Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-1-2019] Gần 9,000 cư dân Trung Quốc đã bị bắt giữ hoặc quấy nhiễu trong năm 2018 vì không từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Theo thông tin mà Minghui.org thu thập được, đã có 4.848 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và 4.127 học viên bị quấy nhiễu. Tại thời điểm viết báo cáo này, 2.414 học viên bị bắt vẫn đang bị giam giữ.

Sau khi bắt ông Giả Triệu Dân, 48 tuổi, một giáo viên trung học ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào ngày 11 tháng 11 năm 2018 vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công, cảnh sát đã đăng ảnh ông bị bắt giữ lên WeChat và Baidu, và yêu cầu các kênh báo chí nhà nước phát tán nhằm công kích ông bằng các bài báo nhằm bôi nhọ thanh danh của ông và biện minh cho việc bắt bớ.

Một số học viên trở thành mục tiêu bắt giữ trong năm 2018 từng bị bức hại nhiều lần vì đức tin của họ trong hai thập kỷ qua. Ông Tôn Phương Hy ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 3 năm 2018, trong khi đi qua trạm kiểm soát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Lần bắt giữ gần nhất này của ông là cách đây hai năm, sau khi ông mãn hạn 13 năm tù vì chèn sóng vào truyền hình cáp địa phương để phát sóng các chương trình phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

Các vụ bắt giữ theo nhóm diễn ra phổ biến trong năm 2018. Ở tỉnh Hắc Long Giang, 119 học viên ở hai thành phố bị bắt giữ vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Mấy ngày sau, 17 học viên khác ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, và 36 học viên ở huyện Khánh Vân, tỉnh Sơn Dông đã lần lượt bị bắt vào ngày 12 và 18 tháng 11.

Ở huyện Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, cảnh sát đã bắt giữ 27 học viên Pháp Luân Công từ đầu tháng 11 năm 2019 nhằm tích thêm điểm đánh giá thành tích cuối năm. Theo thông tin nội bộ, mỗi học viên Pháp Luân Công bị bắt được tính bằng 5 phạm nhân bình thường và mỗi cảnh sát sẽ cộng 10 điểm.

Bên cạnh những vụ bắt bớ hàng loạt, cảnh sát còn quấy nhiễu nhiều học viên theo chiến dịch “Gõ cửa” bắt đầu từ năm 2017 và chiến dịch chống tội phạm có tổ chức năm 2018. Theo các chiến dịch này, cảnh sát sẽ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công thay vì thành viên của các băng đảng để đạt chỉ tiêu. Chỉ riêng tỉnh Hà Bắc đã có 2.201 học viên đã bị quấy nhiễu trước một cuộc họp lớn do chính quyền cộng sản ở tỉnh này tổ chức.

Nhiều học viên bị nhắm đến là những người cao tuổi. Tổng cộng 403 học viên (chiếm hơn 8% số học viên bị bắt giữ) là từ 65 tuổi trở lên. Trong số những học viên bị quấy nhiễu, 180 học viên (chiếm trên 4%) là từ 65 tuổi trở lên.

Bà Trâu Quế Cầm, 90 tuổi, ở Nội Mông, đã bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 11 năm 2018 vì phát tờ rơi Pháp Luân Công. Bà đã bị ngất đi sau khi cảnh sát dọa cầm tù bà vì đức tin. Bà đã được thả sau hai giờ bị thẩm vấn ở đồn cảnh sát.

Một cặp vợ chồng, ông Dư Gia Xuyên, 91 tuổi cùng vợ ông là bà Ngô Thụy Khanh, 88 tuổi, đã bị cảnh sát của Đồn Cảnh sát Hải Dương tại thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, quấy nhiễu và chụp ảnh vào ngày 25 tháng 7 năm 2018.

Biểu đồ: Số học viên cao tuổi bị nhắm đến trong năm 2018 tính theo tuổi
(Màu xanh nước biển: số học viên bị bắt giữ; màu xanh da trời: số học viên bị quấy nhiễu)

Những học viên có thành tích cao trong nghề cũng nằm trong danh sách các học viên bị nhắm đến. Bà Quách Tuyết Bình, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Bất động sản Phú Thái Thiên Dương ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, có khả năng bị truy tố sau khi bị bắt giữ vào ngày 19 tháng 9 năm 2018.

