp mà nhận thức rồi, đối đãi những việc này một cách thích đáng. Trước đây thường có học viên nói, ‘ở điểm luyện công của chúng ta, một vị kia biểu hiện tốt lắm, anh ấy thực thi thế nào thì chúng ta làm như thế’. Tôi bảo chư vị rằng, nhất quyết không được làm như thế, cũng nhất quyết không được nghĩ như thế, người tu luyện là không thể học theo người, mà phải ‘dĩ Pháp vi Sư’! (vỗ tay) Một khi chư vị làm như thế, nghĩ như thế, thì sẽ xuất hiện hai loại vấn đề: Một là rất có khả năng chư vị sẽ đẩy học viên đó vào tuyệt lộ, cựu thế lực rất có thể sẽ khiến anh ấy xuất hiện vấn đề thậm chí rời đi [khỏi thế gian], từ đó khảo nghiệm các học viên khác: các vị đều nhìn vào anh kia, vậy trong tình huống thế này các vị còn học nữa chăng, còn tu nữa chăng? Trong tình huống thế này, là thật sự có người nghĩ: anh ấy còn không làm nổi thì tôi còn làm được chăng? Dao động rồi. Đó chẳng phải cựu thế lực dùi vào chỗ sơ hở hay sao? Ngay cả tôi làm Sư phụ cũng không còn lời để nói! Vậy cựu thế lực bèn nói, ‘Ngài coi xem, kết quả khảo nghiệm này thế nào? Chúng tôi làm đúng rồi nhé’. Do đó khi chính niệm không mạnh thì nhân tâm sẽ dấy động lên, nhất định phải chú ý! Phải ‘dĩ Pháp vi Sư’, chư vị không thể coi xem cá nhân nào đó tu thế nào liền từ đó học người mà không học Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)
“Loạn đến mức độ nào? Ví như, có đệ tử Đại Pháp, cả nhà mọi người đều rất tinh tấn, người khác cũng nhìn vào và thấy tốt lắm, thậm chí có người học theo họ, xem họ tu thế nào thì mình cũng tu như thế. Tôi nói người tu luyện là không có khuôn mẫu, lấy người khác làm mẫu thì chẳng phải việc chính mình nhận thức Pháp sẽ thành vấn đề. cựu thế lực có thể nhìn nhận rằng chư vị đang xem theo họ tu, chứ không tự bản thân nhận thức Pháp, thế thì rất có thể khiến họ qua đời. Đương nhiên, đệ tử Đại Pháp mà, qua đời thì cũng đều viên mãn, khẳng định [là như vậy], là vì một người thường kia chư vị khi giảng chân tướng còn có thể cứu họ thậm chí có thể [khiến họ] quy vị, huống là người tu luyện Đại Pháp? Hơn nữa ấy là cựu thế lực tạo ra sự qua đời bất thường, thì đương nhiên được viên mãn.
cựu thế lực làm sự việc này thành ra như thế, chúng chính là dùng thủ pháp độc ác ấy để khảo nghiệm người khác, thông qua việc ấy để khảo nghiệm người ta. ‘Thế nào? Chư vị cho rằng [họ] tu được tốt, họ chết rồi, chư vị còn tin hay không tin?’ Những việc này phát sinh nhiều lần rồi, rất nhiều đệ tử Đại Pháp đều đã có kinh nghiệm, đều biết thủ đoạn của cựu thế lực. Nhưng từ yêu cầu của Sư phụ mà nói, tu luyện cũng là nghiêm túc, một người thành Thần, không phải ngồi đó uống trà, đọc sách là có thể thành Thần đâu, trên con đường ấy thật sự có thể tu lên được, thì mới được.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)
Trước đây khi học những đoạn này, tôi không nghĩ rằng đây là vấn đề của mình bởi vì tôi không có lấy người khác làm khuôn mẫu để tu luyện theo. Tôi luôn luôn học Pháp và cố gắng tự mình ngộ Pháp. Tôi không nghĩ rằng tôi bị động tâm khi những học viên khác đối mặt với khổ nạn hoặc xung đột. Tôi cảm thấy rằng tôi không thuộc về những người mà Sư phụ đề cập đến.
Tuy nhiên Sư phụ đã giảng rằng chúng ta “nhất quyết không được làm như thế.” Tôi nhận ra rằng tôi thậm chí không nên ôm giữ tâm ngưỡng mộ bất kỳ học viên nào. Nếu tôi có những cảm giác như thế, cựu thế lực sẽ bức hại học viên đó để khảo nghiệm những học viên khác – “Thế nào? Chư vị cho rằng [họ] tu được tốt, họ chết rồi, chư vị còn tin hay không tin?’” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)
Tôi ngạc nhiên khi nghe nói rằng một học viên mà tôi đánh giá cao đã bị cảnh sát bắt. Nhiều học viên tin rằng anh ấy tu luyện rất tinh tấn. Bây giờ thì tôi tin rằng việc anh ấy bị bắt một phần là do tâm ngưỡng mộ của chúng tôi cộng lại.
Khi tôi vừa nghe tin, thoạt đầu tôi nghĩ rằng vì anh ấy sẽ ổn thôi nên không cần phát chính niệm hoặc giải cứu anh ấy. Tuy nhiên khi suy nghĩ sâu hơn, tôi nhận ra rằng ý niệm, “anh ấy sẽ ổn thôi” vẫn là còn dựa trên sự ngưỡng mộ này. Khi tôi nhận ra chấp trước thâm căn cố đế này đang ngăn cản tôi giúp đỡ đồng tu, tôi ngay lập tức bắt đầu phát chính niệm cho anh ấy.
Thể ngộ của tôi là đánh giá của chúng ta về các học viên khác ngay tại tầng thứ sở tại của chúng ta là không đúng – chúng là gốc rễ phát sinh ra xung đột. Khi chúng ta nghĩ rằng người khác đang làm không tốt và coi thường họ, nó sẽ dẫn đến gián cách giữa các đồng tu và thậm chí đẩy họ rớt xuống. Khi chúng ta nghĩ rằng những người khác làm tốt và bắt đầu ngưỡng mộ và tôn sùng họ, nó sẽ cũng đẩy họ vào chỗ nguy hiểm. Là một người tu luyện, điều tối quan trọng là tu chính mỗi từng ý niệm. Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm túc.
Tôi hy vọng rằng những học viên khác có thể thu hoạch từ trải nghiệm này của tôi. Chỉ khi chúng ta chân chính tu luyện bản thân và đồng hóa với Pháp chúng ta mới có thể trợ giúp Sư phụ chính Pháp và cứu người.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/18/380369.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/2/22/175920.html
Đăng ngày 09-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.