Bài viết của Tế Nam Quân, đệ tử Đại Pháp tại Calgary, Canada

[MINH HUỆ 18-03-2015] Thời báo Tế Nam, một trong những tờ báo lớn nhất ở tỉnh Sơn Đông, đăng một bài viết vào ngày 12 tháng 03 với tựa đề “Ghép tạng đem lại hy vọng mới – Hồ sơ ghép tạng tại Bệnh viện Thiên Phật Sơn ở Sơn Đông”.

Trong bài báo có một câu khá kỳ lạ – “Tạng để cấy ghép đã trở nên khan hiếm kể từ khi những nguồn tạng thông thường bị cấm trong mấy năm gần đây.”

Như vậy, những nguồn tạng “thông thường” đó là gì? Và tại sao gọi đó là “thông thường” mà lại bị cấm?

Để thực hiện thành công một ca ghép tạng thì nhóm máu và tế bào của người hiến tạng phải tương thích với bệnh nhân. Giữa người hiến tạng và bệnh nhân không cùng huyết thống thì cơ hội “tương hợp” như thế chỉ là 6,5%.

Trên hết, người hiến tạng phù hợp còn phải đồng ý hiến đúng tạng mà bệnh nhân cần. Hai yếu tố này cộng lại thường khiến quy trình tìm người hiến tạng phù hợp khó khăn và mất nhiều thời gian chờ đợi.

Mỹ có nguồn dữ liệu người hiến tạng và bệnh nhân lớn cũng như mạng lưới chia sẻ thông tin hiệu quả trên phạm vi quốc gia. Ở Mỹ, hiện nay có hơn 100 triệu người hiến tạng đã đăng ký sẵn sàng hiến tạng cho người có nhu cầu.

Song ngay cả như vậy, thời gian chờ nhận tạng trung bình ở Hoa Kỳ vẫn dài: tám tháng đối với tim, hai năm hai tháng đối với gan, ba năm một tháng đối với thận.

Trung Quốc mặc dù có số dân đông hơn Hoa Kỳ nhưng nguồn hiến tạng tự nguyện của Trung Quốc ít hơn nhiều do phong tục văn hóa và thiếu thủ tục pháp lý.

Trong vài thập kỷ qua mới có 61 trường hợp hiến tạng ở Trung Quốc, tất cả đều là từ bệnh nhân bị chết não. Trong khi đó, các trường hợp người hiến tạng là thân nhân chỉ chiếm 1,1% tổng số ca ghép tạng.

Tuy nhiên, ngay cả khi nguồn tạng khan hiếm, các bệnh viện Trung Quốc vẫn chưa từng phải lo thiếu tạng cho các ca cấy ghép. Theo dữ liệu thu thập được từ các trang web và ấn phẩm của các bệnh viện này, tính đến trước tháng 09 năm 2014, đã có hơn 170 nghìn ca ghép thận, 20 nghìn ca ghép gan, và 137 nghìn ca ghép giác mạc được tiến hành tại Trung Quốc.

Điển hình như bệnh viện Thiên Phật Sơn, tỉnh Sơn Đông. Theo bài báo đăng trong Thời báo Tế Nam, bệnh viện này đã thành lập một trung tâm ghép tim của tỉnh vào năm 2011. Bác sỹ trưởng khoa tim Lưu Thiên Khởi cho hay, trung tâm này đã tiến hành 55 ca ghép tạng kể từ khi thành lập.

Bài báo còn dẫn lời trưởng khoa phẫu thuật gan, ông Đằng Mộc Kiệm, xác nhận bệnh viện đã thực hiện hơn 300 ca ghép gan kể từ năm 2002. Ông Môn Đồng Nghĩa, trưởng khoa Tiết niệu, nói thêm rằng chỉ riêng trong năm 2014, họ đã thực hiện được 103 ca ghép thận.

Bên cạnh đó, phó trưởng khoa mắt, ông Vương Húc, cho biết trung bình mỗi năm, khoa của ông thực hiện khoảng 30 ca ghép giác mạc.

Tổng số ca ghép tạng trên toàn Trung Quốc tăng mạnh từ 5.000 lên 10.000 ca vào năm 1999 và lên đến 20.00 ca trong giai đoạn 2003-2006, sau một thời gian tăng đều. Song nếu số trường hợp hiến tạng thấp như vậy thì nguồn tạng này được lấy từ đâu?

Hoạt động thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công do chính phủ hậu thuẫn bị phơi bày ra công chúng vào năm 2006 có thể là đáp án cho câu hỏi này.

“Loại tội ác chưa từng có trên hành tinh“ này không chỉ là một phương thức quan trọng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc vận dụng để “trừ khử” các học viên Pháp Luân Công mà còn là một mũi tên nhắm vào hai đích: Đó là cách thức kiếm thêm tiền thật dễ dàng về cho quân đội, cảnh sát và các quan chức chính phủ của Đảng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy luận cứ về tội ác do chính phủ hậu thuẫn này là có thật, và đến nay nó đã rõ như ban ngày, đến mức ngay cả chính phủ và truyền thông Trung Quốc cũng không thể bác bỏ nữa. Mặc dù Thời báo Tế Nam đề cập đến vấn đề buôn bán tạng, nhưng nó cũng không dám chỉ thẳng ra cái gọi là “nguồn tạng thông thường” chính là các tù nhân vô tội của đảng – các học viên Pháp Luân Công và nhiều, nhiều đối tượng khác nữa bất đồng chính kiến với Đảng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/3/18/306375.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/4/11/149686.html

Đăng ngày 19-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share