Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-6-2018] Sáu cư dân ở hai tỉnh tại Trung Quốc đã bị kết án tù vì không từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đang bị chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp.
Ông Triệu Nghĩa Quân, ông Mã Chiêm Quốc, ông Dương Miểu, bà Triệu Hiểu Lộ và bà Ngô Hiểu Kiều đã bị bắt vào ngày 5 tháng 10 năm 2016; và bị xét xử vào ngày 11 tháng 4 năm 2017.
Bà Cung Ngọc Chi bị bắt giữ tại nhà vào khoảng nửa đêm ngày 18 tháng 1 năm 2017. Sáng hôm sau, chồng bà trở về nhà sau khi làm việc ca đêm thì thấy cửa trước nhà mình mở toang và vợ ông đã biến mất. Bà Cung đã bị đưa ra tòa vào ngày 2 tháng 5 năm 2017.
Ngoại trừ bà Cung là cư dân thành phố Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, năm học viên khác đều đến từ thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc.
Phiên tòa của các học viên đều do một thẩm phán của Tòa án quận Hãn Phủ tại thành phố Hãn Châu xét xử. Ông ta đã kết án tù họ vào khoảng tháng 4 năm 2018.
Bà Cung đã bị kết án 6 năm, bà Triệu 4 năm, ông Triệu và ông Dương mỗi người 3 năm, ông Mã 2 năm 10 tháng, và bà Ngô 2 năm 8 tháng. Mỗi người trong số họ cũng phải nộp phạt 5.000 nhân dân tệ.
Tất cả các học viên đã đệ đơn kháng cáo, nhưng Tòa án Trung cấp thành phố Hãn Châu đã ra phán quyết giữ nguyên án tù của họ. Các học viên nữ đã bị đưa đến Nhà tù Du Thứ, còn học viên nam bị đưa đến Nhà tù huyện Kỳ. Cả hai nhà tù đều ở tỉnh Sơn Tây.
Gia đình bà Cung không hề được thông báo về bản án của bà hay nhà tù [nơi bà bị giam giữ]. Chồng và con gái của bà Ngô không được phép gặp bà trước khi bà bị chuyển đến nhà tù.
Thẩm phán thừa nhận không đủ thẩm quyền
Sau vụ bắt giữ sáu học viên, các học viên Pháp Luân Công ở thành phố Trương Gia Khẩu và Hãn Châu đã nhiều lần đến thăm các cơ quan liên quan ở thành phồ Hãn Châu để kêu gọi chính quyền thả các học viên đang bị giam giữ. Sáu luật sư của các học viên cũng đã cùng nhau làm việc để biện hộ vô tội cho họ, vì không có luật pháp nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, các học viên đã bị kết án mặc dù vô tội. Thẩm phán Lữ của phiên xét xử sơ thẩm đồng ý với gia đình các học viên rằng những bản án ông đưa ra là nặng nề, nhưng ông thừa nhận rằng không thể làm gì khác. Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, hệ thống tư pháp của Trung Quốc thường được sử dụng như một con dấu khống để đưa ra các bản án đã được định sẵn.
Thẩm phán Lữ đã từ chối gặp lại các gia đình khi họ cố gắng đến gặp ông ta sau khi nhận được phán quyết của tòa phúc thẩm. Ông ta nói với họ qua điện thoại: “Vụ án đã chấm dứt. Nếu các người không vừa lòng, cứ kiện tôi!”
Gia đình tan vỡ
Việc bắt giữ và cầm tù các học viên đã khiến gia đình họ bị phá hủy khi phải chịu cả những tổn hại về tinh thần lẫn tổn thất kinh tế.
Gia đình ông Mã Chiêm Quốc bị suy sụp nặng nề sau khi ông bị bắt giữ, cầm tù. Cha ông, cụ Mã Đăng Khoa, bị huyết áp cao và bị đột quỵ sau khi con trai bị bắt. Cụ già đã phải nhập viện hai lần, nhưng ngay sau khi được xuất viện, cụ lại ra ngoài để gom phế liệu vì muốn kiếm thêm một số tiền để giúp đỡ gia đình con trai mình.
Ngày 29 tháng 3 năm 2018, bố ông Mã đặc biệt đau buồn sau khi ông cụ bị từ chối không cho vào thăm con trai. Sau khi trở về quê nhà ở thành phố Trương Gia Khẩu, ông cụ lại ra ngoài đi nhặt phế liệu nhưng không bao giờ trở lại nữa. Vào ngày 31 tháng 3, vợ và con dâu ông phát hiện ông đã chết trong một đống rác. Hộp sọ của ông bị vỡ. Không rõ chuyện gì đã xảy ra và cướp đi mạng sống của ông cụ.
Bản Tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/18/369973.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/21/170846.html
Đăng ngày 27-6-2018. Bản dịch có thể được hiệu đính trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.