Bài viết của một học viên Đại Pháp ở Áo

[MINH HUỆ 14-06-2013]

Duy hộ môi trường học Pháp chung

Học Pháp chung là điều Sư phụ yêu cầu chúng ta thực hiện. Với tư cách là học viên chúng ta cũng nên cố gắng hết sức để duy hộ hoàn cảnh đó.

Sư phụ đã giảng:

“Đệ tử Đại Pháp trong hoàn cảnh ấy với hành vi hình thành ở cảnh giới cao, kể cả từng lời nói từng hành động là có thể khiến người ta nhận thức chỗ thiếu sót của bản thân, có thể khiến người ta tìm được chỗ còn kém hơn, có thể cảm động con người, có thể dung luyện hành vi của người ta, có thể khiến người ta đề cao nhanh hơn,…” (Hoàn cảnh, Tinh tấn yếu chỉ)

Viện dẫn những lý do

Ngày 17 tháng 01 năm 2013, tôi chuyển đến một căn hộ và sống cùng những học viên khác để cùng quảng bá Thần Vận tại thành phố Viên. Tôi rất ít khi tham dự học Pháp nhóm và luôn tìm lý do này khác để không đến, nhưng căn bản là do tính lười biếng.

Tôi đã không nhận ra rằng mình thật ích kỷ và chỉ nghĩ đến bản thân. Tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu tôi chỉ ở nhà và nghe, đọc Pháp một mình, hơn là phải lái xe đến nhà đồng tu để học Pháp cùng mọi người, vì cả đi và về mất tới 02 giờ đồng hồ.

Lúc đó tôi đã không nhận ra được rằng duy hộ hoàn cảnh học Pháp nhóm là trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp. Bởi vì chúng ta không chỉ là tự tu bản thân, mà còn nên phối hợp để cả chỉnh thể cùng đề cao.

Vào tháng Hai, nhờ sự giúp đỡ của một học viên người Đức, tôi đăng ký tham gia trợ giúp chuẩn bị đồ ăn cho các nghệ sĩ Thần Vận trong chuyến đi biểu diễn ở Châu Âu. Tuy nhiên, vì không thường xuyên học Pháp chung, tôi đã mất cơ hội [chứng thực Pháp] quý giá đó và cảm thấy rất hối tiếc.

Sự tận lực của một học viên khác khiến tôi cảm thấy hổ thẹn

Khi tôi đang trợ giúp quảng bá Thần Vận tại Berlin, một học viên người Đức nói với tôi rằng anh ta đã quyết tâm tham gia nhóm học Pháp mặc dù anh phải lái xe trong 01 tiếng đồng hồ và đi qua cả thành phố Hamburg sau khi kết thúc công việc. Sau đó, anh lại phải lái xe 01 tiếng đồng hồ nữa để về nhà. Điều anh ấy nói làm tôi thấy thật xấu hổ.

Quan niệm hậu thiên của tôi giống như một cái vỏ dày bao bọc tôi vào trong. Để thoát khỏi cái vỏ này, tôi cần phải dũng cảm và quyết tâm. Trong Pháp có hết thảy những nhân tố quyết định có thể khiến chúng ta tinh tấn.

Hồi tháng Ba, khi tôi đang ở Đức, trước khi đi phân phát tờ rơi quảng bá Thần Vận, tôi tham dự nhóm học Pháp và cùng mọi người phát chính niệm.

Trong tháng Tư, tôi bắt đầu học Pháp tại nhà của đồng tu. Cứ khi nào không bận rộn với công việc ở sở làm hoặc với các bài tập nhà trường giao, tôi lại cố gắng tham gia cùng mọi người. Trong khi học Pháp, tôi cố ngồi song bàn. Như vậy tôi thấy dễ tập trung và hiểu Pháp tốt hơn. Trong một lần học Pháp vào tháng Tư, tôi đã ngồi song bàn tới 02 tiếng rưỡi để học Pháp và phát chính niệm. Đó là lần tôi ngồi được trong thế song bàn với thời gian lâu nhất, trước đó tôi còn không thể ngồi được song bàn. Không từ ngữ nào có thể miêu tả được thân và tâm tôi nhẹ nhàng thoái mái như thế nào sau khi học Pháp xong.

Cố gắng không ích kỷ

Đó là khoảng thời gian quý báu tôi được ở cùng các đồng tu. Chúng tôi cùng nhau tu luyện và sống cùng một chỗ. Mỗi đồng tu là một chiếc gương để tôi nhìn thấy mình trong đó.

Trong khi quảng bá Thần Vận vào tháng Ba, chúng tôi phải rời đi một địa điểm khác. Học viên A và tôi gói ghém đồ đạc của mình. Khi chúng tôi khởi hành được khoảng 01 giờ thì học viên A mới nhận ra là anh đã quên không bỏ chiếc túi ngủ vào trong xe. Chúng tôi liền quay lại để tìm thì nó đã bị ai đó lấy mất.

Làm sao sự việc này có thể xảy ra được? Trong tu luyện, không gì là ngẫu nhiên. Do vậy, cả hai chúng tôi đều hướng nội.

Tôi nói với học viên A rằng có thể là chiếc túi ngủ đã bị mất. Khi chúng tôi sắp xếp đồ vào trong xe, nếu tôi không chỉ quan tâm đến đồ đạc của mình mà cũng quan tâm đến những đồ của học viên A có ở trong xe không và nếu học viên A cũng quan tâm đến việc tôi có mang đủ đồ của mình không thì sự tình có thể đã khác. Nếu chúng tôi đều nghĩ đến người khác trước, thì làm sao chiếc túi ngủ có thể mất được?

Khi nhận ra mình đã tu luyện một thời gian dài mà vẫn làm chưa tốt về phương diện này, tôi cảm thấy rất xấu hổ và biết rằng tôi còn phải đi một chặng đường dài nữa thì mới đạt được tiêu chuẩn của Sư phụ về vô ngã và vị tha.

Trên con đường tu luyện, không tính đếm được số lần tôi cảm tạ Sư phụ khi Ngài điểm hóa cho tôi thấy những thiếu sót và sơ hở của mình. Tôi sẽ cố gắng loại bỏ tâm ích kỷ và gọt giũa từng ý niệm, từng hành động dựa trên Pháp, để có thể chân chính trở thành đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ chính Pháp.

[Các đồng tu] hãy cùng nhau tinh tấn hơn. Tôi cũng hy vọng những học viên không tham dự học Pháp nhóm có thể vượt qua khó khăn và cố gắng hết sức để học Pháp cùng các học viên khác, không nên tìm lý do nữa. Chúng ta phải trân quý và duy hộ hoàn cảnh [tu luyện] mà Sư phụ đã cấp cho chúng ta.

Do tầng thứ hữu hạn, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những gì không phù hợp.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/14/140490p.html

Đăng ngày 29-06-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share