Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[MINH HUỆ 30-10-2018] Hôm nay khi nghe chia sẻ bài viết trên Minh Huệ, tôi đột nhiên đã tìm được một chấp trước căn bản đã tồn tại trong một thời gian dài mà bản thân chưa bao giờ thấy rõ: chấp trước vào tự ngã.

Khi còn nhỏ tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Nhưng dường như từ lúc mà tôi có ký ức, tôi luôn có một loại cảm giác bẩm sinh là mình vượt trội hơn hẳn người khác; không giống người bình thường. Bình thường, cho dù là cùng chơi đùa với bạn bè hay là gặp gỡ người thân; dường như mọi người cố ý hay vô ý đều lấy tôi làm trung tâm.

Ví dụ như lúc tôi lên tiểu học, mẹ tôi quản tôi rất nghiêm khắc, không cho tôi đến trường quá sớm. Vì thế nên, các bạn tôi ở quanh đó, cho dù có học cùng lớp hay không, thì đều đến nhà tôi và đợi tôi cùng đi học. Vào mùa hè, khi mọi người mang giường tre ra sân nghỉ ngơi cho đỡ nắng, người lớn cũng sẽ chỉ đích danh tên tôi, nhờ tôi dẫn các bạn cùng chơi trò chơi hoặc làm gì đó khác. Khi tan học, đôi khi những đứa trẻ ở các thôn lân cận tụ tập cùng chơi trận chiến đánh bùn, tôi cũng tham gia cùng. Nếu tôi không muốn chơi mọi người cũng sẽ mất hứng thú và tự động giải tán.

Ở trường, các thầy cô giáo rất yêu quý tôi, cho dù là lúc tôi học hay không. Sau này đi làm, dường như tôi cũng được lãnh đạo trong đơn vị đặc biệt quan tâm. Ngay cả khi tôi mang bầu, tôi còn ngang nhiên giành lấy tờ báo mà chồng tôi định đưa cho mẹ tôi đang ngồi đợi lấy ở đó. Khi đó tôi vẫn chưa tu luyện Đại Pháp, trong lòng cảm thấy rằng mình mang thai nên là đối tượng quan trọng được chăm sóc nâng niu, đồng thời cũng muốn làm nũng trước mặt mẹ tôi… Tất cả những điều này đã trở nên quen thuộc và hết sức tự nhiên, bản thân căn bản không nhận thức ra được điều đó.

Sau khi tu luyện, tôi phát hiện ra những việc mình làm trong quá khứ là không đúng và thậm chí thấy xấu hổ khi nghĩ về điều đó. Trên hành vi thì biểu hiện là bản thân tôi nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Sư phụ dạy chúng ta mà yêu cầu bản thân. Nhưng thực chất tư tưởng “vị tư vị ngã” vốn hình thành từ tận trong xương tủy này tôi vẫn luôn không ý thức được rõ ràng, còn không có ý thức cố gắng tu bỏ nó đi, chứ chưa nói đến việc tu bỏ hẳn.

Còn nhớ khi bị bức hại ở trại lao động, có một đồng tu trẻ đã nói trước khi rời khỏi trại lao động, cô ấy cho rằng khi ở trong một nhóm người, có thể làm cho những người khác vây quanh mình chính là chuyện tốt. Lúc đó tôi vừa bị bắt cóc vào trại lao động, vì có sơ hở trong tu luyện, chẳng những tôi không nhận thấy được vấn đề trong lời cô ấy nói, ngược lại còn cho rằng đó là đúng. Hiện tại quay lại nhìn, đó chẳng phải là điển hình của việc “tự cho mình làm trung tâm” sao? Hơn nữa, khi ở trong trại lao động, tôi thấy vị đồng tu trẻ tuổi này lại bị bắt cóc một lần nữa và đưa trở lại trại lao động cưỡng bức. Có lẽ nguyên nhân là do cựu thế lực dùi vào sơ hở về việc chứng thực bản thân của cô ấy.

Một số đồng tu nói rằng khi họ còn nhỏ và chơi cùng những đứa trẻ khác, họ không bao giờ cảm thấy muốn tham gia các trò chơi, từ đầu đến cuối luôn cảm thấy mình chỉ là người ngoài cuộc. Tôi cảm thấy mình cũng như vậy. Khi giao lưu với người khác, tôi luôn cảm thấy bản thân mình rất giỏi giang, tâm ở bên ngoài hồng trần chờ đợi Đại Pháp, thậm chí nghĩ rằng Sư phụ đặc biệt chăm sóc mình.

Đối chiếu với Pháp Sư phụ giảng:

“Vị ấy nghĩ: ‘Tại điểm luyện công này, chỉ thiên mục của mình là khai mở tốt thế, mình có lẽ không là người bình thường thì phải? Mình có thể học Pháp Luân Đại Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí, mình có thể học tốt đến như thế, mình trội hơn hẳn những người khác, mình có thể không phải người bình thường đâu’.” (Chuyển Pháp Luân)

Chẳng phải điều này là khởi đầu của tự tâm sinh ma sao? Đến giờ khi nhìn lại, suy nghĩ này thực sự khiến tôi “toát mồ hôi lạnh”.

Đến nay mới ý thức được rõ ràng như vậy, trước đây khi gặp phải những sự việc này, tôi mới chỉ phủ định tự ngã trong những biểu hiện cụ thể. Kỳ thực, niệm đầu “tự cho mình là trung tâm” mới chính là chấp trước căn bản của tôi. Chỉ khi bỏ đi cái vị ngã vị tư này, mới có thể thực sự làm tốt ba việc, mới có thể chứng thực Pháp chứ không phải là chứng thực bản thân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/30/以自我为中心是执著-376068.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/12/173596.html

Đăng ngày 29-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share