Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-6-2018]

Tôi sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân nghèo khó tại một thôn làng ở vùng núi phía tây tỉnh Liêu Ninh. Tôi là con gái trong gia đình có ba người con, từ khi sinh ra cơ thể tôi đã yếu nhược, đầy rẫy bệnh tật.

Giống như nhiều đứa trẻ khác trong làng, khi lên 8 – 9 tuổi, tôi bị viêm màng não. Rất nhiều trẻ em đã tử vong, tôi may mắn sống sót. Tuy nhiên, tôi bị tàn tật và không thể đi lại trong hai tháng, mẹ phải cõng tôi. Thậm chí tôi còn phải tập đi một lần nữa, cơ thể tôi luôn đau ở chỗ này hoặc chỗ kia. Không một ai biết tại sao tôi lại bị đau như thế.

Vấn đề bất thường ở dạ dày

Năm 1997, tôi đột nhiên mắc một chủng bệnh kỳ quái ở dạ dày. Tôi không ăn uống gì được, bất cứ khi nào tôi ăn hoặc thậm chí chỉ là uống một nửa ly sữa, dạ dày của tôi liền sưng phồng lên khiến tôi khó có thể ngả lưng. Ngay khi vừa nằm xuống, tôi lại khó thở và phải ngồi dậy cả đêm.

Tôi đã chụp cộng hưởng từ và làm tất cả các loại kiểm tra, xét nghiệm tại bệnh viện tỉnh, nhưng các bác sỹ không thể tìm ra được bệnh gì. Cuối cùng, một vài người thậm chí đã khuyên tôi nên đi khám “ngoại khoa”, ý là tôi nên tìm pháp sư trừ tà.

Vạn bất đắc dĩ, tôi đã thử Trung y, uống rất nhiều các loại thuốc Đông y, và cứ như vậy thuốc Đông y trở thành cơm bữa của tôi. Nhưng bệnh tình không hề được cải thiện, thân thể ngày càng gầy mòn, cân nặng chỉ còn khoảng 45 kg trong khi cao 1,68 mét. Toàn thân không chút sức lực, và phải ngồi trên đất liên tục để giữ sức.

Tiền thuốc khiến gia đình tôi vốn đã chẳng khá giả gì lại càng thêm khốn đốn, áp lực kinh tế to lớn. Vô vọng và thống khổ bởi bệnh tật, tôi đã nghĩ đến việc tự vẫn. Tôi đã nói với chồng rằng, nếu tôi chết, anh ấy nên giao hai con gái của chúng tôi cho người thân, sẽ vô cùng khó khăn nếu anh tự mình chăm sóc các con, nghe vậy anh ứa nước mắt.

Ngày hôm sau tôi đi bộ đến bờ biển gần nhà trong khi chồng tôi đang ở chỗ làm. Tôi muốn tự tử bằng cách trầm mình xuống nước.

Dường như có linh cảm, chồng tôi cảm thấy có gì đó không ổn, nên anh nhanh chóng về nhà. Khi thấy tôi không có ở nhà, anh đã chạy thẳng ra bờ biển và kịp kéo tôi lại.

Sau sự việc này chồng tôi không dám để tôi một mình nên đã ở nhà trông chừng tôi. Các đồng nghiệp của anh đều biết việc tôi có ý định tự tử. Một trong số họ là một học viên Pháp Luân Công. Anh ấy đã đến thăm tôi và nói: “Chị luyện Pháp Luân Công đi. Công pháp này chữa bệnh khỏe người rất hữu hiệu, rất nhiều người bệnh nan y mà nhờ luyện công đều khỏi bệnh.”

Do từ nhỏ đã thụ nhận độc hại của thuyết vô Thần, tôi và chồng căn bản là không tin vào những lời người đồng nghiệp đó nói. Có lẽ là người đồng nghiệp thấy chúng tôi quá đáng thương, nên anh ấy lại một lần nữa khuyên chúng tôi luyện Pháp Luân Công, tôi và chồng nể anh ấy không đành lòng cự tuyệt, nên chúng tôi đã miễn cưỡng đến chỗ của anh để thử.

