Ngô Du, một học viên tại Thượng Hải, Trung Quốc 

[MINH HUỆ 25-04-2014] Vừa qua, tôi cảm thấy bị mắc kẹt vào một thứ gì đó vô hình, và tôi cảm thấy như mình đang bị sa lầy. Cảm giác này ngày càng trở nên mạnh hơn, tới mức niềm vui tu luyện và hạnh phúc khi được tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã từng rất mạnh mẽ trong tôi, cũng trở nên mờ nhạt. Tôi cảm thấy có một gánh nặng, và tôi cố vượt qua nó, nhưng càng cố thì lại càng tồi tệ.

Lúc đầu tôi nghĩ rằng điều này là do tôi lười biếng và có chấp trước an nhàn. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian hơn để học Pháp, làm các hạng mục Đại Pháp, và cố gắng hết sức mình để giúp đỡ các học viên khác.

Tuy nhiên, trạng thái tu luyện của tôi vẫn không được cải thiện. Tôi tự nhủ với bản thân rằng mình đã rất may mắn khi được trở thành một đệ tử Đại Pháp, và rằng tất cả sinh mệnh trong vũ trụ đều ao ước điều đó, nhưng những suy nghĩ đó cũng chẳng giúp được gì. Trạng thái tu luyện này kéo dài một thời gian. Trên bề mặt, tôi đang chăm chỉ làm ba việc, nhưng tôi biết mình đang phải ngầm vật lộn để giữ vững trạng thái của bản thân. Tôi không thể gỡ bỏ nút thắt này.

Nhiều học viên vừa bị bắt giữ phi pháp, và tôi chỉ mới gặp vài người trong số họ một ngày trước khi họ bị bắt. Tôi cảm thấy rất buồn và bất lực. Các học viên không bị bắt giữ đã hỏi tôi rằng chúng tôi nên làm gì đây. Tôi cảm thấy phát khóc trước những cái nhìn lo lắng của họ. Tôi muốn nói với họ rằng tôi cũng chẳng biết phải làm gì, nhưng tôi không thể. Tất cả những điều tôi có thể nói là: “Tôi biết. Để tôi suy nghĩ và trả lời mọi người sau.”

Tôi vẫn không thể nghĩ ra giải pháp nào khi về tới nhà. Vì thế tôi đã hỏi một học viên khác, và anh ấy đã trả lời: “Bạn hãy tự tìm câu trả lời.” Tôi đã không thể tiếp tục cuộc nói chuyện hay hỏi một số câu hỏi tôi muốn thảo luận cùng anh. Tôi cảm thấy rất buồn, và tôi không có một ai để thảo luận cùng cả.

Đêm hôm đó, tôi ngồi im lặng trong căn phòng mình, và âm thầm khóc trong bóng tối. Tôi nghĩ: “Tại sao tu luyện lại khó đến vậy? Mình cảm thấy quá áp lực và cô đơn. Mình sẽ không cảm thấy mệt mỏi nếu có một người có thể đồng hành với mình trong cuộc bức hại tồi tệ này.”

Nhận ra cảm giác cô đơn của bản thân

Bất chợt tôi nhận ra: “Đó chính là sự cô đơn!” Sư phụ đã giảng trong bài Thế nào là đệ tử Đại Pháp:

“Cái đáng sợ nhất là trong cô đơn trường kỳ. Con người sợ nhất cái gì? Cô đơn. Cô đơn có thể làm người ta phát điên, cô đơn có thể làm người ta quên đi hết thảy quá khứ, cô đơn thậm chí làm người ta quên đi ngôn ngữ. Cũng là một loại khổ đáng sợ nhất.”

Trước đây khi tôi đọc đoạn này, tôi đã nghĩ rằng mình thật may mắn. Tôi không cô đơn bởi vì xung quanh tôi đã có cha mẹ, bạn bè và các đồng tu. Nhưng tôi đã không thể nhận ra nỗi cô đơn sâu thẳm của mình.

