Bài viết của đệ tử Đại Pháp Vân Vân ở khu Hải Điến, Bắc Kinh

[MINH HUỆ 09-11-2010]

Trên con đường tu luyện, chỉ có chân chính tin tưởng Sư phụ, tin tưởng Pháp và cẩn trọng làm theo những yêu cầu của Sư phụ, thì mới có thể vững chắc đề cao một cách nhanh chóng. Đây không phải là những lời nói suông. Trên con đường tu luyện của bản thân, tôi luôn chiểu theo chỉ dẫn của Đại Pháp và được sự bảo hộ của Sư tôn, tôi luôn không ngừng đề cao. Tôi xin được chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi chiểu theo yêu cầu của Sư phụ trong việc học Pháp tập thể.

Sư phụ giảng:

“Có thể chiểu theo hình thức hội thảo trao đổi: mọi người chia sẻ đàm luận với nhau, giảng cho nhau; chúng tôi yêu cầu thực hiện như vậy.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Trong một thời gian dài, tôi không thể ngộ được tại sao Sư phụ lại yêu cầu chúng ta học Pháp theo cách này. Do đó, tôi không bao giờ tham gia bất kỳ nhóm học Pháp nào. Mẹ và em gái của tôi cũng là học viên, nhưng thậm chí chúng tôi cũng không hình thành được nhóm học Pháp tại nhà.

Tình trạng này tiếp diễn cho đến khi mẹ tôi bị tà ác can nhiễu, xuất hiện trạng thái nghẽn mạch máu não, và được người hàng xóm đưa đến bệnh viện. Khi em gái đưa tôi đến nhà một học viên khác, tôi nhìn thấy Tuần báo Minh Huệ và những tài liệu mà tôi đảm nhận in ấn đã được mẹ tôi mang đến đó chia sẻ với đồng tu khác. Hiện giờ mẹ tôi đang bị nghiệp bệnh, nên mọi người ở đây không có cách nào tiếp cận được tin tức cập nhật về Pháp Luân Đại Pháp. Do đó, em gái đã dẫn tôi đến để có thể trực tiếp mang những tài liệu này tới cho mọi người. Ngay trước khi tôi rời đi, đồng tu đã nói với tôi rằng có một nhóm học Pháp hàng tuần tại nhà của dì ấy. Theo cách đó, lần đầu tiên tôi đã tham gia nhóm học Pháp.

Nhóm học Pháp có bốn học viên, trong đó ba người còn lại đều đã ngoài 60 hoặc 70 tuổi. Trong lần đầu tham gia, sau khi học Pháp, chúng tôi bắt đầu thảo luận về tình huống của mẹ tôi. Bà dường như tu luyện tinh tấn và không bao giờ bị “chuyển hóa”, mặc dù từng bị bắt giữ phi pháp vài lần. Tại sao, bà đột nhiên lại đối mặt với quan nghiệp bệnh nghiêm trọng như vậy? Nhìn lại trạng thái tu luyện gần đây của mẹ, chúng tôi dần dần nhận ra rằng tất cả là do bà có rất nhiều chấp trước như là chấp trước vào tình thân quyến với con gái, tâm sợ hãi, chấp trước vào tiền và lợi ích cá nhân trong một thời gian dài mà không tu bỏ đi. Những điều này tạo thành một sơ hở lớn.

Sau khi tham gia nhóm học Pháp, tôi đã nhìn nhận lại bản thân mình. Tại sao tôi không nhắc nhở bà về những sơ hở trong tu luyện khi tôi nhìn thấy chúng? Không chỉ như vậy, Sư phụ còn điểm hóa cho tôi về mẹ ở trong mơ. Bởi bà đã không cho phép người khác nói bất kỳ điều gì về thiếu sót của mình. Bà đã tranh luận ngay khi tôi chỉ ra những thiếu sót này: “Tại sao con phải nói về mẹ? Con đã bao giờ bị bức hại chưa? Con đã bao giờ bị bắt giam chưa? Con đã học thuộc lòng được bao nhiêu bài giảng Pháp?” Sau đó tôi đã không nói gì nữa. Tôi nghĩ: “Mẹ tuổi tác ngày một cao. Tôi không nên tranh luận với mẹ và làm mẹ buồn.” Kỳ thực, ẩn sau đó là tâm ưa thể diện của tôi, sợ bị tổn thương và sợ mẹ không còn quan tâm đến tôi nữa. Thỉnh thoảng thậm chí tôi còn nghĩ rằng dù thế nào chăng nữa thì cũng có Sư phụ luôn quản mẹ. Đó chính là tâm lý ỷ lại. Sau khi nghĩ thông tỏ mọi việc, tôi đã không khỏi giật mình: Tôi luôn tự nhận rằng mình rất ít tâm chấp trước. Tuy nhiên, chỉ sau khi tham gia và chia sẻ trong nhóm học Pháp một lần, tôi đã tìm thấy rất nhiều chấp trước của bản thân!

