Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Thượng Hải, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-06-2022] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, cảnh sát an ninh nội địa ở quận Trường Ninh, Thượng Hải đã rất tích cực tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công địa phương.

Cảnh sát đã bắt giữ những học viên kiên định và xử lý những trường hợp của họ như những đại án và án trọng yếu. Số vụ bắt giữ và chuyển hóa các học viên có liên quan chặt chẽ đến thành tích và tiền thưởng hàng năm của các cảnh sát. Do đó, cảnh sát phối hợp chặt chẽ với Trại tạm giam Quận Trường Ninh để tra tấn và tẩy não các học viên, hòng ép họ từ bỏ đức tin của mình. Các phương pháp tra tấn được sử dụng trong trại tạm giam này tàn nhẫn như những phương pháp được sử dụng trong các trại lao động cưỡng bức và nhà tù.

Dưới đây là sơ lược về một số hình thức tra tấn được sử dụng ở trong trại tạm giam Quận Trường Ninh.

1. Tra tấn thể xác

Biệt giam

Diện tích của phòng biệt giam của trại chỉ nhỏ chừng 2 mét vuông. Nó không có cửa sổ và được dựng lên bởi những thanh sắt. Vào năm 2009, trại còn đặt thêm một chiếc “ghế cọp” bên trong phòng biệt giam. Học viên bị biệt giam sẽ bị còng vào tay vịn của ghế và cùm chân vào phần dưới của ghế. Ở giữa chỗ ngồi có khoét một cái lỗ để các học viên có thể đại tiểu tiện ngay tại chỗ mà không cần phải đứng dậy. Hai chiếc dây đai bằng da được gắn vào phần tựa lưng của ghế để cố định phần thân trên của các học viên.

8f214c51f0cc3849eddea4893c6aa3b6.jpg

eef7a002e1ba2d185ea89cd8a93917d1.jpg

Hình vẽ minh họa phương thức tra tấn: Ghế cọp

Còng tay và cùm chân bằng nhiều kiểu khác nhau

Thông thường, chỉ những kẻ giết người bị nhốt trong các trại tạm giam ở Thượng Hải mới bị còng tay và cùm chân. Thế nhưng, các học viên bị giam ở trong trại tạm giam Quận Trường Ninh lại phải chịu hình thức tra tấn này, thậm chí còn bị còng theo những cách còn tàn bạo hơn cả những tội phạm giết người. Lính canh thường còng tay và cùm các học viên theo những cách sao cho các học viên không thể duỗi thẳng người.

Đôi khi lính canh còn gắn còng tay của các học viên vào một thanh kim loại trên cao để treo họ lơ lửng trong thời gian dài. Điều này khiến cổ tay và vai của các học viên bị thương nghiêm trọng. Có lúc lính canh xích còng tay và cùm chân các học viên xuống đất để họ phải ở trong tư thế ngồi nghiêng người suốt một thời gian dài.

c0c761f9f035c345bdbcd461ea8ede7f.jpg

e4c96dbdbac5bf84c0f3fe1471820056.jpg

0529fd9d8d1c5fa2bf531f12d726dda2.jpg

Tranh vẽ minh họa phương thức tra tấn: Còng tay và cùm chân được xích nối vào nhau hoặc nối xuống đất khiến người học viên không thể duỗi thẳng thân trên

Trói chặt vào giường kim loại và không thể cử động

Lính canh dùng băng y tế để trói người học viên vào một chiếc giường kim loại khiến họ không thể nhúc nhích và các khớp của cơ thể hoàn toàn bị kéo căng trong thời gian dài. Đồng thời, lính canh còn trùm một tấm vải đen lên đầu học viên trong toàn bộ quá trình này.

Bức thực qua đường mũi

Các học viên thường tuyệt thức để phản đối sự ngược đãi. Mỗi lần bức thực, lính canh thường giữ cố định người học viên ở trên ghế, và chọc một chiếc ống cho ăn qua đường mũi vào trong dạ dày, và nhét giẻ lau bẩn vào miệng của học viên để ngăn họ la hét. Lính canh còn liên hệ trực tiếp với các nhân viên ở Bệnh viện Trung tâm Quận Trường Ninh để nếu cần thiết, họ có thể đưa các học viên vào trong bệnh viện để tra tấn. Khi học viên từ chối ăn trong một thời gian dài, lính canh sẽ đưa họ đến Bệnh viện Đa khoa Nhà tù Thượng Hải để tăng cường tra tấn.

