Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-07-2019] Cô Trần, giáo viên dạy toán, mỉm cười với tôi và nói rằng lớp học của tôi thật đáng yêu. Cách đây vài năm, khi tôi bắt đầu làm việc với cô, cô không giống như vậy. Cô từng là người rất nghiêm nghị và hay quát mắng học sinh. Thậm chí, có một em học sinh sợ cô đến nỗi không dám đi học.

Tôi cảm thấy giữa tôi và cô Trần có một rào chắn vô hình. Tôi nhận thấy cô, cũng giống như nhiều giáo viên khác, lúc nào cũng oán hận vì công việc nặng nhọc và tẻ nhạt. Phong cách dạy học của cô chính là quản chế và áp chế học sinh. Tôi thường nghe thấy tiếng cô quát mắng học sinh, vì thế các con rất sợ cô. Cô còn hay phàn nàn rằng công việc của mình quá vất vả.

Thực ra, là một giáo viên chủ nhiệm, khối lượng công việc của tôi còn nặng hơn. Tôi không những phải dạy tốt môn học được giao, mà còn phải chịu trách nhiệm về mọi công tác của lớp học. Học sinh của tôi còn quá nhỏ để có thể tự chủ động được các việc trên lớp. Giáo viên chủ nhiệm phải lo hết thảy. Hơn nữa, các em mới bắt đầu đi học nên còn chưa biết nội quy của trường, còn hay gây ồn và rất nghịch. Tôi phải thường xuyên ở trong lớp để duy trì kỷ luật và giữ an toàn cho các em.

Đó là lần đầu tiên tôi dạy học sinh lớp một. Tôi cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên, tôi tự nhắc nhở mình rằng tôi là một người tu luyện và cần tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để nâng cao phương pháp dạy học của mình.

Trẻ nhỏ thường thích mách cô về lỗi của bạn khác. Một số giáo viên chủ nhiệm thường vội vàng bỏ qua các vấn đề của các em, một số còn không cho phép học sinh tùy ý mách cô. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi vấn đề xảy ra đều là cơ hội để giáo dục và hướng dẫn trẻ nhỏ. Tôi thường giảng đạo lý cho các em và dạy các em đối xử tốt với người khác. Tôi sưu tập một số câu chuyện hướng con người đến lương thiện, chân thành, và khoan dung để kể cho các em. Tất cả các em đều thích nghe những câu chuyện này, và đều nhận được sự giáo dục thông qua những câu chuyện đó.

Một hôm, tiền trong hộp bút của một em học sinh bị mất. Tôi đoán có lẽ một học sinh nào đó trong lớp đã lấy trộm. Tuy nhiên, tôi không đi tìm, thay vào đó, tôi kể cho các em nghe một câu chuyện kể về việc không nên lấy những gì không thuộc về mình và hậu quả mà những người làm việc này phải gánh chịu. Tôi cũng nói với các em rằng ai nhận ra lỗi sai của mình đều có thể trả lại số tiền đã lấy.

Ngày hôm sau, em học sinh bị mất tiền vui sướng nói với tôi rằng tiền của em đã được trả lại. Tôi thấy rất vui vì em học sinh lấy trộm tiền đã sửa lại lỗi lầm của mình, và các bạn khác trong lớp đã học được một bài học thông qua việc này.

Tôi luôn đối xử với học sinh của mình một cách hòa ái, nhưng khi các em phạm lỗi, tôi cũng rất nghiêm khắc để giúp các em hiểu được phép tắc. Tuy nhiên, tôi không bao giờ nói điều gì làm tổn thương đến các em. Thay vào đó, tôi luôn luôn dùng đạo lý để thuyết phục các em, và luôn cố gắng hết sức để dẫn dắt các em trở thành những con người chân thành, thiện lương, và khoan dung. Vì vậy, các em đều vô cùng tin tưởng và nghe lời tôi.

Dần dần, lớp học đã trở nên có trật tự, và trông các em lúc nào cũng vui vẻ. Nhiều giáo viên hỏi tôi: “Chị chưa bao giờ mắng học sinh. Làm sao mà học sinh của chị lại biết vâng lời như vậy?”

Học sinh của tôi cũng thường hỏi tôi về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của các em. Cho dù cảm thấy mệt, tôi vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Tôi cảm thấy trái tim ngây thơ của trẻ em rất trân quý và tôi cần phải nuôi dưỡng chúng.

Một lần, một phụ huynh nói với tôi rằng giáo viên dạy toán, cô Trần, đã mắng các em: “Các con học toán không tốt là bởi vì cô Lý quá hiền với các con!” Tôi đã an ủi vị phụ huynh này nhưng tôi cũng không tức giận với cô Trần.

