Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-5-2018] Năm nay mẹ tôi tuổi tác đã cao, 85 tuổi, và tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã được 20 năm. Trước khi bà đắc Pháp, trong ký ức của tôi, mẹ lúc nào cũng còm cõi bệnh tật. Bà bị bệnh thận, viêm khí quản, và suy nhược thần kinh.

Tôi thường thấy mẹ lấy tay ôm bụng, nên có lẽ mẹ cũng bị bệnh dạ dày nữa. Cứ như vậy nên mẹ phải thường xuyên uống thuốc.

Tôi có năm anh chị em, cả nhà bảy người sống trong nghèo khó. Thời thơ ấu, tôi ghen tỵ khi thấy các bạn có quà ăn vặt. Tôi luôn mong chờ Tết đến, bởi khi đó tôi có thể được ăn những thức ăn ngon như há cảo, thịt heo, kẹo, táo, và một bộ quần áo mới, thứ chỉ được sắm một lần trong năm.

Hằng năm vào dịp Tết Đoan ngọ, mỗi đứa trẻ chúng tôi sẽ được ăn hai quả trứng gà. Khi đó, mẹ tôi sẽ hỏi từng đứa con muốn ăn trứng theo kiểu nào, luộc, tráng, bác, hay trần trứng. Mỗi người chúng tôi đều có sở thích khác nhau. Mặc dù vào thời điểm đó mẹ đang đau ốm, nhưng mẹ tôi vẫn làm món trứng theo sở thích của từng người.

Dù ốm yếu và bệnh tật, nhưng mẹ vẫn luôn yêu thương chúng tôi và chưa bao giờ đánh mắng con cái. Tuy nghèo nhưng chúng tôi là một gia đình hạnh phúc.

Nửa đời lắm tai ương

Khi tôi lên mười, mẹ sinh em gái út. Cùng thời điểm đó mẹ bị tăng nhãn áp và không có sữa để nuôi em nên em tôi mỗi ngày dựa vào sữa bò mà sống. Những người chăn nuôi bò sữa không trung thực đã trộn sữa với lượng nước nhiều gấp đôi sữa, nên em tôi thường xuyên ăn không đủ no và toàn thân thường run rẩy, co quắp. Kinh tế gia đình vốn đã vô cùng khó khăn, nên khó càng thêm khó, gia đình không đủ tiền để trang trải cho việc điều trị bệnh mắt của mẹ. Tuy nhiên, nếu không điều trị, mẹ tôi có thể bị mù lòa.

Khi đang ở bước đường cùng, thì một người bạn khuyên mẹ nên thử một phương thuốc dân gian là ăn mật của động vật vì nó sẽ ngăn bệnh tăng nhãn áp phát triển. Vì vậy, cha tôi đi khắp nơi tìm mua mật về cho mẹ.

Mẹ tôi nói rằng miệng mẹ lúc nào cũng có vị đắng của mật. Túi mật động vật có vị đắng rất khủng khiếp. Trong khi đó, mỗi gia đình chỉ được phân phát 1 kg đường mỗi tháng, và chúng tôi phải hòa đường với sữa cho em út uống. Chúng tôi cũng không có tiền để mua kẹo, nên mẹ tôi phải cố gắng chịu đau vì vị đắng của mật.

Mật động vật trì hoãn sự tiến triển bệnh mắt, nhưng quá nhiều mật đắng lại khiến dạ dày của mẹ bị thương tổn. Tất cả các chất dịch trong dạ dày của mẹ bị khô cạn, vì thế mẹ tôi lúc nào cũng bị đau dạ dày. Cho dù có ăn hay không, thì hằng ngày mẹ tôi đều phát ra tiếng ợ nhiều lần – giống như tiếng ngỗng kêu của nhà hàng xóm.

Khi chúng tôi đi dạo cùng nhau, tiếng ợ của mẹ khiến người khác kinh ngạc. Lúc đó, tôi vẫn còn nhỏ và không hiểu chuyện, nên mỗi khi nghe mẹ ợ hơi, tôi liền nói: “Mẹ ơi, đừng ợ nữa, nghe thấy xấu hổ lắm.”

Mẹ tôi thường nôn ra dịch axit trong dạ dày khiến cho đôi giày đen nhung của mẹ chuyển sang màu tía.

