Bài viết của một học viên phương Tây

[MINH HUỆ 01-10-2014] Trong suốt những năm làm điều phối viên cho một số hạng mục khác nhau và phối hợp với các điều phối viên khác, tôi đã đề cao trong tu luyện nhờ việc đọc các bài viết trong mục Văn hoá Truyền thống trên Minh Huệ, đặc biệt là các bài học lịch sử về những vị hoàng đế và quan lại anh minh, cũng như những ông vua bại hoại và tham quan vô lại. Tôi nhận thấy những bài học này rất hữu ích cho công việc hằng ngày trong giới kinh doanh của tôi và giúp tôi tự nhiên khi giảng chân tướng cho các đồng nghiệp và khách hàng.

Vào thời Trung Quốc cổ đại, đã có nhiều vị hoàng đế rất thành công trong việc cai trị đất nước, ví dụ như vua Đường Thái Tông, hay những vị quan tài đức vẹn toàn như tể tướng Ngụy Trưng.

Khi xuất hiện thiên tai, nhân họa, những vị này đều hướng nội để tìm nguyên nhân, đồng thời yêu cầu thuộc cấp chỉ ra những điều không đúng đắn trong cách trị quốc của họ. Theo họ, khi có điều không hay xảy đến thì tất yếu phải có nguyên nhân đằng sau nó, vậy nên ngoài những hành động mang tính kỹ thuật ra, họ cũng tìm đến những người xung quanh để được tư vấn nhằm xây dựng một tiến trình cho tương lai, thay vì quyết định một mình.

Theo quan điểm của tôi, cách hành xử của họ dựa trên những nguyên lý chân chính và nhằm mục đích thu thập những ý kiến tốt nhất từ mọi người, đồng thời thúc đẩy nhiệt huyết của các quan lại cấp dưới trong khi thực thi công việc.

Những vị hoàng đế này tạo ra môi trường cởi mở, trong đó bản thân họ cũng có thể bị phê bình, thay vì tạo ra toàn những kẻ chỉ biết tuân lệnh hay những quan lại chỉ mang lại tai hoạ cho xã tắc. Những kẻ như thế chỉ khiến hoàng đế đắm chìm trong dục vọng, không còn khả năng phân biệt đúng sai, thậm chí còn vùi dập những người tốt và những sáng kiến mang lại lợi ích.

Những vị hoàng đế anh minh này chọn ra những người tài đức nhất (những người “thông thái” theo cách diễn giải của sử gia Tư Mã Quang) để điều hành đất nước. Các cơ chế được thiết lập cũng nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người tài có cơ hội được làm quan.

Cần phải nói thêm rằng, vào thời đó, trái lệnh hoàng đế, hay chỉ đơn thuần là bất kính với hoàng đế, đều có thể bị xử trảm. Vậy nên việc một vị hoàng đế tạo ra môi trường cởi mở dựa trên sự tin tưởng như vậy không phải là một việc tầm thường trong bối cảnh của những luật định về thứ bậc và phép tắc.

Còn đối với những vị quan đức hạnh, lòng trung thành của họ với quốc gia và hoàng đế vượt trên cả sự chỉ trích. Những góp ý của họ hoàn toàn không mang động cơ của sự ích kỷ, tham lam hay mưu cầu danh lợi và đấu tranh quyền lực; chúng xuất phát từ mong muốn đem lại lợi ích thiết thực cho triều đình và bách tính. Vì thế mà những đóng góp của họ dễ dàng được chấp nhận.

Vào những thời kỳ mà triều đình được điều hành bởi những vị hoàng đế anh minh và tướng tài, lịch sử luôn ghi nhận đó là những triều đại thịnh trị nhất.

Ngược lại, khi hoàng đế không muốn nghe lời can gián mà lại trọng dụng nịnh thần, tham quan, triều đại đó sẽ tất suy yếu và tiêu vong.

Trên đây chỉ là hiểu biết của tôi khi đọc chuyên mục Văn hoá Truyền thống trên trang Minh Huệ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng còn nhiều điều nữa mà chúng ta có thể học hỏi từ những câu chuyện trên để áp dụng vào việc thực hiện các hạng mục. Đó là mong ước của tôi, như Sư phụ đã dạy:

“Hàn Tín dù sao thì cũng chỉ là người thường, chúng ta là người tu luyện, chúng ta còn phải hơn cả ông ta nữa.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Có lẽ chúng ta còn có thể xây dựng một phương pháp quản trị tốt hơn cả Đường Thái Tông, nhưng mỗi một hành trình đều cần có những bước đi đầu tiên.