Một số học viên bị bắt giữ đã bị đánh, bức thực, hoặc bị tra tấn dưới những hình thức khác trong thời gian bị giam giữ.

Ông Trương Minh ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 2018 vì phát tặng tài liệu Pháp Luân Công. Ông bị bức hại và đã phát sinh chứng cao huyết áp và tim đập nhanh. Vợ của ông, bà Tu Kim Thu, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bức hại đến chết vào ngày 28 tháng 11 năm 2013, ba tháng sau khi bà bị bắt giữ. Con gái của họ, cô Trương Hồng Vũ, đã trốn sang Hoa Kỳ. Hiện tại, cô đang kêu gọi trả tự do bố của cô.

Trong số những học viên bị nhắm đến, 2.050 đã bị lục soát nhà, bị tịch thu tư trang và đồ có giá trị. Cảnh sát đã tống tiền 2.168.723 tệ từ 260 học viên, thấp nhất là 3.000 tệ một người, và trung bình là 8.373 tệ một người.

Hai vợ chồng ông Lý Đức Khoan và bà Lưu Nhài ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị bắt giữ vào ngày 30 tháng 4 năm 2018. Cảnh sát đã tịch thu 100.000 tệ tiền mặt ở nhà của họ.

Bà Vương Siêu, người thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, cũng bị cảnh sát tịch thu hơn 100.000 tệ tiền mặt trong khi bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 11 năm 2018. Nhiều vật phẩm Pháp Luân Công của bà cũng bị lấy đi.

Những học viên bị nhắm đến là cư dân của 30 tỉnh thành ở Trung Quốc, đặc biệt, 1/5 số học viên bị bắt giữ (1.006 người) là cư dân tỉnh Sơn Đông, tiếp theo là tỉnh Liêu Ninh (526 người) và tỉnh Cát Lâm (490 người). Theo số liệu nhận được, cả hai tỉnh Liêu Ninh và Sơn Đông đều đứng đầu về số học viên bị xử án tù vì đức tin của họ trong năm 2018.

Số học viên bị bắt giữ và quấy nhiễu trong năm 2018 theo tỉnh thành(Màu xanh nước biển: số học viên bị bắt giữ; màu xanh da trời: số học viên bị quấy nhiễu)

Trong năm 2018, tháng 8 có số học viên bị quấy nhiễu cao nhất (1.037) và tháng 5 có số học viên bị bắt giữ lớn nhất (696).

Số học viên bị bắt giữ và quấy nhiễu trong năm 2018 theo tháng(Màu xanh nước biển: số học viên bị bắt giữ; màu xanh da trời: số học viên bị quấy nhiễu)

1. Bắt giữ hàng loạt

Tháng 1 năm 2018, chính quyền Trung Quốc phát động một chiến dịch mới trấn áp các băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên ở một số địa phương, gồm Hà Bắc, Sơn Đông, Tứ Xuyên, và Liêu Ninh, các học viên Pháp Luân Công trở thành các đối tượng mục tiêu.

Một số vụ bắt giữ hàng loạt xảy ra trong thời gian xung quanh các sự kiện lớn.

Bắt giữ các nhóm ở Sơn Đông trong năm 2018

Ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông vào ngày 9 đến 10 tháng 6 năm 2018, chính quyền Thanh Đảo và các thành phố lân cận đã tiến hành bắt giữ số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công. Từ tháng 4 đến tháng 6, thành phố Duy Phường, tổng cộng có 163 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt.

Ngay sau Hội nghị, cảnh sát Sơn Đông bắt đầu theo dõi các học viên. Nhiều học viên trở thành mục tiêu bắt giữ để hoàn thành chỉ tiêu cho chiến dịch trấn áp các băng nhóm tội phạm từ tháng 7 năm 2018.

Ở thị xã Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, 20 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt trong tháng 8 và tháng 9, cũng nằm trong chiến dịch tiêu diệt nhóm tội phạm.