Khi mẹ tôi ngoài 50 tuổi, một hôm bà bị ngã và gãy xương cổ tay. Một lần khác, khi bà đang nấu ăn thì té xuống sàn và bị gãy xương đùi.

Kiểm tra y tế chẩn đoán bà mắc chứng loãng xương nặng với các đầu khớp xương trông như tổ ong. Bác sỹ nói với tình huống này nếu không cẩn thận mẹ tôi có thể bị liệt.

Đối diện với tình trạng bi thảm của mẹ, cả nhà tôi cảm thấy u ám buồn phiền như mây đen bao phủ. Chúng tôi không còn cách nào khác, ngoài việc luôn chăm sóc bà cẩn thận, chẳng hạn như lúc bà đi mua sắm hay tắm gội, chúng tôi gắng hết sức để giúp bà tránh gặp phải bất kỳ tai nạn nào.

Suốt thời gian đó, mẹ tôi hiếm khi cười. Thậm chí tôi cũng chẳng thể nhớ được lúc mẹ tôi cười trông ra sao. Trong trí nhớ của tôi, mẹ thường ở trong bệnh viện và năm anh em chúng tôi thay phiên nhau vào chăm sóc mẹ trong viện.

Bởi thị lực của mẹ kém, cha tôi phải đảm nhiệm việc nấu ăn cho gia đình. Tôi khi đó lên 10, và chị cả 12 tuổi phải gánh vác việc nhà và làm áo khoác và quần vải sợi bông cho cả nhà.

Dễ dàng từ bỏ chứng nghiện thuốc lá suốt 50 năm

Mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998, và từ đó đến nay, rất nhiều kỳ tích đã xuất hiện.

Mẹ tôi hút thuốc lá từ năm bà 11 tuổi. Khi được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương ở độ tuổi 65, bác sỹ liên tục cảnh báo bà phải bỏ hút thuốc, vì nó có thể làm bà bị liệt.

Bà cố gắng cai bỏ thuốc. Từ lúc xuất viện về nhà, trong bảy ngày đầu, ban ngày bà cảm thấy bình thường, nhưng vào buổi tối, bà không thể ngủ được nếu không hút thuốc. Mẹ tôi nói rằng ngay cả xương bà cũng ngứa ngáy khó chịu. Vì không muốn chúng tôi bị thức giấc, nên mẹ không bật đèn, cứ một mình đi đi lại lại trong nhà, về cơ bản là nửa đêm không ngủ.

Mẹ tôi kiên trì không hút thuốc trong bảy ngày đêm. Bà trở nên rất ốm yếu. Mối quan hệ của cha mẹ tôi rất tốt và họ chưa bao giờ cãi nhau. Cha tôi không thể chịu đựng khi thấy mẹ tôi đau đớn và nói: “Tôi biết bà đang trải qua thời điểm thực sự khó khăn. Tôi rất đau lòng nếu bà cứ tiếp tục như thế. Hay là bà chỉ hút một điếu vào đêm nay thôi, rồi ngày mai hãy cai?”

Cha tôi không bao giờ hút thuốc, nên ông không biết việc cai thuốc sẽ khó đến độ nào. Nghe những lời cha nói, mẹ tôi thấy nó như một chỉ lệnh nên ngay lập tức hút thuốc trở lại.

Không may, bà nghiện thuốc còn nặng hơn và hút nhiều gấp đôi so với trước đây. Mẹ tôi nói: “Mẹ không có động lực để cai thuốc nữa. Tê liệt thì tê liệt, mẹ chấp nhận hết.”

Mẹ tôi sống trong lo lắng sợ hãi. Không ai có thể ngờ rằng mẹ tôi có thể hoàn toàn cai bỏ thuốc lá sau khi tu luyện Pháp Luân Công chỉ trong vòng năm ngày.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp một thời gian, một hôm mẹ già 75 tuổi của tôi ở nhà một mình và nhìn thấy một bao gạo 25kg mới mua để trên sàn nhà. Vì nó ngay trên đường đi nên mẹ tôi nghĩ: “Mình sẽ dời cái bao gạo lên ghế.”

Bà nói: “Sư phụ, xin giúp con!” Sau đó bà có thể nhấc bao gạo một cách dễ dàng và đặt nó lên ghế.

