Bài viết của một học viên ở tỉnh Sơn Đông

[MINH HUỆ 28-03-2013] Kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, có vẻ như tôi luôn hiểu Pháp tốt hơn và nhanh hơn người khác. Vì vậy, tôi được ngưỡng mộ và sùng bái bởi nhiều người, trong đó có các học viên lâu năm và phụ đạo viên ở địa phương. Tôi đã nỗ lực để giữ vững bản thân không bị lôi cuốn bởi sự vượt trội có vẻ bất thường của mình, nhưng thật khó để ngăn mọi người thần tượng hóa tôi.

Phải mất nhiều năm để nhận ra rằng cựu thế lực đã an bài cho tôi đến trộm và phá hoại Pháp. Tôi đã phải mất một thời gian dài để nhận ra rằng chỉ bằng cách đặt bản thân đúng đắn trong quan hệ với Sư phụ và Đại Pháp thì tôi mới có thể thực sự giải thể an bài của cựu thế lực khiến tôi phá hoại Đại Pháp. Tôi muốn chia sẻ con đường tu luyện của mình với mọi người.

Là học viên mới nhưng tôi được sùng bái bởi các học viên lâu năm và một cơ chế kì lạ trong tôi bắt đầu thu phục người khác

Mặc dù là học viên mới, tôi đã có thể ngộ ra được nhiều Pháp lý hơn những học viên khác. Nhiều phụ đạo viên và trạm trưởng đều tỏ vẻ rất khâm phục, và họ thường sắp xếp đưa các đồng tu đến gặp tôi để xin lời khuyên về các vấn đề tu luyện của họ. Trạng thái của tôi lúc đó không giống một học viên mới, mà như thể một học viên lâu năm.

Khi đó tôi phát hiện ra mình có một loại tâm thái kỳ lạ. Mỗi khi chia sẻ kinh nghiệm với đồng tu, bản thân tôi lập tức có một cơ chế phân biệt những người đồng tu này thành các nhóm. Một cách vô thức, tôi biết được ai đã bị thu phục và không nghi ngờ vào khả năng của tôi, ai khâm phục tôi một cách vững chắc, ai vẫn cần thêm chứng cứ để thấy được sự vượt trội của tôi và ai sẽ không bao giờ theo tôi.

Cơ chế này dường như đang đi tìm người “của tôi”. Trong những trường hợp cụ thể, cách nghĩ đó trở nên rất rõ ràng.

Sau một vài lần như thế, tôi trở nên rất lúng túng, tôi nói chuyện với một số người nhưng không ai biết cơ chế đó là gì. Tôi suy nghĩ rất lâu và rất cố gắng, nhưng không biết chấp trước gì được ẩn chứa trong suy nghĩ đó. Tôi chỉ cảm thấy rằng có điều gì đó không đúng cho lắm, và phải cố gắng hết sức để không cho phép cơ chế kia nổi lên.

Khi nhìn lại, tôi thấy rằng chính những yếu tố trộm Pháp và phá hoại Pháp do cựu thế lực dựng lên đang khởi tác dụng. May mắn thay, tôi rất tinh tấn vào thời kỳ đầu tu luyện, tất cả những gì tôi muốn là nghiêm khắc chiểu theo Pháp để tu luyện bản thân. Kết quả là, tôi không bao giờ buông lơi và để cho bản thân bị kiểm soát bởi những nhân tố đó.

Minh bạch hơn về việc được người khác sùng bái và sùng bái người khác

Vài năm sau, chúng tôi bước vào giai đoạn tu luyện chính Pháp. Nhờ sự nhắc nhở của một đồng tu có thiên mục khai mở, tôi xem xét lại vấn đề của mình: “Tại sao tôi luôn cảm thấy có thứ gì đó tách biệt tôi ra khỏi Sư phụ? Tại sao tôi thấy khó chịu khi tự gọi mình là đệ tử Đại Pháp? Tại sao tôi không thấy thoải mái khi tu luyện trong xã hội người thường?” Sau khi suy nghĩ, tôi nhận ra rằng tôi có thể là loại người mà Sư phụ đề cập trong “Đại Pháp không thể bị lợi dụng” (Tinh tấn yếu chỉ), về những người trộm Pháp cho những môn tu luyện khác. Vấn đề là phần con người của tôi đã không ý thức được điều này đang xảy ra. Sau khi chia sẻ với các đồng tu, tôi cảm thấy đôi chút an tâm. Tuy nhiên, vấn đề những đồng tu “kém hơn” sùng bái tôi và tôi sùng bái những người “cao hơn” vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó.

