Khi Tổng thống Obama lên kế hoạch cho chuyến viếng thăm Trung Quốc vào tháng 11, ông nên chú ý tới phong trào thoái Đảng. Nó cho thấy người dân Trung Quốc đã hiểu được nhân quyền và quyền tự do công dân.
Ngày 23 tháng 10 năm 2009
[MINH HUỆ 31-10-2009] WASHINGTON – Bức ảnh trên trang nhất của ấn bản ngày 27 tháng 9 của tờ Cẩm Châu Vãn báo thực sự là hy hữu. Trong sự cảnh giác cao độ của lễ kỷ niệm 60 năm ngày Đảng Cộng sản nắm quyền tại Trung Quốc, bức ảnh cho thấy một con phố với hàng cờ đỏ đang tung bay trong gió.
Bức ảnh trên gần như chẳng khác gì với những thứ tương tự trong các tờ báo nhà nước khác ra ngày hôm đó, ngoại trừ một chi tiết quan trọng. Ở góc dưới bên trái của bức ảnh là tám ký tự Trung Quốc được viết nguệch ngoạc trên yên xe đạp, dù nhỏ nhưng rõ ràng: “Trời diệt Trung Cộng; tam thoái bình an*.”
Những dòng chữ dám thách thức ‘Thiên triều’ tại Trung Quốc như thế này hiện đang xuất hiện nhan nhản trên khắp đất nước, có thể là biểu ngữ treo tại công viên trong thành phố, bài viết trên diễn đàn Internet hay là chữ viết tay lên tờ tiền. Đây là bằng chứng của một phong trào đã lặng lẽ quét qua đất nước. Gọi là “thoái Đảng”, có nghĩa là “rút lui khỏi Đảng [Cộng sản]”, phong trào nhằm cổ vũ người dân công khai từ bỏ tư cách thành viên trong các tổ chức của Đảng Cộng sản. Hàm ý là rất đa dạng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980 khi Trung Quốc chứng kiến một phong trào bất đồng chính kiến lớn và có tổ chức như vậy – một trào lưu ngầm.
Sau khi đăng hình ảnh này, tờ Cẩm Châu Vãn báo đã bị chính phủ điều tra. Website của tờ báo đã bị đóng cửa, còn tờ báo in thì bị đình bản.
Biến cố này là một phép loại suy hợp lý cho nhà nước cộng sản ngày nay. Bên cạnh sự phô trương và sức mạnh là sự oán hận, bất mãn và những câu hỏi. Trong 60 năm cầm quyền của cộng sản, Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều cuộc vận động chính trị và xã hội mà đã để lại những vết thương tâm lý sâu sắc.
Nhưng trong bầu không khí toàn trị tại nơi đây, người dân hầu như không có nơi để công khai thảo luận về lịch sử đất nước hay vai trò của họ trong đó. Khi Trung Quốc không cho họ cơ hội nói lên sự thật và hòa giải, các công dân nơi đây đang tìm cách của riêng họ để thực hiện điều này.
Có lẽ điều này giải thích sức hấp dẫn kỳ lạ của phong trào thoái Đảng, mà những người tổ chức tuyên bố rằng có hơn 60 triệu người tham gia. Phong trào bắt đầu vào cuối năm 2004, khi tờ báo bất đồng chính kiến tiếng Hoa có trụ sở tại New York, Thời báo Đại Kỷ Nguyên đăng một chuỗi bài xã luận (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản – Cửu Bình) mô tả chi tiết lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ cũng tuyên bố rằng đất nước sẽ không thực sự được tự do hay thịnh vượng nếu Đảng Cộng sản chưa bị loại trừ, và cho rằng [văn hóa của] Đảng là xa lạ với những giá trị tâm linh và văn hóa cổ truyền của Trung Quốc.
Hàng triệu bản Cửu Bình đã được đưa vào Hoa Lục thông qua e-mail, fax và các nhà in ngầm. Một số độc giả Trung Quốc nói rằng cửu bình hoàn toàn xác nhận những gì họ đã nghi ngờ bấy lâu – chiến dịch Đại Nhảy Vọt, cuộc thảm sát Thiên An Môn, Cách mạng Văn hóa. cửu bình công nhận rằng những ký ức này là có thật và chia sẻ sự đau khổ với nhân dân Trung Quốc.
Nhưng bất chấp sự tồn tại của cửu bình, đây không phải là một phong trào chính trị theo cảm nhận thông thường. Không giống như phong trào sinh viên năm 1989 hay cuộc vận động Hiến Chương 08 mới đây – chúng mang ngôn ngữ dân chủ phương Tây – phong trào thoái Đảng mang ngôn ngữ và hàm nghĩa Trung Hoa một cách rõ rệt. cửu bình mang tính Nho gia hơn là chủ nghĩa nhân văn, và những luận điểm của nó là rút ra từ tinh thần Phật và Đạo.
Thoái Đảng do vậy không phải là một hoạt động chính trị đơn thuần, mà nó mang hàm nghĩa tâm linh và tẩy rửa lương tâm, đồng thời tái gắn kết với đạo đức dân tộc và giá trị truyền thống.
