Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang
[MINH HUỆ 31-3-2017] Ông Lý Bảo Hoa, một người dân của thành phố Thất Đài Hà, đã bị bắt giữ vào ngày 8 tháng 5 năm 2016 chỉ vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp tàn bạo suốt 18 năm qua.
Phiên tòa đầu tiên xét xử ông Lý, 43 tuổi, diễn ra vào ngày 22 tháng 3 năm 2017, nhưng chủ tọa phiên tòa đã hoãn phiên xét xử sau khi luật sư bào chữa yêu cầu thẩm phán phải bị hồi tỵ vì đã không thông báo trước cho bị đơn biết về phiên xét xử.
Phiên xét xử thứ hai được tổ chức trùng với lịch bào chữa cho một người khác của luật sư. Bà thẩm phán cũng cấm gia đình ông Lý tham dự buổi xét xử, và còn trách mắng họ đã làm náo loạn phiên toà sau khi họ khiếu nại về việc bà đã vi phạm các thủ tục pháp lý.
Thẩm phán phớt lờ yêu cầu sắp xếp lại ngày tổ chức phiên xét xử
Ngày 22 tháng 3 năm 2017, phiên toà sơ thẩm xét xử ông Lý diễn ra tại trại tạm giam thành phố Thất Đài Hà. Thẩm phán Lưu Hiểu Yến bắt đầu phiên tòa bằng việc hỏi ông Vương Chấn Giang, luật sư bào chữa cho ông Lý, rằng ông có yêu cầu hồi tỵ nào không.
Ông Vương trình bày rằng tòa án không hề thông báo cho thân chủ của ông biết về phiên xét xử trước 3 ngày theo luật định. Do đó, ông yêu cầu hồi tỵ thẩm phán và các thư ký toà án. Ông Vương còn lập luận rằng công tố viên Khương Lâm cũng nên bị loại khỏi vụ án, vì ông này không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một kiểm sát viên nhằm đảm bảo phiên xét xử tuân thủ theo đúng các thủ tục pháp lý.
Thẩm phán Lưu trả lời rằng bà sẽ tổ chức buổi xét xử thứ hai vào ngày 27 tháng 3. Ông Vương lập tức lên tiếng phản đối vì lịch trình này trùng với một buổi biện hộ khác của ông. Bà Lưu phớt lờ yêu cầu này và vẫn quyết định hoãn phiên xét xử đầu tiên đến ngày 27 tháng 3.
Luật sư Vương đã cố gắng thuyết phục thẩm phán Lưu một lần nữa bằng cách gửi một văn bản yêu cầu sắp xếp lại buổi xét xử thứ hai, trong đó ông gửi kèm thông báo về việc ông sẽ tham gia bào chữa cho một vụ án khác diễn ra cùng ngày với phiên xét xử ông Lý.
Gia đình ông Lý chờ đợi trong lo lắng bên ngoài trại tạm giam
Vì thẩm phán Lưu không trả lời thư yêu cầu của luật sư, nên vợ và cha mẹ của ông Lý không biết liệu phiên xét xử có diễn ra hay không. Tuy nhiên, họ vẫn đến trại tạm giam lúc 12 giờ 40 phút ngày 27 tháng 3, đề phòng trường hợp thẩm phán quyết định tiến hành phiên xét xử.
Họ nhìn thấy một chiếc xe có biển số đặc biệt của viện kiểm sát đến trại tạm giam lúc 13 giờ 28 phút, hai phút trước giờ bắt đầu phiên xét xử dự kiến. Công tố viên Khương Lâm ở bên trong xe, nhưng ông ta từ chối trả lời câu hỏi liệu phiên xét xử có diễn ra hay không.
Vào hồi 13 giờ 34 phút, hai chiếc xe khác, một chiếc xe có biển số của tòa án và một chiếc xe của tư nhân đã đến và đi thẳng vào trong mà không dừng lại ở cổng để nói chuyện với gia đình ông Lý.
Gia đình ông Lý tiếp tục chờ đợi và chờ đợi, nhưng không có nhân viên tòa án nào xuất hiện để đưa họ vào bên trong như buổi xét xử đầu tiên. Các lính canh của trại tạm giam nói với họ rằng những người tham dự phiên toà phải đi cùng các nhân viên tòa án thì mới vào được bên trong.