Sau đó tôi gặp một học viên mà sau này đã giúp tôi rất nhiều. Là một điều phối viên chính trong khu vực, anh ấy được nể trọng và có danh tiếng lớn. Nhưng anh ấy luôn rất cảnh giác về việc được sùng bái và những lời khen tặng dành cho mình. Anh ấy không chỉ nghiêm túc tập trung vào kiềm chế tâm hoan hỷ, mà còn thường xuyên nhắc nhở đồng tu không sùng bái anh ta. Anh ấy còn chấm dứt quan hệ với những người anh cho rằng đã sùng bái anh ấy quá nhiều. Tất nhiên, anh ấy không bao giờ lợi dụng sự sùng bái của người khác để làm việc có lợi cho bản thân. Tôi đã học được từ anh ấy nhiều cách đối xử với những người sùng bái tôi.

Trong thời gian hai năm sau đó, tôi đã cố gắng học thuộc Pháp. Tôi dần nhận thức được nhân tố tự tâm sinh ma của bản thân, và tôi có xu hướng hiển thị khả năng của mình. Chẳng trách tôi đã thu hút sự ngưỡng mộ và sự phụ thuộc của người khác đối với tôi.

Tôi thường ngồi xuống tĩnh lặng và thanh lọc suy nghĩ của mình trước khi tìm kiếm các chấp trước. Khi tôi đo lường bản thân mình dựa trên các nguyên tắc trong Chuyển Pháp Luân, tôi có thể thấy nhiều chấp trước của mình.

Nhiều lần tôi khước từ không tham dự buổi chia sẻ kinh nghiệm của các điều phối viên, bởi vì tôi biết họ muốn tôi thuyết giảng. Tôi hiểu rằng mặc dù chia sẻ của tôi có thể giúp một vài người hiểu Pháp sâu hơn, giống như một khí công sư giúp đạo dẫn khí xuống khỏi đầu một người khác. Điều đó không thể so sánh với việc đề cao cảnh giới thật sự, sau khi một người ngộ ra các Pháp lý cao hơn. Bên cạnh đó, cho dù tôi có hiểu đúng về các Pháp lý đến đâu, điều đó cũng có thể dễ dàng trở thành giống như phát vật chất đen về phía các học viên. Tóm lại, chia sẻ như vậy không phải là chia sẻ bình đẳng giữa mọi người, mà chỉ là sự chia sẻ từ phía tôi. Thể loại giảng bài đó rõ ràng không tuân theo yêu cầu của Sư phụ và có thể dẫn đến vấn đề sùng bái người khác và được người khác sùng bái.

Từ các bài giảng của Sư phụ tôi nhận ra rằng được sùng bái là sự khởi đầu của việc lập nhóm tu luyện giả tạo. Hành vi đó là không thể tha thứ, và những người được sùng bái sẽ không bao giờ có kết cục tốt đẹp. Có lẽ nhờ tôi hiểu rõ vấn đề, tôi đã không đi quá xa vào con đường trộm và phá hoại Pháp.

Khổ nạn giúp tôi đặt vị trí bản thân đúng đắn đối với Sư phụ và Đại Pháp

Trong tu luyện chính Pháp, tôi rất nghiêm khắc với bản thân trong vấn đề kính Sư kính Pháp, và tôi cảm thấy tôi làm tốt ở phương diện này. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy rằng sự cẩn thận của tôi phần nhiều là kết quả của nỗi sợ. Tôi sợ chiêu mời rắc rối ở các không gian khác, nhưng “kính trọng” của tôi đối với Sư phụ và Đại Pháp không đủ thuần khiết, vì tôi không hiểu rõ về quan hệ giữa Sư phụ và tôi. Vì thế, tôi đã không trân trọng sự quý giá của Đại Pháp.