847c6376fcd3f07637651d7dacd6e3f8.jpg

Tranh vẽ minh họa phương thức tra tấn: Bức thực

2. Hành hạ tinh thần

Làm nhục

Trong tuần đầu tiên bị đưa vào trung tâm, một học viên sẽ bị lột sạch quần áo mỗi ngày ngay trước ống kính, trước mặt lính canh và những người bị giam giữ khác. Trại giam tuyên bố rằng biện pháp này nhằm ngăn chặn lính canh hoặc những người bị giam giữ hành hung học viên. Sau tuần đầu tiên, học viên phải lột đồ một hoặc hai lần một tuần để những người bị giam giữ có thể kiểm tra các vết thương ngoài da của họ.

Tẩy não

Lính canh lấy danh nghĩa là “tư vấn tâm lý” để “nói chuyện giao lưu” với các học viên. Chi tiết của các cuộc trò chuyện được lưu trong máy tính và được cung cấp cho các nhân viên Phòng 610 và cảnh sát của Đội An ninh Nội địa quận, để họ có thể tìm hiểu thêm về thông tin cá nhân và sở thích của các học viên. Sau đó, chúng được sử dụng để điều chỉnh chiến lược tẩy não nhằm hủy hoại ý chí của các học viên, khiến họ từ bỏ tu luyện.

3. Thu thập dữ liệu y tế

Các bác sỹ từ Bệnh viện Trung tâm Quận Trường Ninh đến trại tạm giam ít nhất mỗi tháng một lần để khám sức khỏe cho các học viên, bao gồm cả việc lấy mẫu máu của họ. Các nhà chức trách không bao giờ giải thích lý do tại sao họ lại cho các học viên đi khám sức khỏe nhiều lần, cũng như không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý cho việc đó. Giám đốc Tiêu Khiếu của trại tạm giam nói rằng số tiền chi cho các đợt kiểm tra này lên đến hơn một triệu Nhân dân tệ mỗi năm.

4. Những người bị giam giữ tham gia bức hại các học viên

Lính canh lên kế hoạch tỉ mỉ về phòng nào giam giữ học viên, ai sẽ bị giam giữ cùng và cách sắp xếp chỗ ngồi và giường của học viên trong phòng giam. Mục đích của việc này là để lính canh có thể lợi dụng hiệu quả những người bị giam giữ tham gia vào cuộc bức hại.

Một trưởng lính canh phụ trách một hoặc hai buồng giam. Bên cạnh việc tra tấn các học viên trong buồng giam, trưởng lính canh còn ra lệnh cho những người phị giam giữ trong cùng buồng giam giám sát học viên. Chỗ ngồi và giường của mỗi học viên được đặt giữa những người giám sát (những người được chỉ định theo dõi học viên). Người giám sát sẽ ngăn các học viên lên tiếng khi các quan chức đến kiểm tra trại tạm giam. Họ sắm cả vai chính diện và vai phải diện để lừa phỉnh và phá hủy ý chí của học viên. Họ đã viết, ký tên và gửi các báo cáo về hoạt động hàng ngày của học viên cho lính canh.

Phía trên trưởng lính canh là giám đốc trại, cảnh sát và các chuyên gia phụ trách giám sát và phân tích mỗi từng học viên. Tất cả lính canh đều nhận được thông báo sau khi một học viên làm điều gì đó khác thường. Những người có thẩm quyền này giữ liên lạc chặt chẽ với Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa về các vấn đề Pháp Luân Công. Các biện pháp được sử dụng để bức hại các học viên Pháp Luân Công trong trại giam rất tỉ mỉ và có hệ thống.

5. Kích động thù hận chống lại các học viên

Nếu một học viên luyện công (tập các bài công pháp của Pháp Luân Công), lính canh sẽ trừng phạt những người bị giam giữ cùng anh/cô ấy hoặc tước thời gian xem TV của họ. Lính canh sẽ vu khống để trong mắt người khác, các học viên là những kẻ ích kỷ, thiếu tôn trọng và không hợp tác, để kích động lòng thù hận của những người bị giam trong cùng phòng giam chống lại họ. Do đó, những người trong cùng buồng giam sẵn sàng hơn hoặc thậm chí tích cực tham gia vào việc tra tấn các học viên.

