Bài viết của một học viên tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-12-2018] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ngay sau ngày 20 tháng 7 năm 1999. Kể từ đó, tôi đã đi được một chặng đường dài, nhưng nếu không có Sư phụ bảo hộ thì tôi cũng không thể có những bước tiến như vậy.

Học Pháp là nền tảng của chúng tôi

Khi mới bắt đầu tu luyện, tôi rất chuyên tâm vào việc học Pháp và có một chính niệm mạnh. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, tôi trở nên buông lơi và dần dần, với những cám dỗ ngày một nhiều, tôi dành ít thời gian học Pháp hơn. Tôi mất rất nhiều thời gian để học xong một lượt cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi đã bị cựu thế lực lợi dụng sơ hở và bị kết án tù ba năm rưỡi.

Ở trong tù, tôi đã suy nghĩ về các vấn đề của mình và tận dụng cơ hội để chia sẻ với các học viên khác. Tôi nhận ra hầu hết các học viên đã học ít nhất một bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân mỗi ngày. Nếu họ có nhiều thời gian hơn, họ cũng sẽ học các bài giảng khác và học thuộc, nhẩm Pháp. Tôi đã ở dưới tiêu chuẩn này và thấy rất rõ khoảng cách.

Khi tôi mới vào tù, tôi bị thu mất các bản chép tay các bài viết về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã tuyệt thực để phản đối; thậm chí là không uống nước. Mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn rất sung sức dù tôi không ăn uống gì ba ngày liền.

Sau đó, theo đề nghị của các đồng tu, tôi đã dừng việc tuyệt thực. Trong hai năm tiếp theo, cai tù và tù nhân đều không đụng tới sách Đại Pháp của tôi trong phòng giam. Thậm chí các học viên khác còn đưa sách của họ cho tôi nếu họ không có nơi cất giữ.

Mỗi ngày sau khi tôi trở về từ xưởng, tôi tranh thủ thời gian học Pháp. Tôi học thuộc lòng Hồng Ngâm, Hồng Ngâm II và Hồng Ngâm III, tổng cộng là 208 bài thơ (chưa bao gồm lời bài hát). Các đồng tu đã chép chúng cho tôi. Trong môi trường nhà tù này, rất khó để có được các bài giảng Đại Pháp, nên tôi đã học thuộc tất cả thơ Hồng Ngâm. Cho đến ngày hôm nay, bất cứ khi nào ở trên xe buýt hoặc đi bộ, tôi đều đọc Hồng Ngâm để loại bỏ những suy nghĩ người thường khỏi tâm trí tôi. Trong nhiều thời khắc then chốt, chính dòng thơ ấy đã xuất hiện trong đầu tôi, củng cố chính niệm của tôi và giúp tôi vượt qua hết khảo nghiệm này đến khảo nghiệm khác.

Tu luyện là đề cao tâm tính

Khi tôi liên tục học Pháp và đo lường bản thân theo tiêu chuẩn của Pháp khi ở trong tù, Sư phụ đã cho tôi thấy nhiều nội hàm sâu xa hơn trong Pháp. Một lần, tôi học Bài giảng thứ tư trong Chuyển Pháp Luân, phần “Chuyển hóa nghiệp lực”:

“Chúng ta phần lớn là trong khi xung đột tâm tính giữa người với người mà chuyển hoá nghiệp lực; thông thường nó thể hiện tại đây. “(Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Đột nhiên, Pháp của Sư phụ đã mở một cánh cửa cho tôi. Tôi ngộ ra nhiều ý nghĩa trong nội hàm của Pháp. Trong lịch sử, tu luyện chỉ có ở trong chùa, trong khi Pháp Luân Đại Pháp thì không có cơ cấu tổ chức gì. Chúng tôi tu luyện giữa những người không phải là học viên và chúng tôi gặp phải những xung đột và rắc rối như những người không phải là học viên. Tuy nhiên, vì chúng tôi là người tu luyện, những rắc rối này được Sư phụ an bài theo tầng thứ và tâm tính của chúng tôi. Quá trình tu luyện của chúng tôi là làm tốt nhất trong xã hội người thường. Không có khuôn mẫu nào; chúng tôi phải tự đi trên con đường của riêng mình vì mỗi người sẽ gặp những khảo nghiệm khác nhau.

