Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-06-2018] Ngày 28 tháng 5 năm 2018, 15 cảnh sát đã đột nhập vào cửa hiệu tạp hóa của ông Lý Mộc Đóa và bắt giữ ông. Các học sinh đi mua sắm ở cửa hiệu của ông đã báo ông với cảnh sát vì nói với họ về Pháp Luân Công.

Cảnh sát đưa ông Lý, người tu luyện Pháp Luân Công, tới trại tạm giam, nhưng kết quả khám sức khỏe cho thấy ông không đủ sức khỏe để ở trại giam: huyết áp trên 200, có nghĩa là ông có nguy cơ đột quỵ và đau tim cao. Mặc dù trại tạm giam từ chối nhận ông nhưng cảnh sát vẫn không thả ông. Họ đưa ông tới Bệnh viện Quân y 198 và giữ ông ở đó.

Khi tìm kiếm tung tích của ông Lý, vợ ông là bà Chu Huệ Trân bị chỉ dẫn cho đi đi lại lại giữa đồn cảnh sát và trại tạm giam. Bà phải mất bốn ngày mới tìm ra ông Lý đang ở trong bệnh viện quân y. Trong khi bà Chu đang tìm mọi cách để đòi tự do cho ông thì bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 8 tháng 6 năm 2018, và giam bà ở Trung tâm Tẩy não Tân Quân.

Bị học sinh báo cảnh sát

Một tuần trước vụ bắt giữ ông Lý, Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng Phòng 610 ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, đã ra lệnh cho các trường học địa phương phát các tài liệu tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công cho học sinh và giáo viên.

Các cán bộ Trường Trung học Số 8 đã tập trung các học sinh và lặp lại những lời vu khống Pháp Luân Công. Không lâu sau đó, các học sinh đã báo ông Lý với các giáo viên chủ nhiệm, rồi những giáo viên này lại đã báo ông với cảnh sát, khiến ông mới đây lại bị bắt giữ và giam cầm.

Đây là lần thứ tư ông Lý bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Ông còn bị giam một năm ở trại lao động cưỡng bức vì thỉnh nguyện ở Bắc Kinh đòi quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị thường xuyên cảnh sát tra tấn nhằm ép buộc ông từ bỏ đức tin.

Ông trở nên hốc hác và rất yếu sau khi bị tra tấn, không đi lên nổi một đợt thang. Một tù nhân cùng trại một lần đã đánh ông vào tim bằng cùi chỏ của anh ta, khiến ông bất tỉnh. Dù đã ra trại nhiều năm nhưng thỉnh thoảng, ông vẫn bị đau ngực và chảy máu dạ dày.

Vì chính sách liên đới của cuộc bức hại, gia đình bố mẹ ông Lý và nhà của bác ông đã bị cảnh sát lục soát. Họ còn giữ bác ông làm con tin ở trại tạm giam và tống tiền 2.000 tệ rồi mới thả ông ra. Trong khi đó, cảnh sát đã ra lệnh cho bố của ông Lý báo cáo với ủy ban dân phố hàng ngày, dù cho nắng hay mưa. Cuộc bức hại đã khiến cha ông căng thẳng tới mức thường bị nôn ra máu, cuối cùng đã qua đời vào năm 2005.

Vắt kiệt tài chính

Khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, đã ra lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Cảnh sát tất nhiên đã bức hại tài chính ông Lý.

Vào năm 2000, trong khi ông Lý bị giam tại Trại giam Sâm Châu vì thỉnh nguyện Pháp Luân Công, cảnh sát đã lục soát nhà ông hai lần. Họ tịch thu toàn bộ sách Pháp Luân Công của ông, toàn bộ tiền bạc, và sổ tiết kiệt trị giá 30.000 tệ. Khoản tiền gửi đó được bảo vệ bằng mật khẩu, nhưng cảnh sát đã lấy ảnh của ông Lý và vợ ông, giả mạo chứng minh của họ để rút hết số tiền.

Sau khi ông Lý được thả, chủ cửa hàng của ông đã bị chính quyền gây sức ép và phải sa thải ông. Vì không còn thu nhập và bị cảnh sát tịch thu hết tiền tiết kiệm nên ông đã trở nên khánh kiệt.

Để nuôi gia đình, ông Lý đã mở một cửa hàng tạp hóa gần trường vào năm 2017. Ngôi trường đó có nhiều học sinh khó bảo, thường hay đánh nhau, bỏ học, và ăn trộm những cửa hàng quanh đó. Ông thường nói chuyện với các học sinh về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công và khuyên chúng trở thành người tốt. Một học sinh đã từ bỏ ý định bỏ nhà ra đi sau khi nói chuyện với ông.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/11/368673.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/18/170815.html

Đăng ngày 26-6-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share