Vừa đến cửa nhà, còn chưa bước vào trong nhà của người đồng nghiệp ấy, chúng tôi nghe thấy từ trong nhà vọng ra một thứ âm nhạc ưu mỹ. Thật sự rất tuyệt vời, không giống như bất kỳ thứ gì tôi đã nghe trước đó. Vừa bước vào nhà, tôi cảm thấy dường như có ai đó kéo một thứ gì giống như mảng da mầu đen ra khỏi cơ thể tôi, và đột nhiên, tôi cảm thấy tâm tôi khai thoát và những đau đớn trường kỳ trong dạ dày thoắt cái biến mất hoàn toàn!

Người đồng nghiệp và bạn của anh ấy đang luyện bài công pháp số hai, nên tôi nhanh chóng bắt chước theo họ và luyện trong vòng 20 phút. Toàn thân đầm đìa mồ hôi, nhưng không hề cảm thấy mệt mỏi chút nào, mà ngược lại, tôi cảm thấy vô cùng thư thái.

Khi tôi nói với người đồng nghiệp đó những gì mình cảm nhận khi vừa vào cửa nhà, anh ấy nói: “Xem ra chị có duyên với Đại Pháp, vừa tới, Sư phụ đã tịnh hóa cơ thể cho chị rồi.“ Nghe anh ấy nói vậy tôi rất hạnh phúc.

Sau đó chồng tôi đưa tôi về nhà bằng xe đạp, lần đầu tiên sau hơn một năm bệnh tật tôi cảm thấy đói. Chồng tôi đã vội vàng nấu cho tôi một ít cháo kê. Tôi không dám ăn nhiều nên chỉ ăn nửa bát, nhưng tôi cảm thấy rất ổn và không có vấn đề gì xảy ra.

Ngày hôm sau, tôi có thể tự mình đạp xe đến nhà của người đồng nghiệp đó để luyện công cùng với mọi người. Không lâu sau đó, tất cả mọi bệnh tật trên thân thể tôi đều biến mất, toàn thân nhẹ nhàng và khỏe mạnh.

Chiểu theo “Chân – Thiện – Nhẫn” làm người tốt

Kể từ khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi cố gắng luôn chiểu tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công trong cuộc sống hàng ngày để làm một người tốt.

Nhớ lại một lần, có người hàng xóm đến trả 100 tệ đã mượn tôi trước kia. Nhưng khi tôi cầm số tiền này đi mua hàng, người bán hàng nói với tôi rằng đây là tiền giả. Lúc ấy tôi rất bất ngờ, trước đây tôi chưa từng tiếp xúc với tiền giả, nên tôi không biết bộ dạng nó ra sao. Sau khi nhờ một vài người kiểm gia giúp, mọi người đều xác nhận rằng tờ tiền này là giả.

Tôi đã không nói chuyện này với người hàng xóm bởi vì tôi hiểu rằng bản thân là một học viên Đại Pháp, gặp sự việc thì nên nghĩ cho người khác trước. Người hàng xóm có lẽ cũng không biết rằng đó là tiền giả, và nếu tôi trả lại tờ tiền này cho cô ấy, có lẽ sẽ khiến cô ấy gặp áp lực về tài chính, hoặc nếu cô ấy cố gắng tiêu tờ tiền này, thì chẳng phải là sẽ làm tổn hại người khác. Vậy nên tôi đã xé nát số tiền giả này và vứt chúng đi.

Còn có lần cháu trai của tôi phát hiện một tờ tiền giả mệnh giá 100 tệ trong tập tiền mặt mà cháu nhận được. Cháu nói: “Ngoại đưa cho con. Con có thể tiêu nó!”

“Tiền giả này không thể đưa cho con được,” tôi nói. “Điều gì xảy ra nếu con tiêu nó? Nếu người nhận nó là một người giàu thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng điều gì xảy ra nếu một người nghèo nhận nó? Hãy thử nghĩ xem sẽ mang đến cho anh ta gánh nặng lớn nhường nào?” Cháu tôi dường như đã hiểu ra đạo lý này, tôi đã xé nát tờ tiền và vứt nó đi.

Một lần khác, vừa về tới nhà, chồng tôi liền đưa tôi tiền lương của anh ấy. Tôi đếm tiền và phát hiện ra thấy dư 2.000 tệ. Tôi đếm lại một lần nữa và thấy quả đúng là dư như vậy. Tôi bảo chồng: “Có lẽ kế toán đã đếm sai. Em là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và chúng ta không nên giữ số tiền phi nghĩa này, phải trả lại nó.”