Những trường hợp bức hại chọn lọc

Một tài năng trẻ bị tra tấn đến gần như bại liệt và bị kết án 5 năm

Anh Hà Băng Cương ở quận Từ Hối, Thượng Hải đã tốt nghiệp Đại học Phúc Đá. Khi mới 15 tuổi, anh đã tạo ra một hệ thống âm thanh máy tính để hỗ trợ người khiếm thị hành máy tính. Anh đã nhận được Giải thưởng Nhà phát minh trẻ Yilda Thượng Hải lần thứ 6 và Huy chương bạc của Giải thưởng Phát minh Quốc gia lần thứ 6. Anh có chứng chỉ kỹ sư phần mềm ứng dụng máy tính cao cấp vào năm 16 tuổi.

90b8952ef93697b6817b1f60ed171a42.jpg

Anh Hà Băng Cương

Năm 2000, khi anh Hà vẫn đang học sau đại học, anh đã bị bắt giam và lao động cưỡng bức vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Năm 2001, Tòa án Quận Từ Hối đã kết án anh 6 năm tù. Anh bị giam trong Nhà tù Đề Lam Kiều ở Thượng Hải, và anh đã được trả tự do vào năm 2007. Sau đó, anh Hà thành lập Công ty Công nghệ Úc Văn.

Sáng ngày 15 tháng 4 năm 2010, Vương Ngọc của Đội An ninh Nộ địa thuộc Công an Quận Trường Ninh đã cử một cảnh sát mặc thường phục vào bán một chiếc máy tính đã qua sử dụng cho công ty của anh Hà. Vương mặc thường phục đợi ở lầu trên trong tòa nhà nơi đặt trụ sở công ty của anh Hà.

Sau khi viên cảnh sát ngầm đó rời đi, Vương thay đồng phục cảnh sát và dẫn một nhóm cảnh sát đến công ty của anh Hà. Họ tuyên bố có một nhân chứng đã gọi điện trình báo rằng công ty anh có một chiếc máy tính đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp. Họ lục soát công ty và tìm thấy một hộp đựng sách của Pháp Luân Công và một đĩa DVD, những đồ này là do một đặc vụ giả vào xin việc tại công ty của anh Hà để vào. Họ bắt anh Hà và đưa anh đến Đồn Công an Phố Thiên Sơn rồi tra khảo và đánh đập anh tại đó, hòng cố gắng ép anh Hà thừa nhận rằng những cuốn sách và đĩa DVD đó là của anh. Việc đánh đập khiến anh Hà bị thương nặng ở cột sống.

Đầu tháng 7 năm 2010, anh Hà bị chấn thương ở cổ và phần lưng dưới, cánh tay của anh bị đau nhức. Anh ấy thường bị ngã mỗi lần cố gắng đi bộ, nhưng bác sỹ trại giam đã không đưa anh đi kiểm tra. Vào tháng 9, cánh tay của anh đau đớn kịch liệt. Đến tháng 11 năm 2010, anh không thể đi lại bình thường, và anh cũng nhiều lần yêu cầu được khám vùng lưng dưới nhưng đều bị từ chối.

Anh Hà không thể đi lại và sau đó bị mất kiểm soát đại tiểu tiện vào tháng 3 năm 2011. Ngày 14 tháng 3 năm 2011, lính canh đưa anh đến bệnh viện và bác sỹ phát hiện anh bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ kèm theo phù tủy sống. Ngày 28 tháng 3 năm 2011, nhà chức trách thông báo gia đình đến đón anh về nhà, và anh được tại ngoại chờ xét xử. Khi gặp anh Hà, gia đình không nhận ra anh, vì anh xanh xao và gần như không thể đứng dậy và không thể đi lại.

Doanh nhân trở thành người nghèo khổ và bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức

8ed2980e59f654c1801ea9bf1f24bd96.jpg

Bà Trương Anh

Cảnh sát của quận Trường Ninh đã bắt giữ bà Trương Anh vào sáng ngày 8 tháng 9 năm 2009. Thời điểm đó bà Trương đang ở nhà mẹ chồng và cha mẹ chồng bà đã chất vấn cảnh sát: “Các vị có bằng chứng pháp lý nào cho việc này không?”