Ở huyện Khánh Vân, tỉnh Sơn Đông, 36 học viên đã bị nhắm đến trong một vụ bắt giữ hang loạt vào 18 tháng 11 năm 2018.

Ngoại trừ một số học viên được thả do tuổi cao, những học viên còn lại vẫn đang bị giữ trong Trại tạm giam và không được thăm thân.

119 học viên Pháp Luân Công bị bắt ở hai thành phố của tỉnh Hắc Long Giang trong cùng một ngày

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, 119 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân và Đại Khánh đã bị bắt giữ. Có thông tin rằng cảnh sát đã theo dõi điện thoại di động và/hoặc các hoạt động trên các kênh truyền thông xã hội của các học viên trong nhiều tháng trước vụ bắt giữ. Cảnh sát bắt các học viên theo danh sách.

Hai trong số các học viên bị bắt giữ là Bà Ngô Tú Lan và bà Mục đều khoảng 80 tuổi.

Phần lớn các học viên bị bắt giữ vào buổi sáng sớm trước khi đi làm. Cảnh sát lục soát nhà họ và tịch thu các sách Pháp Luân Công và máy tính.

Một trong số các nạn nhân, ông Lữ Quan Như đang phải đối mặt với cáo trạng sau khi viện kiểm sát địa phương phê chuẩn lệnh bắt ông vào tháng 12. Luật sư của ông không được thăm ông ở trại tạm giam Đại Khánh.

Các học viên Pháp Luân Công bị bắt tại tỉnh Cát Lâm

Cát Lâm là một trong những tỉnh bức hại học viên Pháp Luân Công nặng nề nhất.

Ở thành phố Thư Lan, 12 học viên và một người nhà đã bị bắt vào ngày 18 tháng 7 năm 2018. Cảnh sát đã bắt các học viên khi họ đang ngủ. Một học viên bị bắt khi chỉ mang đồ lót. Một số học viên khác bị quấy nhiễu trong cùng tối hôm đó hoặc ngày hôm sau.

Ở thành phố Trường Xuân, 26 học viên Pháp Luân Công và người nhà bị bắt vào ngày 12 tháng 10 năm 2018, hai ngày sau khi các quan chức tỉnh Cát Lâm thông báo chiến dịch “trấn áp các băng nhóm tội phạm”.

Đến đầu tháng 1 năm 2019, 14 học viên vẫn đang trong trại tạm giam. Năm học viên, gồm ông Trịnh Vỹ Đông, bà Triệu Húc, bà Triệu Thu Duyệt, bà Vương Tú Anh, và bà Ngô Nhã Nam – đang đối mặt với cáo trạng sau khi viện kiểm sát phê chuẩn bắt giữ họ vào cuối tháng 11.

Học viên lớn tuổi nhất là bà Dương Bồi Hiệp, 73 tuổi, hiện đang bị giam trong trại tạm giam Số 4 Trường Xuân. Học viên trẻ tuổi nhất là cô Vương Hồng Na, hơn 30 tuổi. Cô Vương đã được trả tự do vào ngày 26 tháng 11 năm 2018.

92bcc26913ce42d15806866ab40d5129.jpg

Người mẹ già 88 tuổi của cô Vương, bà Hạ Đức Vân, bị chấn động tâm lý vì con gái bị bắt đến mức phải nhập viện

31 học viên Pháp Luân Công và người nhà ở tỉnh Liêu Ninh bị bắt trong hai ngày

31 học viên Pháp Luân Công và người nhà của họ từ chín địa phương của tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vào trong hai ngày 22 và 23 tháng 8 năm 2018.

Sở Công an Tỉnh Liêu Ninh đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tiến hành việc bắt giữ hàng loạt, bằng cách kêu gọi cảnh sát ở những khu vực được chỉ định để thực hiện các công việc cụ thể, bao gồm cả theo dõi mở rộng.

Cảnh sát đã theo dõi các học viên và giám sát các cuộc gọi của họ trước khi bắt giữ. Học viên lớn tuổi nhất là bà Trần, 81 tuổi, ở huyện Triều Dương. Bốn người nhà học viên không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị bắt giữ.