Tôi cảm thấy hối tiếc khi không tham gia học Pháp tập thể sớm hơn. Do tu luyện thiếu tinh tấn, nên tôi cũng phải chịu trách nhiệm phần nào trong việc mẹ tôi bị bức hại. Tu luyện chính là tu tâm, chính là loại bỏ những chấp trước của bản thân. Vậy thì trước hết phải tìm ra các tâm chấp trước, thì mới có thể trừ bỏ, mới có thể đề cao. Thế thì tìm ra tâm chấp trước chẳng phải là điều kiện tối căn bản để đề cao hay sao? Học Pháp tập thể đã giúp tôi nhanh chóng tìm ra rất nhiều chấp trước, chẳng phải là học Pháp tập thể giúp chúng ta đề cao nhanh hơn sao?

Tôi hạ quyết tâm kiên trì tham gia học Pháp tập thể. Trước đây, tôi đọc sách, luyện các bài công Pháp và phát chính niệm. Tôi cảm thấy bản thân mình thế là ổn. Sau khi tham gia nhóm học Pháp, một lần tôi thấy các học viên đã chép tất cả các bài giảng của Sư phụ, có học viên thì gần như mỗi giờ đều phát chính niệm. Tôi tìm ra rất nhiều thiếu sót của bản thân. Hơn nữa, khi có những điều trong tâm chưa rõ hoặc khi đối mặt với khảo nghiệm tâm tính và cảm thấy khó có thể vượt qua, ngay khi tôi đến nhóm học Pháp, Sư phụ thường mượn lời của các đồng tu điểm hóa cho tôi. Sau đó tôi cố gắng tìm chấp trước và chính lại bản thân. Như việc tôi giúp đỡ các đồng tu lớn tuổi thiết lập điểm tài liệu, mua sắm thiết bị và tư liệu, tôi đã tìm ra bản thân có tâm sợ phiền toái; khi dạy các đồng tu cách sử dụng các thiết bị, tôi tìm thấy bản thân có tâm nôn nóng; trong khi in tài liệu, tôi tìm thấy bản thân có khuyết điểm là lãng phí; thậm chí khi lau hộp mực, tôi tìm thấy mình có chấp trước rất mạnh vào việc sợ bẩn. Nếu không tham gia học Pháp nhóm thì cũng sẽ không làm những việc này, không làm thì làm sao tìm ra những chấp trước này đây?

Các đồng tu lớn tuổi trong nhóm thường bảo tôi rằng là Sư phụ đã cấp cho nhóm học Pháp này để giúp họ, còn tôi thì nói rằng là Sư phụ để tôi tới nhóm này để đề cao cùng mọi người. Quả thực tôi thấy các đồng tu đề cao, đồng thời thấy nhân tâm của bản thân được phóng hạ, tâm tính cải biến và thăng hoa.

Nhóm học Pháp thứ hai mà tôi tham gia là sau khi mẹ tôi xuất viện. Vì thân thể bà đang biểu hiện ra là trạng thái bán thân bất toại, đi lại khó khăn, nên tôi thường xuyên ở lại với mẹ trong căn hộ thuê trọ của mẹ ở ngoại ô. Có rất nhiều học viên ở khu vực này. Có một học viên sống ngay tại căn hộ bên phải, phía trước căn hộ của mẹ tôi. Mẹ tôi đã biết học viên này trong nhiều năm. Hàng tuần, khi đến thăm mẹ, tôi cũng thăm học viên này. Sau khi trao đổi, tôi biết chị ấy từng bị giam giữ và bị bức hại vài lần và một lần chị ấy đã bị “chuyển hóa”. Về sau, những đồng tu khác nghi ngờ chị ấy là đặc vụ. Do đó không có ai mời chị tham gia nhóm học Pháp hoặc chia sẻ thể hội. Tôi không mấy để ý đến điều đó, vậy nên hai tôi đã hình thành một nhóm học Pháp.

Sau một vài lần học Pháp chung, tôi cảm thấy chị ấy có điều gì đó trong tâm không muốn chia sẻ hoặc không biết làm cách nào để nói ra. Một ngày, có một viên cảnh sát đột nhiên đẩy cửa xông vào, tôi sững người, rồi nghĩ sách cũng đã cất kỹ nên tĩnh tâm lại, bắt đầu âm thầm phát chính niệm. Viên cảnh sát này nói lắp rất nặng. Anh ta nói điều gì đó mà tôi không hiểu được và sau đó anh ta rời đi. Tôi quay sang và nhìn người đồng tu lớn tuổi hơn kia, lại càng hoảng sợ – chị ấy ánh mắt đờ đẫn, ngây người ra và dường như rất kinh hãi, mặt chị tái mét. Sau khi tôi gọi tên chị hai lần, thần trí chị ấy mới bình thường trở lại và lẩm bẩm: “Anh ta đến làm gì thế?”