Bình an sau tai nạn xe cộ

Mùa hè năm 2010, khi đó là 77 tuổi. Một buổi sáng trời mưa, mẹ cùng chị cả của tôi đi chợ. Khi họ đang băng qua đường, một cô gái chạy xe máy lao về hướng họ và đâm vào mẹ tôi hất bà văng xa khoảng bốn mét.

Mẹ tôi, cô gái, và chiếc xe máy thảy đều bị ngã. Cô gái bò ra từ bên dưới chiếc xe máy và đứng lên đi thẳng đến chỗ mẹ tôi. Cô ấy khóc và đỡ mẹ tôi dậy.

Cô ấy ôm và lay lay mẹ tôi, nước mắt giàn giụa và nói: “Dì ơi, tất cả là lỗi tại cháu. Dì hãy mau tỉnh lại đi. Cháu phải làm gì bây giờ?”

Không lâu sau, mẹ tôi tỉnh lại và hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy?”

Cô gái rất vui mừng khi thấy mẹ tôi tỉnh lại và nói một cách lo lắng: “Dì ơi, cháu đã đụng phải dì . Bây giờ dì cảm thấy trong người thế nào? Chúng ta đến bệnh viện nhé.”

Lúc đó mẹ tôi rất tỉnh táo và nói với cô gái: “Cháu đừng sợ. Dì không vòi tiền cháu đâu. Dì là một học viên Pháp Luân Công. Cháu hãy đi đi.”

Cô gái kinh ngạc và không thể tin những gì mình vừa nghe được: “Dì nói gì ạ?”

Mẹ tôi lặp lại những gì bà nói.

Sau đó cô gái hỏi: “Thật chứ ạ?”

Khi cô gái hiểu ra điều mẹ tôi nói, cô ấy liền đứng dậy, kéo chiếc xe máy lên và chạy thẳng một mạch.

Cô gái quay về ký túc xá của mình, gọi điện cho mẹ của cô và kể lại những gì đã xảy ra. Mẹ cô gái khiển trách: “Con có còn là người hay không? Con đụng phải bà cụ, vậy mà thậm chí còn không vựng bà dậy mà liền bỏ đi sao? Làm sao con có thể ngủ ngon được? Con đã quên những gì xảy ra với chúng ta cách đây vài năm trước rồi sao?”

Người mẹ nhắc lại câu chuyện bà của cô gái đã bị xe hơi tông vào tám năm trước. Tài xế bỏ chạy khiến cho bà của cô gái bị liệt đến giờ.

Cô gái giải thích cho mẹ cô: “Lúc đó con không biết phải làm gì và nghĩ có lẽ bà ấy hơi lẩm cẩm. Bà ấy nói sẽ không vòi tiền con, nhưng con sợ bà ấy sẽ làm thế khi bà tỉnh táo trở lại, nên con chạy đi.”

Mẹ cô gái rất thiện lương và nói: “Con nên chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn. Con có thể bỏ chạy khỏi vụ tai nạn, nhưng con không thể chạy trốn lương tâm của mình được.”

Điều này đã khiến cô gái vô cùng xúc động. Ngày hôm sau, cô đứng gần nơi mà cô đụng phải mẹ tôi và đợi chúng tôi đến.

Vào ngày xảy ra tai nạn, cô ấy nghe giọng một người phụ nữ – chị của tôi – không ngừng la hét: “Mẹ! Mẹ! Mẹ!” Cô ấy chỉ nhìn mặt mẹ tôi và lay bà dậy, nên không nhìn thấy chị tôi trông ra sao.

Cô gái hỏi từng người phụ nữ trung niên từ độ tuổi 40 và 50, những người qua đường: “Có phải cô là con gái của bà cụ bị cháu tông vào hôm trước không ạ?”

Trong năm buổi sáng liên tiếp, cô ấy cứ hỏi những người phụ nữ cùng một câu như thế cho đến khi chị tôi xuất hiện vào ngày thứ năm. “Cô ơi, mẹ cháu nói sẽ không cho cháu vào nhà nếu cháu không tìm ra được bà cụ đã bị cháu tông hôm nọ,” cô ấy nói.