Cảnh sát Yang Ying đáp: “Chúng tôi bắt người thẩm vấn trước đã, rồi ắt sẽ đưa ra được chứng cứ”. Cảnh sát đã đưa bà đến Đồn Cảnh sát Tiên Hà Lộ và thẩm vấn bà.

Bên trong xe cảnh sát, bà Trương bắt đầu bị co giật và chuột rút. Khi xe đến trại tạm giam Quận Trường Ninh, bốn cảnh sát đã khiêng bà ra ngoài và ném bà xuống sàn. Nhân viên trại tạm giam không tiến hành kiểm tra sức khỏe cho bà trước khi nhập trại. Ngày hôm sau bà bị sốt cao, và lính canh kéo bà vào một phòng làm việc để tra tấn. Họ giẫm lên đầu bà và ép bà uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Để phản đối sự ngược đãi, bà đã tuyệt thực. Ba ngày sau, lính canh đưa bà vào bệnh viện và bà được chẩn đoán mắc chứng tăng huyết áp. Trong 6 tháng kế tiếp, bà đã phải nhập viện 3 lần.

Sau khi xuất viện, bà Trương từ chối mặc đồng phục tù nhân. Lính canh nhốt bà vào phòng biệt giam và bắt bà phải ngồi trên một chiếc ghế cọp. Chân tay bà bị còng vào băng ghế và phần thân trên bị buộc chặt vào lưng ghế. Lính canh cố ý bịt chiếc lỗ khoét sẵn trên ghế nơi dùng để đại tiểu tiện và giám đốc trại lúc đó Ngô Lệ Tân đe dọa nếu bà Trương “đại tiểu tiện ra quần”, bà ta sẽ đưa mọi người đến xem. Sau khi bà Trương tuyệt thực, một lính canh nói với bà rằng các bác sỹ từ Bệnh viện Trung tâm Quận Trường Ninh “lúc nào cũng có thể đến để bức thực bà“.

Bảy ngày sau lính canh cởi trói bà khỏi ghế cọp và đeo còng và cùm nặng vào chân và tay bà. Còng và cùm được xích lại với nhau để phần thân trên của bà liên tục ở tư thế cúi khom người. Bà hầu như không thể di chuyển và không thể đi lại hoặc đi vệ sinh bình thường. Trong khi ngủ bà vẫn phải đeo còng và cùm. Điều này tiếp diễn trong suốt một tháng, khiến sức khỏe của bà xấu đi, và cân nặng của bà giảm từ 60 kg xuống còn 35 kg.

Cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Quận Trường Ninh đã ngụy tạo hồ sơ của bà, làm giả lời khai và bố trí nhân chứng giả để xét xử bà. Công tố viên đề nghị kết án bà từ 7 đến 10 năm tù.

Lao động kiểu mẫu bị lạm dụng tình dục và bức thực

Bà Phạm Quốc Bình, một người dân Thượng Hải, đã nghỉ hưu tại Nhà máy Vô tuyến điện Số 1 Thượng Hải. Khi bà còn làm việc trong nhà máy, hàng năm cấp trên của bà đều đánh giá bà loại tốt. Bà từng được nhận giải thưởng “lao động kiểm mẫu” của Thượng Hải.

Mùa hè năm 2008, khi bà Phạm đã ngoài 60 tuổi, bà đã bị bắt và giam tại trại tạm giam Quận Trường Ninh. Khi bà vừa bị đưa vào trại, lính canh đã cấm bà ngủ trong 3 ngày. Bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại, và lính canh đã cố bức thực bà. Việc bị đối xử thô bạo trong quá trình bức thực khiến mũi bà bị chảy máu suốt đêm. Khi đó, giám đốc Ngô Lệ Tân đã dùng một chiếc ống cao su dày để bức thực bà nhằm tăng thêm sự đau đớn và ép bà phải ngừng tuyệt thực. Khi ống cao su không thể trượt vào trong dạ dày, Ngô đã dùng sức ấn lến cổ bà, khiến bà đau đớn tột độ và gần như nghẹt thở.

