Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 1-9-2018] Vào sáng thứ Bảy ngày 23 tháng 6 năm 2007, cô Khương Phái đã rơi vào trạng thái hôn mê trong lúc bị tạm giam, chỉ bởi cô cự tuyệt từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện hiện đang bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp. Những người trong phòng giam cùng cô nói rằng cơ thể cô Khương lúc đó không thể kiểm soát được và liên tục run lẩy bẩy.
Cũng bởi không có bác sỹ trực vào ngày cuối tuần nên các tù nhân đã xin lính canh tìm cách chữa trị cho cô Khương. Tuy nhiên, họ đã không đưa cô đến bệnh viện cho đến ngày thứ Hai hoặc thứ Ba. Một vài lính canh còn đánh và giật tóc cô Khương trong lúc cô chuẩn bị đi chụp MRI.
Cha mẹ cô Khương đã tới đó vào đêm ngày 26 tháng 6 và nhìn thấy con gái của họ bị còng tay và cùm chân vào giường trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tại đó có hai lính canh canh chừng cô cả ngày lẫn đêm. Lúc đó cô Khương vẫn hôn mê và thở bằng máy oxy. Hai chân của cô sưng tấy và đầy vết thâm tím. Ngoài ra, cô không ăn được gì và chỉ ho ra nước.
Một bác sỹ nói với gia đình cô rằng họ không tìm được nguyên nhân gây ra bệnh của cô, và họ chỉ giúp duy trì mạng sống của cô bằng cách tiêm vào tĩnh mạch.
Cha mẹ cô đã phải chạy đi chạy lại từ Phòng cảnh sát địa phương, Viện kiểm sát, toà án để yêu cầu trả tự do cho cô. Tuy nhiên, đối diện với nỗi tuyệt vọng của cha mẹ cô Khương, tất cả các cán bộ tại những cơ quan này đều trả lời: “Chúng tôi phải làm theo trình tự.”
Cô Khương đã không thể hồi phục trở lại. Cô qua đời tại Bệnh viện Dầu khí tổng hợp Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang vào đêm ngày 28 tháng 6 năm 2007. Lúc đó cô mới 34 tuổi.
Mười một năm sau khi cô qua đời, những ký ức của gia đình và bạn bè cô vẫn không phai mờ theo thời gian. Thay vào đó, ngày càng có nhiều nhân chứng đến cung cấp thêm thông tin về những ngày cuối cùng của cô Khương, để giúp tái hiện lại câu chuyện về cô gái dũng cảm này.
Cô Khương Phái
Bắt giữ sau khi bị lừa trở lại nơi làm cũ
Cái chết đến với cô Khương chỉ hai tháng sau khi công an đến bắt cô tại nơi làm việc cũ của mình. Trước đó vào năm 2000, họ đã kết án cô bảy năm tù chỉ bởi cô cự tuyệt từ bỏ đức tin của mình. Để tránh bị bắt giữ, cô đã rời khỏi nhà và đi lang thang trong những năm sau đó.
Khi cô đi vắng, cha mẹ cô ngày đêm lo lắng an toàn cho cô. Và họ đã rất vui khi cấp trên cũ của cô ở Nhà máy tổng hợp hoá dầu Đại Khánh, hứa cho cô làm việc trở lại. Họ không biết rằng lời hứa suông đó đã kết thúc sinh mệnh của cô.
Theo yêu cầu của cha mẹ, cô Khương đã trở về nhà. Ở độ tuổi của mình, cô cũng muốn có một cuộc sống ổn định và bình thường như bạn bè của cô, những người đã lập gia đình và sinh con.
Với tất cả hy vọng, cô trở lại làm việc vào ngày 26 tháng 4 năm 2007, nhưng ở đó chỉ có công an – những người đã đợi nhiều năm để bắt cô.
Bốn ngày sau khi bị bắt, vào ngày 30 tháng 4, họ đưa cô đến trại tạm giam Đại Khánh. Không có thông tin về nơi cô bị giam giữ trong bốn ngày và cũng không biết cô có bị tra tấn hay không.
Ở trại tạm giam, công an Phùng Hải Ba ở Đội An ninh Nội địa Đại Khánh thường xuyên tới thẩm vấn cô về việc hướng dẫn các học viên Pháp Luân Công khác cách vượt qua sự kiểm duyệt Internet của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và truy cập các website ở hải ngoại, cũng như việc cô hỗ trợ kỹ thuật cho các học viên sản xuất tài liệu Pháp Luân Công số lượng lớn ở nhà họ. Tất cả những việc này đều không được chính quyền nước này chấp nhận.
