Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-05-2019] Trong suốt một thời gian dài, tôi cùng nhiều học viên khác thường có suy nghĩ tiêu cực mỗi khi phát sinh vấn đề. Tôi hiểu rằng đây là lối tư duy của người thường, nhưng không biết phải làm cách nào để vượt qua. Vì ý niệm không chính này, nên học viên chúng ta không ít lần té ngã và phải đương đầu với những ma nạn mà hoàn toàn có thể tránh nếu ý thức được vấn đề sớm hơn.

Sư phụ giảng:

“Chúng ta giảng rằng, tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau.” (“Bài giảng thứ tư”, “Chuyển Pháp Luân”)

Nếu chúng ta giữ vững chính niệm, thì mọi việc tất sẽ diễn ra theo hướng tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu chúng ta mang suy nghĩ tiêu cực, cục diện sẽ chuyển biến xấu đi.

Căn nguyên của những ý nghĩ tiêu cực

Thông qua học Pháp, tất cả chúng ta đều biết rằng, người tu luyện phải dùng chính niệm để suy xét vấn đề. Vậy tại sao những suy nghĩ bi quan vẫn xuất hiện mỗi khi chúng ta gặp phải sự việc?.

Sư phụ giảng:

“Hết thảy mọi thứ đều có căn nguyên của nó” (“Bài giảng thứ chín”, “Chuyển Pháp Luân”)

Chúng ta cần đào sâu đến tận gốc rễ của từng ý nghĩ tiêu cực để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Tôi ngộ được rằng, ý nghĩ tiêu cực này đến từ Cựu thế lực và đó là cách mà chúng vẫn thường thực hiện. Cựu thế lực vin vào cái cớ ấy mà tiến hành bức hại các học viên. Khảo nghiệm hủy hoại đệ tử Đại Pháp như thế là hoàn toàn đi ngược lại với yêu cầu của Sư phụ, chính là để người tu luyện tự quy chính bản thân thuận theo Pháp lý.

Sư phụ giảng:

“Thực ra thời đó còn là nhân loại thuộc về quãng những năm 50, 6014 , nhân loại là tương đối đơn thuần, tương đối lương thiện. Cựu thế lực thấy trạng thái nhân loại như vậy nếu đắc Pháp thì quá dễ rồi, thiện niệm nơi xã hội quá mạnh, do đó bèn tạo ra rất nhiều ý thức ‘hiện đại’, nghệ thuật và học thuyết phái ‘hiện đại’, các lĩnh vực đều tràn ngập những thứ ‘hiện đại’ phụ diện, cuối cùng khiến nhân tố phụ diện này chiếm lĩnh toàn thế giới.”

“Trong hình thức xã hội hoàn toàn là phụ diện thế này, chư vị muốn đi con đường [thành] Thần, chư vị muốn theo chính Đạo, thì khó lắm, tôi biết rất sâu sắc.”

“Một khi nhân tố phụ diện chiếm lĩnh ý thức con người và hình thái xã hội, thì nhân loại sẽ rất khó được cứu lại nữa, vì lý trí của người ta bị nhân tố phụ diện khống chế, khi làm các việc tự họ đã không phân biệt được rõ cái đó có phải là tư duy của tự mình hay không.”

“Như vậy ở bề mặt này đã bị xã hội vốn đã phụ diện rồi giáo dục thành quan niệm với ý thức rất mạnh hiện đại biến dị. Quan niệm hình thành hậu thiên ấy, nhân tố phụ diện, nó không phải là một nhân tố đơn giản đâu, đằng sau nó là có [những thứ] của tà linh —Satan cũng vậy, tà linh của tà đảng cộng sản cũng vậy— nó đang thống trị thế giới, nó đang lợi dụng những sinh mệnh tà ác của nó để khống chế con người. Con người hiện đại phân biệt không rõ hành vi khi biểu hiện là tư tưởng bản thân chư vị hay là bị nhân tố phụ diện khống chế.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017]”)

Khi nhận ra được điều này, tôi đã tăng cường học Pháp. Tôi đọc “Giải thể văn hóa Đảng”, nghe “Văn hóa Thần truyền,” và Chuyên đề phát thanh Minh Huệ “Thanh trừ văn hóa Đảng”. Có một câu chuyện đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc:

Cả hai học trò của Khổng Tử, một người là cháu trai ông tên Khổng Miệt, người còn lại là Mật Tử Tiện, đều làm đến chức Huyện lệnh.

Khi Khổng Tử gặp Khổng Miệt, ông hỏi: “Con nghĩ con được gì và mất gì từ khi làm Huyện lệnh?” Khổng Miệt thưa: “Con mất nhiều hơn được. Công vụ bận rộn đến nỗi con thường không có thời gian để đọc sách và rèn luyện bản thân. Bổng lộc lại quá thấp không thể chu cấp đầy đủ cho gia đình, nên con không có gì trợ giúp họ hàng thân quyến, điều này khiến mối quan hệ trong gia đình trở nên xa cách. Cuối cùng, công vụ cấp bách, con không có thời gian để thăm người ốm, thế nên mà bạn bè, gia đình xích mích, tranh cãi”.

Khi Khổng Tử đến gặp Mật Tử Tiện, ông trông thấy mọi thứ diễn ra rất như ý; người dân giàu có, trung thực và lễ phép. Khổng Tử hỏi Mật Tử Tiện câu hỏi tương tự: “Con nghĩ con được và mất gì từ khi trở thành quan huyện?”