2. Nhiều trường hợp bị quấy nhiễu ở tỉnh Hà Bắc

Là tỉnh bức hại học viên Pháp Luân Công nặng nề nhất trong 19 năm qua, số trường hợp bị quấy nhiễu trong năm 2018 của tỉnh Hà Bắc bằng tổng số vụ quấy nhiễu ở tất cả các tỉnh thành khác của Trung Quốc cộng lại. Đây là một xu hướng đáng ngại và chưa từng có.

Ngoài các chiến dịch toàn quốc như “Gõ cửa” và trấn áp các băng đảng, cuộc họp kín của ĐCSTQ ở Bắc Đới Hà vào đầu tháng 8 năm 2018 cũng góp phần khiến số trường hợp bị quấy nhiễu vào tháng 7 và tháng 8 tăng đột biến.

Ở thị xã An Quốc, cảnh sát và cán bộ của ủy ban nhân dân địa phương đã quấy nhiễu 107 học viên trong tháng 7, bao gồm cả những người không còn tu luyện Pháp Luân Công do cuộc bức hại.

Chỉ riêng huyện Lai Thủy đã có trên 500 học viên bị cảnh sát quấy nhiễu trong tháng 8.

Một cảnh sát ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc đã tiết lộ với một học viên rằng Sở Cảnh sát Hà Bắc đã ra lệnh quấy nhiễu. Các cảnh sát đã được chỉ đạo phải hỏi các học viên xem họ có còn tu luyện Pháp Luân Công nữa không và quay phim khi họ trả lời.

Cảnh sát dọa sẽ gây ảnh hưởng đến việc xin học đại học của các học viên hoặc việc làm của người nhà học viên nếu họ từ chối hợp tác.

Cảnh sát cũng đặc biệt quan tâm đến việc thu thập thông tin cá nhân của các học viên, như số điện thoại và địa chỉ WeChat. Một số cảnh sát yêu cầu chụp ảnh các học viên, cũng như chụp bên trong và ngoài nhà của họ.

3. Các học viên lớn tuổi trở thành mục tiêu

Ông lão 83 tuổi bị đánh trong Ngày lễ Tôn vinh Người Cao tuổi

Ông Mẫn Thế Cao, 83 tuổi, người dân thành phố Chung Tường, tỉnh Hồ Bắc, bị cảnh sát chặn lại tại một buổi lễ trên chùa trong ngày Tết Trùng Cửu vào ngày 17 tháng 10 năm 2018, khi ông vừa kết thúc buổi lễ và chuẩn bị ra về. Cảnh sát giữ túi và xe đạp điện của ông, rồi đánh ông một cách tàn bạo. Hai bàn tay của ông bị thương và chảy nhiều máu.

Sau khi đưa ông đến đồn cảnh sát, một cảnh sát đẩy ông vào tường và quát lên: “Tôi sẽ chôn sống ông nếu ông không chết (vì bị đánh).” Ông Mẫn được thả ra vài giờ sau đó.

Một phụ nữ 83 tuổi bị bắt vì yêu cầu thả tự do cho con gái

Bà Bành, một cư dân của thành phố Vũ Hán, bị cảnh sát tống vào xe vào 22 tháng 3 năm 2018, trong khi đang đến trại tạm giam Số 1 để yêu cầu thả tự do cho con gái. Con gái của bà, cô Hoàng Ngọc Phượng, đã bị bắt vào ngày 8 tháng 10 năm 2017, vì nói với người dân về Pháp Luân Công.

Bà Bành đã đến trại tạm giam, mang theo một bức thư gửi giám đốc trại, trong đó bà nói rằng không có điều luật nào ở Trung Quốc kết án Pháp Luân Công và rằng con gái bà không nên bị bắt giữ vì đức tin của cô ấy.

Một lính canh đã giật lá thư từ tay bà, trong khi ba lính canh khác lôi bà từ sảnh ra sân. Một lính canh khác thì chụp hình bà.

Bà đã bị thẩm vấn ở đồn cảnh sát trong năm tiếng trước khi được thả.