Cô gái kể cho chị tôi những gì đã xảy ra sau khi cô tông trúng mẹ tôi. Cô gái mua quà biếu mẹ tôi và đến tận nhà thăm bà. Khi thấy mẹ tôi bình an vô sự, cô ấy mừng rỡ và liên tục xin lỗi: “Xin lỗi dì. Cám ơn dì đã tha lỗi cho cháu.”

Mẹ tôi nói với cô ấy: “Nếu dì không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, dì không chết thì cũng bị tàn phế sau vụ tai nạn như thế. Dì bị loãng xương trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bác sỹ nói dì có thể bị tàn tật nếu chẳng may bị ngã, chứ đừng nói đến là bị xe máy tông vào người. Nếu con cái của dì không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, họ sẽ không để cháu rời đi một cách dễ dàng như vậy đâu. Vậy nên cháu hãy biết ơn Sư phụ của dì bởi Ngài đã giúp dì vượt qua đại nạn.”

Mẹ tôi nói chân tướng Đại Pháp với cô gái và khuyên cô thoái xuất khỏi Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên.

Tín Sư tín Pháp giúp cha tôi vượt qua ma nạn

Mùa hè năm 2003, cha tôi bị ngã và được đưa vào bệnh viện. Bác sỹ nói rằng toàn bộ não phải của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn đột quỵ và yêu cầu ông không được di chuyển và mà phải nằm một chỗ trên giường.

Cha tôi lo sợ cho sự an nguy sinh mạng nên ông làm theo những gì bác sỹ nói và nằm im trên giường. Ông nằm yên như thế qua đêm, nhưng sáng hôm sau mắt ông đẫm lệ. Bác sỹ thông báo chúng tôi đưa ông đến khu vực chăm sóc đặc biệt.

Lúc đó, mẹ tôi ngộ ra được một điều: Ông ấy là học viên. Mặc dù không tu luyện tinh tấn, nhưng ông ấy được Sư phụ bảo hộ, làm sao chúng ta có thể để ông ở lại bệnh viện điều trị? Tại sao chúng ta không tin tưởng Sư phụ?

Mẹ tôi tin rằng cha tôi nên trở về nhà và tu luyện. Kết quả là bà không đồng ý với các bác sỹ và y tá về quyết định đưa cha tôi vào khu vực chăm sóc đặc biệt.

Mẹ tôi nói với chúng tôi về việc đưa cha tôi ra khỏi bệnh viện và điều này khiến họ hàng phản đối. Họ nói rằng cha tôi đang trong tình trạng nguy kịch và có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Một bác sỹ cầm một tờ đơn trách nhiệm và hỏi: “Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu tính mạng của ông ấy gặp nguy hiểm và không chuyển vào khu vực chăm sóc đặc biệt?”

Mẹ tôi tuyên bố đanh thép: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm.”

Họ hàng của chúng tôi rất bất bình, nhưng mẹ tôi lại vô cùng điềm tĩnh. Bà biết rằng bác sỹ không thể chữa khỏi cho cha tôi bởi chỉ có Sư phụ mới có thể quản người tu luyện Đại Pháp. Bà vô cùng rõ ràng rằng cha tôi chắc chắn sẽ chết nếu chúng tôi dựa vào bệnh viện điều trị.

Họ hàng của chúng tôi không phải là học viên, do đó họ không muốn chúng tôi đưa ông ra khỏi bệnh viện. Dù sao thì chúng tôi quyết định đưa cha về nhà và đợi một cơ hội khác.

Khoảng 4 giờ sáng ngày thứ ba, thì cha, mẹ, em gái, và tôi bàn bạc về việc ra khỏi bệnh viện khi những người họ hàng của chúng tôi tranh thủ đi nghỉ ngơi. Bởi cha tôi do tu luyện không kiên định, học Pháp không nhiều nên ban đầu khăng khăng đòi ở lại. Tuy nhiên sau khi mẹ chia sẻ dựa theo Pháp, cha tôi cuối cùng cũng hiểu rằng chỉ có Sư phụ mới có thể cứu cha, bởi vậy ông đã đồng ý rời bệnh viện.

Khi về nhà, chúng tôi cùng nhau học Pháp giao lưu. Cha tôi dường như trở thành một con người khác và tinh thần phấn chấn. Chúng tôi gọi cho tất cả bà con họ hàng và thông báo với họ chúng tôi đã về nhà và cha tôi đã phục hồi. Hết thảy họ đều kinh ngạc không thôi.

