Bài viết của Nguyên Hưng, một học viên Pháp Luân Đại Pháp
[MINH HUỆ 20-10-2018] Năm nay tôi bước sang tuổi 16 và may mắn được sinh ra trong một gia đình có các thành viên là đệ tử Đại Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã hướng tôi học Pháp và bước đi trên con đường tu luyện. Bà khuyên tôi luôn giữ bản thân mình theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Đại Pháp. Kết quả là, tôi khác với các bạn cùng lớp. Dưới đây là một vài thử thách tôi đã vượt qua ở trường.
Học cách đặt người khác lên trước
Một lần trong lớp học viết, giáo viên phân chúng tôi thành các nhóm. Mỗi nhóm sẽ làm một bài thuyết trình nhỏ và trình bày trước cả lớp. Tất cả các bạn đều tranh giành nhau để nhận phần việc họ thích và cãi nhau không dứt. Do đó, hầu hết các nhóm đã không kịp hoàn thành bài thuyết trình.
Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng tôi đã bắt đầu hiểu những lời giảng của Sư phụ Lý Hồng Chí về việc đặt người khác lên trước. Nếu tôi nhận việc mà tôi muốn, những người khác sẽ làm gì? Vì vậy, tôi đã phân công nhiệm vụ dựa trên thế mạnh của từng người. Sau khi thảo luận và nhận được sự nhất trí của cả nhóm, tôi nhận nhiệm vụ còn lại.
Tôi tiếp tục sử dụng phương pháp này và nó tỏ ra có hiệu quả. Trong lớp học viết, nhóm của tôi luôn làm xong và trình bày trước. Giáo viên của chúng tôi tự hào về cách thức phối hợp của chúng tôi.
Khi các nhóm khác nhìn thấy cách chúng tôi làm việc cùng nhau, họ bắt đầu phối hợp với nhau tốt hơn và hoàn thành bài thuyết trình. Và tất cả họ đã trình bày rất tốt!
Bài học về việc chỉ trích người khác
Sau mỗi kỳ thi quan trọng, giáo viên của chúng tôi luôn sắp xếp lại các nhóm để mọi người trong lớp giúp đỡ lẫn nhau. Một lần, sau khi chúng tôi được xếp vào nhóm mới, tôi được chọn làm trưởng nhóm. Tuy nhiên, một bạn gái trong nhóm đã phản đối vì nghĩ trưởng nhóm nên là bạn ấy.
Có một lần, bạn ấy bất ngờ đổ lỗi cho tôi, cố dùng hộp bút chì để đánh và nhiếc móc tôi. Tôi cảm thấy có chút thất vọng về những lời nói đó, nhưng tôi nhớ đến lời giảng của Sư phụ:
“Là một người luyện công, thì cần làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, dùng tiêu chuẩn cao mà yêu cần bản thân”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tôi dùng hai tay đỡ hộp bút chì của bạn ấy và tự nhủ tôi sẽ nói chuyện với bạn ấy sau khi bạn ấy đánh tôi. Bạn ấy bị một vài lời chỉ trích trước khi giáo viên kéo bạn ấy đi. Giáo viên bảo bạn ấy hãy ngồi một mình và suy ngẫm về những gì bạn đã làm.
Giáo viên quay sang tôi và hỏi tại sao tôi không đánh lại bạn. Tôi ngồi và suy nghĩ một chút, rồi trả lời, “em nghĩ không cần phải đánh trả”. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra sự việc một bạn nam đánh một bạn nữ.
Sau đó, tôi thấy một con búp bê rơi dưới đất và tôi nhớ con búp bê này để ở trên hộp bút chì của bạn gái đó. Nó đã rơi ra khi bạn ấy cầm hộp bút đánh tôi. Tôi đợi cho đến khi hết giờ học và trả lại cho bạn ấy. Bạn ấy cầm lấy con búp bê và không nói gì.
Tôi về nhà và kể cho mẹ tôi những gì đã xảy ra. Điều đầu tiên bà nói là tôi nên xem lại những gì tôi đã kể. Khi đó tôi nhận ra rằng, khi tôi kể với mẹ về những gì đã xảy ra ở trường, tôi đã tập trung vào những sai lầm mà các bạn khác mắc phải hoặc cách họ hành động không đúng mực.
Bởi vì bạn gái đó rất bướng bỉnh và hiếu thắng, tôi đã mô tả sự việc rất chi tiết. Về điểm này, tôi nhận thấy rằng những gì đã xảy ra không hề ngẫu nhiên: đó là một lời nhắc nhở tôi phải làm tốt hơn.
Sau đó, tôi cũng nhận ra rằng tôi có chấp trước vào danh nên bản thân muốn giữ vị trí trưởng nhóm. Bởi vì tôi thường được chọn làm trưởng nhóm nên chấp chước này không bộc lộ thường xuyên.
Tôi cũng nhận ra rằng trưởng nhóm không nhất thiết là người quan trọng hơn các thành viên khác trong nhóm. Trưởng nhóm có việc của trưởng nhóm và các thành viên khác có nhiệm vụ riêng của mình. Cả hai đều quan trọng như nhau, và điều đó không có nghĩa là trưởng nhóm luôn ra lệnh cho mọi người xung quanh.
