Bài viết của một học viên từ Trung Quốc

[MINH HUỆ 23 – 02 – 2013]

Sư phụ giảng:

“Nếu một người có thể vứt bỏ sinh tử thì đó là một vị Thần; nếu người đó không thể vứt bỏ được sinh tử thì đó là một người thường.“ (Giảng Pháp ở Pháp hội Australia, tạm dịch)

“Nếu một người tu luyện tại bất kể tình huống nào cũng có thể vứt bỏ niệm sinh tử, thì tà ác nhất định e sợ; nếu như tất cả học viên đều có thể làm được [như thế], thì tà ác sẽ tự diệt.” (Tống khứ chấp trước cuối cùng, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Mỗi đệ tử Đại Pháp cần phải tín Sư tín Pháp và từ bỏ chấp trước vào sinh tử. Như nhiều học viên lâu năm đã biết, khi chúng ta đạt được như vậy, những khổ nạn và khó khăn trên con đường tu luyện của chúng ta sẽ có thể dễ dàng vượt qua.

Vậy thế nào là thật sự vứt bỏ sinh tử? Nó có giống với việc không sợ chết hay không?

Trong xã hội người thường, một số người không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, họ trở nên tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Họ có sợ chết không? Không. Vậy phải chăng là họ đã vứt bỏ được chấp trước vào sinh tử? Chắc chắn là không. Ngược lại, họ muốn đầu hàng và thoát khỏi thực tại. Đó là một hành động hèn nhát. Chủ ý thức của họ đã mất kiểm soát. Sự đau khổ mà họ cảm thấy là kết quả của nghiệp tư tưởng to lớn. Kết quả là, họ bị vây quanh bởi từng lớp từng lớp vật chất lệch lạc xuất phát từ tình.

Còn có những người mạo hiểm tranh đấu và dùng đến bạo lực. Họ đã từ bỏ được chấp trước vào sinh tử chưa? Chưa. Họ bị điều khiển bởi phía ác của họ và trở nên mất lý trí. Khi họ tĩnh tâm lại và bị trừng phạt vì hành vi của họ, họ có thể hối tiếc bởi vì những hành động của họ là mất lý trí và không xuất phát từ chân ngã của họ.

Một số học viên chịu nghiệp bệnh cuối cùng đã nhập viện. Khi các đồng tu khuyên một học viên như vậy từ bỏ chấp trước vào sinh tử để cô có thể vượt qua khảo nghiệm, cô trả lời: “Tôi có thể từ bỏ chấp trước vào sinh tử, nhưng tôi sợ đau.”

Một số học viên bị tra tấn bởi những đặc vụ tà ác của chế độ cộng sản và cuối cùng đầu hàng chúng cũng nói: “Tôi không sợ chết nếu tôi có thể chết ngay lập tức, nhưng tôi không chịu nổi đau đớn.”

Nếu cái chết thoải mái như thưởng thức đồ ăn ngon hay dễ dàng như đi bộ trên bãi biển, ai sẽ sợ chết? Vì vậy, sợ đau thật ra là một biểu hiện của việc không thể từ bỏ chấp trước vào sinh tử.

Đau khổ của một người thường là vô tận và có vẻ như không thể chịu đựng được bởi vì nghiệp lực của người đó là quá to lớn. Nhưng với các học viên Đại Pháp, tất cả đau khổ là trong giới hạn chịu đựng của chúng ta. Mặc dù đôi lúc chúng ta có thể cảm thấy như chúng ta đã đạt đến giới hạn, chúng ta vẫn có thể chịu đựng tiếp. Nếu chúng ta không thể chịu đựng, đó là vì chúng ta thiếu tin tưởng vào Đại Pháp và Sư phụ. Dĩ nhiên, nếu chúng ta có thể hoàn toàn bước đi trên con đường của chúng ta một cách chân chính, tà ác sẽ không thể lợi dụng những sơ hở của chúng ta; vì vậy, những đau khổ như vậy sẽ không thể xảy ra ngay từ đầu.

Từ thời cổ xưa, người ta đã sợ chết, nhưng vì một lý do khác. Có nhiều thứ mà người ta chấp trước vào trong thế gian con người này. Chẳng hạn, họ lo lắng về con cái, tiền bạc và người bạn đời của họ, v.v. Chết có nghĩa là họ phải từ bỏ tất cả những thứ này. Vì họ không muốn từ bỏ nó, họ sợ chết.

Thật sự từ bỏ chấp trước vào sinh tử không có nghĩa là người ta phải chết. Với các học viên, nó có nghĩa là chúng ta có thể từ bỏ tất cả các ham muốn và chấp trước, bao gồm chấp trước vào thân thể con người. Khi chúng ta đạt được điều này, chúng ta sẽ điềm tĩnh và ôn hòa. Khi đó, can nhiễu từ nghiệp bệnh và bức hại của tà ác sẽ không là gì cả trên con đường tu luyện của chúng ta.

Để đạt được điều này, yêu cầu then chốt là phải toàn tâm toàn ý tín Sư tín Pháp một cách vô điều kiện.

Trên đây là thể ngộ của tôi về từ bỏ chấp trước vào sinh tử. Xin từ bi chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp.

Hợp thập!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/23/什么是真正的放下生死-270277.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/22/141169.html

Đăng ngày 02-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share