Trong một thời gian dài, tôi không thể buông bỏ được cảm xúc về cha khi ông qua đời. Tôi cũng quyến luyến nơi tôi đã làm việc hơn mười năm qua. Đôi khi tôi cũng nhớ lại một số khoảnh khắc đáng nhớ; đều là những ấn tượng sâu sắc và thậm chí mẹ, vợ hoặc những người bạn thân nhất của tôi không thể thực sự hiểu tôi. Thực ra, tôi nghĩ chúng ta đều có những bí mật sâu kín như vậy. Chúng được giấu rất kỹ và khó từ bỏ.

Tuy nhiên, đề cao tâm tính là buông bỏ những thứ khó dứt bỏ nhất. Sư phụ sẽ cho chúng ta tất cả cơ hội để loại bỏ những chấp trước căn bản nhất của chúng ta.

Tôi không chắc mình có được quay lại công việc cũ hay không. Mọi người rất thân thiện với tôi và đều gửi lời hỏi thăm tôi. Tôi nghĩ cấp trên của tôi đã tỏ ý là tôi có thể quay lại làm việc, nhưng tôi đã đợi rất lâu, mà chẳng thấy gì. Tôi rất thất vọng. Tôi đã cố gắng không nghĩ về nó, nhưng không sao từ bỏ được.

Sư phụ giảng:

“Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước; “ (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Ngay sau đó, tôi nhận được thông báo rằng cấp trên muốn gặp tôi. Họ yêu cầu tôi quay lại làm việc bán thời gian. Mặc dù mức lương không cao nhưng tôi có thể làm việc tại nhà và có nhiều thời gian rảnh hơn. Các đồng tu nhắc tôi rằng mọi thứ đều được Sư phụ an bài. Sự an bài này là để cho tôi có thêm thời gian để học Pháp, giảng chân tướng và làm các việc liên quan đến Đại Pháp. Nhờ đó, thể ngộ của tôi đã đề cao lên rất nhiều.

Sau khi bỏ đi được những xúc cảm ẩn sâu, tâm tôi nhẹ nhõm hơn. Là người tu luyện, trong trường hợp nào, chúng ta cũng không nên sinh cái tình với bất kỳ ai hoặc bất cứ điều gì. Cái tình trên bề mặt rất dễ nhận thấy, nhưng những cái tình ẩn sâu bên trong cũng cần được thanh lý. Nếu chúng ta giữ tâm ngay chính, bất động, Đại Pháp sẽ triển hiện những biến đổi vi diệu ngay trước mắt chúng ta.

Chúng ta là một chỉnh thể

Trong tù, tùy vào bạn ở khu nào mà có thể tự do như đọc hay chép các bài viết giảng Pháp. Vì các đệ tử Đại Pháp đều muốn học Pháp nên việc bảo vệ kinh văn và sách điện tử là vô cùng quan trọng.

Một lần, có một bộ phận sắp bị khám xét, các học viên đó hỏi chúng tôi có thể giúp họ giữ kinh văn và sách điện tử không. Tôi do dự vì tôi đã có mấy tập và lo rằng, nếu tôi giữ nhiều hơn thì có thể thu hút sự chú ý của lính canh. Tuy nhiên, một đồng tu trong khu của tôi đã tình nguyện giữ sách. Anh nói rằng, chúng tôi phải giúp họ, nếu tôi không tiện thì anh ấy sẽ giúp. Anh là một người rụt rè, nhưng lần này lại chẳng hề do dự. Điều này khiến tôi ngạc nhiên và thấy có tinh thần hơn. Khi chúng tôi nhận được các tài liệu, chúng tôi chia ra và cất giấu trong hai tháng mà không gặp vấn đề gì. Trong môi trường đầy thử thách này, mỗi từng học viên có thể nỗ lực hết sức để chứng thực Pháp hay không là khảo nghiệm về chỉnh thể. Khi chúng ta có thể nghĩ đến người khác, và sẵn sàng nhận trách nhiệm, mọi thứ có thể thay đổi tốt hơn.

