Bài viết của Kim Thúy Hương, học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-09-2022] Tên tôi là Kim Thúy Hương, năm nay 57 tuổi, đến từ thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh. Tôi đã may mắn theo học Pháp Luân Công từ tháng 11 năm 1996, cách đây 26 năm. Thời điểm đó tôi bị hành hạ bởi nhiều chứng bệnh kinh niên và có thể trạng rất kém.

Mang trên thân nhiều chứng bệnh như đau lưng, nấm da chân và dị ứng da, tôi đã cố gắng tìm cách chữa trị thông qua các môn khí công khác, nhưng đều vô ích. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Công, tất cả các chứng bệnh đều biến mất và tôi vô cùng biết ơn Đại Pháp.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, tôi đã kiên định giữ vững đức tin của mình và vạch trần sự phi pháp của cuộc bức hại. Do đó, tôi đã bị kết án tù hai lần, dưới đây là những gì tôi đã trải qua.

Bản án thứ nhất: 10 năm trong tù

Ngày 16 tháng 12 năm 2000, tôi lên đường đến Bắc Kinh để phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tại Quảng trường Thiên An Môn, tôi giương biểu ngữ có dòng chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”, nguyên lý của Pháp Luân Công, và tôi bị bắt giữ. Sau khi bị giam giữ ở Đồn Cảnh sát Mật Vân trong hai ngày, tôi được đưa đến Phòng liên lạc thành phố Triều Dương tại Bắc Kinh, ở đó tôi gặp một học viên khác từ Triều Dương. Chúng tôi đã trốn thoát khỏi đó vào sáng hôm sau. Để trốn khỏi cảnh sát, tôi đã phải sống nay đây mai đó.

Vài tháng sau, tôi trở lại Triều Dương nhưng không trở về nhà. Tôi phối hợp với các học viên khác và thành lập một điểm sản xuất tài liệu. Sau khi một học viên cùng làm việc với tôi bị bắt vào tháng 11 năm 2001, cảnh sát đã lần ra một học viên khác và tôi. Chúng tôi nhanh chóng bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 1 năm 2002 và bị giam tại Trại tạm giam Triều Dương. Cảnh sát cũng đột kích vào căn nhà tôi thuê và tìm thấy mười hộp áp phích tự dính có in thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, Viện kiểm sát Song Tháp đã dùng số áp phích này để buộc tội tôi. Cả hai chúng tôi đều bị Tòa án Song Tháp kết án 10 năm tù. Tôi bị đưa đến Khu số 3 của Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 17 tháng 3 năm 2003.

Để phản đối việc bỏ tù bất hợp pháp, tôi đã từ chối thêm từ “tù nhân” vào trước tên của mình khi điểm danh vào ngày đầu tiên. Đội trưởng Cao Nam còng tay tôi vào lò sưởi, khiến tôi chỉ có thể ngồi xổm bên cạnh nó. Tôi bèn hô lên, “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Cao ra lệnh cho các tù nhân nhét tất vào miệng tôi rồi dùng kim châm vào ngón tay tôi. Để buộc tôi từ bỏ Pháp Luân Công, họ đã không cho tôi ngủ trong 15 ngày liên tục và điều 4 nhóm tù nhân thay phiên nhau giám sát tôi.

Sau đó, Lưu Nghiên, tù nhân tích cực giúp các cai ngục tra tấn các học viên Pháp Luân Công, đã lừa tôi viết một bản hối quá thư bằng cách hứa cho tôi được giảm án.

Sau đó, tôi nhận ra mình đã phạm sai lầm và nhanh chóng viết một bản nghiêm chính thanh minh để hủy bỏ tuyên bố đó.

Tất cả các tù nhân trong Khu số 3 bị buộc phải làm việc không công từ 6:30 sáng đến 8:45 tối, liên tục cả tuần và không có ngày nghỉ. Đến năm 2007, chúng tôi bắt đầu được nghỉ Chủ nhật. Năm 2010, Khu số 3 trở thành Khu số 1 sau khi nhà tù tiến hành cải tổ để trả thù lao cho các tù nhân làm việc. Tôi được trả 55 nhân dân tệ một năm. Để nhận tiền vào ngày lĩnh lương, tôi được lệnh phải ký tên vào giấy tờ và tôi đã quyết định từ chối ký. Trưởng nhóm đã thay mặt tôi ký tên để tôi vẫn được chi trả.