Ngay cả lúc trước khi cô Khương qua đời hai tuần, có hai tù nhân đưa cô đến phòng thẩm vấn để trả lời các câu hỏi của công an.
Tra tấn ở trại tạm giam
Cô Khương từng là một người khoẻ mạnh trước khi bị bắt. Giống như những cô gái điển hình sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, cô có một tính khí lạc quan và tự nhiên, cô là một người thông minh, có trí nhớ tuyệt vời và rất hay cười.
Nhưng khi cô tới trại tạm giam, người cô nhìn gầy gò và xanh xao. Cô liên tục ho và nôn mửa, những gì cô nôn và ho ra đa phần đều là máu. Thêm nữa, cô thường xuyên bị ngất xỉu.
Theo các tù nhân cùng phòng giam, cô đã nói với họ về việc cảnh sát Phùng đã đặt một cuốn sách lên bụng cô và dùng một gậy cao su đập vào sách như là một hình thức tra tấn.
Kết quả của cuộc tra tấn này chính là những tổn thương cơ quan nội tạng của cô, cuốn sách được đặt trên bụng cô nhằm ngăn không để chấn thương hiện hữu ra ngoài.
Thêm nữa, công an còn dùng dùi cui điện để sốc điện và dùng mù tạt để bức thực cô.
Vài năm sau khi cô Khương chết, công an Phùng ở Đội An ninh Nội địa đã nói với các học viên Pháp Luân Công mà ông ta bắt: “Các người có biết Khương Phái chết như thế nào không? Cô ta ngồi trên ghế sắt trong ba ngày và cô ta luôn phải làm ‘điệu nhảy break dance’.“ Ông ta muốn ám chỉ đến những cơn co giật vì sốc điện của cô Khương.
Một công an khác nói: “Chúng tôi còn dùng mù tạt để bức thực cô ta ba lần. Điều này khiến nước mắt và nước mũi cô ta liên tục chảy không ngừng – đó là khi cô ta bắt đầu trả lời những câu hỏi của chúng tôi.”
So sánh với nước hạt tiêu thỉnh thoảng được dùng để bức thực thì mù tạt còn gây đau đớn và thương tổn lên cơ thể nạn nhân nhiều hơn.
Với những ai bị bức thực bằng mù tạt thì nhìn bề ngoài sẽ không thấy được dấu vết của sự tra tấn, nhưng những thương tổn ở bên trong thì rất khó hồi phục. Nạn nhân thở khó nhọc, bị đau ngực, ho, không nuốt được, như thể thực quản bị ngâm nước sôi.
Một học viên Pháp Luân Công khác, bà Lưu Oánh, một y tá ở thành phố Đại Khánh, có lần đã miêu tả lại trải nghiệm bị bức thực bằng mù tạt của bà ở trại tạm giam: “Công an lấy mù tạt, được nhập khẩu từ Nhật Bản vào phòng giam vào ban đêm. Với một ống tiêm lớn, họ tiêm mù tạt vào mũi tôi.
“Ngay lập tức tôi cảm thấy đau dữ dội ở vùng ngực. Tôi có cảm giác như các cơ quan nột tạng đang co giật liên hồi. Tôi không mở được mắt và đầu như nổ tung. Lúc đó, tôi như phát điên và không có từ ngữ nào có thể miêu tả được nỗi đau này.
“Sau khi bất tỉnh, công an đã dội nước lạnh vào người tôi để tôi tỉnh lại. Sau đó, họ lại bức thực tôi bằng mù tạt cho đến khi tôi bất tỉnh. Họ liên tục tra tấn như vậy trong nhiều lần. Trong khi bức thực tôi bằng mù tạt, một công an nói với tôi: “Bà có biết Khương Phái không? Đây là những gì chúng tôi đã làm với cô ta. Cô ta thậm chí còn ngồi trên ghế sắt có nối với nguồn điện trong lúc bị bức thực bằng mù tạt.”
Bức thực làm chết nhanh hơn
Với những tổn thương nghiêm trọng đến nội tạng, thực quản và đường hô hấp, khiến cô Khương không thể ăn hay nói chuyện. Tuy nhiên, điều này lại được ban quản lý trại tạm giam coi là “tuyệt thực để từ chối bị quản lý”.
Không cho cô Khương có cơ hội hồi phục, lần bức thực tiếp theo của lính canh còn đẩy cô Khương đến cái chết nhanh hơn.
Bức thực là một hình thức tra tấn tàn khốc được thực hiện tại trại tạm giam Đại Khánh nhằm trừng phạt những phạm nhân không nghe lời lính canh. Hầu hết những người bị bức thực đều nôn ra máu hoặc chảy máu mũi. Tuy nhiên, trại tạm giam đã không cho phép các nạn nhân được chữa trị.
