Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trường Xuân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 4-2-2018] Một học viên Pháp Luân Đại Pháp lớn tuổi tên Jean (hóa danh) đã bị ngược đãi trong tù 3 năm. Vì bị ngược đãi nghiêm trọng nên sức khỏe của bà đã giảm sút đáng kể và bà không thể đứng thẳng lưng được nữa. Sau khi học Pháp một thời gian, bà quyết định rằng mình cần phải ra ngoài để giảng chân tướng cho người dân trong các ngôi làng xung quanh về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, cho dù cái lưng của bà vẫn còn bi đau.

Nói chuyện với dân làng

Bởi vì dáng vẻ của bà Jean nhìn không được thuận mắt, nên các đồng tu khác dường như không muốn phối hợp cùng bà. Tuy nhiên, bà vẫn quyết tâm vượt qua trở ngại của mình. Tôi nhìn thấy ở bà cái tâm thuần khiết muốn cứu người nên đã quyết định sẽ cùng với bà đi giảng chân tướng. Kể từ đó, chúng tôi đã cùng nhau đi đến hơn 50 ngôi làng.

Nhóm chúng tôi có tất cả 6 người và chia ra thành từng cặp. Trước khi đi đến một ngôi làng nào thì chúng tôi sẽ tập trung lại và học Pháp. Chúng tôi đi giảng chân tướng hai lần trong một tuần. Sau mỗi lần đi giảng chân tướng, chúng tôi sẽ gặp nhau lần nữa để học Pháp và chia sẻ. Một đồng tu kể rằng sau khi khuyên một cô gái thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì cô ấy đã ôm bà. Chúng tôi biết rằng đây là sự khích lệ từ Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

Chúng tôi đến nhà của một bà cụ để nói với bà về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Sau đó bà mời chúng tôi dùng bữa tối. Bà nói: “Bên ngoài trời nóng lắm đấy, các cháu hãy ở lại dùng bữa tối với bác nhé. Hãy nghỉ ngơi và ngủ lại đây.”

Chúng tôi cảm ơn bà và giải thích rằng chúng tôi không có thời gian để ngưng nghỉ, thậm chí là để ăn tối. Bà hỏi chúng tôi khi nào sẽ quay lại thăm bà. Tất cả chúng tôi đều cảm giác giống như người thân trong gia đình đã lâu không có dịp đoàn tụ. Bà Jean nói: “Cháu đã không có mẹ từ khi còn rất nhỏ. Hôm nay cháu cảm thấy bác giống như mẹ của cháu vậy.” Chúng tôi thảy đều cảm động đến rơi lệ.

Một phụ nữ đưa cho chúng tôi những que kem để cảm ơn và giúp chúng tôi giải nhiệt. Chúng tôi nói với cô ấy rằng: “Không cần phải cám ơn chúng tôi đâu, chị à. Chính là Sư phụ từ bi của chúng tôi đã dạy chúng tôi làm điều này.”

Khi chúng tôi đi ngang qua một căn nhà trống, chúng tôi nhìn thấy có sáu chú thỏ bị nhốt trong một cái lồng. Ba chú thỏ ở phía trước đứng bằng hai chân sau và dường như cúi đầu chào chúng tôi. Chúng tôi kinh ngạc trước sự “khích lệ” này và nói với chúng rằng hãy nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”

Người khác nhau có thái độ khác nhau

Đương nhiên, cũng có lúc chúng tôi gặp những người không đồng tình. Một người đàn ông đã cố gắng báo chúng tôi cho cảnh sát. Tôi nói với anh ta rằng, để chính anh được cứu, hy vọng rằng anh sẽ tìm hiểu nhiều hơn về Pháp Luân Đại Pháp và không nên tố cáo chúng tôi.

Tôi nhắc bà Jean rằng chúng ta chỉ có thể khuyến thiện chứ không thể ép buộc bất cứ ai. Hướng nội tìm, chúng tôi nhận ra mình đã vội vàng trong việc thuyết phục anh ấy. Chúng tôi tiếp tục đi giảng chân tướng cho mọi người trong toàn bộ ngôi làng đó, và không có viên cảnh sát nào đến sách nhiễu chúng tôi. Sư phụ đã bảo hộ chúng tôi.

Có một dịp, khi nghe tiếng chó sủa, chủ nhà bước ra gặp chúng tôi hỏi có chuyện gì. Sau khi nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp, ông ấy bảo chúng tôi hãy rời đi. Nhưng chúng tôi không nản chí, bởi chúng tôi đến là vì sự tốt đẹp cho mọi người dân trong làng.

Sư phụ đã giảng:

“Từ bi năng dung thiên địa Xuân
Chính niệm khả cứu thế trung nhân” (Pháp Chính Càn KhônHồng Ngâm II)

Diễn nghĩa:

Từ bi có thể hoà tan trời đất thành mùa Xuân
Chính niệm có thể cứu con người ở thế gian

Khi những chuyện như vậy thỉnh thoảng xuất hiện, chúng tôi đều hòa ái nói với mọi người đừng làm hại các học viên Đại Pháp, những người tu luyện theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Khi chúng tôi nói rằng đến đây thực sự là vì lợi ích của mọi người, thì họ liền tản đi.