Vị trí trưởng nhóm thay đổi hàng năm. Trong những năm ở đó, tôi đã nhân cơ hội đó viết báo cáo tư tưởng để nói với họ về vẻ đẹp của Pháp Luân Công và nhiều người đã minh bạch chân tướng theo cách này.

Ngày 27 tháng 1 năm 2012, tôi được trả tự do. Tôi tới sống cùng mẹ tôi ở thành phố Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh. Tôi đã đến Văn phòng Nhân sự và Lao động thành phố Triều Dương vào tháng Tư để nộp đơn xin nghỉ hưu, nhưng tôi được thông báo rằng thời gian tôi ngồi tù không được tính vào số năm công tác do công ty nơi tôi làm việc quyết định sa thải tôi. Do vậy, tôi phải đợi đến 50 tuổi mới có thể nộp đơn xin nghỉ hưu.

Việc nghỉ hưu của tôi đã được xử lý vào cuối năm 2016. Vì tôi không đóng bảo hiểm xã hội từ nửa cuối năm 2009 đến năm 2016 nên lương hưu của tôi chỉ được gần 1.300 nhân dân tệ mỗi tháng.

Bản án thứ hai: Bốn năm tù

Trên đường trở về từ hội chợ cộng đồng vào ngày 13 tháng 1 năm 2018, tôi lái xe qua thị trấn Lý Quan, thành phố Đại Liên thì bị hai cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Lý Quan chặn lại với lý do tìm kiếm tội phạm truy nã. Có năm học viên khác trong xe của tôi và tất cả chúng tôi đều bị bắt. Họ tịch thu tất cả vật dụng của chúng tôi liên quan đến Pháp Luân Công, bao gồm DVD, tài liệu, sách và tiền mặt. Chúng tôi được đưa đến bệnh viện cảnh sát để kiểm tra y tế vào buổi tối, và sau đó được đưa đến trại tạm giam Diêu Gia, Đại Liên sau 1 giờ sáng.

Tòa án Ngõa Phòng Điếm đã xét xử tất cả chúng tôi vào ngày 5 tháng 9 năm 2018 và tôi bị kết án bốn năm tù. Tôi đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Đại Liên, nhưng họ vẫn quyết định giữ nguyên bản án ban đầu.

Tôi lại bị chuyển đến Nhà tù nữ Liêu Ninh vào ngày 26 tháng 2 năm 2019 và được phân vào Khu số 1.

Vì tôi từ chối trả lời điểm danh và không đeo huy hiệu nhà tù để phản đối bản án bất hợp pháp, tôi đã không được phép mua bất cứ thứ gì ở siêu thị trong dịp Tết. Cũng trong khoảng thời gian này, nhà tù bắt đầu thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ do đại dịch bùng phát. Mỗi ngày chúng tôi phải ngồi từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối với hai bữa ăn. Chúng tôi bị ép phải ăn quá nhiều mỗi bữa khiến nhiều người trong chúng tôi bị đầy bụng.

Một thời gian sau, tổ của tôi được giao sản xuất áo bảo hộ từ ngày 17 tháng 2 năm 2020 và chúng tôi đã phải làm việc ngoài giờ đến 9 giờ tối hằng ngày. Sau đó, chúng tôi phải hoàn thành 3.000 bộ mỗi ngày và phải làm việc đến 1 hoặc 3 giờ sáng mỗi ngày, thậm chí qua đêm trong ba ngày. Các lính canh đã bật nhạc rock âm lượng lớn để giữ cho các tù nhân tỉnh táo. Những học viên phản đối và từ chối làm việc sẽ phải ở lại xưởng và tiếp tục làm việc cùng các tù nhân khác vào ngày hôm sau. Người ta nói rằng tổ chúng tôi đã kiếm được 10 triệu nhân dân tệ cho nhà tù tính đến ngày 11 tháng 5 năm 2020.

Từ khi tôi mới vào tù, tôi đã hỏi về quy trình nộp đơn đề nghị xem xét lại trường hợp của mình. Tôi luôn được trả lời rằng tôi không thể nộp đơn, nhưng người nhà của tôi có thể làm việc đó bên ngoài nhà tù. Ngày 5 tháng 4 năm 2020, tôi gặp đội trưởng Cao Oa để hỏi cô ấy một lần nữa. Cô ấy lại lặp lại câu trả lời như trước và ra lệnh thu bút của tôi và không cho phép tôi viết gì sau đó nữa. Một trưởng nhóm phạm nhân là Sa Hiểu Thần đã lớn tiếng thông báo hai lần trong phòng giam của tôi rằng không ai được phép nói chuyện với tôi.