Trong lúc bức thực các học viên Pháp Luân Công, lính canh và tù nhân thường lăng mạ họ nhằm gia tăng đau đớn cho học viên.
Miêu tả lại tra tấn: Bức thực
Vì không được huấn luyện y tế đầy đủ trong việc bức thực, nên một sai lầm đơn giản của lính canh đôi khi có thể giết chết nạn nhân.
Có ba học viên Pháp Luân Công, bà Lữ Tú Vân, bà Vương Thục Cầm, và bà Dương Ngọc Hoa, đã qua đời vì bị bức thực từ năm 2002 đến năm 2005, nhưng vì có hạn ngạch tử vong, nên không ai ở trại tạm giam phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ.
Một số tù nhân giam cùng phòng cô Khương nhớ có lần cô ấy nói trong hôn mê: “Nhìn này, mẹ tôi mang thức ăn ngon cho tôi. Có nhiều đồ ăn quá, lại đây và ăn cùng nhau nào!”
Với đau đớn khôn cùng, những cơn đói liên tục hay tra tấn khốc liệt, cô Khương chỉ có thể tận hưởng niềm hạnh phúc gia đình trong giấc mơ của mình.
Bị bỏ mặc khi nguy kịch
Ngày 22 tháng 5 năm 2007, một tháng sau khi bị bắt, cô Khương, đã hôn mê được vài ngày, được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Đại Khánh để chữa trị.
Bác sỹ viết trong tờ chẩn đoán rằng cô Khương nôn ra máu và hôn mê vì bị sỏi mật, đó là âm mưu nhằm che giấu việc cô Khương bị tra tấn.
Vài ngày sau, viên công an tên Phùng đưa cô Khương về trại tạm giam để tiếp tục thẩm vấn.
Vì điều kiện chữa trị cho cô Khương ở trại tạm giam rất hạn chế nên cha mẹ cô đã nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh cho cô.
Tuy nhiên, Trương Nghĩa Thanh, phó Đồn Công an Wolitun, người tham gia vào việc bắt giữ cô Khương, đã từ chối yêu cầu của họ. Ông ta ngói: “Những người còn lại có thể nộp đơn xin tại ngoại, trừ cô Khương.” Ông ta còn đe doạ cha mẹ cô Khương rằng sẽ kết án cô thật nặng.
Sau nhiều lần bị thẩm vấn và bức thực, tình trạng sức khỏe của cô Khương ngày càng xấu đi. Vào sáng ngày 23 tháng 6 năm 2007, theo một phạm nhân cùng phòng, cô Khương trở nên nguy kịch và rơi vào hôn mê sâu. Cô bị bỏ mặc hai ngày sau đó, và các tù nhân chỉ biết đứng nhìn mạng sống của một cô gái trẻ vô tội đang dần mất đi.
Thi thể bị hoả táng
Sau khi cô Khương qua đời, cha mẹ cô rất đau buồn và hối hận vì đã gọi cô trở về nhà.
Hai cảnh sát Phùng Hải Ba và Trương Nghĩa Thanh đã nói với cha mẹ cô Khương rằng cô đã tự sát vì phải đối mặt với hình phạt nặng với tội danh chống lại chính quyền. Một người khác ở Đội An ninh Nội địa, Lý Dục Xuân nói cô chết vì nhiễm trùng não và trưởng trại tạm giam lại nói cô chết vì đau tim.
Cha mẹ cô vì quá đau buồn do cái chết đột ngột của cô Khương nên hoàn toàn suy sụp và tin vào những lời nói mâu thuẫn này mà ký vào các biên bản do viên chức Phùng chuẩn bị để hoả táng thi thể.
Thi thể cô Khương được hoả táng mười ngày sau đó, trong một nhà tang lễ được canh chừng cẩn mật.
Thay vì hối hận vì cái chết bi thảm của cô Khương, Phùng Hải Ba lại thường dọa nạt các học viên do ông ta bắt giữ và nói: “Là tôi đã đánh cô Khương đến chết! Nhưng tôi vẫn là đội trưởng Đội An ninh Nội địa! Tôi có thể bắt bất cứ ai tôi muốn và kết án họ bao lâu tôi muốn!”
Phùng Hải Ba
Trong khi lương tâm của nhiều cảnh sát đã thức tỉnh và ngừng tham gia vào cuộc bức hại trong vài năm gần đây, Phùng Hải Ba vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công với mục đích thăng chức.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/1/373211.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/2/171743.html
Đăng ngày 07-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.