Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-1-2016] Gần đây, Cảnh sát thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công địa phương ngay tại nhà của họ vì khởi kiện Giang Trạch Dân. Một số học viên từ chối trả lời cảnh sát thẩm vấn vì họ không có phù hiệu hay chứng minh thư. Hai học viên khác đã trả lời họ nhưng sau đó phát hiện sai lệch trong báo cáo của cảnh sát.

Bị quấy nhiễu vì thực hiện quyền được luật pháp quy định

Kể từ tháng 5 năm 2015, hàng trăm nghìn công dân Trung Quốc đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì ông ta đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công suốt 16 năm qua. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực, các nguyên đơn là các học viên Pháp Luân Công đang bị quấy nhiễu, một số thậm chí còn bị giam giữ vì đã thực hiện quyền được hiến pháp quy định khi khởi kiện Giang.

Vào ngày 6 tháng 1, cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Thị trấn Đoạn Giáp Lĩnh đã đến nhà một số học viên tại làng Thập Bách Hộ. Một số học viên từ chối không cho cảnh sát vào nhà khi không có phù hiệu hoặc chứng minh thư; một số không trả lời bất kỳ câu hỏi hay ký vào báo cáo của cảnh sát như yêu cầu. Tuy nhiên, bà Lôi Ngọc Phương và bà Triệu Thư Phương đã tiếp xúc với cảnh sát, nhưng sau đó thấy rằng các báo cáo của cảnh sát là không đúng sự thật với cuộc đối thoại của họ.

Bên cạnh bà Lôi và bà Triệu, cùng ngày, bảy học viên khác cũng bị cảnh sát viếng thăm bất ngờ. Đó là bà Trương Vĩnh Thanh và chồng, bà Trương Phượng Chi, bà Trương Phượng Lan, bà Triệu Như Lan và bà Ký Hòa Bình.

Sự sai lệch trong các bản báo cáo của cảnh sát

Bà Triệu Thư Phương, một học viên lớn tuổi đang ở độ tuổi 70, khi đang ở nhà thì cảnh sát đã đến vào sáng ngày 6 tháng 1. Bà niềm nở chào đón và nói chuyện với cảnh sát về việc bà và ba cô con dâu của mình đã được hưởng lợi từ việc tu luyện Pháp Luân Công như thế nào, cũng như những gì gia đình bà đã phải chịu đựng sau khi Giang phát động cuộc bức hại. Bà khẳng định đã đệ đơn kiện Giang lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Toà án Nhân dân Tối cao.

Cảnh sát đã ghi chép, quay video và ghi âm lại toàn bộ cuộc trò chuyện, sau đó yêu cầu bà Triệu ký vào bản báo cáo. Bà đã do dự vì không biết chữ và không đọc được bản báo cáo đó để có thể chắc chắn rằng những gì được ghi lại là sự thật. Cảnh sát cam đoan là báo cáo được ghi đúng theo nguyên văn nên cuối cùng bà quyết định ký tên.

Ngày hôm sau, ba cảnh sát quay lại nhà của một học viên khác, bà Lôi Ngọc Phương, mà bà đã bị họ tra hỏi vào ngày hôm trước. Trong cuộc nói chuyện, bà Lôi nhận thấy báo cáo của cảnh sát nhiều lần gọi vụ kiện Giang của bà là “vu cáo” hoặc “cáo buộc sai.” Bà trở nên cảnh giác và chỉ ra cho cảnh sát.

Khi bà Triệu, hàng xóm của bà Lôi, ghé qua nhà bà Lôi thì cảnh sát vẫn ở quanh đó. Bà Triệu càng thêm nghi ngờ về các báo cáo của cảnh sát mà bà đã bị yêu cầu ký vào ngày hôm trước, nhưng cảnh sát từ chối đưa bà một bản sao và tuyên bố rằng trường hợp của bà đã xử lý xong và họ không còn giữ báo cáo của bà.

Sau đó, bà Lôi và bà Triệu yêu cầu cảnh sát ngừng ghi chép cuộc trò chuyện. Họ giải thích rằng việc đệ đơn kiện một cựu lãnh đạo là không vi phạm pháp luật, những can nhiễu đối với công dân khi họ thực thi quyền của mình để tìm kiếm công lý là bất hợp pháp. Họ khuyên cảnh sát hãy làm điều đúng đắn và đừng quấy nhiễu những công dân tuân thủ pháp luật.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/13/322168.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/26/154949.html

Đăng ngày 14-2-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share