Các lính canh đã thu thập dấu vân tay của mọi người tại Khu chúng tôi vào ngày 1 tháng 5 năm 2020. Bốn học viên trong số chúng tôi từ chối làm điều đó vì chúng tôi không phải là tội phạm. Tôi được đưa đến văn phòng vào ngày hôm sau. Sa Hiểu Thần và vài tù nhân đã cưỡng bức lấy dấu vân tay của tôi bằng cách còng tay tôi lại, trong khi một người bịt miệng và một người kéo tóc tôi từ phía sau. Một sỹ quan còn chụp ảnh tôi.

Ngày 14 tháng 8 năm 2020, tôi từ chối đeo huy hiệu tù nhân và bị trưởng khu Lưu Chất Lập phạt đứng trong một ngày ròng.

Ngày 1 tháng 9 năm 2020, một cán bộ nhà tù tên Trần Oánh ra lệnh cho tôi cởi giày và tất mà không có lý do. Tôi đã không hợp tác. Do vậy, một số tù nhân đã lột trần tôi. Tôi hét lên “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” và tù nhân Cao Diễm Thu nhanh chóng bịt miệng tôi. Trưởng ban quản giáo Lý Hiểu Đình đã quan sát và không ngăn cản họ, thay vào đó, cô ta đe dọa sẽ xịt hơi cay vào tôi nếu tôi tiếp tục la hét.

Từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 14 tháng 9 năm 2020, tôi bị đưa đi tẩy não tăng cường tại một phòng biệt giam rộng chưa đầy 32 mét vuông và bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công suốt ngày.

Trưởng ban quản giáo Lý Hiểu Đình ra lệnh cho các tù nhân Trương Duệ, Cao Diễm Thu và Ninh Văn Quyên tẩy não tôi. Họ đối xử tử tế với tôi trong tuần đầu tiên và thậm chí còn cho tôi ăn những món ăn có thịt. Nhưng vì tôi kiên định với đức tin của mình và khăng khăng tập các bài công pháp của Pháp Luân Công vào tuần thứ hai, họ đã còng tay tôi ra sau lưng. Ngay cả đến giờ ăn, họ cũng không tháo còng tay và để tự tôi xoay sở với đĩa thức ăn để trên chân tôi. Họ cũng không cho tôi uống nước và sử dụng nhà vệ sinh. Tôi buộc phải ngồi trên ghế đẩu vào buổi tối và không được phép rửa ráy hay mua những thứ cần thiết hàng ngày.

Vì tôi giữ vững đức tin của mình, các cai ngục đã trừng phạt phòng giam của tôi bằng cách lấy đi chiếc TV để kích động lòng căm thù từ những bạn tù cùng phòng khác. Bạn tù Lý Giai Huệ đã cầu xin tôi nhượng bộ để lấy lại chiếc TV, trong khi bạn tù Trương Duệ tức giận và dùng giày đánh vào mặt tôi. Cô ấy còn đá vào ngực và lưng tôi. Cuối cùng thì tôi cũng làm theo, nhưng tôi biết rằng tôi không nên làm điều đó và cảm thấy buồn.

Trong khi dọn dẹp xưởng dịp gần Tết năm 2021, lính canh đã tìm thấy ba cuốn sách Pháp Luân Công viết tay gần nơi làm việc của tôi. Họ nghi ngờ rằng những cuốn sách là của tôi và giảm tiền trả cho tôi xuống còn năm nhân dân tệ mỗi năm.

Các quan chức nhà tù yêu cầu tất cả các tù nhân phải tiêm vắc-xin COVID-19 vào tháng 6 năm 2021. Tôi từ chối làm điều đó và đã bị các tù nhân đánh đập thậm tệ. Vì lính canh Bạch không chịu làm bất cứ điều gì cho đến khi tôi chịu tiêm, vậy nên tôi đã phải nhượng bộ.

Tôi được trả tự do vào ngày 12 tháng 1 năm 2022. Nhà tù không cho phép tôi mang theo bản cứng của bản án của mình và vài ngày sau, tôi được biết rằng lương hưu của mình đã bị đình chỉ từ tháng 2 năm 2019.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/31/86-448346.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/22/203972.html

Đăng ngày 12-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share