Vào tháng 12 năm 2004, một tháng sau khi cửu bình được xuất bản, ban biên tập đã bắt đầu nhận được những tuyên bố từ độc giả bày tỏ ước muốn từ bỏ vai trò thành viên của họ trong Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền phong, nhiều lúc là sau khi vai trò thành viên ấy đã hết hiệu lực về mặt lý thuyết. Ngày nay, những tuyên bố của hơn 60 triệu người đã được gửi cho tờ báo và được đưa lên cơ sở dữ liệu trực tuyến.
Tính chất xác thực của các tuyên bố khó có thể được xác nhận một cách độc lập. Đa số người ký chúng sử dụng biệt danh để bảo đảm an toàn, và không có cơ chế ngăn chặn các tuyên bố không trung thực.
Nhưng số người vẫn chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Những người gửi tuyên bố thoái Đảng thường bày tỏ sự thất vọng, nêu lên ý kiến, chia sẻ câu chuyện đau khổ của mình hay muốn tìm kiếm sự tha thứ.
Nhiều câu chuyện kể về việc biến thành vật hy sinh cho Đảng Cộng sản. Lấy ví dụ, ông Ding Weikun là một Đảng viên lão thành 74 tuổi đến từ vùng nông thôn tỉnh Triết Giang. Vào năm 2003, chính quyền thị trấn đã thông đồng với chủ thầu tư nhân để thu hồi đất đai của nông dân địa phương. Những người nông dân đã biểu tình, ông Ding viết, và đám côn đồ có vũ trang đã được cử đến để đàn áp họ. “Tôi đã chứng kiến sự giết chóc và gây thương tích cho hàng chục dân làng tại nơi đó,” ông xác nhận. Người đàn ông già cả này đã cố gắng theo đuổi công lý bằng cách khiếu nại lên chính quyền địa phương, nhưng ông đã bị bắt giữ và kết án tù bởi chính cái Đảng mà ông đã từng phục vụ trong 40 năm.
Trong khi một số người viết về sự chịu đựng của bản thân họ, những người khác lại phơi bày tội ác của chính họ. Đối với họ, thoái Đảng chính là tìm về sự tha thứ.
“Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng tôi là một người tốt, nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng tôi đã dần dần đánh mất chính mình,” trích trong tuyên bố của ông Xiao Shanbo, một cựu Đảng viên đến từ tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc. “Trí óc và tâm hồn tôi dần trở nên bại hoại. Tôi tuyên bố vô hiệu hóa tất cả lời nói và hành vi tôi từng làm trong quá khứ. Đây là quyết định tôi viết ra sau khi ngu dốt đi theo tuyên truyền và lừa dối của Đảng Cộng sản.”
Ông Xiao không bao giờ nêu ra tội ác của ông, nhưng ông đã viết trong bản tuyên bố với lòng cầu khẩn xin tha thứ: “Xin ông Trời cho tôi một cơ hội này! Tôi đã tự vấn lương tâm mình quá nhiều rồi, và tôi muốn sửa đổi cũng như đền bù cho những gì mà tôi đã làm.”
Đảng Cộng sản đã phản ứng với hiện tượng này theo một cách thức đáng khinh bỉ mà có thể đoán trước. Những từ ngữ liên quan tới phong trào bị kiểm duyệt gắt gao nhất trên mạng Internet, và ít nhất 71 người đã bị cầm tù vì sở hữu cửu bình hay phổ biến phong trào. Điều đó nói lên rằng, nếu bị tìm thấy, những người đã “phá hoại” cái giỏ xe đạp tại thành phố Cẩm Châu sẽ phải đối mặt với rắc rối lớn.
Đảng có thể đã có lý do chính đáng để mà lo lắng. Trong nhiều thập niên, quyền lực của Đảng dựa trên khả năng kiểm duyệt thông tin, khống chế ký ức công chúng và đàn áp bất đồng chính kiến. Các tuyên bố của những người tham gia phong trào cho chúng ta cái nhìn thoáng qua nhưng thật sâu sắc về nguồn gốc những sự bất mãn tại Trung Quốc.
Phong trào thoái Đảng cũng cho thấy cách người Trung Quốc hiểu về nhân quyền, tự do công dân và dân chủ, cũng như cách họ điều hòa những lý tưởng này theo một cái nhìn Khổng giáo truyền thống. Nó cũng có thể là điềm báo trước cho một phong trào dân chủ khác.
Nhưng dù sao, phong trào rõ ràng là đã thách thức quan điểm phổ biến rằng đa số người Trung Quốc đang ‘hài lòng’ với tình trạng hiện tại. Khi Tổng thống Obama chuẩn bị cho chuyển viếng thăm [Trung Quốc] vào tháng 11 này, đây là lý do để ông lôi kéo thêm quần chúng Trung Quốc, chứ không chỉ là chính phủ Trung Quốc.
Ngày nay, khi càng ngày càng nhiều công dân Trung Quốc tưởng nhớ lại quá khứ, họ có khả năng thay đổi cả tương lai của Trung Quốc nữa.
Ghi chú: * ‘tam thoái’ ở đây là ‘thoái Đảng, thoái Đoàn, thoái Đội’, tức là thoái Đảng Cộng sản và các tổ chức liên đới.
Nguồn: https://www.csmonitor.com/2009/1021/p09s01-coop.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/10/31/111990.html
Đăng ngày 04-11-2009; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.