Một lần khác, chúng tôi được yêu cầu chép Bài giảng thứ sáu trong cuốn Chuyển Pháp Luân cho các học viên ở một khu khác. Tôi đã tận dụng giờ ăn trưa và thời gian rảnh sau khi làm việc để chép sách. Sau khi hoàn thành, tôi không biết làm sao để chuyển các bản chép tay cho học viên. Tôi có nên mang sách theo người? Điều gì xảy ra nếu hôm nay tôi bị lục soát? Tôi phát chính niệm với suy nghĩ rằng các học viên đang đợi để học Pháp và lính canh không được lục soát người tôi. Thế là, trong ba ngày tiếp theo, tôi mang các chép tay theo người.

Trong thời gian này, chính quyền tăng cường giám sát chúng tôi chặt chẽ, để mọi người ở các khu khác nhau gặp được nhau là rất khó. Thường thì chúng tôi đi theo nhóm, nhóm này sau nhóm kia, chứ không đi cùng người của nhóm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ tư, khi nhóm của tôi đang ở khúc quanh, một nhóm khác đã đến đi cùng chúng tôi. Đột nhiên, có ai đó chạm vào người tôi và tôi nhận ra đó là học viên cần Bài giảng thứ sáu trong sách Chuyển Pháp Luân. Tôi lập tức lấy ra bản sao và đưa cho anh ấy. Ngay sau đó, hai nhóm tách ra và đi thành từng nhóm một. Chỉ cần vài phút là tôi đã có thể chuyển được sách cho họ! Lúc đó, không có từ ngữ nào có thể bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ. Chỉ có các học viên Đại Pháp mới có thể cảm nhận được điều kỳ diệu này!

Khi ngày 13 tháng 5 đang đến gần, chúng tôi nghĩ cần làm gì đó để các tù nhân biết đến ngày đặc biệt này. Chúng tôi quyết định mỗi người viết một lá thư về ngày 13 tháng 5, có kể lại cả trải nghiệm của chúng tôi về Pháp Luân Đại Pháp rồi truyền cho mọi người trong giờ nghỉ. Có một lá thư viết rằng: Ngày 13 tháng 5 là Ngày Pháp Luân Đại Pháp. Vào ngày này năm 1992, Sư phụ Lý Hồng Chí đã hồng truyền Pháp Luân Đại Pháp cho người dân trên khắp thế giới. Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện của Phật gia, lấy yêu cầu đồng hóa với đặc tính cao nhất của vũ trụ – “Chân – Thiện – Nhẫn” – làm nền tảng. Pháp môn này có năm bộ bài tập.”

Chúng tôi tận dụng mọi thời khắc có được để chuyền thư qua lại. Khi mọi người đọc, họ hỏi chúng tôi rất nhiều, chẳng hạn như người dân của các quốc gia khác có biết về Pháp Luân Đại Pháp. Hai chúng tôi đã nói chuyện với khoảng 40 người. Mặc dù nó chưa phải là con số lớn, nhưng mọi người đều biết đến Ngày Pháp Luân Đại Pháp và chỉ mấy hôm nữa thôi là đến ngày này.

Đến thứ Sáu, khu của tôi đã có thông báo rằng chúng tôi được nghỉ vào thứ Bảy thay vì Chủ Nhật do có vấn đề hậu cần. Và thứ Bảy lại là ngày 13 tháng 5! Mọi người nhận được hồng ân này vì họ biết được sự thật! Một số người nói: “Pháp Luân Đại Pháp thật kỳ diệu; thế là các bạn được nghỉ một ngày vào Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới!”

Càng tu luyện, tôi càng cảm thấy rằng, là đệ tử, chúng tôi chỉ làm những gì cần làm. Mọi thứ đã được Sư phụ an bài. Chỉ cần chúng ta coi mình là người tu luyện, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Điều đang chờ đợi các đệ tử Đại Pháp là sự tráng lệ và huy hoàng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/19/378635.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/16/174653.html

Đăng ngày 01-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share