Gần hai giờ chiều, gia đình ông Lý tin chắc rằng thẩm phán Lưu đã không cho phép họ tham dự buổi xét xử. Họ lái xe đến Tòa án quận Đào Sơn để tìm gặp vị Chánh án, nhưng họ được thông báo rằng các quan chức tòa án đang đi họp.
Vợ và bố mẹ ông Lý trở lại trại tạm giam và chờ đợi bên ngoài. Chiếc xe của công tố viên Khương Lâm xuất hiện ở cổng chính lúc 14 giờ 50, nhưng đã quay trở lại vào trong khi nhìn thấy gia đình ông Lý. Gia đình ông Lý nhanh chóng đi tới cổng sau của trại tạm giam, và quả nhiên thấy xe của công tố viên Khương Lâm đi ra. Tuy nhiên, khi thấy gia đình ông Lý đứng đợi ở cổng sau, ông này lại vòng ra cổng chính.
Gia đình ông Lý đi theo ông ta đến cổng chính. Lần này, xe của Khương Lâm dừng lại, nhưng ông ta không trả lời bất cứ câu hỏi nào của gia đình ông Lý. Ông ta gọi hai lính canh của trại tạm giam đến, những người này đã đe dọa gia đình ông Lý và buộc họ phải rời đi.
Giữa lúc đó, hai chiếc xe của tòa án đi ra và phóng đi rất nhanh. Chỉ sau đó công tố viên Khương Lâm mới xác nhận với gia đình ông Lý rằng: “Đúng, chúng tôi đã tổ chức buổi xét xử thứ hai.“
Sau đó, gia đình ông Lý lại đi đến tòa án một lần nữa và thấy thẩm phán Lưu đã trở lại văn phòng. Bà Lưu tuyên bố rằng nhiệm vụ duy nhất của bà là chủ trì phiên tòa, bà không giải quyết việc có cho phép gia đình vào tham dự hay không. Gia đình ông Lý nói rằng chính bà đã đồng ý cho phép họ tham dự phiên xét xử đầu tiên.
Gia đình ông Lý tới gặp Chánh án Toà án quận Đào Sơn. Ông ta nói rằng ông ta sẽ xem xét vấn đề này vào ngày hôm sau.
Thẩm phán đổ lỗi cho gia đình
Vợ ông Lý phải đi làm vào sáng hôm sau, nên bố mẹ của ông Lý phải tự đi đến tòa án.
Khi đến nơi, họ không có cách nào gặp được Chánh án Toà án quận Đào Sơn, đôi vợ chồng già lại đi đến gặp thẩm phán Lưu. Ngay khi vừa nhìn thấy họ, bà Lưu đã giận giữ hét lên: “Chính ông bà đã làm náo loạn cả hai buổi xét xử!”
Mẹ của ông Lý nói: “Thẩm phán Lưu, trong phiên toà lần trước, luật sư đã chỉ ra rằng bà đã không thông báo cho gia đình chúng tôi 3 ngày trước khi diễn ra phiên xét xử, như vậy là vi phạm thủ tục tố tụng. Nếu bà không làm sai luật, thì tại sao bà lại đổi thời gian xét xử sang ngày 27 tháng 3? Làm sao có thể nói là chúng tôi gây náo loạn được?”
Bà Lưu không đáp lại được, liền đổi chủ đề và mắng đôi vợ chồng già vì đã không ngăn cản con trai họ tu luyện Pháp Luân Công. Cha của ông Lý nói rằng con trai họ đã không làm điều gì sai, vì luật pháp của Trung Quốc không cấm Pháp Luân Công.
Bà Lưu không trả lời được câu hỏi rằng ông Lý đã vi phạm điều luật nào mà dẫn đến việc ông bị truy tố. Bà Lưu trở nên tức giận hơn khi cặp vợ chồng già đề cập đến việc bà đã không cho họ tham dự phiên xét xử ngày hôm qua. Bà ấy đã yêu cầu nhân viên tòa án đưa đôi vợ chồng ra khỏi văn phòng của mình.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/31/344972.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/3/162718.html
Đăng ngày 18-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.