“Nhưng nếu anh trả lại tiền và nếu quản lý biết được, ông ấy sẽ sa thải người kế toán đó,” chồng tôi nói.

Tôi bảo anh: “Đừng lo, em sẽ lẳng lặng một mình tìm cô ấy trả lại tiền.”

Tôi đến phòng kế toán và gọi cô ấy ra ngoài và nói: “Hình như em đã đưa nhầm tiền lương cho chồng chị.“

Vừa nghe thấy vậy mặt cô ấy trầm xuống và nói: “Thiếu bao nhiêu tiền vậy chị?”

“Không thiếu, mà là em đã đưa thừa 2.000 tệ.”

Gương mặt cô ấy ửng đỏ bối rối. Cô ấy nhận lại tiền và vội vàng trở lại phòng kế toán. Trước khi bước vào trong, dường như sực nhớ ra điều gì, cô ấy quay lại. Cô ấy vẫn bối rối và nói nhỏ: “Cám ơn chị.”

Năm 1999, tôi và chồng đã mở một nhà xưởng nhỏ và có thuê một vài công nhân. Họ đều là người ở vùng nông thôn đi làm việc xa nhà. Chúng tôi cung cấp cho họ đầy đủ chỗ ăn chỗ ngủ và tôi đối xử với họ như người thân. Thỉnh thoảng tôi cũng dọn dẹp nhà trọ cho họ.

Ban đầu khá vất vả vì phòng trọ của họ rất bẩn và bừa bộn với giầy dép và quần áo vứt ngổn ngang khắp nơi. Căn phòng bốc mùi kinh khủng. Tôi không nề hà gì mà bắt tay dọn dẹp căn phòng và gấp quần áo của họ gọn gàng. Thỉnh thoảng tôi còn giặt quần áo cho họ.

Ban đầu những công nhân đó thấy tôi làm vậy khá ngại ngùng, sau đó họ bắt đầu chú ý vệ sinh và ngăn nắp nơi ở.

Chúng tôi không bao giờ trừ lương và thậm chí nếu họ chỉ làm nửa ngày chúng tôi vẫn trả họ đầy đủ, bởi vì chúng tôi hiểu được họ khó khăn như thế nào khi phải sống xa nhà và kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Chúng tôi thuê một người nấu cơm để đảm bảo họ có được bữa ăn ngon.

Một ngày, khi quay trở lại làm việc sau bữa cơm, tôi thấy có ai đó đổ thức ăn thừa và bánh bao xuống cống. Tôi cảm thấy tức giận và nghĩ: “Tôi đã cung cấp cho các anh rất nhiều đồ ăn và đối xử với các anh như người nhà. Nhưng các anh lại lấy nhiều rồi ăn không hết, sau đó thì vứt đi. Thật là lãng phí!”

Về nhà, thông qua đọc sách Chuyển Pháp Luân, tâm tôi dần dần bình tĩnh lại. Ngày hôm sau, trong giờ ăn trưa, tôi nói với công nhân: “Tôi sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện.” Tất cả bọn họ có vẻ hào hứng.

Tôi hỏi họ: “Các anh có biết ‘phúc căn’ [nguồn gốc của may mắn] là gì không? Đó chính là số thức ăn còn dư lại sau mỗi bữa ăn. Miếng cuối cùng còn lại thật ra chính là phúc phận của các anh, và người già thường gọi nó là ‘phúc căn.’ Thần đều ghi lại những điều đó, và nếu các anh cứ vứt thức ăn thừa đi, thì theo đó phúc phận cũng sẽ ngày một ít đi, về già sẽ nghèo khốn hoặc có thể còn chẳng có gì mà ăn.”

Sau đó, tôi không bao giờ nhìn thấy bất kỳ đồ ăn thừa nào nữa.

Pháp lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp đã biến tôi từ một người tư lợi thành một người luôn luôn nghĩ đến lợi ích của người khác và có thể hành xử theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” trong cuộc sống hàng ngày.

Nhìn lại con đường tu luyện đã qua, quả thực là thù thắng của tu luyện, tâm tôi tràn ngập lòng biết ơn vô hạn đối với Sư phụ từ bi của chúng ta. Đệ tử khấu đầu tạ ân Sư!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/9/368525.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/13/170753.html

Đăng ngày 9-7-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share