Sự kiên định tín Pháp của mẹ tôi đã làm đảo lộn những suy nghĩ và ý kiến của những ai đã từng chứng kiến những gì cha tôi đã trải qua tại bệnh viện. Nó cũng khiến nhiều người sửng sốt.

Trong những năm gần đây, mẹ tôi cũng vài lần vượt quan nghiệp bệnh. Mỗi lần như thế, cuối cùng bà đều bình an. Lúc đầu, họ hàng còn cố gắng khuyên bà đi khám bác sỹ, nhưng bà nhất mực không đi và nói với họ lý do. Sau này, khi mẹ tôi lại bị nghiệp bệnh, không ai còn đề nghị bà đi khám bác sỹ nữa mà thay vào đó liền bảo bà: “Hãy mau mau học Pháp và phát chính niệm đi!”

Phản bức hại và giải cứu học viên

Ban đầu gia đình tôi và họ hàng thân thích vốn có 16 người tu luyện Đại Pháp. Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc điên cuồng bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, đại bộ phận họ không dám tiếp tục tu luyện nữa, chỉ có cha mẹ, tôi và em gái là tiếp tục tu luyện.

Khi cuộc bức hại mới bắt đầu, bởi vì chúng tôi không đủ minh bạch các Pháp lý, nên các chị em tôi đều liên tục bị bắt giữ khi làm việc chứng thực Pháp.

Cha mẹ đã phải vất vả để giải cứu chúng tôi. Tháng 12 năm 2005, khi em gái út của tôi bị phòng an ninh thành phố bắt giữ, chúng tôi đi đến hết thảy các phòng ban chính quyền liên quan để khiếu nại nhưng không ai chịu lắng nghe. Những ngày đó, mỗi ngày chúng tôi đều đi đến Cục An ninh thành phố và yêu cầu trả tự do cho em út.

Cục an ninh chặn chúng tôi lại, không cho bước vào tòa nhà, vì thế chúng tôi phải đứng đợi bên ngoài. Họ mặc kệ chúng tôi đứng bên ngoài suốt cả buổi sáng. Tháng 12 là thời điểm lạnh nhất trong năm ở phương bắc của Trung Quốc.

Hơn nữa, cục an ninh còn nằm bên bờ sông nên gió lạnh thấu xương. Dù chúng tôi đi những đôi giày vải dày cộp nhưng vẫn tê cóng khi đứng bên bờ sông. Chân chúng tôi bị đóng băng và đau. Mẹ tôi, dù đã bảy mươi mấy tuổi, nhưng lần nào bà cũng đi cùng với chúng tôi. Nó quả thực không hề dễ dàng. Chúng tôi đến đó hàng ngày suốt cả tháng cho đến khi bốn đồng tu được trả tự do.

Năm 2012, em út của tôi bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não. Mẹ tôi đến Phòng 610 địa phương để giảng chân tướng về Pháp Luân Công và yêu cầu họ thả em tôi ra. Bà nói với trưởng Phòng 610: “Xem ra cậu cũng trạc tuổi con trai tôi và còn khôi ngô nữa. Trông cậu không giống những người chuyên làm điều xấu.”

Vị trưởng phòng đó hỏi mẹ tôi: “Cháu đã làm gì xấu nào?”

Mẹ tôi giải thích: “Cậu đã làm điều xấu khi bắt giữ các học viên Pháp Luân Công. Nhiều người biết rằng vị trí tại Phòng 610 là vị trí tử, nên tôi khuyên cậu hãy từ bỏ công việc này đi. Nếu cậu tiếp tục làm, sẽ là điều đáng buồn cho mẹ cậu, người đã sinh ra cậu và cho cậu một dung mạo khôi ngô như vậy.”

Để em tôi được thả, mẹ tôi đã làm việc bất kể ngày đêm. Sau đó, họ đưa em tôi đến trung tâm tẩy não ở thủ phủ của tỉnh Cát Lâm. Mẹ tôi đi theo và yêu cầu chính quyền ở đó thả em tôi ra.

