Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-05-2023]

Họ và tên: Lý Kiến Bình (李建平)
Giới tính: Nam
Tuổi: 61
Thành phố: Nam Kinh
Tỉnh: Giang Tô
Nghề nghiệp: Chủ công ty
Ngày mất: Giữa tháng 4 năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt cuối cùng: Tháng 1 năm 2015
Nơi giam giữ cuối cùng: Một trung tâm tẩy não

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Lý Kiến Bình, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt giữ nhiều lần vì kiên định đức tin. Lúc không bị bắt giam, ông phải sống lưu lạc trong một khoảng thời gian để trốn tránh cảnh sát. Sau khi trở về nhà, ông phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát và sống trong nỗi sợ thường trực rằng mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Vì quan tâm đến công ty tư nhân và số bất động sản của ông Lý, cảnh sát tìm đủ mọi lý do để tống tiền ông. Việc sách nhiễu và tống tiền khiến tinh thần ông vô cùng căng thẳng. Ông qua đời vào giữa tháng 4 năm 2023, ở tuổi 61.

Ông Lý không phải là nạn nhân duy nhất trong gia đình bị nhắm mục tiêu trong cuộc bức hại kéo dài 24 năm qua của ĐCSTQ. Mẹ ông (cũng là học viên Pháp Luân Công) đã bị cảnh sát đe dọa không được liên lạc với ông, bằng không, cả bà cụ và ông Lý đều phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Bà cụ ngoài 80 tuổi qua đời trong thống khổ vào cuối năm 2017.

Hai thập kỷ bị bức hại

Ông Lý sở hữu một công ty ở Nam Kinh và kinh doanh rất phát đạt. Một tháng sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bệnh tiểu đường của ông đã biến mất. Ông sống chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn và trở nên trung thực và nghĩ cho người khác nhiều hơn khi xử lý công việc kinh doanh. Ở nhà, ông là người con hiếu thảo, người chồng chu đáo và người cha mẫu mực của hai đứa con.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày ĐCSTQ điên cuồng bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông Lý và nhiều học viên Pháp Luân Công địa phương đến chính quyền Nam Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát chống bạo động được điều động để giải tán đám đông. Ông Lý bị bắt đến một trường học. Ở đó cảnh sát tát vào mặt ông, khiến mũi và miệng của ông chảy máu. Mặt ông sưng vù, quần áo rách bươm và cơ thể đầy vết bầm tím.

Không lâu sau khi tham dự một buổi gặp mặt và chia sẻ thể hội tu luyện của các học viên, ông Lý lại bị bắt và nhà ông bị lục soát. Ông đã trốn thoát được nhưng buộc phải sống trôi giạt để tránh cảnh sát.

Tháng 10 năm 2000, khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, ông Lý lại bị bắt và đưa trở về Nam Kinh. Ông bị tra tấn đến cửu tử nhất sinh ở trong Trại tạm giam quận Tần Hoài trước khi được thả. Sau đó cảnh sát địa phương thường xuyên sách nhiễu, lục soát nhà và tống tiền ông. Một số cảnh sát thậm chí còn có ý định tịch thu bất động sản của ông nếu ông tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Ông Lý buộc phải sống xa nhà một lần nữa để tránh bị sách nhiễu.

Tháng 10 năm 2012, trưởng phòng của Phòng 610 Nam Kinh là Tiêu Ninh Kiện đã dẫn theo 5 cảnh sát đột nhập vào nhà ông Lý và yêu cầu người nhà tiết lộ nơi ở của ông. Gia đình từ chối hợp tác. Sau đó, trưởng phòng Tiêu tuyên bố chỉ cần ông Lý trở về tham gia khóa tẩy não trong vài ngày và viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, ông có thể đón năm mới cùng gia đình. Người nhà vẫn kiên quyết không tiết lộ nơi ở của ông Lý.

Trong 3 tháng tiếp theo, cảnh sát liên tục đến sách nhiễu gia đình, đôi khi còn đóng chốt qua đêm bên ngoài nhà của họ để rình bắt ông Lý. Cảnh sát cũng kiểm tra hồ sơ tài chính của công ty ông Lý và thu thập thông tin về các tài sản mà ông sở hữu. Mẹ của ông Lý ở độ tuổi 80, vợ ông và các con của ông sống dưới áp lực tinh thần và nỗi sợ hãi cực độ.