Có lần chúng tôi gặp một người thư ký lữ đoàn có trình độ học vấn cao. Sau khi giới thiệu về bản thân, chúng tôi nói về lịch sử của ĐCSTQ, bao gồm những tội ác mà nó đã gây ra trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Sau đó chúng tôi nói về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Chúng tôi nói với anh ta rằng Đảng Cộng sản đã gây ra rất nhiều tội ác tày trời và những ai đứng cùng phía với nó có thể sẽ đối diện với những hậu quả nặng nề, về mặt lương tâm và pháp lý.

Khi anh ấy đồng tình, tôi hỏi rằng những tổ chức cộng sản nào mà anh đã gia nhập. Anh ấy nói mình đã gia nhập cả ba tổ chức: Đoàn, Đội, và Đảng. Sau đó anh ấy đồng ý thoái cả ba tổ chức trên.

Thoạt đầu, vợ anh ấy vẫn chưa được thuyết phục, nên chúng tôi nói về những điều phi thường có thể xảy ra với Pháp Luân Đại Pháp, ví dụ các căn bệnh đã được chữa lành. Sau đó người vợ cũng đã thoái Đoàn và Đội.

Tôi lấy ra một bản Cửu Bình và đưa cho anh ấy: “Trong nhiều năm, không ai thực sự có thể nêu ra chủ nghĩa cộng sản là gì, nhưng cuốn sách này giải thích điều đó rất rõ ràng. Anh là người có hiểu biết sâu rộng, có thể anh sẽ muốn đọc cuốn sách này để minh bạch mọi thứ.” Không chút ngần ngại, anh ấy nhận lấy cuốn sách. Khi anh ấy đi khỏi, tôi nghe anh ấy nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”

Trước khi chúng tôi hoàn tất việc giảng chân tướng trong khu vực đó, một đồng tu trong nhóm đã gọi điện thoại để thông báo họ đang gặp rắc rối. Dù không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng chúng tôi quyết định sẽ đi khỏi nơi đó ngay bằng một con đường khác và băng qua một ruộng lúa. Để di chuyển nhanh chóng hơn, bà Jean đã dùng hết tứ chi để bò. Tôi nói với bà đừng lo lắng, chúng ta không cần phải vội như thế. Khi đó chúng tôi gần như đã ra đến đoạn đường cái.

Bà liền đứng lên, tháo giầy, và đi chân đất. Sự tinh tấn và nỗ lực của bà đã khiến tôi rất ấn tượng. Nếu tất cả học viên có thể ra ngoài giảng chân tướng như bà đã làm, thì sẽ có nhiều chúng sinh hơn nữa có thể được cứu độ.

Khích lệ đồng tu

Thỉnh thoảng chúng tôi dành bốn tiếng khi ở trong vùng nông thôn. Dù đường xá gập ghềnh nhấp nhô, và chúng tôi bị nhồi nhét chật kín trong xe, nhưng không ai than phiền chút nào. Chúng tôi xem một chút khó nhọc này như là một niềm vui vậy.

Một lần, một đồng tu gặp vài can nhiễu và bà Jean bắt đầu than phiền. Nhưng ngay lập tức bà ấy biết rằng mình đã sai. Sau đó, một học viên khác nói rằng có lẽ cô không nên đi với chúng tôi vào lần sau, rằng cô sẽ gây cản trở cho chúng tôi.

Bà Jean nói: “Cô có cái tâm tốt. Cô phải tiếp tục đi với chúng tôi.” Sự từ bi và kiên nhẫn của bà Jean đã thực sự khiến tôi chấn động!

Nhìn lại quá trình tu luyện này, ở đó có cả những niềm vui và nỗi buồn. Mỗi khi gặp phải khảo nghiệm, tôi thường tự nhiên nghĩ đến những lời giảng của Sư phụ:

“Thao tận nhân gian sự,
Lao tâm thiên thượng khổ.
Hữu ngôn tố vu thùy?
Cánh hàn tại cao xứ.” (Cao Xứ Bất Thắng Hàn, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

“Làm (thao lược) hết nỗi việc nhân gian,
Nhọc nhằn tâm trí về thứ khổ trên trời (thiên thượng).
Có lời giãi bày được với ai đây?
Trên xứ cao lạnh lẽo lắm lắm.” (Ở vùng cao không chịu được rét, Hồng Ngâm)

Sư phụ đã ban cấp cho chúng ta thời gian còn lại. Không từ ngữ nào có thể thực sự diễn đạt được lòng từ bi cứu độ vô lượng của Ngài. Chúng ta phải tinh tấn hơn nữa và hoàn thành thệ nguyện của chúng ta.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/2/4/360411.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/4/10/169320.html

Đăng ngày 30-4-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share