Đường xá đi lại giữa nhà tôi với trung tâm tẩy não rất không thuận lợi, nhưng mẹ tôi đến đó vài ngày một tuần. Cuối cùng, lãnh đạo trung tâm tẩy não cho phép mẹ tôi được nhìn em tôi qua một cái cửa sổ với khoảng cách chừng 10 mét, và nói rằng đó là điều hết mức mà họ có thể làm được trong khả năng của mình. Hai tuần sau, khi em tôi bị chuyển đến trung tâm tẩy não ở một huyện khác, mẹ tôi vẫn đi theo yêu cầu thả người cho đến khi em tôi được trả tự do.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hòa hảo

Trước khi mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Công, bà có mâu thuẫn với chị dâu tôi. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, mẹ tôi đã thay đổi quan niệm. “Mẹ không nên để tâm và than phiền về chị dâu của con cho dù cô ấy đã gây ra bao nhiêu rắc rối,” mẹ tôi nói. “Mẹ cũng phải chịu trách nhiệm cho mối quan hệ không tốt đẹp giữa mẹ và cô ấy.”

Mẹ tôi cố gắng đáp ứng từng đòi hỏi của chị dâu và bù đắp cho những tổn thương mà chị đã phải chịu đựng lúc trước. Mẹ tôi xin lỗi chị ấy một cách chân thành, vốn là điều khó có thể xảy ra trước đây.

Bà nói: “Bây giờ mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cho nên mẹ phải đối xử tốt với mọi người. Sư phụ đã giảng: “người tu luyện không coi người nào là kẻ thù cả” (Chuyển Luân hướng thế gian, Tinh Tấn Yếu Chỉ III), vì thế mẹ phải để cho chị dâu của con được thấy vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.”

Sự chân thành của mẹ tôi đã dần dần cảm hóa chị dâu, nên chị ấy cũng cải biến. Sau khi cha tôi qua đời, chị dâu mời mẹ tôi đến nhà chị ấy ở lại một tuần và tận tình chăm sóc cho mẹ. Chị ấy nấu canh, và những món rau và thịt cho từng bữa cơm trong suốt thời gian mẹ tôi ở đó. Chỉ trong vòng một tuần, mẹ tôi đã lên cân và da dẻ hồng hào. Lần đầu tiên trong cuộc đời, mẹ tôi nhận được sự tôn trọng thích đáng từ con dâu đối với mẹ chồng.

Mẹ tôi thường tâm sự với những người quen và bạn bè của mình rằng: “Nếu không có Pháp Luân Đại Pháp, cuộc đời tôi sẽ không được như ngày hôm nay. Pháp Luân Đại Pháp đã cải biến tôi và con dâu. Đại Pháp đã cải biến tôi, từ một người mẹ chồng xấu tính hay than phiền về con dâu thành một người mẹ chồng tốt được yêu quý và tôn trọng.”

Kể từ đó, mỗi khi chúng tôi họp mặt gia đình tiệc tùng, thì chị dâu tôi luôn luôn vào bếp nấu nướng. Chị nói: “Chị đã kết hôn hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ tận hưởng không khí đầm ấm của gia đình như hiện giờ. Chị rất hạnh phúc. Tất cả là nhờ Pháp Luân Đại Pháp, chính Pháp Luân Đại Pháp đã mang đến những phúc báo này cho chúng ta.”

Không chỉ một lần chị dâu tôi chia sẻ cảm nhận của mình với bốn người anh rể của tôi rằng: “Chúng ta có một gia đình hạnh phúc như vậy, tất cả là nhờ Pháp Luân Đại Pháp. Tất cả chúng ta cần nhớ kỹ rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo.”

Mẹ tôi thường nói với sự cảm kích sâu sắc: “Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ thường xuyên có mâu thuẫn với con dâu của mình.” Mâu thuẫn kéo dài suốt 32 năm giữa mẹ tôi và chị dâu đã được thiện giải nhờ tu luyện Đại Pháp.

Nhân dịp Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 19 và cũng là ngày sinh nhật Sư tôn, đệ tử cung chúc Sư tôn sinh nhật vui vẻ!

Chúng sinh khắp trời đất cùng nhau chúc mừng 26 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền thế gian!

(Bài viết gửi nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/5/16/365147.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/5/31/170598.html

Đăng ngày 19-6-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share