Đưa Pháp lý vào hành động

Sư phụ yêu cầu các đệ tử Đại Pháp làm việc gì đều cân nhắc đến người khác trước. Tôi hiểu rằng cô Trần rất căng thẳng về điểm toán của học sinh. Ngoài ra, cô cũng cảm nhận được rằng các em học sinh thích tôi nhưng không thích cô. Vì vậy, cô đã có những lời phàn nàn về tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn đối xử ôn hòa và hợp tác với cô. Tôi đã kể cho cô nghe về triết lý và phương pháp giáo dục của tôi. Tôi cũng chia sẻ với cô về những ưu điểm của học sinh.

Thời gian trôi qua, học sinh của tôi đã nhận được nhiều lời khen từ các giáo viên khác, và họ nói rằng họ thích dạy lớp của tôi.

Một lần cô Trần đang hướng dẫn học sinh trước khi làm bài kiểm tra môn toán, lúc ấy tôi cũng tình cờ có mặt ở lớp học, vì vậy tôi đã đưa thêm một số yêu cầu cho các em. Sau khi có kết quả bài kiểm tra, cô Trần phấn khởi nói với tôi rằng: “Lời nói của chị thật có tác dụng, lần này số học sinh đạt điểm cao đã tăng lên rất nhiều.” Từ đó, mỗi lần có kỳ thi toán quan trọng nào, cô Trần đều nhờ tôi nói chuyện với học sinh.

Tôi đã thấy được sự thay đổi ở cô Trần, bây giờ cô rất tin tưởng tôi. Cô thường tự hào nói với tôi: “Học sinh của chúng ta tỏa sáng như ánh mặt trời vậy.”

Cuối cùng, cô cũng nhận ra rằng dùng áp chế để quản lý học sinh không phải là một phương pháp tốt, nó khiến các em lúc nào cũng có vẻ mặt buồn rười rượi. Phụ huynh học sinh thường nói với tôi: “Các con của chúng tôi thật may mắn vì gặp được một giáo viên như cô.”

Pháp Luân Đại Pháp đã dắt tôi thoát khỏi dòng chảy tiêu cực của xã hội. Nếu không tu luyện Đại Pháp, có lẽ tôi sẽ nhận quà cáp từ phụ huynh giống như nhiều giáo viên khác, và có lẽ cũng sẽ đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu. Hành vi chân chính của tôi đã giúp phụ huynh tin tưởng và yên tâm giao phó con cái của họ cho tôi, bởi vì tôi luôn đối xử công bằng với các con. Phụ huynh của lớp tôi cũng luôn chủ động tham gia vào các hoạt động của trường và lớp. Các giáo viên khác đều ngưỡng mộ tôi và nói: “Phụ huynh của lớp chị thật nhiệt tình!”

Từ khi chúng tôi cùng làm việc với nhau, cô Trần đã thay đổi rất nhiều, cô không còn nghiêm nghị giống như trước kia nữa. Một lần, cô đã phát biểu trong một buổi họp phụ huynh: “Lớp học của chúng ta dưới sự quản lý của cô Lý đã trở nên càng ngày càng tốt, học sinh càng ngày càng nhiệt tình học tập.” Trong kỳ thi cấp huyện, thành tích môn ngữ văn của lớp chúng tôi đã được xếp hạng nhất, thành tích môn toán học cũng có nhiều tiến bộ.

Khi lớp tôi tốt nghiệp tiểu học, cả học sinh và phụ huynh đều lưu luyến không muốn rời đi. Phụ huynh của lớp đã tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp long trọng để bày tỏ lòng cảm ơn đến các thầy cô. Tất cả lãnh đạo của trường tham dự buổi lễ đều rất cảm kích, họ đã nhìn thấy sự tận tâm vô tư vô ngã của tôi trong công việc.

Qua nhiều năm, cho dù tôi làm việc tốt như thế nào, tôi cũng không bao giờ được thăng chức hay được xếp hạng giáo viên loại A, bởi vì tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng tôi tin rằng khi các lãnh đạo nhà trường tham dự buổi lễ tốt nghiệp, trong tâm họ chắc chắn đã cho tôi một điểm “A” lớn.

Sau khi học sinh của chúng tôi tốt nghiệp, tôi và cô Trần lại được phân công làm việc cùng nhau. Bây giờ, khi bước vào lớp học, khuôn mặt của cô lúc nào cũng tươi cười. Cô luôn chuẩn bị những món quà trong ngăn kéo bàn của mình để khuyến khích học sinh. Chứng kiến những thay đổi tích cực của cô, từ sâu trong nội tâm, tôi cảm thấy rất vui. Nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn không những tinh lọc tâm hồn tôi mà còn để cho những người xung quanh tôi được hưởng lợi. Quả thật là đúng như lời Sư phụ giảng:

“Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/5/389517.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/7/178769.html

Đăng ngày 18-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share