Lần sau, sau khi đọc xong một bài giảng, tôi hỏi đồng tu: “Chị sợ à?” Chị ấy nói: “Tôi sợ bị bắt giam một lần nữa. Tôi sợ lại bị ‘chuyển hóa’”. Tôi nói với chị ấy: “Chúng ta, những đệ tử Đại Pháp đang làm việc vĩ đại nhất và thù thắng nhất trên thế giới này, là đang cứu người. Sư phụ không thừa nhận bức hại, tại sao chúng ta lại thừa nhận chúng?” Chị ấy nói rằng mình chưa bao giờ có cách nghĩ như vậy. Khi tôi quay lại đó lần nữa, chị ấy nói với tôi rằng bản thân minh bạch ra rất nhiều vấn đề. Đệ tử Đại Pháp chính là chỉ nghe những gì Sư phụ yêu cầu, chiểu theo những yêu cầu của Đại Pháp mà làm, và tu luyện một cách đường đường chính chính. Tà ác mới phải sợ chúng ta mới đúng.

Sau này, chị ấy bị bắt giam lần nữa. Tuy nhiên, bằng chính niệm và được Sư tôn từ bi bảo hộ, không lâu sau đó chị ấy có thể đường đường chính chính ra khỏi trại giam. Các đồng tu khác, những người bị bắt cùng chị ấy bị kết án phi pháp. Cảnh sát đến gặp chị ấy vài lần cố gắng ép chị ấy ký tên vào bản cam kết bất tu luyện, nhưng chị ấy đã cự tuyệt. Sau đó, cảnh sát đã không còn xuất hiện nữa. Điểm sản xuất tài liệu của chị ấy vẫn tiếp tục vận hành. Một vài hàng xóm và người quen của chị ấy cũng bước vào tu luyện Đại Pháp. Hàng tối, họ học Pháp và luyện công cùng nhau. Trên kính cửa sổ nhà chị ấy, Ưu Đàm Bà La hoa khai nở thành hàng trong hai năm.

Nhóm học Pháp thứ ba mà tôi tham gia cũng chỉ có hai người, gồm tôi và em gái. Sau khi mẹ tôi qua đời, trạng thái em gái tôi đã thay đổi rất lớn. Chồng của em ấy đã vài lần gọi cho tôi và nhờ tôi nói chuyện với cô ấy vì cô ấy tranh cãi với mẹ chồng và chồng ở nhà. Khi tôi cố gắng nói chuyện với em gái, cô ấy cao giọng với tôi: “Em không cần chị nói chuyện với em. Em không đọc sách Đại Pháp ít hơn chị, Pháp lý hiểu cũng không kém chị. Em chỉ là không nhẫn chịu nổi bà ta (mẹ chồng của em gái tôi). Em chỉ không muốn nhìn thấy bà ta!” Tôi biết rằng đó không phải là cô ấy thực sự. Đó là những chấp trước vào tình gây ra. Cái “tình” này thật là đáng sợ. Mẹ tôi cũng chính vì không phóng hạ được tình cảm mẹ con với em gái tôi mà bị bức hại ly thế như vậy. Giờ đây em tôi cũng bị tinh thân quyến can nhiễu thành ra dạng này – cô ấy thậm chí nghĩ rằng lý do mẹ tôi qua đời là do em rể tôi đã đưa mẹ tôi về nhà.

Gia đình chúng tôi có ba người tu luyện Đại Pháp, một người đã bị bức hại ly thế, tôi không thể để em gái mình tiếp tục ở trong tình trạng như vậy! Trước kia, khi chúng ta cùng nhau hạ thế là đã có hẹn ước với nhau, nếu một trong số chúng ta bị mê lạc trong cõi người thường, thì người còn lại cần phải thức tỉnh họ. Nếu một ngày kia, khi tôi gặp Sư tôn, và Ngài hỏi tôi: “Tại sao con lại quay lại một mình? Hai người cùng hạ xuống với con đâu rồi?” Tôi sẽ trả lời như thế nào? Tôi nên làm gì? Tôi nhìn lên tấm ảnh Sư phụ và đột nhiên nghĩ: “Tôi nên tìm câu trả lời trong Pháp! Chỉ có Pháp mới có thể thực sự cải biến một con người. Tại sao chúng tôi lại không hình thành một nhóm học Pháp?” Tôi quay lại gặp em gái và hỏi: “Em còn muốn tu luyện nữa không?” Em tôi trả lời rõ ràng: “Đương nhiên rồi.” Ngay lập tức tôi quyết định rằng mỗi tuần chúng tôi sẽ học Pháp chung với nhau một buổi chiều.

