Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-04-2023]

Họ và tên: Vương Kiến (王建)
Giới tính: Nam
Tuổi: 72
Thành phố: Đường Sơn
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Nông dân
Ngày mất: Ngày 3 tháng 4 năm 2023
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 6 tháng 7 năm 2019
Nơi giam giữ cuối cùng: Nhà tù Ký Đông

Ngày 3 tháng 4 năm 2023, gia đình ông Vương Kiến vô cùng đau lòng khi một lính canh từ Nhà tù Ký Đông, tỉnh Hà Bắc gọi điện thông báo về sự ra đi đột ngột của ông Vương.

Ông Vương, một cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã trở thành mục tiêu trong một vụ bắt giữ theo nhóm các học viên Pháp Luân Công vào ngày 6 tháng 7 năm 2019. Hơn 300 cảnh sát được điều động để bắt giữ ông và 18 học viên khác.

Khoảng 3 giờ sáng, một số cảnh sát trèo qua hàng rào và đột nhập vào nhà ông Vương. Vợ chồng ông bị đánh thức bởi tiếng chó sủa. Cảnh sát áp giải ông Vương đi, sau đó lục soát nhà ông. Đến chiều, cảnh sát quay lại và lục soát nhà một lần nữa.

Tòa án Thành phố Tuân Hóa đã xét xử 12 học viên vào các ngày 17, 19 và 23 tháng 12 năm 2019, và bị kết án từ 2 đến 8 năm tù vào ngày 27 tháng 11 năm 2020. Ông Vương bị kết án 7 năm và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ.

Ông Vương bị chuyển đến Nhà tù Số 2 Ký Đông. Gia đình ông cho hay, sức khỏe của ông vẫn tốt khi khám sức khỏe vào ngày 2 tháng 3 năm 2023. Ông trông khỏe mạnh và trạng thái tinh thần tốt khi gia đình đến thăm ông vào ngày 19 tháng 3. Họ nghi ngờ về nguyên nhân khiến một người đàn ông khỏe mạnh như vậy chết chỉ trong vòng 2 tuần. Họ đệ đơn kiện nhà tù để đòi công lý.

Ông Vương là học viên Pháp Luân Công thứ hai gần đây đã chết tại Nhà tù Số 2 Ký Đông. Ông Lại Chí Cường, một tài xế xe buýt ngoài 50 tuổi, đã qua đời vào ngày 3 tháng 1 năm 2023, chỉ 2 tháng trước khi mãn hạn 7 năm tù theo dự kiến.

Bức hại trong quá khứ

Ông Vương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cổ xưa, vào năm 1997. Nhiều bệnh tật của ông, bao gồm bệnh tim nặng khiến ông thường bị đau ngực và khó thở, đã nhanh chóng biến mất. Ông hành xử theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và được người dân trong thôn công nhận là người tốt.

Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại vào năm 1999, ông Vương thường xuyên bị giam giữ và tra tấn vì kiên định đức tin.

Tháng 10 năm 1999, cảnh sát đột kích vào nhà ông Vương và bắt ông về đồn. Ông bị nhốt trong một chiếc lồng sắt với một tấm ván trần trụi để nằm, không có chăn đắp hay ga trải giường. Ông Vương phải nằm co rúm người và gần như không thể chợp mắt suốt cả đêm. Cảnh sát bỏ đói ông nên người nhà phải gửi đồ ăn vào cho ông.

Ba ngày sau, ông Vương bị chuyển đến trại tạm giam địa phương, nơi có một chiếc loa phát thanh tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công suốt ngày đêm. Ông Vương không được cung cấp thức ăn hay nước uống trong 3 ngày. Sau 25 ngày, ông bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Tuân Hóa và bị bắt phân loại hạt đậu. Cảnh sát tống tiền ông 2.500 Nhân dân tệ và 20 ngày sau họ mới thả ông.

Cuối năm 1999, ông Vương lại bị bắt và bị nhốt trong một phòng họp của đồn công an trong 2 tuần. Không có giường nên ông phải nằm ngủ trên bàn. Ông cũng không được phát chăn mặc dù ngoài trời tuyết đang rơi. Mỗi ngày, các viên chức thị trấn đều chửi mắng ông thậm tệ.

Lần bắt giữ tiếp theo của ông Vương là vào mùa thu năm 2003. Ông bị bắt đến Trung tâm Tẩy não Thành phố Tuân Hóa và bị giam 20 ngày. Ông tuyệt thực để phản bức hại và được trả tự do sau khi có triệu chứng của bệnh tim nặng.

Ngày 17 tháng 10 năm 2007, trong khi ông đang xay ngô tại nhà thì cảnh sát xông vào bắt giữ ông. Ở trong trại tạm giam Thành phố Tuân Hóa, cảnh sát giẫm lên ngực và chửi mắng ông khiến ông bị khó thở và đau ngực. Sau đó ông ho không dứt và chán ăn. Vợ và con gái ông yêu cầu Trương Lực Hoa, đội trưởng Đội An ninh Nội địa Thành phố Tuân Hóa, thả ông ra. Trương tống tiền họ 3.000 Nhân dân tệ và thả ông Vương sau 84 ngày.

Vào 10 giờ tối ngày 24 tháng 2 năm 2009, cảnh sát xông vào nhà ông Vương và bắt ông tới trung tâm tẩy não địa phương và giam ông ở đó trong 6 tháng. Ông lại bị tống tiền 6.000 Nhân dân tệ.

Chưa đầy 1 năm sau khi được trả tự do, ông lại bị bắt tại nhà vào ngày 22 tháng 6 năm 2010. Cảnh sát lục soát mọi ngóc ngách của ngôi nhà, tịch thu những tài sản có giá trị vài nghìn Nhân dân tệ, bao gồm máy tính xách tay và các sách Pháp Luân Công của ông. Cả ông Vương và con trai ông là anh Vương Ngọc Bảo đều bị bắt đến trại tạm giam Thành phố Tuân Hóa. Cảnh sát tát vào mặt con trai ông Vương, giẫm lên người, đấm và bắt anh đứng trong nhiều giờ liền. Những chấn thương và cơn đau ở ngực do bị đánh khiến anh không thể lao động ở trong trại giam.

Ngày 26 tháng 2, cả hai cha con đều bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Tuân Hóa. Sau 20 ngày, ông Vương Kiến bị kết án lao động (không rõ thời hạn) và bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Khai Bình.

Ông Vương bị bắt thêm 2 lần nữa, vào ngày 25 tháng 4 năm 2014 và ngày 13 tháng 5 năm 2015. Ông bị giam 15 ngày sau vụ bắt giữ tháng 5 năm 2015.

Ngày 29 tháng 7 năm 2015, cảnh sát kéo đến nhà ông hòng bắt giữ ông thêm một lần nữa nhưng ông không có ở nhà. Họ lục soát nhà rồi bỏ đi.

Ngày 9 tháng 8, ông Vương đến đồn công an yêu cầu trả lại những vật phẩm mà cảnh sát đã lấy từ nhà ông, nhưng họ từ chối. Bốn ngày sau, cảnh sát bắt ông và giam giữ ông 13 ngày.

Các bài viết liên quan:

Thành phố Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc: 12 học viên Pháp Luân Công bị kết án từ 2 đến 8 năm tù

Hơn 300 công an được huy động để bắt 18 học viên Pháp Luân Công

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/8/458597.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/9/208012.html

Đăng ngày 15-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share