Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-1-2016] Ngày 9 tháng 11 năm 2015, trong khi đang chuẩn bị lễ cưới cho cô con gái của mình thì bà Khương Vĩ đã bị một nhóm cảnh sát đột nhập vào nhà và bắt giữ.
Bà Khương Vĩ
Trước lần bắt giữ gần đây nhất, bà Khương đã từng bị giam giữ nhiều lần trong 11 năm kể từ tháng 10 năm 1999 đến tháng 6 năm 2012. Bà Khương đã nhiều lần được thả ra và sau đó lại bị bắt lại do từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Bà Khương cho là cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công khiến bà phải chịu những khổ nạn này. Bà đã đệ đơn kiện vào tháng 6 năm 2015 và bị bắt sau đó chỉ 5 tháng.
Cuộc đời mới của chủ khách sạn đã tan vỡ
Bà Khương từng quản lý một khách sạn. Bà có khoảng 30 cô gái mại dâm làm việc cho bà và họ đã đem lại lợi nhuận lớn cho bà mỗi năm.
Bà không cảm thấy có bất kỳ điều gì bất thường về việc mình sử dụng gái mại dâm, vì việc này khá phổ biến ở Trung Quốc Đại lục. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, bà nhận ra rằng việc bà đã làm là vô đạo đức, nên đã lập tức giải tán nhóm mại dâm của mình.
Bà Khương đã gặp trở ngại khi Giang Trạch Dân bắt đầu công khai tấn công Pháp Luân Công vào năm 1999. Bà tự hỏi tại sao một môn tu luyện dạy bà trở thành người tốt mà chính quyền của Giang lại tuyên bố là gây hại cho xã hội. Bà quyết định đòi lại công lý cho Pháp Luân Công, bà đã thỉnh nguyện tới chính phủ và quần chúng, kết quả là bà bị kết án ba năm lao động cưỡng bức và tám năm tù giam.
Trong những năm bị giam giữ, gia đình hạnh phúc trước đây của bà đã tan vỡ. Chồng bà đã ly dị bà trước khi bà được thả ra khỏi trại cưỡng bức lao động vào tháng 6 năm 2002, hai cô con gái lớn lên trong những năm này đã thiếu sự chăm sóc của bà.
Năm 2004 khi bà Khương bị bắt, một trong hai cô con gái cũng bị giam trong hai tháng và buộc phải trả 3.000 nhân dân tệ.
Bị tra tấn ba năm trong trại lao động Mã Tam Gia
Tháng 10 năm 1999, bà Khương bị kết án ba năm lao động cưỡng bức, sau khi tham gia thỉnh nguyện ở Bắc Kinh cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị tra tấn trong Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, điều này bà đã trình bày trong đơn kiện Giang Trạch Dân.
23 ngày bị tra tấn liên tục
Bà Khương đã trình bày chi tiết về một đợt tra tấn liên tục trong 23 ngày mà bà phải chịu trong khi bị giam giữ ở Khu số 2 của trại lao động.
“Tôi đã từ chối học thuộc lòng các luật lệ của trại lao động và đã bị đưa đi tra tấn trong 23 ngày liên tục. Bốn tù nhân đã đánh tôi theo cách khiến tôi chỉ bị nội thương nghiêm trọng chứ không có vết thương ngoài“.
“Kế đó vài ngày họ đã treo tôi lên, sau đó thả tôi xuống và để tôi đứng nhiều giờ trong một căn phòng lạnh mà không có máy điều nhiệt”.
“Mặt và cơ thể tôi sưng lên sau khi bị hành hạ, vì vậy tôi đã tuyệt thực để phản đối sự tàn bạo này. Nhưng điều này chỉ khiến tôi bị đánh đập thêm”.
“Các lính canh buộc tôi phải ngồi trên nền xi măng trong một căn phòng, cởi hết giày và tất ra. Hai lính canh đã giẫm lên đôi chân tôi đồng thời sốc điện ở lồng ngực và bàn chân tôi bằng dùi cui điện trong hơn 30 phút.”
Mặc dù rất đau đớn, nhưng bà Khương vẫn quyết không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Sau đó, các lính canh đã chuyển bà đến Khu số 1 để tiếp tục tra tấn.
Hoàn toàn giả dối
Bà Khương cũng làm chứng về việc trại lao động đã nói dối về cách họ đối xử với các học viên Pháp Luân Công.
Một ngày trong năm 2001, một số phóng viên của kênh CCTV đã phỏng vấn đội trưởng Khâu Bình. Bà Khương đã nghe Khâu khoe khoang về sự “chăm sóc hết mình” của trại lao động dành cho các học viên.