Làm tốt hơn nữa

Cũng đã hơn bốn năm rồi kể từ khi Sư phụ dạy chúng ta:

“Đối với những gì họ làm, đối với những việc mà họ yêu cầu, đối với những việc mà họ làm quyết định, chư vị hãy chấp hành vô điều kiện.” (“Tinh tấn hơn nữa”, 2010)

Bốn năm là một quãng thời gian khá dài. Nếu có ai đó trong chúng ta còn chưa thể làm theo những tiêu chuẩn này, thì rõ ràng chúng ta đang tồn tại vấn đề.

Tuy nhiên, dưới góc độ của một người điều phối, liệu chúng ta đã thực hiện được tốt?

Nếu sau bốn năm mà chúng ta vẫn còn phải nhắc nhở nhau về việc cần phải phối hợp vô điều kiện với người điều phối chính, và rằng sự phối hợp này phải là toàn tâm toàn ý chứ không thụ động, thì có lẽ ở điểm này những người điều phối chúng ta cũng cần phải đề cao hơn nữa.

Liệu chúng ta đã làm hết sức của mình khi phối hợp với các đồng tu hay chưa? Ví như:

Kiên trì học Pháp, luyện công, phát chính niệm và thực hành tu luyện. Nghiêm khắc với bản thân và bao dung với người khác. Tha thứ và cởi mở hơn. Đề ra và không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn đồng thời hỗ trợ các đồng tu đạt tới các tiêu chuẩn này. Không biểu hiện khác thường. Không lạm dụng quyền lực và chức vụ. Trao đổi thẳng thắn. Ủng hộ chính niệm và chính hành của đồng tu. Đề ra mục tiêu thực tế cho các hạng mục và hướng dẫn nhóm bước đi từng bước một như một chỉnh thể để đạt mục tiêu. Tìm hiểu những kỹ năng cần thiết cho vị trí của một điều phối viên (ví dụ như điều hành các cuộc họp, lên kế hoạch cho hạng mục, xây dựng các nhóm làm việc trong một hạng mục, xây dựng chiến lược và tiếp thị, v.v.) Không ngừng học hỏi và tìm kiếm người hướng dẫn để ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra không như kế hoạch, hãy thật sự hướng nội và chia sẻ cởi mở với các đồng tu nhằm tìm ra thiếu sót, đồng thời cởi mở lắng nghe ý kiến của họ. Tạo cho các đồng tu trong hạng mục cơ hội để trở nên chuyên nghiệp và sáng tạo hơn, đồng thời cũng phải đảm bảo được rằng những ý tưởng mới hướng đến mục tiêu đã đề ra. Khiêm nhường, v.v.

Theo thể ngộ của tôi, những hành vi này sẽ xây dựng được lòng tin thật sự của các đồng tu vào vai trò dẫn dắt của người điều phối, niềm tin này dựa trên những hành động thực tế trong khi cùng nhau làm việc và đề cao.

Nhờ vậy, chúng ta có thể làm tốt công việc của mình và đảm bảo rằng hạng mục mà các đồng tu đã đầu tư thời gian và nguồn lực sẽ tiến triển tốt và mang lại hiệu quả cứu độ chúng sinh. Ngoài ra, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa, ví như nếu biết khéo léo kết hợp cố gắng của các đồng tu trong một nhóm thì kết quả thu được sẽ tốt hơn so với việc từng cá nhân hoạt động riêng lẻ.

Người ta thường nói rằng, trong chế biến món ăn, ta không thể làm ra một món ăn ngon từ những nguyên liệu kém chất lượng, nhưng ngay cả với những nguyên liệu tốt, món ăn được làm ra có thể ngon hoặc không ngon. Điều này nói lên rằng, người đầu bếp có thể làm hỏng những nguyên liệu tốt và làm ra những món ăn dở. Ở đây, người điều phối viên chính là một đầu bếp.

Tôi càng hiểu sâu sắc hơn trách nhiệm và nghĩa vụ to lớn của một điều phối viên với Sư phụ, với các đồng tu và với tất cả chúng sinh.

Trở lại với hoàng đế Thái Tông, có một lần ông nói với các quan viên rằng dân chúng vẫn nghĩ hoàng đế có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và không sợ ai. Nhưng đó không phải là sự thật, vì ông sợ trời và bách tính của mình, sợ rằng mình không làm tròn những điều mà thần dân mong mỏi. Chúng ta không phải lo sợ, nhưng cần nhớ rằng trách nhiệm cứu độ chúng sinh của chúng ta là vô cùng lớn lao.

Trong tiến trình Chính Pháp, các can nhiễu của cựu thế lực đã được chỉ rõ để chúng ta hiểu nguồn gốc của những khổ nạn mà đáng lẽ chúng ta không phải chịu. Nhưng có một điều chắc chắn là, nếu chúng ta không có sơ hở thì chúng sẽ không còn có cơ hội để can nhiễu.

Trên đây chỉ là những hiểu biết hạn hẹp của tôi tại thời điểm này, xin vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp với Pháp.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/1/146187p.html

Đăng ngày: 02-11-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share