Khoảng một năm trước, tôi gặp ma nạn lớn nhất trong tu luyện của mình, nó gần như đã hủy hoại tôi. Trong khi cố gắng vượt qua, tôi đã thấy rất nhiều chấp trước của mình, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc vượt qua chúng. Tôi thường xuyên chịu thống khổ cùng cực và đau đớn, có lúc tôi còn muốn tự tử. Tôi đã từng rất tinh tấn, nhưng ma nạn này làm tôi tự hỏi tôi còn có thể tu luyện được không, hay đã kết thúc rồi. Việc tìm ra các chấp trước làm nỗi đau của tôi giảm đi đôi chút, nhưng không thể vượt quan. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng tà ác ở không gian khác không muốn thả tôi ra. Chúng phun vào tôi một lượng lớn vật chất đen và cố làm cho tôi ly khai khỏi Sư phụ và từ bỏ tu luyện và sinh mệnh. Còn tôi, khi đó, chỉ thừa nhận và lưỡng lự giữa sự sống và cái chết, không thể làm gì được.

Chỉ đến gần đây khi đọc một vài bài chia sẻ trên Minh Huệ Net tôi mới bắt đầu nhìn lại các yếu tố liên quan đến trộm và phá hoại Pháp. Tôi thấy vấn đề chính là tôi đã không thể xác định vị trí đúng đắn đối với Sư phụ. Tôi đã không đối xử và trân trọng Đại Pháp với sự kính trọng lớn nhất và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Tôi thường tu luyện bản thân dưới vỏ bọc chứng thực Pháp. Vấn đề căn nguyên này là cái cớ chủ chốt mà tà ác dùng để gia tăng bức hại đối với tôi.

Khi khám phá ra chấp trước căn bản, tôi đã viết một bài chia sẻ kinh nghiệm gửi cho trang Minh Huệ Net. Ngày tôi gửi bài, một việc không ngờ đã xảy ra – nút thắt trong đầu tôi bỗng nhiên được tháo ra. Khổ nạn dày vò tôi đã biến mất không một dấu vết. Thật thú vị, khổ nạn có vẻ như không liên quan gì đến vấn đề trộm và phá hoại Pháp, nhưng một khi tôi nhận ra vấn đề của mình, nó cũng biến mất.

Tôi thấy rằng nếu tôi luôn luôn thật sự hành xử như một đệ tử Đại Pháp, lẽ ra tôi đã phải đối đã với Pháp của Sư phụ với lòng biết ơn sâu sắc và sự cung kính lớn nhất, và phải tu luyện tâm tính một cách vững chắc và đặt việc chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh lên ưu tiên hàng đầu. Khi tôi trích dẫn các Pháp lý để chứng thực hiểu biết của mình và nhấn mạnh rằng các đồng tu nên làm điều tôi đề nghị, thì tôi đang không dùng sự cung kính và trân quý và tâm thái nghiêm túc để đối đãi với Đại Pháp, và đối đãi với những sở ngộ sở đắc của bản thân trong Đại Pháp. Ngược lại, tôi đã dùng các bài giảng của Sư phụ như một công cụ thể tập hợp những người đi theo, tức là thể hiện sự bất kính tột cùng đối với Sư phụ và Đại Pháp. Tôi đã sốc khi phát hiện ra vấn đề căn bản là việc đặt sai vị trí của bản thân đối với Đại Pháp.

Lời cảnh báo đến những ai gặp vấn đề tương tự

Tôi biết rằng tôi không phải là người duy nhất bị cựu thế lực an bài để trộm và phá hoại Pháp. Cô gái có bề ngoài như một vị thần mặc váy trắng xám trong bài viết “Điều nhìn thấy tại không gian khác: Tầm quan trọng của học Pháp và loại bỏ tự ngã” là một ví dụ khác của cựu thế lực phá hoại Pháp.

Những người như vậy có ở nhiều nơi, và họ đều giống nhau ở một điểm, đó là họ được sùng bái bởi những người chỉ muốn đi theo “ngôi sao”, chứ không phải Pháp. Tất nhiên, những kẻ sùng bái cũng được cựu thế lực an bài để làm việc đó.