Một phụ nữ 70 tuổi được thả trong tình trạng thập tử nhất sinh

Bà Mưu Vĩnh Hà, một giáo viên về hưu 70 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt giữ vào ngày 16 tháng 3 năm 2018 khi đang trên đường đi thăm chị gái hơn 80 tuổi và không thể tự chăm sóc bản thân.

Vì chịu áp lực do bị bắt giữ và tạm giam, và Mưu đã có các triệu chứng bệnh tim mạch, cao huyết áp, chóng mặt, chuột rút và tức ngực. Bà cũng bị khó thở và đau lưng. Bà được đưa đến trạm y tế để thở oxy nhiều lần. Trại tạm giam muốn thả bà để chữa bệnh, nhưng cảnh sát không đồng ý. Gia đình bà đã đến nhiều phòng ban để yêu cầu trả tự do cho bà do vấn đề sức khỏe, nhưng không thành công.

Vào khoảng giữa tháng 6, bà Mưu bị buồn nôn và không ăn uống gì được. Bà bị chóng mặt và bị phản ứng với bất cứ loại thuốc uống vào. Bà được đưa đến bệnh viện vài lần, nhưng không có tiến triển gì.

Đến ngày thứ chín, bà vẫn không ăn uống được gì. Tòa án yêu cầu gia đình bà nộp 20.000 tệ để bảo lãnh tại ngoại cho bà. Gia đình bà không có đủ tiền để trả. Thấy bà có thể chết, trại tạm giam Đại Khánh đã để bà ngoài cổng vào chiều ngày 10 tháng 7. Bà đã về nhà trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Chính quyền từ chối thả tự do một phụ nữ 75 tuổi mặc dù bà bị chẩn đoán ung thư

Bà Lý Khánh Hiệp, ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, bị cao huyết áp, sốt cao, và thương ở chân, khiến bà đi lại khó khăn sau khi bị đưa vào trại tạm giam vào ngày 10 tháng 8 năm 2018 chỉ vì nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Mặc dù con gái bà đã trình kết quả khám của bà, cho thấy bà đã bị ung thư tử cung nhưng chính quyền vẫn từ chối thả bà.

Từ đó đến nay, bà Lý vẫn bị giam giữ. Bà có khả năng bị truy tố nữa sau khi công tố viên của Viện kiểm sát Thành phố Du Thụ chấp thuận việc bắt giữ bà vào ngày 24 tháng 8 năm 2018.

Một phụ nữ Cáp Nhĩ Tân hốc hác sau 9 tháng giam giữ

Bà Nhậm Tú Vân, 69 tuổi, vô cùng tiều tụy và suy nhược khi được thả ra sau 9 tháng bị giam ở trại tam giam vào ngày 1 tháng 12 năm 2018.

Bà Nhậm bị bắt vào ngày 1 tháng 3 năm 2018 tại ga tàu sau khi bị phát hiện là học viên Pháp Luân Công khi đi ngang qua cửa kiểm soát của ga tàu.

Cảnh sát đã giam giữ bà sau khi tìm thấy nhạc Pháp Luân Công trong điện thoại của bà. Họ cũng lục soát nhà bà và tịch thu sách Pháp Luân Công và các tài liệu liên quan. Sau đó, bà bị Tòa án Quận Đạo Ngoại kết án 9 tháng tù giam vào ngày 20 tháng 8.

Một phụ nữ Hồ Bắc bị chuyển đến cùng một Trung tâm Tẩy não lần thứ 8 trong 14 năm

Bà Châu Minh Lợi, gần 70 tuổi, bị bắt vào ngày 24 tháng 4 năm 2018 sau khi cảnh sát cắt điện và bắt bà khi bà mở cửa để xem nhà hàng xóm có điện hay không.

Bà đã bị giam ở trại tạm giam Số 1 Vũ Hán trong 10 ngày trước khi bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Ngạch Đầu Loan, nơi bà đã bị giam và ép từ bỏ đức tin 8 lần trong 14 năm qua.

ad1b1169fcd3540b797a5344b108168c.jpg

Trung tâm Tẩy não Ngạch Tú Loan, không có biển hiệu gì ở ngoài

Bà Châu đã trở về nhà vào cuối tháng 11 sau hơn 6 tháng bị giam ở trại tạm giam và trung tâm tẩy não.

