Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 7-1-2017] Ở một ngôi làng xa xôi thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có một cây cầu gọi là “Cầu Pháp Luân Công”. Nó được đặt tên như vậy bởi vì các học viên Pháp Luân Công trong ngôi làng đó đã tình nguyện sửa chữa cây cầu này vào năm 2011. Mọi người trong các ngôi làng lân cận trong vòng bán kính hơn mười dặm đều biết về sự việc này.

Năm 2011, lũ lụt đã phá hỏng cây cầu nằm trên con đường giao thông chính của ngôi làng. Các phương tiện giao thông đi lại qua đó vô cùng khó khăn. Có một xe buýt chở hơn 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 hàng ngày đều phải đi qua đoạn đường này. Tuy nhiên, mỗi khi đi lên cầu thì xe buýt bị trượt không thể đi qua được, do đó các em học sinh phải xuống xe và cùng đẩy xe buýt vượt qua đoạn cầu bị hỏng đó.

Cây cầu bị hỏng hơn 1 tháng mà không có ai quan tâm tới nó. Một số xe ô tô con có gầm thấp khi đi qua đó cũng bị kẹt và khiến gầm xe bị hỏng.

Các học viên Pháp Luân Công trong làng thấy sự việc như vậy liền bàn với nhau để sửa chữa cây cầu. Có tất cả 7 học viên, trong đó có 5 người là phụ nữ, người lớn tuổi nhất đã ngoài 70 tuổi. Mọi người đều đồng ý tình nguyện tham gia sửa chữa cây cầu, và họ bắt tay vào làm việc ngay ngày hôm sau. Việc sửa chữa bắt đầu bằng việc vận chuyển ống nước bằng xi-măng, cát và sỏi đến địa điểm đó.

Ngày tiếp theo, khoảng 4-5 người trong làng cùng tham gia múc bùn ra khỏi rãnh và hạ ống nước bằng xi-măng xuống đó. Các học viên đã thuê một xe tải để chở cát tới và mua ống nước bằng tiền của họ. Cây cầu đã được sửa chữa xong với tổng chi phí là 700 nhân dân tệ (khoảng 110 đô la Mỹ).

Trong lúc sửa chữa cây cầu, có rất nhiều lái xe và khách bộ hành đi ngang qua đã hỏi họ rằng đơn vị nào tài trợ cho việc này vậy. Những người dân làng ở đó trả lời rằng các học viên Pháp Luân Công đã tự bỏ tiền ra để sửa chữa cây cầu. Một người nói: “Pháp Luân Công thật tốt. Các học viên đã tự bỏ tiền ra để sửa cầu cho chúng ta. Chúng ta nên cảm tạ Pháp Luân Công.”

Nghe thấy vậy, các lái xe và khách bộ hành đều cảm động. Một người khác lại nói: “Pháp Luân Công thật là tuyệt vời. Cảm ơn các bác đã sửa lại cây cầu này cho chúng tôi. Các bác đã làm việc vất vả quá. Các quan chức địa phương chẳng hề quan tâm tới cây cầu này mặc dù đó là nhiệm vụ của họ.”

Vào ngày cây cầu được sửa chữa xong, xe buýt của trường học quay lại ngôi làng lúc 3 giờ chiều. Người lái xe đã vô cùng vui mừng bước xuống xe và hỏi: “Việc sửa chữa cây cầu này hết bao nhiêu tiền vậy? Tôi xin được trả toàn bộ chi phí.” Một học viên Pháp Luân Công đã nói rằng không cần đâu.

Người lái xe nói: “Tôi đã đến cơ quan huyện và yêu cầu lãnh đạo huyện cũng như phòng giáo dục sửa chữa cây cầu. Họ nói với tôi rằng tôi phải đi gặp cán bộ của làng. Tôi lại tiếp tục đi gặp lãnh đạo của làng, nhưng họ chẳng quan tâm, cứ như thể không có vấn đề gì hết vậy. Tôi đã lo lắng tới mức trong mơ cũng nghĩ đến cây cầu này. Giờ đây các bác đã sửa chữa nó xong rồi. Tôi thật vô cùng cảm ơn các bác. Tôi không còn phải lo lắng về nó nữa rồi.”

Người dân trong làng gọi cây cầu này là “Cầu Pháp Luân Công”, cái tên này đã được truyền tới cả các ngôi làng khác. Người dân trong vòng bán kính mười mấy dặm xung quanh đó đều biết đến câu chuyện này.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi cây cầu được các học viên Pháp Luân Công sửa chữa lại. Nó vẫn bình yên vô sự mặc dù con đường ở cả 2 phía của cây cầu đều đã từng bị lũ lụt phá hỏng nhiều lần.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/7/340493.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/8/161058.html

Đăng ngày 9-2-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share