Mật Tử Tiện thưa: “Con không mất gì mà lại đạt được rất nhiều. Mặc dù trăm công nghìn việc, con vẫn không quên trau dồi Kinh thư Thánh Hiền để rèn luyện và chỉ đạo bản thân, qua đó mà học được cách cai quản dân chúng. Mặc dù bổng lộc không nhiều, nhưng con luôn cảm thấy đủ để chu cấp cho thân nhân, điều này khiến gia quyến gần gũi hơn. Cuối cùng, tuy công vụ cấp bách, con không bao giờ quên thăm người ốm và dành thời gian chăm sóc mọi người, vì vậy tất cả mọi người xung quanh đều hỗ trợ công việc của con”.

Hai người học trò học cùng một thầy, đối mặt với cùng một hoàn cảnh, tại sao ý niệm nảy sinh lại khác nhau? Đó chẳng phải là vì họ dùng những cách khác nhau để đánh giá và giải quyết vấn đề; tích cực hay tiêu cực đều sẽ dẫn đến kết quả khác nhau.

Thể ngộ về tầm quan trọng của chính niệm

Chúng ta nên dùng chính niệm mà đối đãi khi gặp vấn đề, đánh giá mọi việc từ khía cạnh tích cực, ngay chính và biết ơn. Trong người thường, nhân tố tương sinh tương khắc tồn tại và khắc chế hết thảy. Tình huống dù xấu đến đâu, cũng ắt có mặt tốt. Khi toàn thể xã hội, phương tiện truyền thông tràn đầy nhân tố phụ diện và con người luôn phải tiếp thu văn hóa Đảng độc hại; thì họ vô hình chung lại có xu hướng nghe theo mà không tự biết.

Nhiều học viên đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Đại Pháp sau khi cuộc bức hại diễn ra và nhiều người đã bị bắt, bị kết án. Do đó, không ít người trước khi đi đã nghĩ: “Đi đến Bắc Kinh thì trước sau gì cũng bị bắt. Trại cưỡng bức lao động chính là nơi tốt nhất để tu luyện.” Vậy là nhiều học viên đã thừa nhận cuộc bức hại lẽ ra không nên có này; họ không biết rằng đang đi chệch khỏi sự an bài của Sư phụ mãi đến khi đọc được kinh văn mới của Ngài.

Vài học viên đến Bắc Kinh bằng chính niệm: “Ta đến Bắc Kinh là để chứng thực Pháp, không phải để bị bắt hay vào trại cải tạo lao động. Đó không phải là nơi dành cho người tốt và ta không có việc gì để làm ở đó cả.” Sau khi đến Bắc Kinh chứng thực Pháp xong thì họ đã quay về nhà an toàn.

Có trường hợp khác, một đồng tu đi dán các áp phích giảng chân tướng. Khi ngẩng đầu lên nhìn thấy có camera thì hoảng hốt: “Thôi, không xong rồi.” Hai tiếng sau, cô ấy bị bắt. Một học viên khác khi thấy camera thì niệm đầu của cô là camera thì cũng chẳng thể làm gì cô được. Và thật sự là cô đã bình an trở về nhà. Chúng ta học được gì qua sự việc đó?.

Phân định rõ ý niệm tích cực và tiêu cực

Khi tuân theo Pháp lý, giữ vững chính niệm, chúng ta có thể nhìn mọi thứ bằng thái độ và suy nghĩ lạc quan; từ đó khiến người khác cảm thấy vui vẻ, tích cực và thoải mái.

Khi có suy nghĩ tiêu cực, chúng ta có xu hướng đặt lợi ích và danh tiếng bản thân lên trước. Chúng ta chỉ chú ý đến yếu điểm và ghen tị với thành công của người khác. Chúng ta không bận tâm đến quan điểm của mọi người và hay có thói quen đổ lỗi cho người khác. Khi phát sinh mâu thuẫn thì trước hết là quy tội cho đối phương và không muốn thừa nhận cái sai của mình hay xin lỗi họ.

Nếu không có suy nghĩ tiêu cực, trạng thái của chúng ta sẽ vui vẻ, tự do, hi vọng và tự tin. Ngược lại, chính là cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bất lực, tiêu cực, oán giận, chán nản thậm chí tuyệt vọng. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, chúng ta phải suy xét ý niệm của mình đã ngay chính hay chưa. Nếu chưa thì cần hướng nội và dùng chính niệm để đánh giá lại vấn đề, tình huống ắt sẽ chuyển biến tốt đẹp.

Tôi đã từng mắc kẹt trong trạng thái nghiệp bệnh nặng và luôn tự hỏi mình có phải bị bệnh hay không. Tôi không thể ăn uống; đại tiện và bụng đau khôn thấu. Tôi lo lắng không biết mình có qua khỏi được không hay sẽ chết và lúc đó thì gia đình mình sẽ ra sao. Tất cả đều là những suy nghĩ tiêu cực.

Một đồng tu ghé thăm và động viên tôi: “Không sao cả, sẽ nhanh khỏi thôi”. Lời nói của cô ấy mang chính niệm mạnh mẽ, tràn đầy tích cực, lạc quan đã khuyến khích tôi rất nhiều. Tôi đã thay đổi suy nghĩ, tín Sư tín Pháp và cuối cùng đã vượt được quan nghiệp bệnh. Nhờ đó, tôi nhận ra tầm quan trọng của chính niệm, tư duy tích cực và sự hỗ trợ của đồng tu khi gặp khổ nạn.

Dùng chính niệm để đối đãi mọi thứ là phần then chốt trong tu luyện. Chúng ta cần quy chính từng ý niệm. Đương nhiên có lúc chúng ta không chú ý đến, nhưng nếu dụng tâm cải biến những suy nghĩ tiêu cực đó từ bây giờ, thì chúng ta hoàn toàn có thể đột phá được những tư duy kiểu này và ngày càng đề cao.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/4/385879p.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/16/178098.html

Đăng ngày 02-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share