Bà cố gắng chạy đến để nói cho các phóng viên biết về điều mà bà và các học viên khác đã thực sự trải qua dưới bàn tay của các lính canh trong trại, nhưng những phóng viên này đã làm như không nghe thấy.
Đó cũng là lúc bà nhận ra rằng họ đang quay các chương trình tuyên truyền để công kích Pháp Luân Công.
Buộc phải lao động trong nhiều giờ
Bà Khương và các học viên khác cũng bị buộc phải may quần áo đến 17 tiếng mỗi ngày trong một công xưởng bóc lột mà không được trả công. Có lần các lính canh đã buộc họ phải làm 36 giờ liên tục không ăn và ngủ để cho kịp hạn sản xuất. Rất nhiều người đã đổ bệnh do lao động cường độ cao và môi trường tồi tệ.
Bị biệt giam 31 ngày
Một lần nọ, bà Khương đã bị giam trong phòng biệt giam 31 ngày. Bà bị buộc phải nằm trên một tấm nệm được đặt dưới sàn trong một căn phòng không có máy sưởi. Bà không được phép mặc áo khoác và sử dụng chăn. Sau 31 ngày đó bà đã mất phương hướng. Thay vì đưa bà đi điều trị y tế, các lính canh đã còng hai tay và hai chân của bà vào bốn góc một cái giường trước khi bức thực bà.
Bà đã dần mất khả năng tự chăm sóc được cho bản thân và đổ bệnh nặng.
29 ngày trong bệnh viện tâm thần
Để đối phó với tình trạng của bà Khương, các lính canh đã đưa bà đến một bệnh viện tâm thần và giữ bà ở đấy trong 29 ngày trước khi tình trạng của bà trở nên nguy kịch và buộc phải được thả ra.
Bà không nhớ về việc mình đã nằm viện và một phụ nữ tên là Khúc Quế Lan đã kể cho bà nghe chuyện gì đã xảy. Trại lao động đã phân công bà Khúc Quế Lan giám sát bà 24/24.
Theo bà Khúc, trong vài ngày đầu bà Khương bị tiêm tĩnh mạch 6 chai và ba liều thuốc không rõ nguồn gốc mỗi ngày, sau đó các lính canh chuyển sang sốc điện hằng ngày.
Khoảng 1 tháng, khi bà Khương gần chết. Trại lao động đã yêu cầu gia đình của bà phải trả 10.900 nhân dân tệ trước khi thả bà về để điều trị y tế vào tháng 6 năm 2002.
Bị kết án 8 năm tù
Bà Khương đã bị bắt giữ tại nhà mình vào ngày 2 tháng 4 năm 2004. Hàng chục sỹ quan đã đột nhập vào nhà bà và tịch thu 21.000 nhân dân tệ tiền mặt, một đồng hồ đắt tiền, một số máy tính và nhiều sách Pháp Luân Công. Khi con gái của bà yêu cầu những sỹ quan này đưa cho cô xem lệnh khám xét thì họ đã bắt và giam giữ cô trong hai tháng và buộc cô phải trả 3.000 tệ.
Bà Khương đã bị bức thực bằng nước muối đặc trong 5 tháng trong Trại tạm giam trước khi bà bị chuyển đến Nhà tù nữ Liêu Ninh với thời hạn 8 năm tù giam kể từ tháng 9 năm 2004.
Một lần nọ, các lính canh đã lệnh cho các tù nhân dùng gậy và cây lau nhà để đánh bà. Họ dẫm lên ngực bà và khiến bà bị tổn thương phổi. Bà không thể thở nổi và đã phải nhập viện.
Bà Khương đã bị giam vào buồng giam nhỏ trong 6 tháng rưỡi. Lạnh và đói đã làm cho bà ói mửa mỗi ngày, cuối cùng bà đã bị ung thư dạ dày.
Bà đã bị tra tấn bằng phương pháp “giường chết” trong nhiều ngày và lần lâu nhất kéo dài hơn 40 ngày. Bà đã vật lộn trong vô vọng và không thể cử động cơ thể khi được thả ra.
Bà được thả ra vào ngày 27 tháng 6 năm 2012, sau đó 3 năm rưỡi bà lại bị bắt lại vì đòi công lý cho tất cả sự tra tấn mà bà đã phải chịu đựng trong cuộc đàn áp.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/10/322030.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/23/154920.html
Đăng ngày 16-2-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.