4. Người làm công tác chuyên môn cũng trở thành mục tiêu bắt giữ

Các học viên bị nhắm đến trong năm 2018 thuộc mọi thành phần xã hội, trong đó, nhiều người là chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, gồm cả giáo sư đại học, công chức chính phủ, kỹ sư, bác sỹ, nghệ sỹ, kế toán, và nhà thiết kế thời trang.

Nhà phát triển bất động sản ở Hà Bắc có khả năng bị truy tố vì đức tin của bà

Bà Quách Tuyết Bình, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Phú Thái Thiên Dương ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, có khả năng bị truy tố chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Quách là một nhà phát triển bất động sản tài ba, công ty bà có nhiều công ty con thuộc nhiều lĩnh vực, từ các khu nghỉ dưỡng đến siêu thị, trường dạy ngoại ngữ. Mặc dù thành công trong sự nghiệp và danh vọng nhưng bà thường cảm thấy lạc lõng và trống rỗng trong lòng.

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2013, bà đã vui mừng khi tìm thấy lời giải cho nhiều câu hỏi về cuộc sống. Bà đã giới thiệu môn tu luyện cho nhiều bạn bè và người thân trong gia đình.

Vào năm 2017, khi đi thăm thăm con gái ở Hoa Kỳ, bà trực tiếp chứng kiến các học viên Pháp Luân Công ở ngoài Đại lục được tự do thực hành tín ngưỡng mà không phải sợ hãi hay bị quấy rầy. Bà thấy càng vững tin hơn trong việc nói với mọi người rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công là phi pháp.

Vì việc này, bà đã trở thành mục tiêu bắt giữ của cảnh sát.

Sau một thời gian theo dõi bà, một vài cảnh sát đã đến văn phòng bà Quách vào chiều ngày 19 tháng 9 năm 2018. Cảnh sát đã lục soát công ty và tịch thu máy in, máy tính, và sách Pháp Luân Công. Hiện bà vẫn bị giam giữ ở một cơ sở giam giữ bí mật ở khách sạn Thủy Lý tại huyện Nguyên Thụy.

Cảnh sát đang chuẩn bị đệ trình trường hợp của bà lên Viện Kiểm sát Cẩm Châu.

Một kiến trúc sư bị bắt chỉ vì đức tin, khiến đồng nghiệp của bà bị sốc và đứa con đang ốm của bà bị tổn thương

Cô Tôn Lập Hoa, một kiến trúc sư khoảng 40 tuổi ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt vào ngày 22 tháng 6 năm 2018. Cảnh sát nghi ngờ cô đã phân phát tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công tại một khu nhà ở cao cấp trong khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đến thăm thành phố Yên Đài vào 11 tháng 6 năm 2018.

Cảnh sát bắt cô Tôn ở nhà và lục soát căn hộ ngay trước mặt chồng và đứa con 14 tuổi của cô, lúc đó đang phải nghỉ học vì ốm. Cảnh sát tịch thu máy tính và máy in, cũng như ô tô của cô.

Khi chồng cô Tôn gặng hỏi cảnh sát về lý do bắt giữ, anh cũng bị bắt đến đồn cảnh sát đến tận nửa đêm, để đứa trẻ một mình sợ hãi ở nhà.

Viện kiểm sát phê chuẩn việc bắt giữ cô Tôn vào ngày 8 tháng 7. Cảnh sát đã trình trường hợp của cô lên viện kiểm sát vào ngày 13 tháng 8.

Cô Tôn hiện tại đang bị giam ở trại tạm giam Yên Đài. Gia đình cô đã thuê một luật sư đại diện cho cô. Cô nói rằng tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp và từ chối làm bất cứ việc sai trái nào.

5. Tra tấn và ngược đãi trong trại tạm giam

Một số học viên bị thẩm vấn và tra tấn dã man trong tù vì cảnh sát ép cung và buộc họ phải từ bỏ đức tin.