Đức tính tốt được khen ngợi
Khi tôi học cấp hai, có lần tôi tình cờ gặp một người bạn cùng lớp trước cửa hàng tiện ích. Tôi không biết nhiều về bạn ấy, nhưng chúng tôi biết tên của nhau. Bạn ấy không phải là một học sinh xuất sắc và thường có những hành động bốc đồng. Bạn ấy hỏi mượn tôi 20 Nhân dân tệ để mua một ít thực phẩm và hứa sẽ trả lại cho tôi sau một tuần nữa. Tôi không suy nghĩ gì và đưa tiền cho bạn ấy.
Lúc đó, tôi đang đi bộ về nhà với một người bạn cùng lớp, và cậu ấy nói với tôi rằng tôi sẽ mất số tiền đó. Trước kia, cậu ấy đã từng cho bạn kia vay tiền vài lần, nhưng bạn ấy chưa bao giờ trả lại tiền. Tôi trả lời, “tôi tin rằng bạn ấy sẽ trả lại tiền cho tôi”.
Tôi biết rằng những suy nghĩ từ bi của các học viên Pháp Luân Đại Pháp sẽ có ảnh hưởng tích cực đến mọi người. Hơn nữa, bạn ấy lại mượn tiền để mua thức ăn. Tôi không thể đặt lợi ích của mình lên trên và để bạn ấy đói.
Một tuần sau, cậu bạn mượn tiền đã mang trả lại cho tôi. Tôi rất vui với cậu ấy.
Đừng bao giờ nhận xét một cuốn sách qua trang bìa
Một cậu bạn ngồi cùng bàn với tôi những năm cuối ở trường trung học. Bạn ấy khá vụng về và bướng bỉnh. Bạn ấy được phân vào nhiều nhóm nhưng không nhóm nào học cùng được với bạn ấy. Cuối cùng, giáo viên đã phải xếp bạn ấy ngồi cùng bàn với tôi.
Lúc đầu, tôi không biết làm thế nào để hợp tác với bạn ấy. Bất cứ khi nào chúng tôi có hoạt động nhóm, bạn ấy đều không tham gia. Khi thảo luận các nội dung trong nhóm, bạn ấy cũng không hiểu cho dù chúng tôi đã cố gắng giải thích. Thậm chí, tôi còn nghĩ mình không thể nói chuyện bình thường với bạn ấy.
Đã đến lúc tôi nhận ra mình cần xem lại thái độ của chính mình. Có thể vì tôi cảm thấy mình nổi trội hơn người khác hoặc tôi không đủ nhẫn nại.
Dần dần, tôi nhận ra tính cách đặc biệt của bạn ấy. Bạn ấy rất giỏi trong việc tập trung vào công việc được giao. Đôi khi, tôi còn không theo kịp bạn ấy. Điều đó không có nghĩa là bạn ấy không muốn tham gia vào các hoạt động nhóm, mà vì bạn ấy không biết phải bắt đầu như thế nào.
Khi tôi làm việc cùng bạn ấy, tôi dành thêm chút thời gian để giải thích mọi việc. Sau đó, việc hợp tác với bạn ấy không còn khó khăn gì nữa. Với trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng trưởng nhóm không chỉ là người lãnh đạo mà còn phải biết hướng tới các thành viên trong nhóm. Họ nên giao tiếp cởi mở với tất cả mọi người.
Một lần, giáo viên giao cho nhóm chúng tôi một bài tập. Tôi muốn hướng dẫn nhóm như mọi lần, nhưng bài tập này có nội dung trùng hợp với vấn đề mà bạn ấy quan tâm nên bạn ấy muốn hướng dẫn nhóm. Nhớ đến lời giảng của Sư phụ về thái độ nghĩ đến người khác trước, vì vậy tôi bước sang một bên và để bạn ấy hướng dẫn nhóm. Kết quả đạt được khá tốt, và giáo viên của chúng tôi đã chấp thuận đề tài của nhóm.
Việc ngồi cùng bàn với người bạn ấy đã cho tôi cơ hội để đề cao bản thân. Thông thường, khi bạn ấy gặp vấn đề, tôi cũng có thể nhìn thấy những vấn đề tương tự ở bản thân mình. Khi bạn ấy đạt kết quả, tôi cũng được đề cao bản thân. Theo lời giáo viên của chúng tôi, trong cả lớp, tôi là người duy nhất có thể hợp tác được với người bạn đó. Tôi nghĩ rằng đây là một kinh nghiệm quý giá không dễ gì có được!
Lời kết
Trong khi viết bài chia sẻ này, tôi đã nhớ lại những trải nghiệm tuyệt vời đã giúp tôi đề cao bản thân như thế nào. Lớn lên, tôi nhận ra, trước đây tôi rất đơn giản và chân thật. Bây giờ thái độ tu luyện của tôi không được tốt như hồi còn nhỏ.
Có lẽ tuổi thơ là quãng thời gian tôi cởi mở hơn và ít suy nghĩ hơn về mọi thứ. Càng lớn, tôi càng phân tích mọi việc nhiều hơn, từ đó dần dần làm mọi việc trở nên phức tạp.
Tu luyện, thật ra, không phức tạp. Chúng ta không cần nghĩ quá nhiều; chúng ta chỉ cần hiểu rằng Đại Pháp là tốt, và tu luyện bản thân chiểu theo Đại Pháp. Tôi hy vọng rằng tôi có thể là người đơn giản như khi tôi còn nhỏ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/20/375566.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/6/173523.html
Đăng ngày 17-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.