Tôi thấy những “ngôi sao” đó và những kẻ sùng bái đã tạo thành những nhóm to nhỏ khác nhau, từ một vài người đến hàng trăm thành viên. Họ đều có lý do vinh quang để ở cùng nhau và nói rằng đang làm ba việc một cách tinh tấn.

Nhiều nhóm như vậy đã thu hẹp lại những năm gần đây, khi “ngôi sao” của họ lâm vào nghiệp bệnh hoặc bị bắt. Họ có thể không nhận ra là có sự an bài của cựu thế lực để họ trộm và phá hoại Pháp, nhưng tôi có thể thấy rằng họ đang đi một con đường nguy hiểm. Hơn nữa, sự tồn tại của những vòng tròn đó cũng dẫn tới những nỗ lực phá hoại Pháp lớn hơn (như một vài trang web được duy trì bởi những người gọi là “học viên”).

Vì những an bài khác nhau của cựu thế lực, khó khăn trong việc phá những an bài khác nhau đó cũng không cố định. Theo ý kiến của tôi, dù bạn là “ngôi sao” được sùng bái hay đang sùng bái người khác, bạn cũng đều phải đối mặt với vấn đề nghiêm túc là bạn đặt bản thân mình đối với Sư phụ và Đại Pháp như thế nào. Rốt cuộc thì, mỗi đệ tử Đại Pháp đạt tiêu chuẩn phải hiểu đúng về quan hệ giữa Sư phụ và người đó.

Tôi đề nghị mọi người chính lại bản thân để chấm dứt sự công kích và phá hoại Đại Pháp

Mùa hè vừa rồi tà ác đã trắng trợn công kích Sư phụ và Đại Pháp ở Hồng Kông. Khi thấy những tấm ảnh và video gửi đến bởi các học viên Hồng Kông, bao gồm cả tấm poster “truy nã” có ảnh Sư phụ, tôi không thể cầm được nước mắt. Sau khi bình tĩnh lại, tôi có linh cảm rằng tà ác có thể phá hoại đến thế là vì một vài người trong chúng ta đã không thể hiện đủ kính trọng đối với Sư phụ và Đại Pháp, và không thể đặt họ đúng đắn trong quan hệ đối với Sư phụ và Đại Pháp.

Nhiều hoạt động phá hoại Đại Pháp vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay, và tôi nghĩ là vì một vài người trong chúng ta cơ bản vẫn không chính lại tâm của mình. Lấy vùng của tôi làm ví dụ. Một vài người đã theo tà ngộ một thời gian lâu, gần đây lại xuất hiện và đi quanh để tìm người đi theo họ. Ở một vài nơi họ còn được cho cơ hội để thuyết giảng bài giảng theo ngộ sai lệch của họ. Trong khi đó, kinh văn giả bắt đầu lại được lan truyền. Những người từng có quan niệm sai lầm về Minh Huệ Net trong thời gian dài vẫn không thể chính lại bản thân.

Hiện tượng này nhắc tôi nhớ bài học khó khăn của chính tôi. Tôi thấy rằng nhiều người vẫn không hiểu rõ quan hệ giữa họ với Sư phụ và Đại Pháp. Tôi cảm thấy sự thôi thúc mạnh mẽ phải giải thể hoàn toàn những nhân tố trộm Pháp và phá hoại Pháp, và chính lại bản thân chúng ta. Tôi chân thành hy vọng mọi người đọc lại bài “Ban biên tập: Chấm dứt hành vi trộm Pháp và phá hoại Pháp” và suy nghĩ kỹ xem trộm và phá hoại Pháp nghĩa là gì, và chúng ta có thể làm việc như một chỉnh thể để loại trừ những nhân tố đó như thế nào.

Là một sinh mệnh được an bài để trộm và phá hoại Pháp, tôi đã có thể cắt đứt an bài đó và tránh việc bị hủy diệt, tất cả nhờ vào sự từ bi vô lượng và phật ân hạo đãng của Sư phụ. Trong tu luyện sau này, tôi sẽ chú ý hơn nữa tới tu luyện bản thân ở phương diện này và quy chính bản thân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/3/28/解体旧势力对我的盗法破坏法安排-271403.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/4/14/138922.html

Đăng ngày: 29-05-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share