Người đàn ông rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi bị cảnh sát đánh đập dã man

Ông Sài Đông Thăng, người vùng Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cảnh sát đánh đập dã man sau khi bị bắt giữ vào ngày 27 tháng 12 năm 2018. Ông bị gãy ba xương bên chân phải và bị thương ở đầu. Hiện tại, ông đang trong tình trạng nguy kịch và được chữa trị trong khoa hồi sức cấp cứu. Đến nay ông vẫn đang bị hôn mê.

Cô Trương Bồi Anh bị tra tấn trong Trại tạm giam Số 3 Thành phố Hàm Đan

Cô Trương Bồi Anh, 43 tuổi, bị bắt vào ngày 16 tháng 5 năm 2018 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Cô bị biệt giam và bị trói chặt vào “giường kéo căng” trong hai ngày khi bị giam giữ tại trại tạm giam Số 3 Thành phố Hàm Đan vì những nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Cô bị đau đớn và không thể đứng dậy hay đi lại trong vài ngày sau đó.

Cô Trương đã bị xử ba năm tù vào tháng 12 năm 2018.

0ef828327ed784b4a938b2922261cd4e.jpg

Minh họa tra tấn: Giường kéo căng

Các học viên Pháp Luân Công bị lột trần để khám xét và rút máu

Sau khi bắt giữ mười cư dân của thành phố Phủ Thuận vào ngày 24 tháng 4 năm 2018, cảnh sát lột quần áo của họ và khám xét họ. Các học viên cũng bị lấy hai ống máu lớn mà không được sự chấp thuận. Sau đó, các nam bác sỹ chụp X-quang các nữ học viên trong khi cảnh sát theo dõi ở phòng bên cạnh.

Cảnh sát không giải thích lý do cho việc lấy mẫu máu.

6. Quản lý bằng tiêm thuốc

Một phụ nữ Thiên Tân bị bức thực và ép uống thuốc trong Trại tạm giam, rơi vào trạng thái hôn mê một ngày sau khi được bảo lãnh tại ngoại

Cô Đường Trung Yến bị bắt giữ cùng chồng cô, anh Cao Phượng Tồn, vào ngày 4 tháng 12 năm 2018. Cảnh sát đã lục soát nhà của họ và tịch thu máy tính, điện thoại, và các vật phẩm Pháp Luân Công của họ.

Anh Cao được tại ngoại vì không đảm bảo sức khỏe. Cô Đường bị bắt vào trại tạm giam Bảo Đế dưới diện hình sự vào ngày hôm sau.

Cô bắt đầu tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ và bị bức thực. Lính canh cũng ép cô uống thuốc và sốc điện cô bằng dùi cui điện sau khi trói cô vào ghế kim loại. Cô đã kể lại những cơn đau cực độ ở các cơ quan nội tạng sau đó và hiện còn rất yếu.

Khi luật sư của cô đến trại tạm giam, lính canh nói với ông rằng cô Đường từ chối gặp ông. Luật sư nghi ngờ chính lính canh không cho ông gặp cô Đường vì sợ ông có thể biết được hành động tàn ác của họ đối với cô Đường.

Lính canh đồng ý cho cô được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế vào ngày 24 tháng 12. Cô Đường về nhà vào khoảng 11h tối ngày 25 tháng 12 năm 2018, và bị hôn mê vào ngày hôm sau.

Cô Lý Tú Mẫn, 49 tuổi, ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào cuối tháng 10 năm 2018 vì cố gắng giải thích sự thật về Pháp Luân Công cho cảnh sát và thuyết phục họ không bức hại Pháp Luân Công.

Cô được đưa đến trại tạm giam Á Tử Tuyền tối cùng ngày. Sau hơn 10 ngày, cô được đưa đến một bệnh viện tâm thần. Các lính canh cạo đầu cô và tiêm một loại thuốc không rõ vào bắp đùi cô.

Không lâu sau, cô bị tê liệt. Nhân viên bệnh viện tâm thần bỏ rơi cô ở một trung tâm hỗ trợ nhân đạo. Sau đó, cô được con trai đưa về vào ngày 29 tháng 11.