Lần đầu tiên, chúng tôi đọc thông hết một bài giảng trong “Chuyển Pháp Luân”. Chúng tôi không chia sẻ suy nghĩ cùng nhau. Tôi nói rằng khá khó để bắt xe buýt (điều này là sự thật). Tôi rời đi ngay khi chúng tôi đọc xong, do tôi không muốn em gái có chút thời gian nào để phàn nàn. Vào lần khác, khi chúng tôi gần như đọc xong cuốn “Chuyển Pháp Luân” em gái nói tôi đừng đi ngay, em ấy muốn chia sẻ với tôi những suy nghĩ của em ấy về việc học Pháp. Em gái nói với tôi rằng em ấy đã bị can nhiễu bởi những chấp trước vào tình thân quyến và dần dần trượt xuống. Tôi biết là em ấy đã trở lại. Một khi em ấy tìm ra những chấp trước của mình, thì em ấy sẽ có thể loại bỏ chúng một cách có hệ thống, và quy chính bản thân.

Đại Pháp là siêu thường và có uy lực vô tỷ. Tôi đã chứng kiến em gái dần dần hòa tan trong pháp và quy chính bản thân. Em ấy không còn bất kỳ mâu thuẫn nào với mẹ chồng, mà còn hiếu thuận, và còn giúp bà mua những sản phẩm bổ dưỡng. Mẹ chồng của cô ấy bị bệnh tim, và em gái tôi đưa bà đến bệnh viện khám bệnh và cũng giáo dục các con phải tôn kính người già.

Trên con đường tu luyện của chúng ta, Sư phụ luôn luôn từng thời từng khắc bảo hộ chúng ta. Nhóm học Pháp đầu tiên rất đặc biệt với tôi. Tôi thường đạp xe đến đó còn các dì thì bắt xe buýt. Vô cùng kỳ diệu là cho dù ngày hôm trước thời tiết có xấu thế nào thì vào ngày học Pháp thời tiết luôn luôn rất đẹp. Ngay khi chúng tôi học xong và trở về nhà thì thời tiết lại quay lại trạng thái của ngày hôm trước. Địa điểm học Pháp của nhóm học Pháp thứ hai khá xa. Tôi phải mất hơn hai giờ đi xe buýt để đến đó. Vào mùa hè thì không sao, nhưng vào mùa đông thì khá khắc nghiệt. Mặc dù tôi đã mặc áo khoác rất dầy và đi bốt ấm, nhưng khi đến, chân tôi thường xuyên tê cứng vì lạnh. Một năm sau đó, công ty chồng tôi giao cho anh một chiếc xe hơi mới vì mục đích kinh doanh. Nên chồng tôi đã cho lại cho tôi chiếc xe hơi cũ của anh, việc di chuyển trong mùa đông không còn quá khó khăn nữa.

Nhà em gái tôi cũng khá xa, và khi tôi đến đó, vì xe buýt rất đông và giao thông tắc nghẽn đã khiến việc di chuyển khá khó khăn. Chúng tôi thường học Pháp vào buổi trưa. Mùa đông thì ổn. Nhưng vào mùa hè, thì đây là thời điểm nóng nhất trong ngày, đặc biệt khi rất đông người trên xe buýt. Tôi nhận ra rằng không phải là xấu khi tôi chịu đựng một chút, và sau khi nhận ra điều đó, tôi không còn cảm thấy nóng nữa. Một thời gian ngắn sau, một vài tuyến xe cao tốc được mở. Một tuyến xe rất gần nhà của em gái tôi. Trạm xe cũng rất gần nhà của tôi, nên thời gian di chuyển của tôi đã giảm đi một nửa. Vì lý do nào đó, tôi luôn cảm thấy rằng tuyến đường cao tốc kia được mở là vì tôi, và chiếc xe hơi kia cũng là Sư phụ đã cấp cho tôi làm Pháp khí, là để tôi vì Đại Pháp, vì các học viên khác mà phục vụ.

Với sự chăm sóc và bảo hộ từ bi của Sư tôn, tôi cảm thấy vô cùng xúc động mỗi khi nghĩ về điều này. Khi nghĩ đến chấp trước lười biếng và tâm tranh đấu của bản thân, tôi cảm thấy rất hổ thẹn! Chỉ khi chúng ta loại bỏ tất cả quan niệm con người, tín Sư tín Pháp, chân tu, thực tu, đề cao bản thân một cách thiết thực, chúng ta sẽ được Sư tôn từ bi bảo hộ.

Tôi muốn chia sẻ thể hội của mình để khích lệ các đồng tu của tôi cùng cố gắng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/11/9/232227.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/11/29/121670.html

Đăng ngày 24-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share