Bởi bà Phạm vẫn không từ bỏ đức tin của mình, Ngô đã ra lệnh nhốt bà vào phòng biệt giam. Chân của bà bị còng vào lan can kim loại, cánh tay bị còng ra sau lưng. Khi bà muốn sử dụng phòng vệ sinh, thay vì để bà xuống, lính canh bắt các tù nhân dùng chậu hứng nước tiểu và phân của bà. Bởi chân của bà bị trói cao hơn phần còn lại của cơ thể, khiến việc đi tiểu và đi cầu của bà bị vương vãi, gây bẩn thỉu và vô cùng đau đớn. Lúc đó thời tiết nóng nức, sự bẩn thỉu này đã thu hút rất nhiều côn trùng, khiến toàn thân bà bị đốt chi chít, không còn mảnh da nào lành lặn.

Cuộc tra tấn kéo dài trong 2 tuần. Bởi thấy bà Phạm không thỏa hiệp, Ngô ra lệnh không cho bà Phạm sử dụng nhà tắm để tắm rửa. Đồng thời, Ngô cấm những người bị giam giữ khác mua thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm hàng ngày chỉ vì bà Phạm không từ bỏ tu luyện. Điều này khiến những người bị giam giữ khác tức giận và thù ghét bà Phạm. Sau đó, Ngô yêu cầu những người bị giam giữ khác buộc khăn mặt vào mặt bà rồi đẩy bà đi xung quanh, đồng thời họ còn đá và cấu véo bà. Sau khi cảm thấy hài lòng với việc ngược đãi bà Phạm, Ngô cho phép những người bị giam giữ khác mua thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Giám đốc điều hành bị xích xuống đất

Ông Bàng Quang Văn, một cư dân tỉnh Sơn Đông, từng là giám đốc điều hành của một công ty hậu cần ở quận Nam Hối, Thượng Hải. Tối ngày 27 tháng 4 năm 2012, cảnh sát của Đồn Công an Đường Giang Tô đã bắt giữ ông Bàng khi ông đang phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cảnh sát đã tịch thu máy tính, máy in và các đồ đạc khác của ông và tống ông vào trại tạm giam Quận Trường Ninh.

14616cc3b8d4c387ee5af009a59cccf0.jpg

Ông Bàng Quang Văn

Nhằm ngăn ông Bàng luyện công trong trại, lính canh đã cùm chân và tay ông lại với nhau, rồi xích cùm xuống đất. Họ cưỡng chế ông mặc đồng phục tù nhân. Để phản đối sự ngược đãi, ông đã bắt đầu tuyệt thực vào ngày 22 tháng 5. Năm ngày sau, lính canh đưa ông vào bệnh viện và trói tay chân ông vào giường bệnh.

Ngày 24 tháng 5 năm 2012, luật sư của ông Bàng đến thăm và thấy thân chủ của mình bị cùm xuống đất. Khi luật sư hỏi tại sao lính canh lại dùng những biện pháp tàn nhẫn như vậy với ông Bàng, một lính canh nói rằng đó là vì ông đã luyện công và hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Vào thời điểm đó, ông Bàng đã tuyệt thực và bị bức thực ba ngày. Luật sư yêu cầu lính canh tháo cùm nặng ra khỏi người ông Bàng, nhưng lính canh từ chối.

Một phần danh sách các thủ phạm bức hại

659354aa129c4aa51702575a343fe5ee.jpg

Ngô Lệ Tân, giám đốc trại tạm giam Quận Trường Ninh

7323cef816dd521b06ca76b59c7bc229.jpg

Chu Chính, trưởng Công an Quận Trường Ninh

3bb880fd74233e9d0546e8c2fad60f57.jpg

Ngụy Lý Quang, cảnh sát của Đội An ninh Nội địa thuộc Công an Quận Trường Ninh

6e0bc2768432521a6472933fdc8f7ed2.jpg

Chủng Hiểu Vịnh, bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Quận Trường Ninh

542e2da1c516b1cf2fcfcf0586877487.jpg

Dương Huệ Tân, chánh án của Tòa án Quận Trường Ninh

e35d749d819788d427644c14945cf765.jpg

Chu Lệ Quần, viện trưởng của Viện Kiểm sát Quận Trường Ninh

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/14/444850.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/3/202079.html

Đăng ngày 04-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share