Cô Lý vẫn có thể đi lại khi về nhà. Nhưng ba ngày sau đó, lưỡi cô bị cứng lại. Cô cảm thấy rất khó chịu và liên tục gãi vào ngực. Cô cũng bị suy giảm thị lực.

Có hơn 20 mụn nước xuất hiện ở bắp chân cô, sau đó dần trở thành vết sẹo tròn, đen, với một lỗ nhỏ ở giữa. Cô cũng bị sút cân nhanh chóng.

7. Gia đình bị chia cắt

Góa phụ bị suy sụp vì lần bắt giữ thứ hai của con gái vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà mẹ 79 tuổi của cô Lưu Nhạ Hàn bị suy sụp khi nghe tin cô lại bị bắt giữ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 4 tháng 12 năm 2018.

Vì đã mất chồng do cuộc bức hại vào năm 2004 và chứng kiến con gái chạy trốn để khỏi bị bức hại, người mẹ già phải nương tựa vào sự chăm sóc của cô Lưu đang bị bỏ rơi không người chăm sóc.

Cháu trai 22 tuổi của bà, người đã chứng kiến cảnh chia cắt gia đình vì cuộc bức hại khi lớn lên, nên đến nhà bà hai lần một tuần để giúp đỡ bà.

Con trai của cô Lưu chỉ mới 4 tuổi khi cô bị bắt lần đầu tiên vào năm 2001. Chồng cô, một cảnh sát, đã ly dị cô trong khi cô đang phải chịu án tù 3 năm ở trại lao động cưỡng bức.

Sau khi được thả tự do, cô Lưu đau khổ khi thấy con trai xa cách và căm thù cô vì hậu quả của chiến dịch tuyên truyền thù hận chống lại Pháp Luân Công mà giáo viên ở trường dạy. Cô phải mất nhiều năm để hàn gắn lại tình cảm với con trai và sau này anh lại ủng hộ cô tu luyện Pháp Luân Công.

Mẹ bị tra tấn đến chết, bố bị bắt giữ vì phơi bày cuộc bức hại đức tin của họ

Cô Trương Hồng Ngọc quyết định sang Hoa Kỳ để phơi bày cuộc bức hại mà gia đình cô phải chịu một năm sau khi mẹ của cô, bà Từ Kim Thu. Bà Từ bị bức hại đến chết vào ngày 28 tháng 11 năm 2013, ba tháng từ khi bà bị bắt giữ vì phát tờ rơi Pháp Luân Công.

Cha cô, ông Trương Minh, quyết định ở lại Trung Quốc. Vì lo lắng cho cha mà trái tim cô Trương lại đau thắt lại khi nghe tin bố cô bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 2018 vì phân phát tài liệu để phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Được biết, ông Trương đã bị tra tấn ở trại tạm giam Khoan Điền, hiện đang bị cao huyết áp và tim đập nhanh. Chính quyền từ chối cho ông được chăm sóc y tế hay bảo lãnh tại ngoại.

Cảnh sát đã đệ trình trường hợp của ông lên viện kiểm sát, và ông có thể bị tố cáo.

Trong khi thu thập thông tin để kiện ông Trương, cảnh sát đã quấy nhiễu người cha 90 tuổi của ông và hỏi ông ấy có tu luyện Pháp Luân Công không. Việc này khiến người nhà ông phẫn nộ, vì ông ấy đã gần như điếc hoàn toàn và không thể nói rõ ràng được.

Vì hiện giờ không thể trở lại Trung Quốc, cô Trương đang cố hết sức để cứu bố cô. Cô kêu gọi các tổ chức quốc tế lưu tâm đến trường hợp của ông và tạo áp lực lên chính quyền Trung Quốc để trả tự do cho ông và các học viên Pháp Luân Công khác đang bị bắt giữ phi pháp.

d526afcde5db925f24ae9bc6db0a0467.jpg

Cô Trương Hồng Ngọc và bố mẹ


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/11/2018/380224.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/24/174740.html

Đăng ngày 04-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share