Ngày 27 tháng 2 năm 2013, ông Lý bị bắt giữ sau khi bị phát hiện đọc sách Pháp Luân Công trên một chuyến tàu từ Nam Kinh đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ông bị đưa trở lại Nam Kinh và bị giam ở trong trại tạm giam quận Tần Hoài. Khi mẹ ông đến trại tạm giam để thăm ông, bà cụ rất đau lòng khi thấy ông bị tra tấn đến mức gần như không thể nhận ra.

Tháng 6 năm 2013, ông Lý bị bắt thêm một lần nữa khi đang đi tàu hỏa. Lần này, cảnh sát tước quyền thăm thân của ông. Mặc dù ông phải chống chọi với căn bệnh tiểu đường nghiêm trọng, cảnh sát vẫn nói với vợ và con gái ông rằng ông vẫn khỏe và lượng đường trong máu của ông bình thường. Mãi cho đến khi ông rơi vào tình trạng nguy kịch, cảnh sát mới thông báo cho gia đình biết để đưa ông về nhà, với điều kiện là ông không liên lạc với bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào, kể cả mẹ ông. Nếu bị phát hiện, cảnh sát sẽ tịch biên tài sản của ông.

Không lâu sau khi trở về nhà, ông lại bị bắt vào ngày 19 tháng 11 năm 2013. Hai máy tính và sách Pháp Luân Công của ông bị tịch thu. Ông bị giam tại trại tạm giam quận Tần Hoài trong 1 tháng.

Ngày 19 tháng 3 năm 2014, cảnh sát xông vào văn phòng làm việc của ông, rồi lục soát nhà ông. Sau đó, cảnh sát đến nhà mẹ ông và buộc tội bà ra ngoài nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Họ nhấn mạnh rằng bà không được phép liên lạc với ông Lý hoặc các học viên khác, nếu không họ sẽ bắt giữ bà. Bà cụ đau khổ tột độ và qua đời 3 năm sau đó.

Ngày 19 tháng 11 năm 2014, ông Lý lại bị bắt giữ. Ông rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tra tấn trong khi giam giữ và được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Trong khi ông vẫn đang trong giai đoạn hồi phục, cảnh sát lại bắt ông vào tháng 1 năm 2015 và giam ông một tháng tại một trung tâm tẩy não.

Tháng 6 năm 2015, ông Lý đệ đơn lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao kiện hình sự Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tháng 8, cảnh sát bắt đầu sách nhiễu và theo dõi các hoạt động hàng ngày của ông. Ngay cả máy tính của ông cũng bị xâm nhập (hack) và theo dõi. Nhiều ngày sau, cảnh sát lục soát nhà ông khi không có ai ở nhà, lấy đi máy tính và các sách Pháp Luân Công của ông. Khi ông đến đồn công an yêu cầu trả lại những đô vật bị tịch thu đó, cảnh sát tuyên bố tội của ông nghiêm trọng đến mức có thể bị lãnh án tử hình.

Từ cuối năm 2019, cảnh sát tăng cường giám sát ông Lý. Họ cùng các nhân viên ủy ban khu dân cư thậm chí còn tổ chức chơi mạt chược (một trò cờ bạc) ngay tại nhà ông và ép ông chơi cùng hòng tống tiền ông.

Viên cảnh sát chỉ huy dọa ông: “Ông nên thông minh hơn một chút. Ông nghĩ chúng tôi rảnh rỗi chỉ để chơi trò này với ông cả ngày à? Tôi nói cho ông biết, đối với loại người cứng đầu như ông, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể giết ông để moi tim gan. Hãy bảo với vợ ông, nếu chúng tôi không đến nhà ông, bà ấy sẽ phải đến chỗ của tôi. Tôi sợ rằng ông sẽ không thể tìm thấy bà ấy nữa nếu chuyện này xảy ra. Không ai giúp ông được đâu. Ông cũng có thể nói với con cái của ông như vậy. Khi chúng tôi đến đây, ông có thể giữ được công ty và tài sản của mình, vợ chồng con cái còn có thể đoàn tụ, vui vẻ hòa thuận. Há chẳng phải là tự giải quyết ổn thỏa đó sao!“

Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Từ Cẩm Huy (徐锦辉), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Nam Kinh
Thường Họa Bình (常和平), Trưởng Đồn Công an Nam Kinh
Cao Hồng Hoa (高洪华), Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Nam Kinh: +86-25-86015780, +86-25-84420854
Vương Tiểu Mẫn (王筱敏), Trưởng Phòng 610 Nam Kinh

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán.)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/2/459429.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/3/208349.html

Đăng ngày 20-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share