Nỗi cô đơn này dần dần gặm nhấm ý chí tu luyện của tôi và dìm tôi vào trong đau khổ. Tôi vật lộn để làm ba việc, và mất đi niềm vui tu luyện trong Đại Pháp. Tôi thiếu từ bi để cứu chúng sinh, và tôi chỉ làm việc đó một cách hời hợt. Tôi đã phải nghiến răng nghiến lợi để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong một thời gian dài, tôi đã không nhận ra rằng mình bị vướng mắc vào nỗi cô đơn. Mặc dù cha mẹ ở cùng với tôi, có rất nhiều điều tôi không thể chia sẻ với họ. Đặc biệt là mẹ tôi, người rất thương yêu và lo lắng cho tôi. Nếu tôi nói với bà rằng có ai đó đi theo tôi, bà sẽ lo lắng mất ăn mất ngủ. Mặc dù xung quanh tôi là các học viên, nhưng vì lý do an toàn, có những người tôi còn không biết tên.

Bởi vì cuộc bức hại, chúng tôi đã rất cảnh giác và hiếm khi liên lạc với nhau trừ khi cần phải làm các hạng mục Đại Pháp. Chúng tôi luôn cảnh giác và thường xuyên nhắc nhở nhau tu khẩu. Trong hầu hết các trường hợp, tôi giúp các học viên giải quyết vấn đề, và rời đi ngay khi kết thúc công việc của mình. Khi tôi gặp được những học viên mà mình có thể tâm sự, thì dường như họ lại thường bị bắt, hoặc chuẩn bị ra nước ngoài.

Nhìn lại con đường tu luyện của mình, tôi phát hiện rằng mình đã không nhận ra sự cô đơn của bản thân, và tôi đã phụ thuộc vào những học viên mà tôi có thể nói chuyện cùng. Vì thế, khi tôi kiệt sức và hy vọng người học viên kia có thể cho mình một vài chỉ dẫn, “tôi” đã cảm thấy bơ vơ khi anh ấy nói với tôi rằng tôi nên tự mình tìm cách. “Tôi” đã cảm thấy thất vọng khi yêu cầu giúp đỡ của mình không được đáp ứng, và tôi đã rơi vào vực thẳm của sự cô đơn.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009]:

“… nhưng tu âm thầm trong tịch mịch một cách vô vọng, không nhìn thấy hy vọng, đó là khó nhất. Chủng loại tu luyện nào đều sẽ trải qua khảo nghiệm như thế, đều sẽ đi trên [đoạn] đường ấy. Có thể kiên trì thường hằng, không ngừng tinh tấn thì mới là tinh tấn thật sự. Lời này là được giảng như thế, [nhưng] khi thực hiện thực sự là khó lắm, vậy nên mới nói cứ tu luyện như thủa đầu, tất thành chính quả.”

Tôi đã rơi vào bế tắc, và tôi không thể tìm thấy nguyên nhân tại sao mình bị vướng mắc trong tu luyện. Sư phụ nói rằng cứ tu luyện như thủa ban đầu, nhưng tôi đơn giản là không thể làm được việc đó.

Tuy nhiên, sau khi tôi hiểu ra các Pháp lý liên quan đến vấn đề này, mọi thứ lại trở nên dễ dàng. Tôi đã hiểu ra tại sao mình lại cảm thấy vướng mắc, tại sao tôi lại phụ thuộc vào học viên khác, tại sao tôi cảm thấy buồn, và tại sao tôi không thể tu luyện như thuở ban đầu.

Một cánh cửa mới mở ra

Một cánh cửa mới đã mở ra trên con đường tu luyện của tôi. Tôi nhận ra rằng, miễn là chúng ta tin tưởng rằng Sư phụ và Đại Pháp đang bảo vệ và dẫn dắt chúng ta, chúng ta sẽ có thể vượt qua khó khăn và trở ngại.

Tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa. Hiện tại khi tôi học Pháp, tầng tầng Pháp lý triển hiện trước mắt tôi. Tâm trí tôi thăng hoa, và chính niệm mạnh mẽ hơn. Đó là nhờ tu luyện trong Đại Pháp. Sư phụ từ bi đã dẫn dắt tôi vượt lên một tầng thứ mới, và tôi sẽ không để Ngài phải thất vọng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/4/9/走出困境-在法中升华-289738.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/4/25/338.html

Đăng ngày 17-05-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share